Luật thuế 71 khiến giá phân bón tăng cao, nông dân “điêu đứng”

13:21 | 24/06/2024

8,371 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Luật thuế 71/2014/QH13 (Luật thuế 71) ban hành 10 năm, là 10 năm phân bón không được áp thuế giá trị gia tăng (GTGT), ngành nông nghiệp chịu thiệt bao nhiêu thì người nông dân nặng gánh bấy nhiêu. Và sự chịu đựng ấy kéo dài đã 10 năm.

Người dân bỏ lúa vì giá phân bón tăng cao

Sau khi Luật thuế 71 được ban hành và đi vào cuộc sống, giá phân bón liên tục tăng cao, trong khi đó điệp khúc “được mùa – mất giá” vẫn lặp đi lặp lại khiến người nông dân rơi vào thế khó, muốn gắn bó với ruộng vườn nhưng thực tế nguồn thu nhập từ đây không được cải thiện, có thời điểm giá thành giảm sâu nhưng chi phí đầu vào tăng cao khiến người nông dân muốn từ bỏ ruộng vườn.

Anh Nghiêm Văn Cờ (Minh Tân, Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, sản xuất nông nghiệp hiện nay phải đầu tư rất nhiều loại chi phí. Đơn cử trồng lúa thì phải bỏ tiền làm đất, mua giống, thuốc bảo vệ thực vật, tiền cấy, rồi còn tiền gặt, tiền phân bón...

Luật thuế 71 khiến giá phân bón tăng cao, nông dân “điêu đứng”
Trồng lúa phải bỏ tiền làm đất, mua giống, thuốc bảo vệ thực vật, tiền cấy, rồi còn tiền gặt, tiền phân bón...

Với diện tích 1 sào lúa (Bắc Bộ), nếu chăm tốt thì thu được khoảng 250 kg thóc, 1 kg thóc chỉ bán được 8.000 - 9.000 đồng nên chỉ thu về được khoảng hơn 2 triệu đồng/sào/hơn 3 tháng.

Để thu được 250 kg thóc, người nông dân phải chi khoảng 600 - 700 nghìn đồng cho 35 - 40 kg phân bón các loại, chưa kể các chi phí khác. Như vậy, tiền phân bón đã chiếm gần 1/3 giá thành sản phẩm. Cộng thêm nhiều chi phí khác nên gần như người nông dân chỉ lấy công làm lãi và giờ họ không thiết tha gì với việc trồng lúa.

Anh Đào Xuân Minh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Tổng hợp Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ, người nông dân hiện nay sản xuất nông nghiệp phải chi rất nhiều khoản chi phí như giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, công làm đất... trong đó phân bón là mặt hàng cực kỳ quan trọng.

Tùy từng loại cây trồng người nông dân phải bón lót, bón thúc, với những loại cây từ 3 - 4 tháng mới được thu hoạch thì người nông dân phải bón phân cho cây đến 4 - 5 lần. Do đó, phân bón chiếm một phần tương đối lớn trong tổng chi phí sản xuất của bà con nông dân, xã viên.

Luật thuế 71 khiến giá phân bón tăng cao, nông dân “điêu đứng”
Nhiều nông dân bỏ ruộng để đi làm công nhân hay các công việc khác có thu nhập cao hơn

“Người nông dân đã đầu tư cây trồng thì bắt buộc phải dùng phân bón để chăm sóc cho cây phát triển. Với giá phân bón cao cùng với việc phải bỏ ra nhiều chi phí khác khiến tỷ suất lợi nhuận của nhà nông rất thấp, thậm chí không có lãi, dẫn đến nhiều người không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp”, anh Minh cho biết.

Thực tế, hiện nay cũng có rất nhiều người bỏ đồng ruộng để đi làm công nhân hay các công việc khác có thu nhập cao hơn. Chỉ những người không có điều kiện để thay đổi công việc thì vẫn phải cố gắng sản xuất nông nghiệp.

Giá phân tăng cao, thu nhập giảm xuống

Bà Nguyễn Ngọc Hiền (56 tuổi, trú tại huyện Thạnh Thới An, Sóc Trăng) cho hay, do giá phân bón tăng cao nên người làm nông sẽ rất thiệt thòi. Vì nếu giảm lượng phân bón trong các giai đoạn bón lót, bón thúc thì lúa chậm phát triển, không chắc hạt dẫn đến năng suất thấp, mà nếu bón đủ thì lại tốn thêm chi phí - kiểu gì cũng ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của bà con.

Bà Hiền mong muốn Nhà nước có chính sách giảm giá phân bón, ổn định giá phân bón để bà con nông dân được nhờ, yên tâm chuẩn bị cho mùa vụ. “Chúng tôi chỉ mua phân dùng khi cần đến, nên việc giá phân cao hoặc lên xuống thất thường cũng tác động đến việc sản xuất”, bà Hiền bộc bạch.

Luật thuế 71 khiến giá phân bón tăng cao, nông dân “điêu đứng”
Vườn cà phê mỗi năm bón phân 3 đến 4 lần chưa kể các loại thuốc chống sâu, bệnh, dưỡng trái

Trao đổi về chuyện của nhà nông, chị Nay H'Nga (trú tại huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk) ngán ngẩm nói: “Thời gian qua, giá phân bón cao trong khi giá nông sản không tăng nhiều khiến người nông dân chúng tôi dù cố gắng làm lụng nhưng chẳng có lãi mấy. Những loại phân bón có giá thấp nhất cũng tăng từ 40 đến 50%.

Với cây cà phê, mỗi năm bón 3 đến 4 lần chưa kể các loại thuốc chống sâu, bệnh, dưỡng trái. Giá cả leo thang, ngoài bón phân vô cơ (hóa học) thì chúng tôi còn áp dụng phân hữu cơ, vi sinh để tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nông sản. Dù rất vất vả, khó nhọc nhưng đành phải chấp nhận”.

Ông Nguyễn Minh Đức (59 tuổi, trú tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đợt bón thúc cho vườn cà phê ra trái, chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc rất lớn. Nhưng phải chấp nhận đầu tư vì cây cà phê thời điểm này cần lượng phân bón vừa đủ cây mới cho trái đều và chắc. Trong khi đó giá phân đang cao nên chi phí sản xuất bị đội lên - tất nhiên phải cắt giảm chỗ khác để cân đối. Nhưng lượng phân bón cho cây thì cây nào cũng cần thiết, nên tôi đành thắt lưng buộc bụng để có đủ phân bón cho cây, hy vọng sẽ thu được quả chất lượng tốt.

Luật thuế 71 khiến giá phân bón tăng cao, nông dân “điêu đứng”
Thời điểm cà phê ra trái rất cần bổ sung phân bón giúp cho trái đều và chắc

Theo ông Đức, vườn sầu riêng của nhà ông vụ rồi được mùa, mỗi cây ra hàng chục trái, sau khi thu hoạch, cây mất nhiều sức, nên cần cung cấp đủ chất dinh dưỡng để cây hồi phục và tiếp tục cho trái vụ mới. Nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho cây vẫn là phân bón nên việc phân bón giá cao ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư cho cây trong vụ mới.

Chuyên gia nói gì?

Theo PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế, Luật thuế 71 không những ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nông dân mà còn ảnh hưởng tới môi trường và nông sản đầu ra của Việt Nam. Nếu không có sự thay đổi về chính sách thuế, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với nguy cơ thay đổi chiến lược kinh doanh, nhường thị phần lại cho các sản phẩm phân bón ngoại nhập giá rẻ, kém chất lượng. Đây chính là nguy cơ lớn nhất cho ngành nông nghiệp và xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Luật thuế 71 khiến giá phân bón tăng cao, nông dân “điêu đứng”
PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế

Khi không được khấu trừ thuế GTGT thì tự nhiên phân bón nội địa “lép vế” với sản phẩm nhập khẩu. Bởi thực tế cho thấy, Luật 71/2014/QH13 còn tạo điều kiện cho phân bón nhập khẩu tràn vào Việt Nam một cách đột biến do giá thành cạnh tranh hơn so với phân bón trong nước vì chính sách thuế GTGT.

Về lâu dài, sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu không thể đảm bảo phát triển nền nông nghiệp bền vững, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ công nghiệp - nông nghiệp - nông dân và nông thôn, ảnh hưởng đến an ninh lương thực của nước nhà.

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, 60% lượng phân bón chúng ta nhập khẩu là từ Nga và Trung Quốc. Nga có chính sách thuế GTGT 20%, Trung Quốc là 11% dự kiến giảm xuống 9%. Các nước xung quanh ta như Malaysia, Indonesia, Thái Lan đều coi phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT. Ví dụ Thái Lan là 8%, Malaysia cũng xấp xỉ. Như vậy thì cả thế giới đều tính thuế GTGT cho phân bón, không trừ quốc gia nào cả. Tư duy của họ là sản xuất nông nghiệp - đối tượng cần được ưu tiên, phải được phát triển một cách bền vững để tạo nền tảng cho xã hội.

Luật thuế 71 khiến giá phân bón tăng cao, nông dân “điêu đứng”
Nếu giá phân bón không có dấu hiệu giảm, nguy cơ nông dân bỏ ruộng rất cao

Còn theo TS Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Luật thuế 71 góp phần để phân bón giả, phân bón kém chất lượng được thể tung hoành. Đã từ khá lâu, phân bón giả, phân bón kém chất lượng luôn được xem là vấn nạn trong sản xuất nông nghiệp.

Hậu quả của vấn nạn này là khá nặng nề, không chỉ đối với người sử dụng mà còn đến môi trường sinh thái... Đối với người sử dụng thì gây thiệt hại nặng về kinh tế, về tâm lý. Đối với nhà sản xuất thì ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với thương hiệu và ngành sản xuất, kinh doanh phân bón, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận.

Chính vì vậy, cần thiết phải đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng giữa các nhà sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp, cho người nông dân.

N. Hiển

DMCA.com Protection Status