Triển vọng năng lượng 2022:

Làn sóng hợp nhất thượng nguồn, áp lực thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch (Kỳ II)

10:00 | 24/12/2021

6,024 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Theo PWC, có 3 nhân tố thúc đẩy các thỏa thuận mua bán và sáp nhập (M&A) năng lượng trong năm 2022: (i) Sự không chắc chắn về chính sách. (ii) Định vị danh mục đầu tư trước những thay đổi của thị trường. (iii) Tăng cường tập trung cho an ninh và khả năng phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Làn sóng hợp nhất thượng nguồn, áp lực thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch (Kỳ II)
Trung tâm Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 tại Glasgow, Ảnh: Tư liệu.

Ngành năng lượng vận hành trong bối cảnh chính sách không chắc chắn

Trên toàn cầu, các chính sách mới được thiết kế chống biến đổi khí hậu và giảm lượng khí thải carbon đã chuyển các biện pháp khuyến khích ra khỏi lĩnh vực phát triển dầu khí. Sự xoay trục chính sách phản ánh sự ủng hộ rộng rãi của công chúng đối với năng lượng tái tạo và các yêu cầu môi trường, xã hội và quản trị (ESG) ngày càng tăng của nhà đầu tư. Những quan điểm ​​đó sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy các giao dịch chuyển đổi năng lượng trong năm 2022 khi các công ty năng lượng cố gắng bổ sung thêm nhiều tài sản công nghệ sạch và tái tạo vào danh mục đầu tư của mình.

Các chính sách của Mỹ ưu tiên đầu tư vào năng lượng xanh thay vì năng lượng truyền thống sẽ tiếp tục có ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực dầu khí. Chính sách này bao gồm các đề xuất quản lý khí mê-tan tại các giếng hiện có và ban hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các giếng mới, hủy bỏ đường ống dẫn dầu Keystone XL và đề xuất cấm khai thác mỏ trên các vùng đất liên bang. Các công ty năng lượng truyền thống phải đối mặt với một môi trường đầy thách thức khi cố gắng điều chỉnh tài sản của mình và làm hài lòng các cổ đông yêu cầu giảm lượng khí thải carbon.

Làn sóng hợp nhất thượng nguồn, áp lực thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch (Kỳ II)
Trang trại năng lượng gió Alta Wind tại khu vực sa mạc Mojave, Lancaster, California, Mỹ. Ảnh: Universal Images via Getty Images.

Trong một số trường hợp, các công ty dầu khí có thể di chuyển hoặc thoái vốn tài sản tại một số khu vực địa lý cụ thể vì bối cảnh pháp lý. Shell thông báo sẽ rời trụ sở chính ở La Hay và hợp nhất với trụ sở ở London, nơi có các chế độ thuế thuận lợi hơn cho việc mua lại cổ phiếu. Quyết định này cũng diễn ra tiếp theo sau một phán quyết của Tòa án Hà Lan yêu cầu Shell đẩy nhanh nỗ lực khử carbon.

Việc thăm dò và khai thác (E&P) nhiên liệu hóa thạch vẫn mang lại giá trị

Các chuyên gia của PWC kỳ vọng quá trình hợp nhất trong lĩnh vực thăm dò và khai thác (E&P) sẽ tiếp tục vào năm 2022. Các công ty thượng nguồn của Pureplay đã mua lại các đơn vị và tài sản khác với trọng tâm là lợi thế quy mô. Trong khi đó, các công ty lớn, dưới áp lực từ các nhà đầu tư để giảm lượng nhiên liệu hóa thạch nắm giữ, đã bán ra tài sản của mình.

Dự kiến những đợt bán hàng chiến lược này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Người mua có khả năng là các công ty tích hợp và các nhà sản xuất lớn độc lập, một minh chứng là Shell đã bán các tài sản ở bể dầu Permian cho ConocoPhillips trong năm 2021. Tương tự như giao dịch của Shell/ConocoPhillips, phần lớn hoạt động giao dịch sẽ tiếp tục tập trung vào các mỏ dầu đá phiến ở miền nam nước Mỹ. Các hoạt động giao dịch diễn ra mạnh mẽ ở bể dầu Permian, với sự quan tâm ngày càng tăng đối với các mỏ dầu đá phiến Eagle Ford và Haynesville. Southwestern Energy đã mua Indigo Natural Resources của công ty Haynesville vào giữa năm 2021 và GEP Haynesville LLC vào nửa cuối năm nay.

Làn sóng hợp nhất thượng nguồn, áp lực thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch (Kỳ II)
Các giếng khoan dầu đá phiến tại Haynesville-Bossier, miền Nam nước Mỹ. Ảnh: Comstock Resources Inc.

Nhu cầu khí đốt tự nhiên cao hơn ở châu Âu và châu Á sau đại dịch Covid-19 có thể sẽ thúc đẩy các khoản đầu tư tài sản, kể cả đầu tư chiến lược, vào sản xuất khí tự nhiên và LNG. Mặc dù có sự tập trung ngày càng tăng vào các tài sản carbon thấp, phần lớn năng lượng của thế giới vẫn đến từ dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá.

Các dự báo cho thấy nguồn cung và nhu cầu dầu tăng trong năm 2022 sẽ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất kiếm lời từ việc tăng giá trong ngắn hạn. Do đó, dự kiến các giao dịch liên quan đến các tài sản năng lượng truyền thống thịnh hành trong năm 2021 sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022. Tuy nhiên, triển vọng đối với các giao dịch E&P thuần túy sẽ bị giảm bớt do có sự chuyển hướng sang năng lượng tái tạo trong bối cảnh áp lực tập trung đầu tư vào ESG ngày càng tăng.

Ngành công nghiệp năng lượng đang trên con đường tăng đầu tư vào năng lượng xanh hơn; tuy nhiên, hoạt động M&A sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ vì động lực đạt được quy mô lớn hơn, tỷ suất lợi nhuận hòa vốn và tăng sức mạnh tổng hợp đang thúc đẩy các thỏa thuận hợp nhất./.

Thanh Bình

DMCA.com Protection Status