Nghề ăn cơm dương gian làm việc… đáy biển

08:07 | 29/08/2012

3,691 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Có những việc, dù máy móc có hiện đại hay “người máy” có thông minh đến đâu cũng không thể thay thế được bàn tay con người. Ở các công trình ngầm của công trình dầu khí ngoài biển, hằng ngày có những con người làm việc lặng thầm dưới độ sâu hàng chục mét dưới đáy biển để đảm bảo cho công trình phía trên hoạt động an toàn và dòng dầu luôn tuôn chảy. “Ăn cơm dương gian làm việc đáy biển” - đó là những anh thợ lặn trong ngành Dầu khí.

1. Công tác lặn và kỹ thuật ngầm là một chuyên ngành mang tính đặc thù cao, rất nguy hiểm và độc hại. Chính vì thế mà ở nước ta nói chung và trong ngành Dầu khí nói riêng, mức độ phát triển còn rất thấp cả về quy mô lẫn trình độ công nghệ và kinh nghiệm thực tế so với thế giới. Nói về nguy hiểm và độc hại của người thợ lặn thì nhiều vô số, song nguy hiểm nhất phải kể đến đó chính là người thợ lặn làm việc trong môi trường áp suất rất cao dưới đáy biển. Ông Phạm Giang Minh - bác sĩ sinh lý lặn thuộc Ban Lặn của Xí nghiệp Vận tải biển và Công tác lặn (Xí nghiệp VTB&CTL), đơn vị thành viên của Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro, người làm công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe thợ lặn khẳng định, môi trường áp suất cao dưới đáy biển chính là mối nguy hiểm nhất cho người thợ lặn, vì khi đi lên người thợ lặn phải thực hiện quá trình giảm áp nghiêm ngặt. Ông nói, nếu sơ suất thì họ phải trả giá rất đắt, có thể bị liệt hoàn toàn hoặc có khi là cả mạng sống, chỉ trong tích tắc.

Khi lặn xuống độ sâu 50-60m dưới đáy biển, người thợ lặn không phải thở bằng không khí có thành phần chủ yếu là ôxy giống như trên bề mặt. Họ phải thở bằng một loại khí đặc biệt gọi là không khí nén, do cung cấp khí bề mặt trên tàu lặn truyền qua ống thở hay còn gọi là dây truyền sinh xuống. Khi thợ lặn càng đi xuống sâu thì áp lực của không khí thở phải tương đương với áp suất của môi trường. Vì thế mà trong thành phần không khí thở lúc này chủ yếu có một chất khí đặc biệt gọi là khí nitơ.

Thợ lặn đang cạo gỉ chân đế giàn khoan

Nitơ là khí trơ, bình thường thì nó không tác động gì với cơ thể nhưng khi người thợ lặn xuống sâu dưới biển thì áp suất riêng phần của nitơ tăng lên. Khi đó nó có thể hòa tan vào trong máu dạng bọt khí và có thể gây ngộ độc (gọi là ngộ độc khí nitơ). Nếu như khí này vẫn tồn tại trong máu khi người thợ lặn đã lên tới mặt nước thì sẽ gây ra bệnh giảm áp. Đây cũng chính là bệnh phổ biến nhất đối với thợ lặn mà trong quá trình lặn bất cứ ai cũng gặp phải với mức độ nhẹ là gây đau buốt các khớp tay chân.

Khí nitơ khi hòa tan trong máu người thợ lặn thì nó cũng sẽ được thải ra qua hơi thở trong quá trình đi lên mặt nước. Tuy nhiên, khi đã lặn xuống độ sâu 50m nước thì quá trình đi lên không đơn giản là chỉ trồi lên một lượt như lặn ở độ sâu vài mét. Nó là cả một quá trình đặc biệt, gọi là quá trình giảm áp tại các trạm giảm áp ở các độ sâu khác nhau. Và người thợ lặn phải tuân thủ nghiêm ngặt quá trình này để có thể tống hết khí nitơ trong máu ra ngoài. Đây được gọi là quá trình mang tính “sống, còn” của người thợ lặn.

Khi lặn ở độ sâu 50-60m thì số trạm giảm áp và thời gian giảm áp cho mỗi trạm sẽ tỷ lệ thuận với thời gian làm việc dưới nước. Tức thời gian làm việc càng lâu thì số trạm giảm áp càng nhiều và thời gian dừng mỗi trạm cũng tăng lên. Ví dụ, nếu thời gian người thợ lặn làm việc dưới nước là 25 phút ở độ sâu 50m thì khi đi lên người thợ lặn phải dừng lại ở 3 trạm dừng giảm áp lần lượt là 9m, 6m và 3m so với bề mặt và với tổng thời gian phải dừng là 40 phút. Nói là trạm giảm áp nhưng thật ra đó là bất kỳ nơi nào mà người thợ lặn dừng lại, ở độ sâu xác định bởi đồng hồ đo độ sâu đeo trên tay. “Trạm” đó có thể là trên chân đế giàn khoan. Hiện tại thì xí nghiệp đang áp dụng bảng giảm áp của Hải quân Hoa Kỳ.

Nếu người thợ lặn thực hiện đúng, đầy đủ quy trình giảm áp thì họ sẽ lên bề mặt an toàn, khi ấy chỉ cần nằm nghỉ ngơi một giờ là có thể hoạt động sinh hoạt bình thường. Thế nhưng, có những tác động ngoại cảnh luôn rình rập dưới lòng biển gây cản trở quá trình giảm áp. Cụ thể, người thợ lặn có thể bị sóng biển đánh trồi lên hay tụt xuống, gặp cá dữ, hoặc những trục trặc không mong muốn về các thiết bị hỗ trợ làm quá trình giảm áp không đúng quy trình về độ sâu lẫn thời gian. Khi ấy, khí nitơ trong máu không thể thoát ra hoàn toàn nên thợ lặn bị bệnh giảm áp. Nhẹ thì đau nhức tay chân, nặng thì có thể liệt. Và khi đó, để chữa trị thì người thợ lặn phải nhanh chóng được đưa vào bồn tái nén để thực hiện lại quá trình giảm áp, sau đó mới có thể thực hiện các công đoạn chữa trị tiếp theo.

Trạm trưởng Nguyễn Viết Sử

2. Nghề lặn nguy hiểm là thế và không có chuyện “rút kinh nghiệm lần sau” như nhiều nghề khác. Nguy hiểm đặc biệt khác có thể xảy ra là khi thợ lặn làm việc với cẩu. Trong công tác lắp ráp, người thợ lặn luôn phải làm việc với thiết bị nâng hạ, trong đó có cần cẩu, mà thiết bị và người điều khiển thì trên tàu. Khi đó, người thợ lặn phải được huấn luyện như thợ móc cáp treo hàng. Sự phối hợp giữa thợ lặn và người lái cẩu phải chính xác đến từng li, mặc dù không hề thấy nhau. Các mệnh lệnh di chuyển cẩu hay nâng lên hạ xuống móc cẩu phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của thợ lặn. Vì không thấy nhau nên thợ lặn và lái cẩu phải được huấn luyện trước và thống nhất phương pháp làm việc cũng như các thuật ngữ sử dụng liên lạc.

Khi người thợ lặn xuống nước thì người hỗ trợ phía trên ví như đài không lưu khi người phi công đang bay trên trời. Người hỗ trợ trên tàu còn phải đảm bảo an toàn cho thợ lặn về hệ thống cung cấp khí trong quá trình lặn. Trong đó, công tác đặc biệt nhất có thể kể đến là của người bác sĩ sinh lý lặn trong công tác kiểm tra và chăm sóc sức khỏe cho người thợ lặn trước và sau mỗi cuộc lặn trong mỗi ngày làm việc ngoài biển. Bác sĩ Phạm Giang Minh cho biết, khi người thợ lặn ăn sáng xong thì anh tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng thể như tim mạch, huyết áp, cảm giác chủ quan, khách quan trước khi thợ lặn xuống biển làm việc. Toàn bộ các thông số sức khỏe ấy sẽ được lưu thành một tập tài liệu trong một chuyến đi biển.

3. Khác với những ngành nghề khác, quy định tuổi hưu của nghề lặn là khá sớm, 45 tuổi và đương nhiên không hề có nữ làm công việc này vì yếu tố đặc thù và nguy hiểm. Song, theo chia sẻ của anh Nguyễn Viết Sử, Trạm trưởng Trạm lặn thuộc Ban Lặn của Xí nghiệp VTB&CTL thì hiếm có ai lặn được đến tuổi hưu, mà thường là nghỉ hoặc chuyển nghề khác trước đó do sự mai một của sức khỏe sau một thời gian lặn. Anh Sử hiện đã 42 tuổi, nếu anh lặn được tới tuổi hưu thì anh sẽ là người phá kỷ lục thợ lặn làm việc lâu năm nhất của xí nghiệp. Trước đây cũng có vài anh thợ lặn làm việc đến tuổi hưu nhưng vì họ vào nghề muộn hơn so với anh Sử. Tuy khỏe mạnh và dày dạn kinh nghiệm lặn biển, nhưng khi nói về vài năm lặn nữa của mình, anh Sử vẫn không dám tự tin hay chắc chắn điều gì, bởi tất cả phụ thuộc vào sức khỏe và may mắn khi làm việc dưới đáy biển, những điều vốn dĩ rất đỗi vô thường!

Những người làm việc trên giàn khoan ngoài biển thì mỗi tháng có 15 ngày làm việc và được về đất liền nghỉ ngơi 15 ngày bên gia đình. Chỉ như thế thôi đã đủ cảm nhận được sự cực nhọc, nguy hiểm và nỗi nhớ nhà của những người làm việc nơi đây. Nhưng đặc thù công việc của những anh thợ lặn còn “khủng khiếp” hơn thế nhiều lần. Có khi họ đi hết một ca lặn trong vòng nửa tháng rồi về bờ để nghỉ ngơi, nhưng cũng có khi vừa về đất liền lúc chiều, sáng hôm sau họ lại phải tạm biệt vợ con để lên đường ra biển lặn tiếp. Tình trạng này diễn ra thường xuyên vào mùa lặn tốt nhất, do thời tiết trên biển tốt như tháng 3, tháng 4 hàng năm.

Không có quy định cụ thể nào cho số giờ lặn trong một tháng đối với người thợ lặn, cũng như không có quy định cụ thể thời gian lặn trong một cuộc lặn, tất cả phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của người thợ lặn. Song cũng có những khuyến cáo rằng, nên lặn hai ngày thì nghỉ một ngày và mỗi ngày chỉ lặn một cuộc với độ sâu khoảng 40-50m và có trạm giảm áp.

4. Nếu trên bờ, mỗi người thợ chỉ thực hiện một công việc nhất định theo từng chuyên ngành thì người thợ lặn làm việc trong các công trình ngầm dầu khí là những người “thợ tổng hợp”. Họ không chỉ biết lặn, nếu một anh thợ lặn trong ngành Dầu khí mà chỉ biết lặn thì dù có lặn giỏi đến mấy, anh ta cũng không làm được gì! Là thợ lặn giỏi, anh ta còn phải biết nhiều ngành nghề khác, bởi đặc thù công việc dưới nước chỉ có người thợ lặn mới có thể làm được; không một anh kỹ sư nào có thể làm thay nếu như anh kỹ sư ấy không phải là một… thợ lặn! Anh thợ lặn - “thợ tổng hợp” của các loại thợ như: thợ hàn cắt, thợ móc cáp treo hàng, thợ lắp ráp xây dựng, thợ vận hành máy móc thiết bị như máy cưa, mài, đào đất, cạo rỉ, phun cát làm sạch bề mặt kim loại… tất cả các nghề trên người thợ lặn phải được học và cấp chứng chỉ.

Thợ lặn đang thực hiện công tác hàn chân đế 

Máy móc thiết bị để hàn, cắt trên bờ thì không thể sử dụng dưới biển ở độ sâu vài chục mét mà phải sử dụng những thiết bị chuyên dụng khác. Ví dụ như que hàn cắt cũng đặt biệt khác so với trên bờ. Đặc biệt, đối với công tác cắt kim loại dưới biển thì phải có thêm ống dây dẫn ôxy cùng với dây điện. Điện được đưa xuống nước để vận hành các thiết bị máy móc qua một loại dây dẫn điện kín nước và tất nhiên là điện thế thấp để tránh xảy ra sự cố điện giật cho thợ lặn; thường thì điện áp sử dụng dưới nước nhỏ hơn 70V.

Công việc cụ thể của người thợ lặn dưới biển là rất đa dạng, như lắp ráp các đường ống ngầm, đấu nối giữa các đoạn ống với nhau, gia cố các đường ống với chân đế giàn khoan, hỗ trợ trong công tác xây lắp các chân đế giàn khoan như bơm trám xi măng ở các cọc đóng xuống đáy biển, khắc phục các sự cố bất thường có thể xảy ra; lắp ráp các trạm thu gom dầu thô ngoài biển… Tất cả những công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và sáng tạo, sẽ không một thiết bị máy móc hay người máy thông minh nào có thể thay thế được bàn tay con người, đó là những anh thợ lặn.

Người thợ lặn khi lặn xuống độ sâu hàng chục mét dưới biển thì không thể thiếu những thiết bị hỗ trợ chuyên dùng. Trước tiên phải kể đến đó chính là dây truyền sinh, tức là khí bề mặt được cung cấp cho người thợ lặn từ trên tàu thông qua ống dẫn. Kế đến là đồng hồ đo độ sâu, đây cũng là một thiết bị đặc biệt quan trọng đối với người thợ lặn vì nó giúp họ xác định được chính xác các trạm dừng để giảm áp. Ngoài ra còn có quần áo ấm bằng cao su để giữ thân nhiệt cho người thợ lặn và bình ôxy nhỏ mang theo bên mình để thợ lặn thở khi quay lên mặt nước trong trường hợp dây truyền sinh gặp sự cố không hoạt động được.

Tàu phục vụ cho thợ lặn Long Hải 01

5. Ai cũng yêu quý mạng sống của mình, những anh thợ lặn cũng thế, họ có cha mẹ và vợ con đang hằng ngày mong họ ở đất liền. Thử tưởng tượng một công việc mà “lưỡi hái tử thần” luôn chực chờ bất cứ lúc nào thì có lẽ không gì có thể đánh đổi để ta chọn công việc ấy, kể cả khi lương cao ngất ngưởng hay một địa vị danh vọng nào đó trong xã hội. Những người thợ lặn làm nghề không có lương cao ngất ngưởng, lương họ chỉ bằng với lương của những người làm việc trong ngành Dầu khí trên bờ. Công việc của họ cũng chẳng mang lại cho họ vinh quang hay địa vị danh vọng gì to tát trong xã hội. Vậy điều gì đã khiến họ, những người thợ lặn như anh Sử gắn bó với nghề hàng chục năm trời?! Trả lời câu hỏi này của tôi, anh Sử khẳng định: “Tất cả chỉ bằng lòng yêu nghề!”.

Tôi nói anh có nghĩ rằng, nghề lặn của mình là lựa chọn của những con người vốn giàu đức hy sinh?! Anh nhìn tôi lắc đầu, cười và bảo rằng, anh không nghĩ đó là sự hy sinh của mình, bởi thực chất có ai bắt anh làm đâu mà phải gọi là hy sinh! Từ hy sinh to tát quá anh không dám nghĩ tới. Anh làm việc vì cơ bản là bản thân anh yêu nghề, anh thấy mình hạnh phúc khi được làm nghề. Câu trả lời của anh khiến tôi càng thêm nể phục những con người “ăn cơn dương gian làm việc đáy biển” như anh Sử. Bởi hơn bất kỳ ai, chính những người thợ lặn như anh thừa hiểu một điều rằng, các anh làm việc trong môi trường độc hại nên chắc chắn sau này sức khỏe của mình bị ảnh hưởng rất nhiều. Trong lúc trò chuyện, chính anh cũng như bác sĩ Phạm Giang Minh đã một lần nói với tôi rằng: Khí nitơ độc hại sẽ tích mỗi ngày một ít trong cơ thể. Thời gian đầu và khi cơ thể còn khỏe mạnh thì chưa có biểu hiện gì nhưng sau này nó sẽ dần hủy hoại sức khỏe!

Đúng là những hy sinh cao đẹp nhất bao giờ cũng đến từ hành động chứ không phải xuất phát từ lời nói!  

Trúc Lê

(Năng lượng Mới số 150, ra thứ Ba ngày 28/8/2012)

DMCA.com Protection Status