Lần tác nghiệp ấn tượng
Nói là ấn tượng, vì chuyến đi đó được giao lưu với các anh chị trong đoàn là các nhà báo, phóng viên nhiều kinh nghiệm đến từ các cơ quan báo chí rất có uy tín như Tạp chí Cộng sản, Tuổi trẻ, Tiền phong, Văn hóa, các cơ quan báo đài của các tỉnh đã giúp mình học tập thêm được rất nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp xúc tìm hiểu thông tin, phỏng vấn…
![]() |
Đoàn công tác “Hành trình Tuổi trẻ vì Biển đảo quê hương" rời đảo Đá Lớn C |
Vào buổi chiều tàu đang trên hải trình ra Trường Sa, khi đi ngang qua mỏ dầu khí Bạch Hổ, ngồi trước mũi tàu cùng các anh em, mình có giới thiệu đây là công trình dầu khí lớn nhất của nước ta, cũng như giới thiệu về Vietsovpetro và hợp tác hữu nghị giữa chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga, kể lại lịch sử và câu chuyện Bác Hồ thăm mỏ dầu khí ở BaCu. Thấy các anh chị cũng lắng nghe rất chăm chú và trầm trồ khi biết rằng công tác thăm dò khai thác dầu khí rất gian nan, chứ xưa nay mọi người cứ nghĩ rằng “dầu khí chỉ hút dầu lên bán”. Đặc biệt ngay thời điểm đó, giàn khoan HD981 của Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền biển, lãnh hải Việt Nam, câu chuyện về dầu khí lại thêm thu hút. Sau buổi hôm đó, mọi người cứ nghĩ mình là phóng viên.
Một kỷ niệm sâu sắc nữa là trong lần tàu HQ-571 làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hi sinh tại quần đảo Gạc Ma (bao gồm 3 đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao). Mình được đi cùng nhóm với các nhà báo, nhanh chân lên xuồng CQ cùng chạy ra xa để có thể chụp được hình ảnh lúc thả hoa, thả hạc giấy. Biển hôm đó rất động, những con sóng chồm lên làm chiếc xuồng nhỏ chở hơn chục nhà báo cứ nhào lên, nhào xuống. Thật ấn tượng khi những bức ảnh nhóm mình chụp, lại gây nhiều xúc động đến như vậy!
Khi về đất liền, mình có viết nhật ký hải trình, trong đó có sự kiện này “Trước khi đến thăm đảo Trường Sa lớn, trái tim của huyện đảo Trường Sa, tàu HQ-571 đã thả neo tại khu vực đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma ngày 02/06/2014. Đoàn đã làm lễ tưởng niệm các chiến sỹ hi sinh trong sự kiện 14/03/1988 khi quân Trung Quốc đổ bộ và đánh chiếm đảo Gạc Ma. Trong trận chiến rạng sáng 14/3, 64 chiến sĩ trên tàu HQ 604 đã hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt giữ đưa về Quảng Đông. Từ năm 1988 đến nay, Trung Quốc đã xâm chiếm Gạc Ma. Việt Nam bảo vệ được Cô Lin và Len Đao. Như thấu hiểu được tình cảm của thành viên trong đoàn, hôm đó trời đã đổ mưa, khóc cùng 200 thành viên tàu đang làm lễ tưởng niệm”
Rất nhiều hoạt động khác trên tàu đã diễn ra sôi nổi, ý nghĩa, có lẽ sẽ không thành viên nào quên được cuộc thi báo tường về chủ đề biển đảo và hành trình. Nhưng hỡi ôi, đúng ngày về thì thời tiết có áp thấp nhiệt đới, tàu lúc đi chở rất nhiều hàng ra đảo, tải trọng lớn còn đỡ, ngày về tàu nhẹ, những con sóng làm nghiêng ngả, mọi người say sóng không lết nổi dậy để viết bài nữa. Mình cùng với một vài anh chị em còn tỉnh nhất trong đội, cố gắng tiếp tục thực hiện nốt nhiệm vụ, đi xin giấy, xin keo, vẽ vẽ, dán dán và cuối cùng cũng ra được sản phẩm và đạt giải Nhì.
Sau chuyến đi, mình vinh dự được Trung ương Đoàn tặng bằng khen.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới các anh chị em, bè bạn đang công tác trong ngành Báo chí, truyền thông. Chúc các anh chị vững tay bút, sáng tâm hồn và thật nhiều sức khỏe!
Một số hình ảnh của hành trình:
![]() |
![]() |
Đảo Sơn Ca, quần đảo Trường Sa |
![]() |
Tàu Trường Sa HQ-571 |
![]() |
Tàu lên thăm nhà giàn DK1, cột mốc chủ quyền biển đảo Việt Nam |
![]() |
Nhóm làm việc chuẩn bị cho các hoạt động trên tàu |
![]() |
Tác giả cùng chị Hồ Liên - Nghệ sỹ nhà hát kịch Việt Nam, Phó chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ vì Biển đảo quê hương. Sau khi về đất liền, 2 chị em cũng có rất nhiều kỷ niệm và chuyến công tác thiện nguyện. |
![]() |
Tác nghiệp trên đảo Đá Tây |
![]() |
Sóng Trường Sa |
Đoàn Huy Toàn