Mỗi giàn khoan của Việt Nam là một cứ điểm hòa bình

14:28 | 19/05/2014

693 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nước sâu khổng lồ Hải Dương 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hiện đang gây sự phẫn nộ của nhân dân Việt Nam và dư luận cả thế giới. Không những thế, hành động này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các công ty dầu khí Việt Nam và các liên doanh dầu khí quốc tế ở Biển Đông. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Bí thư Đảng ủy Vietsovpetro Đặng Minh Hồng để biết thêm về phản ứng của Liên doanh và vai trò của những giàn khoan của Vietsovpetro, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trên Biển Đông.

Bí thư Đảng ủy Vietsovpetro Đặng Minh Hồng (bìa phải) chúc tết người lao động trên giàn Công nghệ Trung tâm số 3, mỏ Bạch Hổ, xuân 2014. (ảnh: T. Thanh)

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ quan điểm của Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) về việc Trung Quốc kéo giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam?

Bí thư Đảng ủy Đặng Minh Hồng: Tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro, công nhân viên người lao động Vietsovpetro rất căm phẫn và cực lực phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào định vị khoan ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hơn 30 năm công tác trên thềm lục địa Việt Nam, Vietsovpetro thấy đây là hành động ngang ngược nhất của Trung Quốc. Hành động này cho thấy Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Chúng tôi rất đồng tình với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức rút giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu quân sự hộ tống về nước, ra khỏi vùng thềm lục địa Việt Nam và phải xin lỗi nhân dân Việt Nam về những hành động phi pháp này.

PV: Bên cạnh đó, Đảng ủy cũng như Ban Tổng giám đốc Vietsovpetro có thêm những hành động cụ thể nào để phản đối TQ không thưa ông?

BTĐU Đặng Minh Hồng: Hiện nay, Đảng ủy Vietsovpetro quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thứ nhất, Đảng ủy Vietsovpetro làm tốt công tác tư tưởng đến mọi đảng viên và người lao động phải tin tưởng tuyệt đối vào đường lối đối nội và đối ngoại của Đảng và Chính phủ; luôn luôn xác định hành động bảo vệ chủ quyền quốc gia, chủ quyền biển đảo tổ quốc là chính nghĩa và chúng ta tự tin đấu tranh chống tất cả những kẻ nào có ý đồ vi phạm, lấn chiếm, xâm phạm vùng đất và vùng biển của Việt Nam.

Thứ hai, chúng tôi lãnh đạo tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ khai thác dầu khí ở các mỏ, các lô mà Nhà nước giao cho Vietsovpetro. Đảm bảo khai thác an toàn các mỏ Bạch Hổ, Rồng và các mỏ khác trong lô 09-1, cùng với đó là triển khai thăm dò ra các vùng nước sâu xa bờ. Đó là những nơi nằm trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà chúng ta có quyền tìm kiếm, thăm dò và khai thác. Không ai có thể ngăn cản được. Bên cạnh đó, Vietsovpetro phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hữu quan như bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển Việt Nam cùng tham gia bảo vệ biển, đảo.

Người lao động Vietsovpetro trên giàn Công nghệ trung tâm số 3, mỏ Bạch Hổ (ảnh: T. Thanh)
 

PV: Có dịp trò chuyện với nhiều bác trong ngành dầu khí đã về hưu, chúng tôi thấy đều có chung quan điểm, mỗi giàn khoan của ngành dầu khí Việt Nam phải là một cứ điểm và mỗi người thợ khoan phải là một chiến sĩ bảo vệ vùng biển đảo của tổ quốc bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

BTĐU Đặng Minh Hồng: Chúng tôi vẫn luôn xác định rằng, mỗi giàn khoan và mỗi con tàu của Vietsovpetro trên biển vừa làm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh nhưng cũng là cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo của tổ quốc trên Biển Đông và trên thềm lục địa. Mỗi giàn khoan là một pháo đài hòa bình, mỗi công nhân là một công dân đang làm việc trên giàn khoan là đang góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo trên giàn khoan. Phải khẳng định rằng, sự có mặt của Vietsovpetro cũng như tất cả các đơn vị trong ngành dầu khí trên Biển Đông là những cứ điểm, những cột mốc khẳng định chủ quyền; cùng với đó là đồng bào, ngư dân và các lực lượng khác là những chiến sĩ tham gia bảo vệ biển đảo rất hiệu quả.

PV: Với hành động ngang ngược của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam như vậy thì quan điểm của người Nga ở Vietsovpetro như thế nào thưa ông?

BTĐU Đặng Minh Hồng: Người Nga luôn có quan điểm là tất cả các nước trong khu vực ở Biển Đông đều phải tôn trọng Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 và đương nhiên, trong thâm tâm bạn luôn đứng về phía Việt Nam, như từng được chứng minh trong lịch sử. Tuy nhiên, trong những thời điểm lịch sử nhất định thì nước Nga cũng gặp những khó khăn riêng. Và phải nói thẳng ra rằng, Trung Quốc biết lợi dụng những khó khăn hiện nay của nước Nga để làm những việc sai trái đối với nhân dân Việt Nam. Điều này đã có tiền lệ, nhắc lại câu chuyện năm 1988, khi Liên Xô và Đông Âu đi vào thời kỳ khủng hoảng suy yếu thì Trung Quốc lợi dụng thời điểm này để đánh chiếm đá Gạc Ma của nước ta. Và ngày nay, khi các nước lớn đang gặp khó khăn thì Trung Quốc đã lợi dụng tình hình để quấy rối các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam.

Bí thư Đảng ủy Vietsovpetro Đặng Minh Hồng (ảnh: T. Thanh)

PV: Nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động ngang ngược ở vùng biển Việt Nam, theo ông chúng ta nên có những bước đi như thế nào?

BTĐU Đặng Minh Hồng: Theo tôi thì chúng ta nên bám sát luật quốc tế, và chúng ta tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế, trước hết là các nước trong khối ASEAN vì họ có cùng chung một số lợi ích với chúng ta. Sớm muộn họ cũng bị Trung Quốc o ép nên ASEAN phải đoàn kết, cùng đối trọng với Trung Quốc. Dứt khoát đề nghị với Chính phủ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Nhưng đây là cuộc chiến không dễ dàng. Chúng ta phải học và làm theo Bác Hồ phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Bất biến của chúng ta là độc lập dân tộc, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biển đảo. Bên cạnh đó, chúng ta có thể phải kiên trì và đấu tranh lâu dài vì hiện nay nhân dân đã có cuộc sống tương đối ổn định, ta nên có những bước đi cẩn thận, đảm bảo hòa bình, chứ nếu có chiến tranh thì sẽ không thuận lợi cho nhân dân ta, đặc biệt là ngư dân đang làm việc trên biển, cũng như ngành dầu khí đang khai thác trên Biển Đông. Chúng ta cần tiến hành đấu tranh pháp lý với Trung Quốc, cũng như lâu nay chúng ta vẫn kiên trì đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974. Trong đó, người dầu khí và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một trong những mặt trận toàn dân. Nói như Bác Hồ là toàn dân, toàn diện, trường kỳ thì mới đảm bảo cho thắng lợi trong cuộc đấu tranh này.

PV: Trên thực tế cũng có những giai đoạn lịch sử, Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam rất nhiệt tình?

BTĐU Đặng Minh Hồng: Những “cái tốt” của Trung Quốc đều có mục đích cả. Thực ra trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta, Trung Quốc không muốn ai chiếm miền Bắc cả vì như thế là áp sát biên giới Trung Quốc. Do đó, lúc đó Trung Quốc giúp mình nhưng thực ra cũng là giúp chính họ. Trên thực tế, Trung Quốc cứ ra rả nói Việt Nam vong ơn thì cũng không đúng, vì bản thân họ đều biết họ giúp Việt Nam vì mục đích gì. Trung Quốc đang tự lừa chính họ thôi.

Thời gian qua, tôi có dịp tham gia một số cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông thì thấy có hai học giả nói rất chí lý. Một học giả người Pháp nói rằng, Mỹ và Pháp không được quay lại Việt Nam vì chúng ta đã làm cho dân tộc này quá khổ đau rồi. Còn một học giả người Mỹ thì bảo, các bạn đừng quá hy vọng nước Mỹ sẽ giúp quốc gia nào đó ở Biển Đông, vì nước Mỹ đi đến đâu là có bạo loạn, có súng đạn đến đó. Nên Việt Nam phải biết rằng, ta tự lo cho chính ta. Chúng ta phải xây dựng nội lực một Việt Nam hùng cường, mạnh về quốc phòng, giàu về kinh tế, cao về dân trí… để bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng rất sợ Việt Nam đa phương hóa vấn đề Biển Đông. Và chúng ta buộc phải đa phương hóa vấn đề Biển Đông để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế là đúng đắn để cho cả thế giới biết về hành động ngang ngược của họ đối với chủ quyền, lãnh thổ biển đảo của Việt Nam.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Thiên Thanh (thực hiện)
 

DMCA.com Protection Status