Lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ

10:06 | 03/03/2020

15,817 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Từ Đình Lập tới Văn Quan rồi quay lên Tràng Định, theo chân đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đi tiếp xúc cử tri, tôi được nghe, cảm nhận và hiểu thêm khá nhiều điều lý thú, đáng suy ngẫm.

Giảm đơn vị hành chính

Đối với một tỉnh biên giới như Lạng Sơn, đất rộng người thưa, giao thông khó khăn..., việc tổ chức cho đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri không hề dễ dàng. Bởi thế, để tập hợp cử tri của vài xã đến nghe các đại biểu Quốc hội báo cáo tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh của đất nước, đồng thời các cử tri mạnh dạn phát biểu ý kiến, nêu những kiến nghị của người dân là cả một câu chuyện dài.

lang nghe thau hieu va chia se
Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh tiếp xúc cử tri tại huyện Chi Lăng

Tôi nhớ mãi lần đầu tiên theo đoàn đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc cử tri tại huyện Tràng Định, cử tri Hoàng Văn Hưng - Trưởng thôn Đâu Linh, xã Chi Lăng - cho biết, anh phải dậy chuẩn bị đi họp từ lúc 4 giờ sáng, khăn gói quả mướp như thời chiến chỉ để đến nghe, nắm bắt tình hình rồi về truyền đạt cho bà con trong thôn.

Hỏi ra mới biết, xã Chi Lăng có diện tích hơn 30km2, nhưng dân số vỏn vẹn khoảng 3.000 người, nghĩa là hơn 100 người/km2. Chính vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực tinh gọn đơn vị hành chính thôn, xã, giúp người dân tập trung sức lao động, sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Cụ thể, kể từ sau khi thôn Đâu Linh sáp nhập với thôn Nà Puộc vào năm 2019, bà con trong thôn tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống. Đầu năm, thôn còn có 26 hộ nghèo, cận nghèo, đến cuối năm chỉ còn 12 hộ nghèo, cận nghèo và có tới 30 hộ khá, giàu. Cả thôn có 100 nóc nhà, nay đã được xây kiên cố, không còn nhà ở tạm, dột nát. Anh Hoàng Văn Hưng - cho biết: “Thôn huy động nhân dân góp tiền, góp sức sửa chữa nhà văn hóa thôn có sức chứa 100 người. 100% hộ dân cải tạo xong chuồng trại chăn nuôi, nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới”.

Hy vọng đổi đời

Thực tế, việc mưu sinh của người dân luôn liên quan trực tiếp đến mọi mặt an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương. Tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, các cử tri “kêu” nhiều nhất là vấn đề đường xá, bởi mỗi một con đường là hy vọng đổi đời của hàng trăm hộ dân.

lang nghe thau hieu va chia se
Đại biểu cử tri xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định nêu vấn đề bảo vệ tài nguyên rừng

Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung mọi nguồn lực triển khai Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016-2020; ưu tiên hoàn thành tiêu chí giao thông các xã điểm trong Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2019; phấn đấu “cứng hóa” trên 350km đường giao thông nông thôn, nâng tỷ lệ “cứng hóa” đường ôtô đến trung tâm xã đạt 79%; tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá, thẩm định tiêu chí về giao thông nông thôn (tiêu chí số 2) trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Kết quả rất khả quan: Năm 2019, tỉnh Lạng Sơn đã mở mới 40,5km đường giao thông nông thôn; sửa chữa 3.450 km mặt đường xã, trục thôn, đường ngõ xóm; phát quang tầm nhìn 2.860.000m2, xây dựng mới 375km mặt đường BTXM; số xi măng sử dụng 39.100 tấn; huy động 281.500 ngày công lao động; nhân dân đóng góp bằng tiền 51.500 triệu đồng, hiến đất 55.200m2.

Hữu Lũng, Bắc Sơn, Lộc Bình, Chi Lăng, Văn Quan là những huyện đi đầu trong nhiều năm liền về phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn cả về số lượng và chất lượng.

Những con số ấn tượng đó là sự cố gắng không chỉ của chính quyền tỉnh Lạng Sơn mà trong đó còn có sự góp công, góp của của hàng nghìn hộ dân. Tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ VII Quốc hội khóa XVIII, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lạng Sơn Nghiêm Văn Hải đã nhấn mạnh rằng, dù ngân sách tỉnh còn nhiều hạn chế, khó khăn nhưng tỉnh luôn dành phần lớn cho công tác xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn. Tỉnh cũng nhận được sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là một số hộ dân tại địa phương sẵn sàng đóng góp hàng chục triệu đồng để tham gia xây dựng, sửa chữa đường xá.

Bảo vệ rừng miền biên ải

Nhiều lần nghe cử tri tại Lạng Sơn trò chuyện, tôi khá bất ngờ khi biết rằng, chỉ cần qua biên giới làm những công việc đơn giản thì người dân cũng được trả công 500.000-1 triệu đồng/ngày. Chính vì vậy, lực lượng lao động tại các tỉnh biên giới luôn được tạo điều kiện về thủ tục, thời gian xuất nhập cảnh để tìm việc làm có thu nhập cao bên nước bạn. Nhưng người dân tại Lạng Sơn luôn biết rằng đó chỉ là công việc ngắn hạn, tạm thời. Trong khi dân số ngày càng tăng, lực lượng lao động trẻ ngày càng nhiều, một trong những vấn đề được cử tri Lạng Sơn quan tâm là bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng.

lang nghe thau hieu va chia se
Các đại biểu cử tri luôn nghiêm túc ghi chép nội dung để về phổ biến cho người dân trong thôn, bản

Là tỉnh có hơn 80% diện tích đất lâm nghiệp, những năm qua, Lạng Sơn đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ người trồng rừng. Đơn cử như xã Bắc Xa (huyện Đình Lập) hiện có hơn 11 nghìn ha rừng thông, trung bình mỗi hộ trồng 10-20 ha, nhiều hộ trồng khoảng 40 ha. Đến nay, diện tích rừng thông đã cho khai thác chiếm khoảng 25%. Năm 2009, cả xã chỉ thu được 85 tấn nhựa thông, đến năm 2018 tăng lên 1.200 tấn; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt hơn 30 triệu đồng; trung bình mỗi hộ trồng thông có thu nhập 150-200 triệu đồng/năm. Ngoài xác định thông là cây chủ lực, người dân xã Bắc Xa phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Chỉ sau 2 năm triển khai, hiện nay xã đã có hơn 75 ha cây sa nhân, ba kích, tăng thêm thu nhập cho người dân. Không chỉ đẩy mạnh trồng rừng, một số hộ dân trong xã còn mạnh dạn đầu tư thành lập các tổ sản xuất chế biến gỗ cho thu nhập mỗi lao động trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Về vấn đề này, ông Trần Sỹ Thanh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Chủ tịch HĐTV PVN - khẳng định: Cần nhanh chóng xác định rừng của huyện Chi Lăng có phải là rừng tự nhiên hay không, là rừng thuộc dạng có thể phục hồi hay trong tình trạng cạn kiệt? Từ những đánh giá về tài nguyên rừng Lạng Sơn mới có các phương án phục hồi, khai thác, để nhân dân sinh sống trên địa bàn rừng núi trong tỉnh có thể triển khai trồng, khai thác rừng hiệu quả.

Thông tin mới nhất từ Văn phòng Quốc hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn đang tích cực xác định về tài nguyên rừng; sử dụng cả công nghệ cao như chụp ảnh địa hình từ trên cao, lập bản đồ 2D, 3D... để xác định, đánh giá thực trạng đất rừng trên toàn địa bàn tỉnh.

Có thể thấy rằng, mỗi buổi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri là rất đáng quý, đó là nơi thông tin hai chiều hiệu quả, để các đại biểu Quốc hội lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, giải đáp những ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri.

Chỉ tính trong năm 2019, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn nhận được hơn 3.000 ý kiến, phản ánh của cử tri. Toàn bộ các ý kiến này đều được tổng hợp, chuyển đến các sở, ngành liên quan xem xét, xử lý, trả lời bằng văn bản.

Thành Công

DMCA.com Protection Status