Kỷ niệm 49 năm Ngày thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (3/9/1975-3/9/2024):

Ngô Thường San - Hành trình “tìm lửa và giữ lửa” Dầu khí (Kỳ 1)

08:08 | 01/09/2024

16,156 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Là một trong những nhân chứng lịch sử, cũng là người góp công sức, trí tuệ làm nên lịch sử vẻ vang của ngành Dầu khí Việt Nam, cả cuộc đời ông Ngô Thường San là một chuỗi cống hiến không ngừng trên hành trình “tìm lửa và giữ lửa” cho sự phát triển của ngành và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Học để trở về phục vụ đất nước

Sinh ra trong một gia đình trí thức ở Sóc Trăng, bố mẹ đều tham gia kháng chiến, năm 15 tuổi, ông Ngô Thường San tập kết ra Bắc theo chương trình của Tỉnh ủy Sóc Trăng chọn con em của những gia đình cách mạng tạo điều kiện cho ra miền Bắc học tập. Năm 1956, khi 18 tuổi, ông được Đảng và Nhà nước cử đi học tập ở Liên Xô để đào tạo đội ngũ trí thức về phục vụ xây dựng đất nước.

Ngô Thường San - Hành trình “tìm lửa và giữ lửa” Dầu khí (Kỳ 1)
Ông Ngô Thường San

Ông Ngô Thường San kể lại, hồi đó, những học sinh miền Nam được Trung ương, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo như Phạm Văn Đồng, Trường Chinh rất quan tâm, chăm lo. Khi chuẩn bị đưa đi đào tạo ở nước ngoài, các học sinh được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến tận nơi dặn dò phải cố gắng học tập để trở thành những cán bộ tốt về đóng góp cho đất nước. Lời căn dặn đó đã trở thành động lực, ý chí phấn đấu, nỗ lực của các thế hệ học sinh miền Nam như ông.

Thời điểm những năm 1956, không ai nói Việt Nam có dầu và cũng chưa có chính sách đào tạo về Dầu khí nên ông được cử sang Liên Xô để đào tạo về ngành địa chất ở Đại học Moskva. “Lúc mới qua, không biết tiếng Nga được mấy, bởi chỉ được học tiếng vài tháng rồi đưa luôn vào trường học chương trình chính thức nên thời gian đầu khi lên lớp, thầy cứ “thao thao bất tuyệt” trên bục giảng, ông ở dưới này không làm sao ghi được, bởi nghe đã khó, ghi chép còn khó hơn”, ông San kể lại. Nhưng nhờ sự giúp đỡ tận tình của các bạn Nga; họ bố trí sinh viên bản xứ, là những đoàn viên thanh niên hỗ trợ sinh viên Việt Nam, giúp đỡ trong giao tiếp tiếng Nga cũng như trong học tập và sinh hoạt. Ban đầu khi chưa bắt kịp bài giảng, sau mỗi buổi học ông mượn vở ghi chép của các bạn Nga để ghi lại và nắm bắt những ý lớn của bài. Biết sinh viên Việt Nam khó khăn, liên lạc với gia đình thời đó cũng rất hạn chế nên các “bà giáo” Nga thường mời những sinh viên về nhà vào cuối tuần để có được không khí gia đình, vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.

Trong ký ức của ông, các bà giáo Nga khi đó cũng rất nghèo, họ sống trong những căn hộ nhỏ đơn sơ chừng mười mấy m2. Tại đây họ đãi các sinh viên xa xứ những món ăn truyền thống của Nga, thường là súp và bánh mì, hoặc đưa sinh viên đi tham quan các bảo tàng, để từ đó tiếp xúc, quen dần văn hóa, lối sống, cũng như tiếng Nga. Bằng sự giúp đỡ chí tính đó, ông nhanh chóng vượt qua rào cản ngôn ngữ, nỗ lực học tập, nghiên cứu và là một trong những sinh viên tốt nghiệp ưu tú của trường.

Luôn đau đáu với nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao phó, mang trong tim lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, cùng mong muốn cháy bỏng làm sao có thể đem những kiến thức của mình được đào tạo để về phục vụ cho đất nước, bản thân ông Ngô Thường San, cũng như thế hệ những học sinh, sinh viên được cử đi đào tạo ở Liên Xô thời đó đều hết sức nỗ lực vượt mọi gian khổ, học tập tốt và sau này trở về đều có những đóng góp tích cực cho đất nước dù ở cương vị nào.

Đến với địa chất Dầu khí

Năm 1962, sau khi tốt nghiệp Đại học địa chất Moskva, ông được Bộ Đại học phân công về công tác ở Ủy ban Khoa học Nhà nước, được đồng chí Trần Quỳnh, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa chỉ đạo, quan tâm giúp đỡ và tạo điều kiện công tác. Tại đây ông cùng một số anh em là những nghiên cứu sinh đầu tiên về địa chất được cử đi đào tạo chính thức ở Liên Xô về bắt đầu quá trình nghiên cứu khoa học.

Đề tài nghiên cứu đầu tiên của ông là kiến tạo vùng Đông Bắc, tập trung nghiên cứu những khoáng sản, đặc biệt là dầu khí ở khu vực này. Sau đó Ủy ban Khoa học Nhà nước chia tách thành Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật Nhà nước và Viện Khoa học Việt Nam, theo nguyện vọng, ông Ngô Thường San được ông Trần Quỳnh khi đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước phân công về Viện Khoa học Việt Nam.

Bộ trưởng Đinh Đức Thiện phụ trách công tác dầu khí của CHXHCN Việt Nam (giữa), Phó chủ nhiệm Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Lê Văn Cự (áo trắng) và Trưởng phòng Kỹ thuật của Công ty Dầu khí miền Nam Ngô Thường San đang xem xét bờ biển (Hòn Phụ Tử, tỉnh Hà Tiên, tháng 4-1976)
Bộ trưởng Đinh Đức Thiện phụ trách công tác dầu khí (giữa), Phó chủ nhiệm Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Lê Văn Cự (áo trắng) và Trưởng phòng Kỹ thuật của Công ty Dầu khí miền Nam Ngô Thường San trong chuyến xem xét bờ biển (Hòn Phụ Tử, tỉnh Hà Tiên, tháng 4-1976) - Ảnh tư liệu

Khi Tổng cục Địa chất thành lập đoàn nghiên cứu địa chất dầu khí (Đoàn 36), tiến hành nghiên cứu về cấu trúc và tiềm năng dầu khí ở vùng trũng An Châu (Đông Bắc Việt Nam), với chuyên môn cũng như những nghiên cứu trước đó về khu vực này, ông Ngô Thường San được phân công phối hợp với Tổng cục Địa chất để nghiên cứu về An Châu.

Thời đó, do điều kiện nghiên cứu, phương tiện kỹ thuật còn hạn chế, An Châu lại là vùng rừng núi, nên việc tiến hành tìm kiếm dầu khí bằng các phương pháp địa vật lý, khoan rất phức tạp, khó khăn, chủ yếu là khảo sát địa chất bề mặt, kết hợp nghiên cứu địa hóa, thạch học, cơ lý, môi trường trầm tích...

Ông San nhớ lại, hồi đi thực địa ở An Châu hết sức khó khăn. Đầu tiên là xây dựng bản đồ địa chất, rồi dựa trên bản đồ đó, ông cùng anh em Đoàn 36, hằng ngày đi khảo sát. Mỗi nhóm thường có hai người, vừa đi vừa khảo sát, lấy mẫu đất đá. Chặng đường đi hằng ngày khoảng 30 cây số mang trên vai ba lô nặng hơn 20kg đựng mẫu đất đá và thức ăn dự trữ, liên tục như thế khoảng 5-6 ngày khi ba lô đầy đá thì đến huyện nào đó dừng lại mua thức ăn dự trữ, chủ yếu là bo bo rồi tiếp tục đi, còn mẫu thì gửi về cơ quan phân tích.

Sau này anh em đi cùng vẫn thường kể lại rằng, đi với ông San phải chuẩn bị một chiếc bật lửa với một ít xăng. Vì đi ở vùng núi thường không có nhà cửa, mặc dù trên bản đồ có vẽ những điểm dân cư nhưng phần lớn đó là nơi ở của đồng bào H’Mông, họ sống du canh du cư, nên khi vẽ trên bản đồ có người dân sinh sống, nhưng đến nơi lại không có nhà để xin nghỉ nhờ thì phải ngủ lại ở rừng. Những lúc như vậy ông thường tìm chỗ ven suối, có tre nứa xung quanh chắn gió và dùng xăng mang theo để đốt cỏ tạo một khoảnh đất để ngủ và cũng để xua côn trùng đi. Sau đó ông chặt một cây nứa xuống rồi cứ nằm lên trên cây nứa đó ngủ. Khi hết nước uống ông cũng ít khi uống nước suối mà lựa những cây bương tươi xanh, trong đó có nước để lấy uống. Ông và Đoàn 36 cứ nghiên cứu thực địa như vậy suốt từ năm 1965 đến những năm 1970, 1971.

Những kết quả nghiên cứu về tiềm năng dầu khí vùng An Châu để lại đến nay vẫn là cơ sở, tài liệu quan trọng để những nhà khoa học dầu khí hiện nay tiếp tục có những nghiên cứu sâu hơn về tiềm năng của vùng trũng này. Gắn với công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên của mình, ông Ngô Thường San đã đặt tên cho con gái đầu lòng là An Châu.

Sau khi kết thúc nghiên cứu về An Châu, ông Ngô Thường San chuyển sang nghiên cứu ở vùng biển ven bờ Vịnh Bắc Bộ, trong đó có Vịnh Hạ Long. Song song với thời điểm đó, giai đoạn 1973-1974, Ủy ban thống nhất đặt vấn đề với ông Ngô Thường San về việc tham gia nghiên cứu, tập hợp tài liệu về triển vọng dầu khí của thềm lục địa phía Nam, để chuẩn bị phát triển công nghiệp dầu khí sau giải phóng miền Nam.

Khi đất nước thống nhất, năm 1975, Bí thư Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng có chủ trương chọn những cán bộ miền Nam về xây dựng quê hương. Cùng với một số cán bộ lúc bấy giờ là ông Đào Duy Chữ (cán bộ của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước), ông Vũ Trọng Đức (cán bộ của Tổng cục Hóa chất), ông Hồ Đắc Hoài (cán bộ của Tổng cục Địa chất), ông Ngô Thường San được điều vào miền Nam để thu thập tất cả các tài liệu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn về dầu khí để đánh giá tổng hợp về tiềm năng dầu khí thềm lục địa phía Nam Việt Nam.

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, nhóm của ông đã hoàn thành nhiệm vụ và khoảng cuối tháng 7/1975, ông Ngô Thường San được giao thay mặt nhóm báo cáo trước Bộ Chính trị về đánh giá tiềm năng, phân chia khu vực triển vọng dầu khí thềm lục địa miền Nam Việt Nam. Báo cáo của nhóm được đánh giá cao, củng cố lòng tin cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước về phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Đây cũng là báo cáo được Trung ương sử dụng và làm cơ sở để có quyết định thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt, cũng là cơ sở để Bộ Chính trị quyết định về phát triển ngành Dầu khí, như một động lực kinh tế để xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Xem tiếp kỳ sau...

Mai Phương

DMCA.com Protection Status