Ngành Dầu khí bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trên nhiều lĩnh vực

10:35 | 22/07/2019

2,425 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Theo TS. Nguyễn Hồng Minh - Viện Dầu khí Việt Nam, những thành tựu của ngành dầu khí đã góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trên nhiều lĩnh vực, như: cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp, cung cấp năng lượng điện, bảo đảm nhu cầu xăng dầu, góp phần phát triển hạ tầng cung cấp năng lượng.

60 năm qua ngành Dầu khí đã không ngừng nỗ lực từ những sơ khai ban đầu để xây dựng và phát triển được một hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu và phân phối tiêu thụ. Những thành tựu của ngành dầu khí đã góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trên nhiều lĩnh vực.

PetroTimes lược trích nội dung bài tham luận của TS. Nguyễn Hồng Minh, Ths. Nguyễn Thị Thanh Lê - Viện Dầu khí Việt Nam được trình bày tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia - Vai trò của ngành Dầu khí" vừa tổ chức ngày 18/7.

nganh dau khi bao dam an ninh nang luong quoc gia tren nhieu linh vuc
TS. Nguyễn Hồng Minh trình bày tham luận tại Hội thảo

Cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp từ khai thác dầu khí

Trong nhiều năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã triển khai hiệu quả hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam và nước ngoài.

Cụ thể, ở trong nước, đến nay PVN đã ký trên 108 hợp đồng/dự án dầu khí (khoảng 48 hợp đồng đang có hiệu lực) với các tập đoàn và công ty dầu khí quốc tế dưới nhiều hình thức, như: Hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC), Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), Hợp đồng điều hành chung (JOC), Liên doanh (JV)… với tổng vốn đầu tư trên 50 tỷ USD.

Từ những dòng khí đầu tiên được khai thác tại mỏ Tiền Hải C năm 1981, những tấn dầu đầu tiên được khai thác năm 1986 đến nay, ngành Dầu khí đã khai thác được trên 500 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó gần 400 triệu tấn dầu và gần 150 tỷ m3 khí.

Ở nước ngoài, PVN hiện tham gia đầu tư vào 9 dự án thăm dò khai thác dầu khí, tập trung ở Liên Bang Nga, Algeria, Malaysia, Indonesia, Venezuela, Cuba… Tại Liên bang Nga, Công ty liên doanh Rusvietpetro điều hành dự án khai thác tại khu vực Nhenhexky đang mang lại hiệu quả lớn cho hai bên tham gia.

Cho đến nay, ngành dầu khí đã khai thác được hơn 400 triệu tấn dầu và 150 tỷ m3 khí để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ kWh điện (chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện cả nước), 55 triệu tấn sản phẩm dầu (33% tổng nhu cầu xăng dầu), đáp ứng 70% nhu cầu LPG, 90% condensate.

Từ chỗ không có dầu khí, đến nay công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí đã xác định được trữ lượng dầu khí của các phát hiện tới trên 1,4 tỷ tấn quy dầu và đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam là 1,6-2,8 tỷ tấn quy dầu. Tỷ lệ cạn kiệt trữ lượng dầu khí tính đến nay (được tính bằng sản lượng cộng dồn chia cho tổng trữ lượng thu hồi cuối cùng đã phát hiện) mới đạt 38%. Đặc biệt tỷ lệ cạn kiệt trữ lượng khí mới đạt 16%.

Trữ lượng thu hồi hiện tại ở cấp 2P (xác minh và có khả năng) theo thống kê khoảng 700 triệu m3 dầu quy đổi, tập trung chủ yếu ở các bể truyền thống. Quỹ trữ lượng này có thể bảo đảm an toàn cho quy mô sản lượng hàng năm khoảng 25-28 triệu m3 dầu quy đổi khai thác trong 20-25 năm với điều kiện là việc phát triển và xây dựng mỏ phải bảo đảm tiến độ, có khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước trong những thập niên tới.

Để tìm kiếm phần trữ lượng chưa phát hiện, hiện nay PVN cùng các đơn vị khâu đầu của mình đang triển khai theo một số hướng. Trước hết là tận thăm dò quanh các mỏ đang khai thác. Hàng loạt các phát hiện Gấu Trắng, Thỏ Trắng, Mèo Trắng, Cá Tầm, Mèo Trắng Đông đã chứng minh quan điểm này là đúng đắn. Thứ hai là nghiên cứu các quan điểm mới để thăm dò lại các bể trầm tích “cũ”, như Sông Hồng, Phú Khánh. Thứ ba là tiếp tục nghiên cứu đánh giá tiềm năng các vùng nước sâu, xa bờ. Vào năm 2023, khi các dự án khai thác khí hoàn thành và đi vào hoạt động, nguồn cung khí sẽ được bổ sung hàng chục tỷ m3 mỗi năm, bảo đảm nhiên liệu cho 6-7 nhà máy nhiệt điện khí với công suất 6.000-7.000 KW.

Cung cấp năng lượng điện

PVN đã đa dạng hóa và mở rộng công suất lắp đặt các nhà máy điện khí, điện than, điện gió, thủy điện… góp phần đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng của nền kinh tế.

nganh dau khi bao dam an ninh nang luong quoc gia tren nhieu linh vuc
Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2

Từ những dòng khí đầu tiên được sử dụng cho nhà máy điện Tiền Hải công suất 35MW tại Thái Bình, PVN đã cung cấp hàng tỷ m3 khí mỗi năm các nhà máy điện Bà Rịa, Phú Mỹ1, Hiệp Phước, Nhơn Trạch, Cà Mau… trong đó có các nhà máy điện do PVN trực tiếp đầu tư xây dựng để sản xuất 30 - 40% tổng sản lượng điện quốc gia. Ngoài ra, PVN cũng phát triển đa dạng các nhà máy điện than, điện gió, thủy điện… Chỉ trong giai đoạn 2011 đến 2015, PVN đã đưa vào vận hành các nhà máy điện Nhơn Trạch 2 công suất 750MW, Phú Quý (6MW), Hủa Na (180MW), Dakdrinh (125MW), Nậm Cắt (3,2MW), Vũng Áng 1 (1,200 MW)…

Tổng công suất các nguồn điện do PVN đầu tư là 4.208MW, chiếm khoảng 10% toàn hệ thống. Các dự án điện khí Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1 và 2 đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện hiện nay ở các tỉnh, thành phía Nam, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong các tháng mùa khô. Ngành Dầu khí đã đóng góp 170 tỷ kWh điện tương đương với 30% tổng sản lượng điện cả nước, trong đó các năm 2015 - 2018, sản lượng điện bình quân đạt 21 tỷ kWh/năm.

Các nhà máy điện do PVN đang đầu tư như Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Long Phú 1… và chuẩn bị đầu tư như Miền Trung 1,2,3, Nhơn Trạch 3,4, Sơn Mỹ 1,2,3 khi hoàn thành sẽ là nguồn phát điện lớn cho đất nước, góp phần đảm bảo cân bằng an ninh năng lượng.

Bảo đảm nhu cầu xăng dầu

PVN đã mở rộng đầu tư cho các dự án sản xuất xăng dầu để nâng cao giá trị tài nguyên, tiết kiệm ngoại tệ và dần chủ động trong việc cung cấp xăng dầu.

PVN đã triển khai đầu tư và đưa vào vận hành thành công các dự án lọc hóa dầu. Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam - Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với công suất 6,5 triệu tấn/năm bắt đầu vận hành thử vào tháng 2-2009 và có sản phẩm thương mại từ tháng 5-2010. Đây là bước tiến quan trọng trong hoạt động chế biến dầu khí cũng như đánh dấu sự phát triển hoàn chỉnh chuỗi giá trị dầu khí của Việt Nam. Đến cuối năm 2018, Nhà máy Lọc Hóa dầu Nghi Sơn với công suất 10 triệu tấn/năm cũng đã đi vào sản xuất. Các nhà máy này sẽ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cho thị trường trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, góp phần ổn định nguồn cung cho thị trường năng lượng.

Ngoài ra, PVN đã và đang triển khai hàng loạt dự án mới về nhiên liệu sinh học. Đó là các nhà máy sản xuất ethanol sinh học ở Phú Thọ, Dung Quất và Bình Phước, mỗi nhà máy công suất 100 triệu lít/năm, tổng mức đầu tư 3 nhà máy là 270 triệu USD. Tuy nhiên hiện tại chỉ có nhà máy Dung Quất sản xuất được 100 triệu lít/năm, đáp ứng được 1% nhu cầu xăng dầu cả nước. Mục tiêu, đến năm 2025, với việc đưa các nhà máy trở lại hoạt động bằng công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản lượng ethanol sinh học sẽ đạt 1,8 triệu tấn, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xăng dầu của cả nước.

Đến năm 2018, năng lực sản xuất xăng dầu của PVN tăng lên đáng kể, đáp ứng được phần lớn nhu cầu trong nước và định hướng xuất khẩu trong tương lai.

Góp phần phát triển hạ tầng cung cấp năng lượng

Ngành Dầu khí Việt Nam đã xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống hạ tầng năng lượng dầu khí đồng bộ, tiên tiến, hiện đại tại miền Bắc và miền Nam trong đó tập trung chủ yếu tại thềm lục địa miền Nam, bao gồm:

Hệ thống thăm dò khai thác dầu, khí tại mỏ Bạch Hổ, Rồng - Đồi Mồi, Rạng Đông, Cá Ngừ Vàng, Sư Tử Đen-Sư Tử Vàng, Thỏ Trắng, Gấu Trắng, Thiên Ưng… tại bể Cửu Long; Lan Tây - Lan Đỏ, Chim Sáo, Hải Thạch - Mộc Tinh, Đại Hùng, Rồng Đôi Rồng Đôi Tây, Sao Vàng Đại Nguyệt… tại bể Nam Côn Sơn; PM3-CAA, Lô B, Cái Nước… tại bể Malay Thổ Chu, Báo Vàng, Thái Bình, Hàm Rồng… các bể sông Hồng;

Hệ thống đường ống thu gom, vận chuyển khí Bạch Hổ - Dinh Cố, Nam Côn Sơn 1, Nam Côn Sơn 2, PM3 Cà Mau, hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng - Thái Bình Lô 102&106, các nhà máy xử lý khí Dinh Cố, Cà Mau, trạm và đường ống phân phối khí thấp áp Phú Mỹ - Mỹ Xuân - Gò Dầu, Phú Mỹ - Thủ Đức, Tiền Hải;

Các cụm năng lượng - công nghiệp dầu khí NMLHD Dung Quất, Nghi Sơn, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, ethanol, xơ sợi, nhựa PVC, hóa chất;

Các đội tàu vận tải dầu thô & sản phẩm, hệ thống kho xăng dầu, LPG, trạm phân phối xăng dầu, hệ thống kho dự trữ dầu mỏ và các sản phẩm dầu quốc gia;

Các khu cảng dịch vụ, nhà máy đóng tàu và giàn khoan, đội tàu dịch vụ, giàn khoan biển, đất liền phục vụ cho các hoạt động khai thác năng lượng dầu khí sơ cấp.

Sự phát triển của ngành dầu khí đã tạo ra một cơ sở vật chất kỹ thuật công nghệ năng lượng khổng lồ với việc hình thành các khu kinh tế trọng điểm, các tổ hợp công nghiệp lớn, hiện đại như: khu công nghiệp Tiền Hải C, Thái Bình, khu kinh tế Nghi Sơn với Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, khu kinh tế mở Chu Lai, khu kinh tế Dung Quất với tổ hợp lọc hóa dầu Bình Sơn/Dung Quất - Quảng Ngãi, cụm khí - điện - đạm Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khu công nghiệp Phú Mỹ - Mỹ Xuân - Gò Dầu, Hồ Chí Minh ở Đông Nam Bộ; cụm khí - điện - đạm Cà Mau, khu công nghiệp Cà Mau ở Tây Nam Bộ.

Khi các dự án đường ống Nam Côn Sơn 2 và Lô B - Ô Môn hoàn thành sẽ đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng khí khu vực Nam bộ, góp phần bảo đảm nguồn cung cấp khí và sẵn sàng cho kết nối mạng đường ống trong nước và khu vực Đông Nam Á. Các dự án khí Cá Voi Xanh, lô B, LNG nhập khẩu được triển khai trong những năm 2020 tới đây cũng được dự báo là sẽ mang đến sự bùng nổ cho thị trường khí và cho nền kinh tế Việt Nam.

Tỷ trọng đóng góp của dầu khí trong cơ cấu năng lượng Việt Nam rất cao, bình quân 40% tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, khoảng 35% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay. Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp năm 2017 vào khoảng 71,9 triệu TOE với tốc độ tăng trưởng 7%/năm. Trong đó, dầu thô và các sản phẩm dầu chiếm 28,33%, khí chiếm khoảng 12,3%. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng năm 2017 là 60 triệu TOE. Trong đó, các sản phẩm xăng dầu chiếm 35%, khí chiếm khoảng 2%. Dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu khí vẫn tiếp tục tăng cao trong các thập kỷ tới.

P.V

nganh dau khi bao dam an ninh nang luong quoc gia tren nhieu linh vucNgành Dầu khí gặp khó trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
nganh dau khi bao dam an ninh nang luong quoc gia tren nhieu linh vucDầu khí giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
nganh dau khi bao dam an ninh nang luong quoc gia tren nhieu linh vucTăng cường đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

DMCA.com Protection Status