Ngành Dầu khí Việt Nam với những bước ngoặt lịch sử

14:31 | 10/06/2019

16,233 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Quá trình hình thành và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam có những bước ngoặt quan trọng gắn chặt và đồng hành cùng lịch sử đất nước.

Dầu mỏ và khí thiên nhiên được hình thành và tích tụ trong lòng đất từ hàng chục đến hàng trăm triệu năm trước đây, là tài nguyên không tái tạo. Cách đây trên 5 nghìn năm, con người đã phát hiện và sử dụng dầu khí trong đời sống. Tuy nhiên phải đến giữa thế kỷ thứ XIX, sau khi công nghệ lọc dầu và chế tạo động cơ đốt trong ra đời thì dầu khí mới trở thành một yếu tố quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, thứ ba và tiếp tục đóng vai trò không thể thiếu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay.

Từ cuối thế kỷ thứ XIX, ngay sau khi chính quyền thực dân Pháp thống trị Đông Dương, họ đã quan tâm đến việc tìm kiếm thăm dò các loại khoáng sản như than, sắt… và dầu khí. Họ đã thành công trong việc khai thác một số mỏ than và kim loại, song dầu khí thì họ chỉ phát hiện được một số vết lộ dầu ở núi Lịch (Yên Bái), đầm Thị Nại (Quy Nhơn - Bình Định)… Như vậy có thể nói rằng, ở Việt Nam ngành than và điện đã có mặt ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; còn ngành Dầu khí đến giữa thế kỷ XX vẫn chưa ra đời.

nganh dau khi viet nam voi nhung buoc ngoat lich su
Giàn Tam Đảo 01 của Vietsovpetro

1. Với tầm nhìn xa trông rộng, chỉ sau 3 năm hoàn toàn giải phóng miền Bắc (1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến lĩnh vực dầu khí, Người đã đến thăm giàn khoan dầu ở Anbani và nhà máy lọc dầu ở Bungari (1957). Ngày 23/7/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm khu công nghiệp dầu khí Bacu (Adecbaigian), khi trao đổi với các nhà lãnh đạo nước bạn, Người đã đề nghị: Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Adecbaigian nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh như Bacu.

Ngay sau đó, Chính phủ Liên Xô đã cử chuyên gia địa chất dầu khí S.K. Kitovanisang sang Việt Nam, cùng với cán bộ địa chất Việt Nam tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực địa trong 2 năm 1959 - 1961 để hoàn thành báo cáo “Triển vọng dầu khí nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Trên cơ sở báo cáo này, ngày 27/11/1961, Tổng cục Địa chất Việt Nam quyết định thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa 36, đây chính là đơn vị tổ chức đầu tiên của Việt Nam có nhiệm vụ tìm kiếm thăm dò dầu khí. Sau này Chính phủ Việt Nam đã quyết định lấy ngày 27/11 hằng năm là Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam.

Đoàn Thăm dò dầu lửa 36 sau này phát triển thành Liên đoàn địa chất 36, với sự giúp đỡ của Liên Xô, đã tiến hành tìm kiếm thăm dò dầu khí trên toàn miền Bắc, chủ yếu tập trung khoan thăm dò ở Đồng bằng sông Hồng. Tháng 3/1975 đã phát hiện các vỉa khí thiên nhiên có giá trị công nghiệp tại giếng khoan 61 Tiền Hải, Thái Bình.

2. Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Chưa đầy 3 tháng sau, ngày 20/7/1975, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Sài Gòn bàn về công tác dầu khí. Ngày 9/8/1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Đây là văn bản đầu tiên về dầu khí của Đảng, thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển toàn diện của ngành Dầu khí Việt Nam.

Ngày 3/9/1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, đánh dấu ngành Dầu khí Việt Nam ra đời.

Để hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài, ngày 9/9/1977, Chính phủ ban hành Quyết định số 251/CP thành lập Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (gọi tắt là Petrovietnam) trực thuộc Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam.

Triển khai Nghị quyết 244-NQ/TW, hoạt động thăm dò dầu khí được tiến hành ở Đồng bằng sông Hồng (tiếp tục hợp tác với Liên Xô), Đồng bằng sông Cửu Long (tự lực), ở một số lô thềm lục địa Việt Nam (ký hợp đồng với các công ty Agip - Ý, Deminex - Đức, Bow Valley - Canada); xúc tiến tìm đối tác xây dựng nhà máy lọc dầu…

Ngày 19/4/1981 bắt đầu khai thác mỏ khí Tiền Hải, Thái Bình cung cấp khí cho 2 tổ máy turbin phát điện, phục vụ cho công nghiệp địa phương.

Trong giai đoạn 1978-1980, các công ty dầu khí phương Tây không thành công trong việc thăm dò dầu khí ở một số lô thềm lục địa phía Nam, cùng với việc Mỹ tăng cường chính sách cấm vận, các công ty này chấm dứt các hoạt động dầu khí ở Việt Nam.

3. Trong hoàn cảnh đất nước bị bao vây cấm vận, ngày 3/7/1980, tại Matxcơva, Chính phủ Việt Nam và Liên Xô đã ký Hiệp định hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Ngày 19/6/1981, tại Matxcơva, hai Chính phủ Việt Nam và Liên Xô đã ký Hiệp định thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô. Đây là bước ngoặt cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.

Cuối năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã “nhìn thẳng vào sự thật” những khó khăn, khuyết điểm trong đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo mô hình tập trung bao cấp, đã quyết định phải “đổi mới tư duy”, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế.

Ngày 29/12/1987, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành, tạo điều kiện cho hoạt động dầu khí có một môi trường mới.

Ngày 7/7/1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số15-NQ/TW về Phương hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2000, khẳng định quan điểm đổi mới trong hoạt động dầu khí, tạo ra một chân trời rộng mở cho ngành Dầu khí Việt Nam lớn mạnh.

Ngày 28/6/1986, Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô khai thác tấn dầu thô đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ ở ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới.

Ngày 6/9/1988 khai thác tấn dầu đầu tiên từ tầng đá móng mỏ Bạch Hổ, sự kiện quan trọng này không những góp phần quyết định gia tăng sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam, mà còn đóng góp vào tri thức khoa học của thế giới về công nghệ thăm dò, khai thác dầu khí trong tầng đá móng. Công trình này đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Trước sự lớn mạnh của ngành Dầu khí, ngày 14/4/1992, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị quyết số 125/HĐBT đặt Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt trực thuộc Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ngày 29/5/1995, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 330/TTg thành lập Tổng công ty Dầu khí Việt Nam trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam.

Trong thời kỳ Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (1990-2006), Luật Dầu khí được ban hành (6/7/1993), Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2025 được Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 41-KL/TW (19/1/2006), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (9/3/2006), hoạt động dầu khí được triển khai mạnh mẽ. Ngoài Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô, còn có hàng chục công ty dầu khí lớn trên thế giới (ONGC, SHELL, BP, TOTAL…) kể cả MOBIL của Mỹ (sau khi Mỹ bỏ cấm vận) tham gia thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Sản lượng khai thác dầu khí tăng mạnh. Các hệ thống đường ống dẫn khí ngoài khơi và trên bờ được xây dựng. Các nhà máy xử lý khí ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà máy đạm Phú Mỹ đi vào hoạt động, khí được cung cấp cho các nhà máy điện, đạm, cho sinh hoạt (LPG), xuất khẩu dầu thô tăng, dịch vụ dầu khí được mở rộng…, lợi nhuận của ngành Dầu khí đóng góp hằng năm 20-25% tổng ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực cho đất nước. Hoạt động dầu khí còn tham gia bảo vệ và khẳng định chủ quyền trên thềm lục địa Việt Nam.

Ngày 29/8/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 198/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Quyết định số 199/2006/QĐ-TTg thành lập Công ty Mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tiếp tục phát huy thành quả của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với nhiều Tập đoàn và công ty nước ngoài thăm dò, khai thác dầu khí ở cả trong nước và ngoài nước (Malaysia, Indonesia, Algeria, Cộng hòa Liên bang Nga…). Công nghiệp khí tiếp tục phát triển. Đặc biệt tháng 2/2009, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bắt đầu vận hành, một mắt xích quan trọng cuối cùng đánh dấu Việt Nam có một ngành Dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ khâu đầu đến khâu cuối. Dịch vụ dầu khí Việt Nam vươn mạnh ra thị trường thế giới. Ngoài ra Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam còn triển khai xây dựng và vận hành nhiều nhà máy điện dùng khí, dùng than và thủy điện…

Hiện nay, cho dù tình hình chính trị, kinh tế và nhất là gíá dầu thô trên thế giới có nhiều biến động khó dự đoán, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vẫn luôn giữ vững là một trong những tập đoàn kinh tế mạnh, một đầu tàu kinh tế của Việt Nam.

Nguyễn Hiệp

(Nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam)

DMCA.com Protection Status