Người tử tù Côn Đảo với ngành dầu khí

16:20 | 07/04/2011

2,997 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tôi được phân công viết chân dung ông Nguyễn Ngọc Sớm, một người khẳng khái đầy cá tính đã có những đóng góp đáng kể cho ngành dầu khí Việt Nam...

Tôi tìm đến nhà ông ở số 207 Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Vũng Tàu, tại đây tôi chỉ gặp được bà Tạ Thị Thọ vợ ông, còn ông sau khi hoàn thành trách nhiệm của một người Cộng sản chân chính, ngày 22 tháng 1 năm 2003 ông đã thanh thản đi về cõi vĩnh hằng yên nghỉ. Thế là những tâm sự buồn vui, những nỗi niềm trăn trở của một cuộc đời hiển hách, gian nan tôi đã không còn cơ hội được nghe ông kể lại.

Nhà tù Côn Đảo (Ảnh: Trituedaukhi).

Bà Tạ Thị Thọ đưa tôi xem quyển lý lịch chật ních chiến công của ông thời kỳ chống Pháp, nhưng đó chỉ là những con số thống kê khô khan theo trình tự của thời gian, xử lý nó để dựng nên chân dung một con người đầy bản lĩnh như ông, với tôi thật quá sức. May sao, trong khi lục tìm tập hồ sơ lưu trữ của gia đình ông, tôi vớ được một bài báo của nhà báo, nhà thơ Phạm Văn Đoan viêt về ông đã in ở nhiều báo, sau đó năm 2001 tập kỷ yếu “XNLD Vietsovpetro 20 năm xây dựng và phát triển” đã in lại. Sinh thời ông đã đọc và rất tâm đắc bài báo này, trong đó có nhiều cứ liệu về ông đã được ông công nhận. Không những thế bài báo đã phản ánh tính cách trung thực của một người Cộng Sản chân chính được thể hiện ở những lúc cam go nhất. Một phác họa với những đặc trưng độc đáo mà bạn đọc chắc chắn sẽ dễ dàng nhận ra chân dung của ông, thậm chí có thể suy rộng ra là chân dung của những người thuộc thế hệ ông, những người đã tạo ra một hệ ý thức chân chính cho dân tộc mà hệ quả của nó đã trở thành biểu tượng của các dân tộc đứng lên giành độc lập. Bài báo có tên “ Người Tử Tù Côn Đảo Với Ngành Dầu Khí”, được viết bằng thứ văn phong khá giản dị, mạch lạc, ngắn gọn, không màu mè, như đúng tính cách mạnh mẽ, quyết đoán và có nguyên tắc của ông. Tôi phải xin phép nhà thơ Phạm Văn Đoan được dẫn ra đây nguyên văn bài viết đó, bởi có những cảm xúc không thể kể lại bằng bất cứ phương tiện chuyển tải nào. Nó phải được giữ nguyên vẹn để đi thẳng vào tâm hồn người đọc bấy giờ.

“ Ông đã nghỉ hưu năm 1990 sau khi ở ngành dầu khí chuyển sang làm phó chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu Vũng tàu Côn Đảo. Cuộc đời của ông là biểu hiện tập trung, rực rỡ của những gì tốt đẹp nhất được sản sinh trong suốt hai giai đoạn lịch sử Cách mạng vĩ đại của dân tộc: đấu tranh giành độc lập tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội

Tên ông là Nguyễn Ngọc Sớm, một cái tên mang đầy chất dân dã Nam bộ nhưng cùng với thời gian đã in sâu vào ký ức nhiều người

Ông quê ở Sa Đéc ( nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), năm 1944 ông làm thợ điện quấn môtơ ở Gò Vấp và tham gia công tác biệt động ở sài gòn –Chợ Lớn, sau đó ông trở thành người chỉ huy Ban công tác 1. Ban này là một tổ chức biệt động, là đơn vị vũ trang đầu tiên của khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn- Gia Định

Năm 1947, ông bị địch bắt và cuối năm 1948 đã bị tòa án thực dân Pháp kết án tử hình, sau đó chúng đày ông ra Côn Đảo. Chúng không thi hành được bản án vì sự đấu tranh quyết liệt của tù nhân chính trị trên đảo. Năm 1954, ông được trao trả tại Sầm Sơn – Hải Phòng. Năm 1960 ông được cử đi học đại học chuyên ngành về địa chất ở Liên Xô.

Ngay từ những ngày đầu khi Sài Gòn vừa được giải phóng, ông nhận được quyết định 01 của Tổng cục địa chất, lên đường vào Nam tìm dầu cho Tổ quốc. Đây là giai đoạn mà mỗi sự kiện đều xứng đáng là là một dấu mốc ghi nhận sự trưởng thành của ngành dầu khí nước nhà

Năm1976, Tổng cục dầu khí ký hợp đồng thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía Nam với các công ty: Agip của Italy, Deminex của Tây Đức và Bow Valley của Canada. Họ yêu cầu phải có ngay căn cứ dịch vụ ở trong bờ để đảm bảo những hoạt động dịch vụ dầu khí, bao gồm: Cầu cảng cho tàu 10 ngàn tấn ra vào, đi theo nó là một hệ thống đồng bộ kho tàng, bến bãi đủ khả năng tiếp nhận và bảo quản những khối lượng vât tư, thiết bị kỹ thuật cồng kềnh, chính xác và hiện đại. Đồng thời phải có ngay hệ thống cung cấp xăng dầu, nước ngọt cho tàu ra vào cảng và đội ngũ làm dich vụ ăn ở đi lại cho con người của họ. Nếu chúng ta không đáp ứng được các yêu cầu đó thì họ sẽ đặt căn cứ dịch vụ tại Singapore. Mà nếu điều này xảy ra, có nghĩa là chúng ta tự tước bỏ quyền chủ động của nước chủ nhà, mặt khác lại mất đi một khoản thu ngoại tệ không nhỏ từ công việc dịch vụ cho họ.

Đứng trước một nhu cầu bức xúc, lãnh đạo Tổng cục dấu khí đã chọn bãi Sú, Vẹt cửa sông Dinh trong thị xã Vũng Tàu (lúc đó còn thuộc tỉnh Đồng Nai), làm địa điểm xây dựng căn cứ dịch vụ. Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt dự án nói trên. Công ty Comex xin bao thầu trọn gói với giá 25 triệu đôla Mỹ. Tổng cục dầu khí đề nghị Chính phủ cho tự mình thi công. Chính phủ chuẩn y đề nghị trên và cấp cho dự án này 75 triệu đồng Việt Nam tương đương 15 triệu đô la Mỹ, kèm theo mệnh lệnh: 100 ngày phải hoàn thành. Có ý kiến bấy giờ còn lo ngại, cho rằng người Việt Nam không thể hoàn thành một khối lượng công việc lớn như vậy trong một thời gian ngắn như thế. Sau khi lựa chọn cân nhắc kỹ lưỡng, Tổng cục dầu khí đã ban hành quyết định giao cho ông Nguyễn Ngọc Sớm chức vụ giám đốc Công ty dầu khí Nam Việt Nam, thủ tướng chính phủ giao tiếp trách nhiệm Trưởng ban quản lý công trình xây dựng căn cứ dịch vụ dầu khí tại Vũng Tàu cho ông và phát lệnh khởi công. Ông được phép toàn quyền điều hành công việc xây dựng một công trình đặc biệt quan trọng và cấp bách này.

Tiến độ thi công đang ở giai đoạn cao trào, quyết liệt, bỗng nhiên có lệnh đình chỉ việc thi công để kiểm tra tài chính. Ông khẳng khái tuyên bố: “Tôi nhận lệnh của Thủ tướng, muốn đình chỉ phải có lệnh của Thủ tướng, còn việc kiểm tra xin mời các anh cứ việc.” Tính kỹ luật trong việc chấp hành mệnh lệnh và bản chất trung kiên, dũng cảm của người lính đã hun đúc nên một thái độ kiên quyết đầy bản lĩnh như ông. Sau một tuần đoàn kiểm tra làm việc, không phát hiện dấu hiệu sai phạm nào, công việc lại được tiến hành nhịp nhàng đồng bộ. Và, như chúng ta đã biết, công trình này được hoàn thành trong vòng 90 ngày, vượt trước kế hoạch 10 ngày. Khi nghiệm thu, các chuyên gia đã đánh giá: Công trình đạt chất lượng rất tốt. Kết quả này đã đánh tan mối lo ngại trước đó và cảm hóa được thái độ do dự của các đoàn chuyên gia tư bản đang chuẩn bị vào làm dầu khí ở Việt Nam.

Hai mươi năm sau, vào ngày 26/11/1997, xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro tổ chức lễ mừng công và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, ông đã được mời dự với tư cách là đại biểu danh dự. Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã tặng ông pho tượng bằng đá cẩm thạch màu trắng tạc hình một con hổ cưỡi trên sóng biển, hàm ý ghi nhận công lao đóng góp của ông từ những ngày đầu, đối với vùng mỏ Bạch Hổ mà hiện nay xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đang khai thác…”

Bài viết trên càng thôi thúc tôi tìm lại , phục hiện đầy đủ hơn, dưới dạng một bút ký chân dung về một gương mặt lớn của ngành dầu khí, qua nhiều nguồn tư liệu. Tôi đã gặp gỡ nhiều nhân chứng, phần lớn là đồng nghiệp, đồng chí, những người cùng làm việc với ông. Nhiều người trong số đó hiện vẫn bám trụ với sự nghiệp dầu khí nước nhà. Hóa ra hình bóng ông Nguyễn Ngọc Sớm vẫn đầy ắp trong nhiều kỷ niệm quan trọng của cuộc đời nhiều người. Ký ức về ông còn tươi nguyên. Bởi vì những gì còn lại cũng sẽ ngày càng tỏa sáng trong các thế hệ tương lai. Tôi cũng may mắn có được những tư liệu quý giá về ông Nguyễn Ngọc Sớm. Có những tư liệu lần đầu được gia đình công bố. Khi ngồi viết những dòng này về một con người xứng đáng là nhân chứng lịch sử, tôi muốn dành lòng biết ơn cho những người đã hiểu và chia sẻ với công việc của tôi, một công việc mà tự tôi luôn cảm thấy là quá sức.

Theo những gì tôi nghe kể và đọc được thì ông Nguyễn Ngọc Sớm sinh ngày 15/12/1927 ở làng Hòa An, quận Cao Lãnh thuộc Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp. Cuộc sống tuổi thơ của ông có quá nhiều gian nan vất vả, mẹ mất sớm, cha làm công nhân ở xưởng Ba Son và tham gia hoạt động Cách mạng. Năm 1930, cha ông bị đuổi khỏi xưởng, khi đi đã mang theo ông trốn sang Campuchia kiếm sống và nuôi ông ăn học, nhưng cuối năm 1939 cha ông bị mât thám Pháp bắt, tra tấn dã man đến đầu năm 1940 được thả về thì mất. Thế là ông bơ vơ nơi đất khách quê người, bấy giờ không còn cách nào khác lại phải trở về Sài Gòn bươn chải kiếm sống. Ông đi cắt tóc, bán thuốc Tây và sau đó học nghề quấn môtơ để mưu sinh.

Theo Năng lượng Dầu khí

DMCA.com Protection Status