Một số đề xuất hoàn thiện công tác tái cấu trúc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Kỳ 2)

08:44 | 13/09/2012

2,139 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Với cơ sở hạ tầng hiện đại, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, với quyết tâm cao của lãnh đạo và người lao động ngành Dầu khí trong công tác hoàn thiện tái cơ cấu Tập đoàn, nhất định Petrovietnam sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và nhân dân giao phó.

>> Một số đề xuất hoàn thiện công tác tái cấu trúc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

TS Nguyễn Xuân Thắng

(Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam)

(Tiếp theo và hết)

Các giải pháp hoàn thiện mô hình của PVN

Sắp xếp và đổi mới cơ cấu tổ chức theo mô hình Công ty Mẹ - Con được Chính phủ phê duyệt, cùng các giải pháp như đầu tư tài chính, phát triển thị trường, đột phá về khoa học công nghệ và đào tạo, an toàn và bảo vệ môi trường, trong đó các giải pháp đột phá về con người, về khoa học công nghệ và quản lý của bộ máy lãnh đạo và người lao động trong ngành mang tính chất quyết định, sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành trung ương, đặc biệt là sự quản lý của Bộ Công Thương và giám sát kiểm tra của Bộ Tài chính có vai trò quan trọng...

Giải pháp trước mắt, để hoàn thiện mô hình và tăng tốc phát triển cần: Tổ chức Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo hướng Công ty Mẹ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực chủ chốt như tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí… Trên cơ sở ưu, nhược điểm của mô hình tổ chức, quản lý đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thời gian qua để hoàn thiện, bổ sung phù hợp với yêu cầu khách quan của đất nước và thế giới. Tái sắp xếp các đơn vị thành viên, công ty con. Thống nhất quản lý công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, đặc biệt là hệ thống kinh doanh xăng dầu, sản xuất và kinh doanh đạm và hóa chất dầu khí, các hoạt động dịch vụ dầu khí, nâng cao năng lực cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm, thu hút các nguồn lực, kinh nghiệm quản lý từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Tập trung vào các lĩnh vực chính là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, lọc hóa dầu, công nghiệp điện, dịch vụ kỹ thuật  dầu khí cao cấp (như đóng giàn khoan, dịch vụ khoan, dịch vụ kỹ thuật dầu khí biển, bảo hiểm chuyên ngành…) trong đó, lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí là cốt lõi. Nâng cao tỷ trọng dịch vụ dầu khí chất lượng cao của Việt Nam trong cơ cấu giá thành khai thác dầu thô mà trước đây phải thuê của nước ngoài để tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.

Tiếp thu phương thức quản trị, công khai minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, công bố báo cáo thường niên, báo cáo tài chính trên các phương tiện thông tin đại chúng của tất cả các loại mô hình doanh nghiệp; giảm tỷ lệ nắm giữ phần vốn của Tập đoàn tại một số doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 và chỉ đạo của Chính phủ. Đưa cổ phiếu của một số doanh nghiệp ra niêm yết tại nước ngoài nhằm nâng cao vị thế và thương hiệu của Tập đoàn trên trường quốc tế. Mạnh dạn xử lý các đơn vị và người đại diện tại các đơn vị làm ăn thua lỗ để tập trung nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh chung.

Tập đoàn sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ xây dựng đề án tái cơ cấu Tập đoàn báo cáo Bộ Công Thương thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt với những nội dung chủ yếu là: Khẳng định lại ngành nghề SXKD chính của Tập đoàn gồm 5 lĩnh vực là tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện, dịch vụ dầu khí kỹ thuật cao, trong đó Công ty Mẹ sẽ trực tiếp thực hiện 1 số dự án trọng yếu về tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; Thống nhất quản lý các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng, dầu, đạm… để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, điều tiết kinh tế, thực hiện an sinh xã hội…; Duy trì đồng thời Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP và Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau; Tách bạch hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa các công trình dầu khí trên bờ và trên biển để có điều kiện chuyên môn hóa sâu; Xây dựng lộ trình thoái vốn đã đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn, đặc biệt là các lĩnh vực chứng khoán, xây dựng dân dụng, bất động sản, khách sạn.

Cụ thể, Tập đoàn sẽ nắm giữ tối đa 35% cổ phần tại Công ty Cổ phần PVI, chuyển đổi mô hình hoạt động của Tổng Công ty Cổ phần Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC); Đánh giá lại tình hình SXKD và tình hình tài chính của Tập đoàn và các đơn vị thành viên, xác định những khó khăn, tồn tại và đưa ra các giải pháp giải quyết đối với những đơn vị khó khăn, yếu kém, từ đó sắp xếp lại các doanh nghiệp cấp II, III và IV theo hướng thu gọn đầu mối để tổ chức hoạt động thực sự tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính và tránh trùng lắp, cạnh tranh nội bộ; Để tiết giảm chi phí, trước mắt không tổ chức mô hình hội đồng thành viên của các công ty/tổng công ty TNHH 100% vốn Nhà nước mà tổ chức mô hình Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tổng công ty/công ty.

Giải pháp thường xuyên và lâu dài

Thứ nhất, tiếp tục không ngừng hoàn thiện mô hình hoạt động, mô hình quản trị.

Thứ hai, cơ cấu lại đầu tư, hoàn thiện công tác quản trị tài chính doanh nghiệp, thường xuyên rà soát các danh mục đầu tư không sinh lời, không đầu tư vào các lĩnh vực không phải lĩnh vực chính, xây dựng lộ trình đến 2015 thoái vốn khỏi lĩnh vực SXKD chính bằng cách bán, khoán, cho thuê, sáp nhập, giải thể, đảm bảo có hiệu quả kinh tế.

Thứ ba, nâng cao năng lực, hiệu lực và quản trị doanh nghiệp, áp dụng và vận dụng phương pháp, mô hình quản trị tiên tiến trên thế giới. Quy hoạch, lựa chọn và bổ nhiệm người đại diện, người đại diện phần vốn, kiểm soát viên, kế toán trưởng theo tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp, kịp thời thay thế, luân chuyển cán bộ cho từng thời kỳ. Đối với cán bộ khoa học - kỹ thuật có trình độ cao cần bố trí và sử dụng, đãi ngộ phù hợp với khả năng, năng lực và trình độ để cống hiến. Đánh giá nghiêm túc hiệu quả công tác quản lý, điều hành hàng năm để xếp loại và phân loại phù hợp. Xây dựng và có chiến lược đào tạo từng cấp độ lãnh đạo và người lao động trong doanh nghiệp. Thường xuyên rà soát và xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, coi trọng các yếu tố thị trường, thương hiệu, cơ cấu sản phẩm, cơ cấu vốn của Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên.

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong công tác quản trị và điều hành doanh nghiệp, xác định rõ chức năng, trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, xây dựng mô hình vị trí mô tả công việc của người lao động để phát huy sức mạnh tổng hợp trong từng đơn vị.

Để thực hiện mục tiêu và giải pháp trên cần triển khai các vấn đề sau:

- Phải xác định và phân nhóm đầu tư, đầu tư theo lĩnh vực, theo ngành và phân ra theo thời kỳ.

- Việc tái cấu trúc phải quan tâm đầu tiên là tái cấu trúc đầu tư, căn cứ vào tính chất hoạt động SXKD, nhóm hoạt động theo ngành sản xuất, kinh doanh hay nhóm dịch vụ, nhóm cần thiết để đầu tư làm đầu tàu phát triển, nhóm đầu tư mang lại lợi nhuận trước mắt và lợi ích lâu dài. Đầu tư phát triển các dự án, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, có hiệu quả, đã thu xếp được vốn hoặc có phương án thu xếp vốn khả thi. Tập trung thúc đẩy các hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác các dự án trong và ngoài nước. Đưa nhanh các công trình vào khai thác, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng cũng như thu hồi nhanh vốn đầu tư.

- Các bộ, ban ngành, Chính phủ hỗ trợ Tập đoàn xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý đầu tư, quy chế tổ chức, hoạt động; Quy chế tài chính của Tập đoàn, phù hợp với tình hình đầu tư trong và ngoài nước của Tập đoàn. Hoàn thiện các đơn vị thông qua việc tăng hoặc giảm vốn Nhà nước tại các đơn vị không cần giữ hoặc giữ chi phối.

- Kiến nghị để sửa đổi và bổ sung Luật Dầu khí. Theo đó, hoạt động dầu khí không chỉ nằm trong phạm vi tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí mà còn bao gồm cả khâu trung nguồn và hạ nguồn. Hiện nay, nhiều công trình đường ống dẫn khí, các nhà máy lọc và hóa dầu, các nhà máy đạm, nhà máy điện chưa được Nhà nước đưa vào danh mục công trình để trích quỹ tài chính cho thu dọn công trình sau này đảm bảo cho công tác an toàn vệ sinh môi trường sinh thái.

- Thường xuyên đánh giá, kiểm tra, giám sát các hoạt động đầu tư, hiệu quả của dự án, đánh giá người đại diện của Tập đoàn tại các đơn vị trong việc thực thi quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ trong từng giai đoạn căn cứ vào việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Thường xuyên phân tích các chỉ số tài chính của các đơn vị, Công ty Con. Hoàn thiện việc tái cấu trúc thông qua cổ phần và CPH các đơn vị nhằm giảm vốn Nhà nước tại các đơn vị không phải là hoạt động chính hoặc không cần giữ chi phối.

- Xây dựng các tiêu chí về đầu tư vốn của Tập đoàn trong các lĩnh vực, trong từng ngành và lĩnh vực của Tập đoàn phù hợp với Nghị quyết Trung ương 3.

- Tập đoàn và các đơn vị thành viên triển khai xây dựng phương án tái cấu trúc các đơn vị trực thuộc (cấp III) thông qua việc hoàn thiện tái cấu trúc đơn vị trình Tập đoàn phê duyệt, Đảng ủy Tập đoàn và các cơ sở đảng cần quán triệt và triển khai Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI bằng cách chủ động triển khai tích cực công tác này.

Với cơ sở hạ tầng hiện đại, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, với quyết tâm cao của lãnh đạo và người lao động ngành Dầu khí trong công tác hoàn thiện tái cơ cấu Tập đoàn, nhất định Petrovietnam sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và nhân dân giao phó.

N.X.T

(Năng lượng Mới số 154, ra thứ Ba ngày 11/9/2012)

DMCA.com Protection Status