Nhà ngoại giao của Tổng cục Dầu khí

08:01 | 31/08/2011

597 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Sau bao năm nghỉ hưu nhưng ông vẫn miệt mài giảng dạy, cố vấn, nghiên cứu, tham gia hội thảo trong nước và quốc tế… Và trên hết, ông vẫn truyền lửa cho bao thế hệ sinh viên tiếp nối ngành với men say nghiên cứu, khám phá…

Đến nay đã 82 tuổi nhưng cái nghiệp địa chất với Tiến sĩ Lê Văn Cự chưa hề dứt, vì chỉ mới đây thôi (tháng 8/2011), ông vẫn nhận thư mời tham gia phản biện một luận án tiến sĩ cấp cơ sở Trường ĐH Bách khoa TP HCM. Còn bước ngoặt công tác ngành Dầu khí là một định mệnh mà ông phải lựa chọn. Ông đã hoàn thành rất tốt vai trò và vị trí khi ở cương vị Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Việt Nam từ những ngày mới thành lập.

Bước ngoặt đến ngành Địa chất

Tôi đến nhà ông trong một chiều tháng 8, sau những cơn mưa bất chợt, không khí Sài Gòn đã mát mẻ và dễ chịu hơn. Giờ đây, ông Cự sống cùng vợ, con gái, con rể và cháu ở một tòa nhà chung cư. Gió mát lộng, từ tầng 13 nhìn xuống thành phố về chiều nhộp nhịp - sôi động quá, ông đang nhìn thời gian trôi qua và nhớ về quá khứ.

nha ngoai giao cua tong cuc dau khi
TS Lê Văn Cự

Ngày xưa, ông Cự là con gia đình khá giả ở đất Nam kỳ, bố ông từng làm Phó giám đốc một ngân hàng tư nhân ở Sài Gòn, nhà ông từng sở hữu 13 hécta cao su. Ông thuộc gia đình tiểu tư sản thời đó. Nhưng chàng trai con nhà khá giả không chỉ biết học và ham chơi mà đã ý thức cách mạng rất sớm. Một sáng mùa xuân, tháng 4/1950 ở Sài Gòn, ông và một vài người bạn bị mật thám bắt, vì chúng nghi ông nằm trong đường dây của một nhà in bí mật và cơ sở đó đã in “Bản kiến nghị công khai của học sinh Sài Gòn – Chợ Lớn” đòi ngụy quyền thả những học sinh đã bị bọn chúng bắt. Sau đó, không khai thác được gì chúng đã thả ông ra.

Năm 1950, ông được gia đình cho đi Pháp du học tự túc ở Đại học Mỏ Paris. Trong thời gian du học ông được kết nạp vào Đảng và tham gia nhiều hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp. Để thấy rằng, tinh thần người cộng sản yêu nước, yêu quê hương trong ông vẫn thấm nhuần không phai nhạt.

Trong giai đoạn diễn ra đàm phán Hiệp định Genève, đồng chí Phạm Văn Đồng (Trưởng đoàn) trong đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa đã gặp sinh viên Cự ở Genève (Thụy Sĩ). Đồng chí Phạm Văn Đồng nhắn nhủ: “Cậu học địa chất và học thêm dầu lửa nữa, mai này Việt Nam mình cũng sẽ khai thác dầu”. Đó cũng là mệnh lệnh của Đảng, của quê hương, ông Cự tranh thủ vừa học địa chất vừa đăng ký học về dầu khí ở Trường ĐH Dầu lửa và Ôtô (Paris). Để rồi năm 1955, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Mỏ Paris và ngành Thăm dò, Khai thác dầu khí ĐH Dầu lửa và Ôtô khi vừa tròn 25 tuổi thì ông được Đảng tổ chức đưa về nước tham gia xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Vốn là người nghiêm túc và say mê công việc, chàng kỹ sư khoa Thăm dò và Khai thác mỏ kim loại đã có những đóng góp đáng kể trong sự hình thành và phát triển của ngành Địa chất nước nhà.

Cuối năm 1955, ngành Địa chất thành lập nhưng còn rất nhiều khó khăn. Ông Cự chủ động đề xuất việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho ngành. Tích cực tham gia tổ chức và giảng dạy khóa 1 khoa Mỏ – Địa chất Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trung cấp Kỹ thuật 2 – Hà Nội, chuyên tu ĐH Trường ĐH Mỏ – Địa chất Hà Nội…

Trong giảng dạy, ông vừa là thầy vừa là anh cả rất ân cần và tận tâm truyền đạt kiến thức, cũng như hướng dẫn kinh nghiệm nghề nghiệp cho số đông thế hệ sinh viên địa chất đầu tiên của nước nhà, mà ngày nay, hầu hết đã trưởng thành, có nhiều cống hiến hoặc gánh vác những trọng trách do Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Không chỉ giỏi trong lĩnh vực giảng dạy, Lê Văn Cự còn là một nhà quản lý giỏi về chuyên môn. Từng là Vụ phó, Vụ trưởng Tổng cục Địa chất, sau đó là Tổng cục Dầu khí, có nhiều đóng góp lớn trong việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí và mời gọi nước ngoài đầu tư vào ngành trong thời kỳ đầu còn non trẻ.

Nhà ngoại giao của Tổng cục Dầu khí

Một thời gian sau khi nước nhà thống nhất, tháng 11/1975, ông Lê Văn Cự được chuyển công tác về Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (gọi tắt là Tổng cục Dầu khí Việt Nam), giữ chức Phó tổng cục trưởng kiêm Giám đốc Công ty Dầu khí Nam Việt Nam. Bắt đầu từ đây, ngành dầu khí Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, với việc chuyển trọng tâm thăm dò, khai thác dầu khí vào thềm lục địa phía Nam, nơi được xem là có tiềm năng dầu khí lớn của khu vực. Vì ngay từ đầu, Đảng và Nhà nước cũng xác định và dự đoán, lượng dầu khí ở thềm lục địa phía Nam rất lớn, cùng với những tư liệu mà Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiến hành khảo sát, thăm dò trước năm 1975 đã cho ta cơ sở khoa học để tiên liệu.

Ở vị thế là Giám đốc Công ty Dầu khí Nam Việt Nam, ông có nhiệm vụ kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào miền Nam. Vì lúc này, nước ta chưa có cơ sở vật chất của ngành Dầu khí cũng như nhân lực, vật lực. Ta có Đảng chỉ đạo, có một số cán bộ du học ở Pháp, Liên Xô về… nhưng công tác tìm kiếm, thăm dò, khoan, khai thác dầu khí đòi hỏi một quá trình đầu tư rất công phu về khoa học – công nghệ, thiết bị, vốn và đội ngũ kỹ sư… Ta chưa có gì, không cách nào khác là mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài.

Từng du học ở Pháp, biết tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Nga… đã cho ông một lợi thế về chuyên môn, kỹ năng giao tiếp và trình độ ngoại ngữ bài bản để đi mời gọi đầu tư. Thế là những chuyến công cán, những chuyến đi như con thoi từ Liên Xô, Na Uy, Đức, Pháp… cứ thế tiếp diễn.

Lúc này, trong số các nước ta mời gọi, thì có các công ty dầu khí ở Na Uy rất muốn đầu tư vào Việt Nam, họ cũng dự đoán Việt Nam là một trong những quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn. Bước đầu tiên, họ hứa cho vay 5 triệu USD để ta xây dựng cơ sở vật chất ở Bà Rịa – Vũng Tàu, nhằm đào tạo công nhân ngành Dầu khí. Và họ sẵn sàng cho ta vay 20 triệu USD cho công tác tìm kiếm, thăm dò, khoan nhưng lúc này, ông Cự cùng ông Đinh Đức Thiện (Bộ trưởng, lúc này chuyển sang phụ trách ngành Dầu khí) chưa đủ tầm để ký những hợp đồng lớn như vậy. Nên đành chờ xin ý kiến của Đảng, Chính phủ… Đồng thời, ta cũng có một tâm lý hoang mang là không biết thực sự thềm lục địa phía Nam có trữ lượng dầu khí lớn hay không? Nếu sau khi khảo sát, tìm kiếm, khoan mà không như phỏng đoán thì ta lấy gì trả nợ trong khi đất nước sau chiến tranh còn quá nghèo.

nha ngoai giao cua tong cuc dau khi

Khi Mỹ tiến hành cấm vận Việt Nam sau năm 1975 thì con đường mời gọi đầu tư quốc tế của ta ngày càng khó khăn. Khuôn khổ mối quan hệ làm ăn chủ yếu là các nước khối xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, vẫn còn một số nước tư bản hợp tác làm ăn với ta nhưng không thuận lợi như trước. Hoàn cảnh lịch sử của ngành Dầu khí gắn liền với lịch sử nước nhà. Ta đành chịu những thiệt thòi mà các nước lớn áp đặt.

Đến năm 1977, Công ty Dầu khí Nam Việt Nam giải thể, ông Cự khăn gói ra Bắc nhận nhiệm vụ mới.

Ông Cự trầm ngâm, con người lúc này rất quan trọng, vì chúng ta không đủ vốn để tự mình triển khai trên biển, không có cơ sở vật chất, chưa có công nghệ thì cách tốt nhất nên làm lúc ấy là đào tạo con người. Một mặt Nhà nước gửi sinh viên sang các nước xã hội chủ nghĩa học về dầu khí, một mặt trong nước đào tạo cán bộ kỹ thuật cho ngành Dầu khí. Lúc về Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt, ông vừa làm công tác kỹ thuật, vừa tham gia giảng dạy ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Có hơn 100 học sinh miền Nam ra Bắc học, cũng là lứa đầu tiên được ông đào tạo – ban đầu là cán bộ kỹ thuật nhưng sau đó là những kỹ sư chủ chốt của ngành Dầu khí nước nhà.

Hỏi ông về quy mô và tầm vóc của Tổng cục Dầu khí, ông cười, thành lập vậy thôi chứ ban đầu có gì đâu, mà chủ yếu là có cơ quan đại diện để kêu gọi đầu tư.

Ông cho biết thêm, trước khi Liên doanh dầu khí Vietsovpetro ra đời, nước ta đã đặt vấn đề mời gọi đầu tư, nhưng các bạn Liên Xô bảo chờ vì ngành Dầu khí ở Liên Xô lúc bấy giờ với công nghệ, cơ sở vật chất và con người tiến hành thăm dò, khoan và khai thác dầu chủ yếu trên bờ; khai thác trên biển có chăng là ở Bacu. Ta đành chờ, rồi chim nhạn báo tin vui khi Hiệp định Hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí giữa Việt Nam và Liên Xô được ký kết năm 1981, trên cơ sở đó, Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt – Xô gọi tắt là Vietsovpetro ra đời. Mở con đường mới sáng sủa hơn, nhiều hy vọng hơn cho ngành Dầu khí Việt Nam.

Sau đó, tấn dầu mỏ đầu tiên được khai thác vào năm 1986 đã cho chúng ta niềm hy vọng lớn về triển vọng tiềm năng dầu khí của nước nhà.

Để thấy rằng, hành trình của ngành Dầu khí nước nhà từ khi ra đời đến nay quả là gian nan, mà những con người thời kỳ đầu đó có vai trò rất quan trọng. Họ là những người đi tìm lửa. Mà tầm nhìn xa trông rộng của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đi đúng hướng. Trong đó, những người như ông Lê Văn Cự đã góp phần đưa ngành Dầu khí đi đến những bước xa hơn, cao hơn.

Ông đưa tôi xem bảng lịch trình công tác, những chuyến đi đến các nước Liên Xô, Pháp, Đức, Trung Quốc, Italy, Na Uy, Anh, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Singapore… từ năm 1955 đến 1989 đã cho ông nhiều trải nghiệm quan trọng trong cuộc đời và quan trọng hơn là kinh nghiệm trong đàm phán và mời gọi đầu tư vào ngành Dầu khí nước nhà, cũng như học hỏi nhiều cho chuyên môn. Trong đó có những cuộc hội thảo rất quan trọng mà ông tham dự về địa chất học, góp phần nâng cao vị thế của ngành Địa chất Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Nhưng lúc này, mối quan hệ với khối xã hội chủ nghĩa là chính, đặc biệt là Liên Xô. Và để mở vòng kiềm tỏa của Mỹ, ta mời gọi Ấn Độ – một nước dân tộc chủ nghĩa vào đầu tư.

Một buổi chiều mà câu chuyện chưa đủ để nói hết kỷ niệm của ông và có lẽ ông khá khiêm tốn về mình nên thật khó khăn để nói về những công trạng của chính mình. Tôi đành xin bảng hồ sơ công tác của ông và thật bất ngờ trước những gì ông đã đóng góp cho ngành Dầu khí. Đó là những chuyến công du nước ngoài với tư cách là cố vấn chuyên môn cho các vị lãnh đạo cao cấp nước ta, để sao có lợi nhất cho ta trong quá trình đàm phán, ngoại giao.

Không những giỏi giảng dạy, ngoại giao tốt, giỏi quản lý mà hoạt động khoa học của ông còn nhiều điều đáng nói với những đóng góp rất xuất sắc. Chính ông đã sáng lập và là Tổng biên tập đầu tiên của Tập san Địa chất và Tập san Dầu khí; là chủ biên bản đồ khoáng sản miền Bắc Việt Nam đầu tiên có tỉ lệ 1/500.000; tham gia thành lập bản đồ địa chất miền Bắc (1965), là đại diện thường trực của Việt Nam ở Tổ chức CCOP (Ủy ban Điều phối cùng điều tra vùng biển châu Á), thành viên các Ủy ban Quốc gia Việt Nam ở các tổ chức quốc tế IOC (Ủy ban Liên Chính phủ Hải dương học) và IGCP (Chương trình Quốc tế Đối sách địa chất).

Ngoài ra ông còn chủ nhiệm rất nhiều dự án và đề tài nghiên cứu khoa học quan trọng như Dự án IGCP năm 1978 (đánh dấu sự hội nhập của Việt Nam với khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực địa chất – dầu khí). Chương trình tiến bộ khoa học kỹ thuật về dầu khí. Chương trình điều tra tổng hợp vùng biển Thuận Hải, Minh Hải… Đặc biệt là kết quả về “Nghiên cứu đá Magma acid và sinh khoáng thiếc” và “Phân chia địa tầng Cainozoi ở các châu thổ và thềm lục địa Việt Nam” đã ghi dấu ấn lớn trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của TS Lê Văn Cự.

Vừa làm quản lý, vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học, ông đã có hơn 46 công trình được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước đã phần nào nói lên sự say mê nghiên cứu và tính nghiêm túc trong công việc của ông.

Dù sau bao năm nghỉ hưu nhưng ông vẫn miệt mài giảng dạy, cố vấn, nghiên cứu, tham gia hội thảo trong nước và quốc tế… Và trên hết, ông vẫn truyền lửa cho bao thế hệ sinh viên tiếp nối ngành với men say nghiên cứu, khám phá…

Tiến sĩ Địa chất Lê Văn Cự - Sinh năm: 20/8/1930- Quê quán: Sài Gòn, hiện thường trú tại quận 7, TP HCM

Từng tham gia các chức vụ:- 1975-1988 Phó tổng cục trưởng phụ trách Khoa học – Kỹ thuật và Tìm kiếm – Thăm dò, kiêm Phó tổng giám đốc Petrovietnam.- 3/1988 – 5/1989 Cố vấn Tổng cục trưởng.

- 6/1989 chuyển công tác về TP HCM. Vẫn giữ chức năng Cố vấn cho Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và nghiên cứu viên cao cấp khoa học.

Khen thưởng:

- 1963 khen tập thể HCLĐ hạng Hai: Tổ viên Đội Nham thạch Đoàn 20, Tổ lao động XHCN.

- 1984 HCCM hạng Hai: Thành tích tham gia cách mạng chống Mỹ cứu nước.

- 2011 – Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

- 1995 – Huy chương vì sự nghiệp Địa chất.

- 1995 – Huy chương vì sự nghiệp Dầu khí.

Thiên Thanh

DMCA.com Protection Status