Ký ức thợ khoan

09:38 | 05/12/2011

520 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Hãy ôn lại cùng chúng tôi sự hy sinh, chịu đói, chịu rét, sáng tạo trong lao động, dũng cảm quên mình trong khó khăn gian khổ, dám đối mặt với kẻ thù khi tháp khoan chìm trong khói bom, lửa đạn vẫn đứng vững bên máy, chắc tay tời, không rời vị trí lúc máy đang khoan.

Lê Xuân Tùy (Nguyên cán bộ Đoàn 6N, Công ty Dầu khí)

Lê Xuân Tùy
(Nguyên cán bộ Đoàn 6N, Công ty Dầu khí)

Giờ phút mừng vui này các bạn đồng nghiệp nếu ai còn hãy vui lòng cùng nhau nhớ về lỗ khoan đầu tiên tại xã Tam Hiệp (gần nghĩa trang Văn Điển), huyện Thanh Trì, Hà Nội do đồng chí Bùi Kiên Quyết làm Tổ trưởng dùng máy khoan zíp 150 đạt chiều sâu 57m phải dừng vì sự cố kỹ thuật. Đây là tổ khoan được đồng chí Bùi Đức Thiệu, Đoàn trưởng Đoàn 36 lên đón từ Đoàn 105 tại xã Biển Động, Lục Ngạn, Bắc Giang. Từ ngày 20/4/1962 đến 10/7/1962, lỗ khoan mở đầu chặng đường thợ khoan Đoàn 36 thành Liên đoàn 36 và được khép lại một chặng đường ở Công ty Dầu khí 1 Thái Bình. Từ máy zíp 150 đến khoan 560 – 1.200 – 1.700 – 2.400 – 3.200 đến 5.000, lực lượng thợ khoan cũng lần lượt bổ sung về từ Đoàn 5, Đoàn 2, Đoàn 12. Đặc biệt kỹ thuật khoan thời ấy còn quá ít, không đáp ứng nhu cầu phát triển. Năm 1963-1964 mới có 4 nhân viên kỹ thuật trung cấp khoan về Đoàn 36. Đến năm 1968 mới có kỹ sư từ Bách khoa ra trường. Đặc biệt lớp kỹ sư khoan từ Liên Xô về có đồng chí Đặng Của, Đinh Văn Danh.

Về cơ cấu thời ấy 3 đội khoan 1, 2, 3 sau thành đoàn khoan do sáp nhập Đoàn 36S, 36K, sau này Đoàn 36N ra đời nghiên cứu vùng Giao Thủy, Nam Định.

Với một đội quân hùng hậu, thợ khoan của Đoàn 36 – Liên đoàn 36 và Công ty Khí 1 gồm các binh chủng thiết bị nông sâu đã khoan gần 50 lỗ khoan thăm dò tìm kiếm dầu khí vùng trũng sông Hồng. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ kiên cường của quân dân miền Bắc nói chung, thợ khoan dầu khí nói riêng của một thời khói lửa rất đáng tự hào về tinh thần sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp dầu khí.

Mong ước của Bác Hồ thành nghị quyết của Đảng, Chính phủ về tổ chức xây dựng đoàn dầu khí nói chung. Những thợ khoan là chiến sĩ thời chiến tranh đã khích lệ đến mọi người nói riêng. Với 3 đội khoan tiêu biểu thời đánh Mỹ và một đoàn khoan sâu lỗ khoan số 1 tại xã Phong Châu, Đông Hưng, Thái Bình. Đừng chớ vội nói tôi viết để cố tô son cho thợ khoan là chiến sĩ. Hãy ôn lại cùng chúng tôi sự hy sinh, chịu đói, chịu rét, sáng tạo trong lao động, dũng cảm quên mình trong khó khăn gian khổ, dám đối mặt với kẻ thù khi tháp khoan chìm trong khói bom, lửa đạn vẫn đứng vững bên máy, chắc tay tời, không rời vị trí lúc máy đang khoan. Nếu chưa kéo về vị trí an toàn mục tiêu lộ liệu tháp khoan cao, đêm điện sáng đã là mục tiêu của không quân Mỹ. Chỉ cần 2 hình ảnh đó cũng đủ nói lên mỗi người thợ khoan là một chiến sĩ.

Ngay đến giờ phút này mà chúng tôi gặp lại bạn đồng nghiệp cùng hồi tưởng lại thấy, những việc của đời thợ khoan sao mà anh dũng thế.

Các bạn biết không. Các đội khoan máy mới có một chuyên gia Liên Xô làm cố vấn về khoan. Không giỏi về sửa chữa cơ điện, thậm chí về dung dịch khoan cũng chưa có trình độ chuyên sâu. Nên hàng ngày thường có nhiều cuộc tranh luận về kỹ thuật.

Một hình ảnh đáng khâm phục đã hơn 40 năm còn khắc sâu trong ký ức tôi. Người chuyên gia nằm ngủ chập chờn trên mảnh gỗ, trên bó rạ, trên đống cần khoan qua nhiều đêm khi lỗ khoan gặp sự cố, nhiều ngày có mặt 24/24 giờ, trừ lúc về ăn cơm. Râu không kịp cạo, tóc không kịp cắt, trông như người rừng mới về. Thậm chí hút thuốc lào, ăn khoai lang luộc. Một điều mà chúng tôi bây giờ nghĩ lại sao khỏe và dẻo dai đến thế. Mỗi khi vận chuyển đến lỗ khoan mới làm gì có cần cẩu, máy móc, thiết bị có cái nặng tới 7 tấn toàn dùng sức người đưa lên hạ xuống từ xe ôtô để lắp ráp kịp thời. Kể cả dựng tháp cũng dùng sức người quay tời để dựng. Đường không có thì đắp đường mà đi. Tinh thần thi đua được khơi dậy kịp thời, gắn phong trào cho tên gọi từng công việc, từng công trình. Với khí thế mỗi người làm việc bằng hai đã giải tỏa những lúc khó khăn mỗi khi máy bay bắn phá. Như cầu Tám Tấn, Cống Lân Tiền Hải, Cống Cồn Nhất – huyện Giao Thủy, xe không chở được vật tư, gạo, thực phẩm, làm hết ca tất cả phải đi bộ 5-6 cây số vác gạo, kéo đẩy xe tự tạo chở cần ống, xi-măng vẫn vui vẻ, những đêm trăng sáng giao lưu văn nghệ với bộ đội biên phòng, bộ đội phòng không cất cao tiếng hát át tiếng bom các xã vùng ven biển của các đội khoan thời khói lửa. Một sự kiện cũng đáng để Đội khoan 3 khi xây dựng lỗ khoan tại xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy, Nam Định so sánh với lời nói của Anh hùng Nguyễn Viết Xuân: “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Nghĩa là dám chờ khi máy bay lao thẳng xuống chính mình bắn mới có hiệu quả. Đó là toàn thể thợ khoan có mặt để giữ dây quay tời kéo dựng tháp khoan. Khi tháp lên đến 450, ngựa đỡ hết tác dụng chỉ còn sức người quay tời, giữ cáp để cân bằng, nhìn như dàn tên lửa chuẩn bị phóng thì bất ngờ 2 máy bay phản lực ập đến, lao xuống thả bom làm rung động cả một vùng, xung quanh tháp khoan chìm dưới khói bom. Tất cả chỉ kịp cài chốt hãm phanh, đứng nhìn máy bay khi nó ngóc đầu lên chỉ cách đó không đầy 100m, cũng may nó không quay lại bắn phá tiếp.

Mặc dù cơm không đủ ăn, áo không ấm, phải ăn độn khoai lang, có khi đến bữa phải chờ gạo nhưng vẫn thay nhau đi gặt giúp dân mỗi khi mùa lúa chín. Chưa kể mỗi lần được lãnh đạo địa phương với bộ đội phòng không thông báo mục tiêu trên bản đồ lúc bắt được giặc lái có tháp khoan dầu khí mà tiêu điểm là tháp khoan sâu xã Phong Châu, Đông Hưng, Thái Bình… Mỗi lần như vậy, những người thợ khoan từ 36S đến các đoàn các đội là một đợt tập duyệt đồng bộ chặt chẽ hơn. Được phân công cụ thể về thường trực phòng không báo động – bộ phận cứu thương, cứu tài sản phục vụ chiến đấu kết hợp với địa phương. Tình hình chiến sự khốc liệt thì tinh thần sẵn sàng chiến đấu được coi tháp khoan là chiến trường. Song nhiều đồng chí đoàn viên thợ khoan đã viết đơn ký bằng máu được lên đường vào Nam chiến đấu. “Thầy nào, trò nấy – Tướng nào, quân ấy”… cho nên lớp thợ khoan thời chống Mỹ cũng được nấp dưới tia sáng của những anh cả, những thủ lĩnh, những cán bộ kỹ thuật tài năng, những cán bộ bộ đội tập kết chuyển ngành về dầu khí, được kết chặt thành một khối tâm hồn quyết tử cho ngành Dầu khí trong tương lai như anh Bùi Đức Thiệu, Đoàn trưởng Đoàn 36 đầu tiên là cán bộ dân chính tập kết không học chuyên môn dầu khí song tiếp cận các công nghệ rất thông minh và sáng tạo, tổng kết hàng năm rất mạch lạc, sâu sắc.

Có một điều tâm đắc từ thợ khoan thời chống Mỹ vẫn còn vang vọng đến bây giờ. Đó là chiến tranh cũng đào tạo, rèn luyện được số thợ khoan giỏi. Số cán bộ kỹ thuật tài năng và trưởng thành về mọi mặt là cái nôi đáp ứng cho đội ngũ cán bộ, kỹ thuật chuyên sâu, công nhân lành nghề cho công tác thăm dò tìm kiếm khai thác dầu khí trên thềm lục địa phía Nam sau ngày thống nhất đất nước đến nay. 50 năm qua ngành Dầu khí đã thực hiện được lòng mong muốn của Bác Hồ, xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Những người thợ khoan dầu khí chúng tôi được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo từ Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng đến thăm. Có lẽ đáng mừng, đáng tự hào vì chưa có một ngành nghề nào được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm và động viên tới 3 lần trong vòng 20 năm.

Nhân dịp kỷ niệm ngày trọng đại của ngành Dầu khí, tôi viết lại trang ký ức người thợ khoan thời khói lửa để tưởng nhớ bạn đồng nghiệp đã về cõi vĩnh hằng không được chứng kiến ngày vui lịch sử này, qua Báo Năng lượng Mới gửi tới bạn đồng nghiệp đã nghỉ hưu ở các BLL dầu khí toàn quốc nhằm khơi dậy một thời hào hùng không để mất mình cùng những hình ảnh đẹp ngày xưa. Càng trân trọng các thế hệ bây giờ đã và đang viết tiếp những trang truyền thống ngành Dầu khí Anh hùng.

L.X.T

DMCA.com Protection Status