Hợp tác dầu khí Việt - Nga qua góc nhìn của chuyên gia Nga

Kỳ VII: Chuyến đi đặc biệt của “vị tướng dầu khí” Đinh Đức Thiện

07:00 | 07/11/2021

2,544 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Tháng 9-1979 đối với tướng Đinh Đức Thiện quả là một tháng căng thẳng. Tham gia trong thành phần đoàn đại biểu do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu, vị Bộ trưởng phụ trách các vấn đề dầu khí có nhiệm vụ đi công tác tại hai nước Iraq và Liên Xô.
ky vii hop tac dau khi viet nga qua goc nhin cua chuyen gia nga
Tướng Đinh Đức Thiện - Bộ trưởng đầu tiên phụ trách công tác dầu khí của Việt Nam

Ở Mátxcơva, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lịch làm việc với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A. N. Kosygin, còn Bộ trưởng Đinh Đức Thiện sẽ có cuộc gặp gỡ không chỉ với các đối tác truyền thống trong Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Nhà nước về quan hệ kinh tế và Bộ Địa chất Liên Xô, mà còn với các đối tác tiềm năng khác, đó là các bộ, ngành ở Liên Xô đảm trách vấn đề khai thác dầu khí.

Trong vòng 1 tuần lễ, ông Đinh Đức Thiện có rất nhiều các cuộc gặp khác nhau. Trong ghi chép cuộc đàm thoại của Phó chủ tịch Ủy ban Nhà nước về quan hệ kinh tế E. I. Osadchuk và Bộ trưởng phụ trách dầu khí Việt Nam Đinh Đức Thiện, ngày

22-9-1979 (được lưu giữ tại Viện Lưu trữ kinh tế LB Nga) có viết: “Liên quan đến việc tiến hành các công việc khảo sát địa chất ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam, đồng chí Đinh Đức Thiện đã thông báo rằng vùng nước ở miền Nam Việt Nam chia thành 50 ô vuông có triển vọng, trong đó 7 ô đã được chuyển giao cho các công ty phương Tây để thực hiện khảo sát địa chất tìm dầu khí. Theo lời đồng chí Đinh Đức Thiện, lô có triển vọng cao nhất là Lô số 4, diện tích gần 7 nghìn km2, hiện chưa giao cho ai và phía Việt Nam đề nghị Liên Xô hỗ trợ bằng cách cung cấp thiết bị và vật tư, cũng như cử các chuyên gia sang Việt Nam làm việc…”.

Còn ghi chép cuộc trao đổi của Bộ trưởng Công nghiệp Dầu khí Liên Xô N. A. Malsel và Bộ trưởng Đinh Đức Thiện ngày 24-9-1979 có đoạn: “Phía Việt Nam có mong muốn rằng Liên Xô sẽ hỗ trợ trong việc tìm kiếm và khai thác dầu khí cả ở miền Bắc lẫn miền Nam đất nước, ở bất kỳ nơi nào có triển vọng tìm ra những sản phẩm này. Không chỉ thế, còn cần phải thực hiện công việc với tốc độ nhanh nhất có thể (…) Các công ty phương Tây đề nghị được ký hợp đồng thăm dò ô vuông số 4, nhưng phía Việt Nam không chấp thuận vì muốn thực hiện việc thăm dò và khai thác dầu với sự hỗ trợ của Liên Xô. Độ sâu của biển ở ô vuông này là 50m, khoảng cách từ bờ biển ra là 100-150km”.

ky vii hop tac dau khi viet nga qua goc nhin cua chuyen gia nga
Nhóm chuyên gia Xô - Việt nghiên cứu các tài liệu về tiềm năng dầu khí của thềm lục địa miền Nam Việt Nam. Ngồi giữa là ông G. P. Ovanesov, bên phải là ông V. A. Yarmolyuk, sau lưng ông là ông Lê Văn Cự (năm 1979) Ảnh tư liệu của Phòng Truyền thống Petrovietnam

Trong các cuộc gặp đó, cuộc hội kiến ngày 27-9-1979 có tầm quan trọng đặc biệt đối với Bộ trưởng Đinh Đức Thiện là cuộc gặp với vị Anh hùng Lao động Sabit Ataevich Orudzhev, Bộ trưởng Công nghiệp Khí đốt Liên Xô, người đã có công thành lập cả một lĩnh vực nhằm phát triển các mỏ dầu khí trên biển ở Liên Xô, cũng sẽ có khả năng giúp xây dựng cơ cấu tương tự ở Việt Nam. Và đây là lập trường mang tính nguyên tắc của ông Orudzhev: Song song với việc tìm kiếm dầu lửa, cần đồng thời lập ra cơ sở sản xuất ở Việt Nam để phục vụ cho việc khai thác dầu.

Bộ trưởng Orudzhev nói rằng: “Muốn xác định chương trình và các hướng đi của công việc thì cần phải nghiên cứu tất cả các tài liệu hiện có, đồng thời xem xét mọi yếu tố liên quan tới dầu ở khu vực này. Để làm việc này, Liên Xô sẽ cử các chuyên gia sang Việt Nam. Ở thềm lục địa có thể khoan sâu tới 50m mà không cần giàn khoan. Cần nghiên cứu khu vực sẽ tiến hành công việc, các điều kiện ở đây. Để tiến hành công việc cần thành lập cơ sở vật chất, cơ sở sản xuất. Cần vạch ra một kế hoạch làm việc dài hạn cho 10 năm và kế hoạch hành động cho khoảng 2-3 năm. Nếu kết quả công việc của kế hoạch 2-3 năm là tích cực thì có thể điều chỉnh kế hoạch 10 năm. Phải cử một nhóm chuyên gia Liên Xô trình độ cao sang Việt Nam. Các chuyên gia của chúng tôi sẽ cùng với chuyên gia của các bạn xem xét tài liệu, nghĩ cách thu thập những dữ liệu còn thiếu, soạn thảo chương trình công tác. Công việc phải được tiến hành dựa trên các cơ sở nghiên cứu tỉ mỉ kỹ lưỡng để khỏi phát sinh những chi phí không đáng có”.

Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Orudzhev, “vị tướng dầu khí” Đinh Đức Thiện tiếp tục gặp Chủ tịch Ủy ban Nhà nước về quan hệ kinh tế S. A. Skachkov, Phó chủ tịch Ủy ban Nhà nước về quan hệ kinh tế E. I. Osadchuk để đề nghị Liên Xô hợp tác hỗ trợ Việt Nam.

ky vii hop tac dau khi viet nga qua goc nhin cua chuyen gia nga
Tướng Đinh Đức Thiện (đứng giữa) và cố vấn về dầu khí G. A. Kostromin (đeo kính tối màu) cùng với các chuyên gia Việt Nam trong chuyến tham quan giếng dầu Cửu Long - 1 ở Đồng bằng sông Mê Kông Ảnh tư liệu của Phòng Truyền thống Petrovietnam

Trong vòng hai tháng 10 và 11-1979, căn cứ vào những thỏa thuận mà hai bên đạt được trong chuyến thăm của Bộ trưởng Đinh Đức Thiện và căn cứ vào quyết định của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ký ngày 1-10-1979, một đoàn chuyên gia bao gồm 13 nhà địa chất, địa vật chất và kỹ sư khoan của Liên Xô đã sang làm việc tại Việt Nam. Lãnh đạo đoàn là ông V. A. Yarmolyuk - Thứ trưởng Bộ Địa chất Liên Xô.

Ngày 25-10-1979, các ông Đinh Đức Thiện, Lê Văn Cự, cố vấn cho Đại sứ quán F. I. Kleimenov, nhà địa chất và kỹ sư trưởng về dầu khí G. A. Kostromin đã ra Sân bay Nội Bài đón đoàn của ông V. A. Yarmolyuk. Sau vài ngày thanh tra công việc ở Đồng bằng sông Hồng, tất cả các thành viên bay vào TP Hồ Chí Minh, tới trụ sở của Công ty Dầu khí 2, trước kia là tòa nhà của Đại sứ quán Mỹ. Công ty Dầu khí 2 được thành lập để tiến hành các công việc thăm dò tìm kiếm dầu khí ở miền Nam Việt Nam. Trong vòng hơn 2 tuần lễ, các chuyên gia Liên Xô đã làm quen với các tài liệu do các đồng nghiệp Việt Nam cung cấp. Họ nghiên cứu những tài liệu mà người Mỹ để lại, bao gồm mẫu lõi, những dữ liệu mới nhất mà các chuyên gia Việt Nam thu thập được sau khi tiến hành khảo sát địa vật lý và khoan thăm dò ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đoàn cũng đi thăm thành phố Vũng Tàu và thiết bị khoan ở bán đảo Cà Mau miền Nam Việt Nam.

Theo kết luận của đoàn chuyên gia Liên Xô, thềm lục địa miền Nam Việt Nam xứng đáng được “phát triển càng nhanh càng tốt”.

Chuyến đi làm việc và những cuộc gặp gỡ của Bộ trưởng Đinh Đức Thiện với các đồng nghiệp trong khuôn khổ các bản hiệp định liên quốc gia và liên chính phủ đã chuẩn bị cơ sở để phát triển hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thăm dò dầu khí.

Trong vòng 4 năm kể từ khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã triển khai một chương trình rộng rãi nhằm thành lập ngành dầu khí quốc gia và bắt tay vào thực hiện những bước đi độc lập để tìm mỏ dầu khí, chuẩn bị cơ sở luật pháp mới cho hoạt động ở thềm lục địa. Các chuyên gia Việt Nam đã thu được kinh nghiệm hợp tác quốc tế đầu tiên với các công ty tư bản, rút ra cho mình những bài học đầu tiên. Về phần mình, các chuyên gia Liên Xô đã khẳng định tiềm năng to lớn của thềm lục địa miền Nam Việt Nam, đồng thời có cơ hội đánh giá quy mô khối lượng công việc cần làm để hoàn tất việc thành lập ngành công nghiệp dầu khí ở miền Nam đất nước.

Dù còn phải trải qua muôn vàn thử thách, còn phải thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ, nhưng quan trọng nhất là chiến lược mới hợp tác dầu khí giữa Việt Nam và Liên Xô đã hiện ra rõ nét.

Trong vòng 4 năm kể từ khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã triển khai một chương trình rộng rãi nhằm thành lập ngành dầu khí quốc gia và bắt tay vào thực hiện những bước đi độc lập để tìm mỏ dầu khí, chuẩn bị cơ sở luật pháp mới cho hoạt động ở thềm lục địa.

(Xem tiếp kỳ sau)

Kỳ XII: Chuẩn bị tiến ra biển lớnKỳ XII: Chuẩn bị tiến ra biển lớn
ky vii hop tac dau khi viet nga qua goc nhin cua chuyen gia ngaKỳ VI: Chiến lược phát triển dầu khí ngay sau giải phóng miền Nam

Ngân Hà

DMCA.com Protection Status