Người Nga với ngành Dầu khí Việt Nam: Nửa thế kỷ đồng hành và truyền lửa
Đào tạo, chuyển giao công nghệ - nền móng cho ngành Dầu khí Việt Nam
Từ những năm đầu tiên khi đất nước còn chưa có một ngành công nghiệp dầu khí đúng nghĩa, Liên Xô cũ (nay là Liên bang Nga) đã chủ động đào tạo đội ngũ cán bộ cho Việt Nam, coi đó là phần thiết yếu trong chiến lược hỗ trợ một cách bài bản và lâu dài. Hàng nghìn kỹ sư, chuyên gia đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam, trong đó có những người sau này trở thành lãnh đạo cao cấp của Petrovietnam được học tập, rèn luyện tại những trường đại học hàng đầu của Liên Xô như Baku hay Gubkin.
“Từ những năm 1950, Liên Xô bắt đầu tiếp nhận sinh viên Việt Nam sang học tập. Đặc biệt, kể từ năm 1958, những cán bộ Việt Nam đầu tiên được đào tạo tại Trường Đại học Dầu - Hóa Baku và Trường Dầu khí Gubkin đã trở thành những viên gạch nền móng đặt nền tảng cho ngành Dầu khí non trẻ của đất nước. Thời điểm ấy, Việt Nam còn chưa có ngành Dầu khí, nhưng Liên Xô đã chủ động đào tạo cho chúng ta đội ngũ kỹ sư, chuyên gia để chuẩn bị cho một ngành công nghiệp tương lai. Đó là sự giúp đỡ mang tầm chiến lược”, bà Hà chia sẻ.
Một chi tiết đáng nhớ là sinh viên Việt Nam khi ấy được hưởng mức sinh hoạt phí thấp hơn 20 rúp mỗi tháng so với các nước khác, nhằm tăng số lượng du học sinh. Bà Hà nhớ lại: “Chúng tôi vui vẻ nhận 70 rúp thay vì 90 rúp như sinh viên các nước khác. Đó là lựa chọn tự nguyện và chỉ riêng Việt Nam mới được Liên Xô chấp thuận. Nhờ đó, mỗi năm thay vì 400, có thể có tới 500 sinh viên Việt Nam được sang Liên Xô học tập”.
![]() |
Bà Phạm Thị Thu Hà, nguyên Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam. |
Với tầm nhìn dài hạn và thiện chí đặc biệt, phía bạn đã tận tình giúp Việt Nam đào tạo những lớp cán bộ đầu tiên. Trong suốt nhiều thập kỷ, đã có hàng vạn người Việt tốt nghiệp từ các trường đại học Nga và Liên Xô cũ, trong đó ngành Dầu khí chiếm tỷ lệ rất lớn. Nhưng quan trọng hơn, đó là lớp người mang trong mình không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn mang một tinh thần nghề nghiệp mẫu mực - điều mà nhiều người cho rằng vẫn còn vẹn nguyên giá trị cho đến hôm nay.
Dù số lượng sinh viên Việt Nam sang Nga học tập hiện nay đã giảm, khi có nhiều lựa chọn quốc tế khác, nhưng theo bà Hà, “nền móng mà người Nga để lại là vô giá. Không chỉ là kiến thức mà còn là đạo đức nghề nghiệp, tinh thần hợp tác và tình người”.
![]() |
Bà Phạm Thị Thu Hà và các thế hệ cựu sinh viên trường Dầu khí Gubkin - Nga. |
Vietsovpetro - Biểu tượng hợp tác bền vững Nga - Việt
Sau khi có nguồn nhân lực, công nghệ và phương pháp làm việc là điều kiện thiết yếu để hình thành ngành. Sự ra đời của Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (sau này là Vietsovpetro) vào năm 1981 là dấu mốc có tính quyết định. Khi đó, người Nga đã đem sang toàn bộ hệ thống thiết bị, công nghệ khai thác hiện đại, phương pháp quản lý giàn khoan, vận hành mỏ biển, đồng thời “cầm tay chỉ việc” cho các kỹ sư Việt Nam. Họ không giấu nghề, không chỉ làm thay, mà luôn truyền đạt để người Việt có thể tiếp quản. Hình ảnh người Nga trong vai trò kỹ sư trưởng, giàn trưởng, kèm cặp từng kỹ sư trẻ Việt Nam, rồi dần dần rút lui để người Việt điều hành độc lập chính là mô hình chuyển giao công nghệ kiểu mẫu mà Petrovietnam đã từng trải nghiệm và gìn giữ như một giá trị cốt lõi.
“Một trong những thành tựu đỉnh cao của sự hợp tác này chính là việc khai thác thành công dầu dưới tầng đá móng tại mỏ Bạch Hổ - điều mà trước đó chưa ai làm được. Khi hầu hết các chuyên gia quốc tế cho rằng dưới đá móng không thể có dầu, các nhà khoa học Nga - Việt đã cùng nhau chứng minh điều ngược lại. Thành công ấy không chỉ giúp ngành Dầu khí bứt phá, đóng góp hàng trăm tỷ đô la cho đất nước, mà còn được ghi nhận bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ - niềm tự hào của cả hai dân tộc”, bà Hà chia sẻ.
![]() |
Vietsovpetro bắt đầu khai thác dầu từ móng mỏ Bạch Hổ - bể Cửu Long kể từ ngày 6/9/1988. Nhiều mỏ dầu trong tầng chứa móng nứt nẻ sau dó lần lượt được phát hiện và đưa vào khai thác hiệu quả ở Việt Nam cho đến nay. |
Công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong tầng đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” vào năm 2012. Đây là công trình xuất phát từ thực tế tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu thô tại nước ta thuở sơ khai, được đánh giá là bước ngoặt của ngành Dầu khí Việt Nam cũng như thế giới. Bởi nước ta đã tìm ra dầu trong tầng đá móng nứt nẻ. Phát hiện này đã đánh đổ hoàn toàn khái niệm dầu không có trong tầng móng của ngành khoa học dầu khí thế giới trước đó.
Theo đó, Vietsovpetro đã phát hiện và bắt đầu khai thác dầu từ móng mỏ Bạch Hổ - bể Cửu Long kể từ ngày 6/9/1988. Nhiều mỏ dầu trong tầng chứa móng nứt nẻ sau đó lần lượt được phát hiện và đưa vào khai thác hiệu quả ở Việt Nam cho đến nay.
Đằng sau những con số và thành tích kỹ thuật là một tình cảm gắn bó hiếm có. Bà Phạm Thị Thu Hà vẫn nhớ rõ những ngày sống cùng chuyên gia Nga trong lán trại để khảo sát tuyến ống dài 600km từ Việt Nam sang Viêng Chăn - Lào (nhưng sau này không thực hiện). Theo bà, các chuyên gia Nga không nề hà điều kiện khó khăn, chia sẻ từng bữa ăn, giấc ngủ với đồng nghiệp Việt, cùng làm việc từ thực địa đến phòng điều hành. Nhiều người gắn bó đến mức sau này đưa cả gia đình sang sống tại Việt Nam, không chỉ vì công việc, mà vì tình yêu thực sự dành cho Việt Nam.
“Ngày nay, phần lớn giàn khai thác của Vietsovpetro và các đơn vị thành viên đều do người Việt điều hành. Đội ngũ lãnh đạo của Petrovietnam cũng có rất nhiều người trưởng thành từ Vietsovpetro. Có thể nói, người Nga đóng vai trò như người thầy tận tụy, người bạn trung thành và người đồng hành kiên trì trong suốt chặng đường hình thành và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam”, bà Hà cho biết.
Từ đào tạo đến chuyển giao, từ những giàn khoan đầu tiên đến hệ thống mỏ biển hiện đại, từ những tấn dầu đầu tiên đến hàng trăm triệu tấn dầu khai thác, ngành Dầu khí Việt Nam đã trưởng thành và lớn mạnh, mang lại nguồn thu ổn định cho đất nước suốt nhiều thập kỷ. Và trong hành trình đó, người Nga luôn hiện diện không chỉ như một phần lịch sử, mà như một phần máu thịt của ngành. Họ không chỉ giúp Việt Nam có một ngành Dầu khí, mà còn truyền lại cho chúng ta cách để làm chủ và tự tin bước tiếp.
“Theo tôi, trong suốt 50 năm qua, vai trò của người Nga, đặc biệt là trong thời kỳ Liên Xô đối với sự hình thành và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam là vô cùng to lớn. Sự giúp đỡ ấy không chỉ mang tính kỹ thuật, vật chất, mà còn là tình cảm chân thành và sâu sắc. Nhiều thế hệ người Việt Nam đến nay vẫn luôn ghi nhớ và biết ơn, bởi chính nhờ sự hỗ trợ ấy mà chúng ta mới có được một ngành Dầu khí vững mạnh như ngày hôm nay”, bà Phạm Thị Thu Hà nhận định.
Đình Khương