Ông Đỗ Văn Hà, nguyên Trưởng ban Hợp tác Quốc tế - PVN:

Nhất quán và ổn định trong chính sách kinh tế đối ngoại

14:00 | 26/06/2013

757 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - 36 năm phục vụ ngành, được sống trọn vẹn trong không khí tuyệt vời của những thời điểm lịch sử mà ngành Dầu khí và đất nước trải qua... Ông Đỗ Văn Hà, nguyên Trưởng ban Kinh tế - Đối ngoại (nay là Ban Hợp tác Quốc tế) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) chia sẻ cùng Báo điện tử Petrotimes về những kỷ niệm trong công tác kinh tế - đối ngoại.

PV: Học ở Rumani, tu nghiệp ở Pháp nhưng tiếng Anh của ông được xếp vào loại xuất sắc. Dường như cứ làm công tác đối ngoại là phải giỏi ngoại ngữ, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Hà: Nói là người làm ngoại giao buộc phải biết ngoại ngữ cũng chỉ đúng một phần thôi. Trong quá trình làm việc, bản thân cán bộ đối ngoại sẽ tự nhận thấy ngoại ngữ là quan trọng, để từ đó tự trau dồi, thậm chí tăng thêm số ngoại ngữ nói, viết lưu loát nếu được. Ngoại ngữ là điều kiện “cần”, để mỗi cán bộ đối ngoại nghe, hiểu trực tiếp đối tác để từ đó tham mưu cho lãnh đạo một cách “hiệu quả hơn” với từng đối tác khác nhau. Nếu bạn được chứng kiến những cuộc đàm phán tay bo bằng tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp của nhiều thế hệ lãnh đạo ngành Dầu khí với nhà thầu quốc tế, thì bạn sẽ hiểu ngoại ngữ không phải chỉ là “nhu cầu” duy nhất của cán bộ quan hệ quốc tế mà còn sự hiểu biết về kinh tế, kỹ thuật chuyên môn ngành, phổ kiến thức chung và nghiệp vụ giao tiếp. Đàm phán chắc chắn phải thuận lợi hơn nếu người được giao tinh thông ngoại ngữ chứ!

Ông Đỗ Văn Hà

Năm 1971, khi mới ở Rumani về đầu quân vào Ban Dầu mỏ và Khí đốt (Tổng cục Hóa chất) - một bộ phận tiền thân của Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt sau này, lớp trẻ chúng tôi đã được ông Nguyễn Văn Biên, khi đó vừa được điều chuyển từ Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước về giữ chức Phó tổng cục trưởng Hóa chất, giục đi học tiếng Anh. Tôi nhớ lúc đó anh em còn bị đồng nghiệp bên Tổng cục Hóa chất... bàn tán, bởi chiến tranh chưa kết thúc, ai cũng nghĩ, nếu học ngoại ngữ thì phải học tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Đức... mới hữu ích cho công cuộc tái thiết đất nước. Tuy vậy, tầm nhìn chiến lược của ông Biên “ngôn ngữ dầu khí là tiếng Anh” đã giúp chúng tôi có một sự chuẩn bị vững chắc cho những năm sau đó, bởi khi đất nước thống nhất, hàng loạt công ty tên tuổi lớn của thế giới tư bản đã tìm đến Việt Nam để thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế dầu khí. Chúng tôi coi ông Biên là “thủ lĩnh tinh thần” về hướng chỉ đạo các nội dung nghiên cứu chiến lược của ban.

PV: Những ngày đầu mới thành lập Tổng cục Dầu khí, lãnh đạo Đảng và Nhà nước từng hết sức quan tâm. Ông có thể phác họa bối cảnh bang giao của ngành vào thời điểm đó?

Ông Đỗ Văn Hà: Trước hết, tôi phải khẳng định công tác đối ngoại của ngành Dầu khí được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm hết sức sâu sát. Ngay sau khi mới giải phóng miền Nam, ngày 9-8-1975, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Đây là văn bản đầu tiên về dầu khí của Đảng ta, thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Bản thân nghị quyết cũng khẳng định trong công tác đầu tư, ngành phải có chính sách hợp tác đa phương hóa, tận dụng mọi nguồn lực để sớm tìm thấy dầu khí phục vụ đất nước.

Với kết quả thăm dò tới thời điểm đó ở cả hai miền, tuy chưa đánh giá được trữ lượng công nghiệp, nhưng đã có thể khẳng định triển vọng dầu mỏ và khí đốt ở nước ta. Cần xác định ngay một chính sách dầu, khí để biến triển vọng này thành hiện thực. Chính sách này phải rất tích cực, đáp ứng được yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài, đồng thời phù hợp với vị trí, trình độ kinh tế, khả năng kỹ thuật, quản lý và triển vọng tài nguyên của nước ta. Khi thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt trước đây, cũng như Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam sau này, chỉ riêng cái tên Hợp tác Quốc tế, Kinh tế - Đối ngoại (cấp vụ với tổng cục và cấp ban với tổng công ty) đã đủ nói lên nhiệm vụ và vai trò của công tác này.

Cụ thể, tổ chức của Tổng cục ban đầu khá gọn nhẹ gồm: Văn phòng, Vụ Kế hoạch - Kỹ thuật, Vụ Kinh tế Kỹ thuật và Hợp tác Quốc tế (Vụ Kinh tế - Đối ngoại), Vụ  Kế toán - Tài vụ, Vụ Tổ chức cán bộ và Cục Xây dựng cơ bản. Ông Lê Quốc Tuân là Chánh văn phòng kiêm Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, nhưng ông hiếm khi lo công việc Văn phòng mà phó thác hoàn toàn cho Phó trưởng văn phòng Nguyễn Ngọc Liên. Ông mải mê mảng Kinh tế - Đối ngoại cùng anh Nguyễn Đông Hải và đương nhiên cả lớp trẻ chúng tôi. Cả anh Đào Duy Chữ, Trưởng phòng Thông tin và nhiều người khác cũng chung niềm đam mê bận rộn ấy. Đó là thời kỳ các công ty dầu khí phương Tây vào tiếp xúc ban đầu. Nghị quyết là hợp tác đa phương, công tác đối ngoại hết sức thuận lợi với những lãnh đạo năng động như các anh và với lứa trẻ như chúng tôi. Như mọi người biết, các anh đều trở thành cây đa, cây đề, có đóng góp lớn cho ngành Dầu khí Việt Nam.

PV: Những nhà thầu nước ngoài nào đầu tiên đã vào làm việc và để lại ấn tượng với ngành Dầu khí Việt Nam, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Hà: Xin trao đổi bên lề một chút. Từ chế độ cũ, Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã hợp tác với nhiều công ty dầu khí quốc tế tên tuổi lớn, họ đã khoan nhiều giếng và xác nhận Việt Nam có dầu khí. Có thể kể ra Mobil, Pecten, Esso, Sanning Dale… Nói thế để thấy rằng, dầu khí hết sức đặc thù, đó là lĩnh vực không biên giới.

Sau khi thống nhất đất nước năm 1976, hàng loạt công ty dầu khí quốc tế đã đến đàm phán tìm kiếm cơ hội đầu tư, tuy nhiên các công ty Mỹ bị cấm vận, các công ty Nhật bị hạn chế đầu tư vào Việt Nam. Đó là những trở ngại lịch sử có ảnh hưởng nhất định đến ngành Dầu khí còn non trẻ. Dẫu vậy, trong quãng thời gian 1975 (thành lập Tổng cục Dầu khí) đến năm 1980, 3 công ty lớn là Bow Valley (Canada), Deminex (Đức) và Agip (Italia) đã ký hợp đồng “chia sản phẩm” và hợp đồng “Bao thầu dịch vụ” về tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí với PVN (bộ máy song trùng nằm trong Tổng cục Dầu mỏ - Khí đốt). Họ đã khảo sát địa chấn và khoan nhiều giếng với tổng chiều sâu lên khoảng 35.000m. Đặc biệt, Deminex từng tìm thấy biểu hiện dầu ở một giếng, Agip cũng thấy khí trong 3 giếng. Tuy nhiên, do bối cảnh cấm vận lúc đó, kể cả cấm vận các công ty phương Tây dùng thiết bị, công nghệ Mỹ, hơn nữa tình hình địa chính trị khu vực chuyển biến phức tạp (sau sự kiện Campuchia năm 1979) nên các nhà thầu rút lui giữa chừng sau khi hoàn tất cam kết pha “Một” 3 năm tìm kiếm thăm dò (TKTD).

Chủ tịch HĐTV PVN Phùng Đình Thực trao đổi tại Diễn đàn hợp tác năng lượng Hà Lan tháng 9/2011

Ngay lúc đó, Tổng Bí thư Lê Duẩn, với tầm nhìn rất rộng, đã chủ trương vừa hợp tác với Liên Xô vừa quan hệ đa phương và tự lực để đẩy nhanh tiến độ TKTD, khai thác dầu khí cho đất nước. Ông thậm chí yêu cầu dành một số lô trên thềm lục địa để Việt Nam tự lực, còn các lô khác mời Liên Xô tham gia, nếu Mỹ quay lại cũng sẵn sàng hợp tác. Bởi vậy, hợp tác về hoạt động dầu khí với Liên Xô được thúc đẩy và liên tục phát triển sau thời gian đó. Ngày 3/7/1980, tại Mátxcơva, Hiệp định hợp tác dầu khí giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Liên bang CHXHCN Xôviết (Liên Xô) được ký kết dẫn đến sự kiện ra đời Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (Vietsovpetro). Sau những nỗ lực dang dở của các công ty quốc tế, Liên doanh Vietsovpetro (VSP) tiếp tục đảm nhiệm vai trò chủ lực tìm kiếm dầu khí ở thềm lục địa phía nam đất nước.

PV: Một trong những phần việc quan trọng với bộ phận Kinh tế - Đối ngoại của Tổng cục Dầu khí (trước đây) và Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (sau này), đó chính là soạn thảo, trực tiếp đàm phán và quản lý việc thực hiện các hợp đồng dầu khí với đối tác nước ngoài. Xin ông cho biết, ngành đã vượt qua thời điểm đất nước từ bỏ chế độ bao cấp như thế nào để sớm thích nghi với xu thế mở cửa, hợp tác quốc tế đã sâu rộng?

Ông Đỗ Văn Hà: Có một câu chuyện đầy ấn tượng là lúc đầu, các bộ, ngành chưa làm quen với nội dung hợp đồng dầu khí quốc tế nên rất ngạc nhiên khi thấy các điều khoản cam kết của hai bên đối tác trong hợp đồng lại động chạm đến vai trò, nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan. Khái niệm “quyền” của người đầu tư lúc đó chưa quen tai với nhiều người khi họ đã chai mòn với văn phong của cơ chế bao cấp nặng “xin cho” nên người ta thích kiểu hành văn: người đầu tư “được phép”… hơn là “quyền”. Vào thời điểm đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, nặng cơ chế bao cấp nên mọi thông tin đều là “bí mật” và rất nghi ngờ gián điệp. Việc nhập thiết bị thông tin vệ tinh “imasat” cho các công ty điều hành là cả một việc nan giải khi thuyết phục lãnh đạo cao cấp của Tổng cục Bưu điện. Tuy nhiên, vào những năm Tổng cục Dầu khí mới thành lập, sự hiệu quả trong điều hành, hay nói cách khác là mệnh lệnh, sự kiểm soát của Chính phủ xuống các ngành là hết sức mạnh mẽ. Thời đó, một hợp đồng TKTD và khai thác dầu khí ký giữa PVN và công ty dầu khí nước ngoài (gọi tắt là hợp đồng dầu khí) sau khi được Chính phủ phê chuẩn thì đã từng được coi như là một bộ luật mini. Để giải thích khái niệm cũng như phần việc của từng bộ, ngành, chúng tôi chỉ việc copy điều khoản trong hợp đồng liên quan đến bộ, ngành đó mang tới là mọi việc suôn sẻ. Thế nhưng hiện nay, do sự chồng chéo, trùng lặp của các dự luật, văn bản dưới luật khiến công tác điều hành của cấp trên cũng như sự thực hiện của các đơn vị như Tập đoàn gặp nhiều khó khăn.

Hoạt động kinh tế đối ngoại bao gồm rất nhiều lĩnh vực quản lý, từ bang giao chính thức, không chính thức, đàm phán, thủ tục phê duyệt và cấp phép đầu tư, triển khai thực hiện hợp đồng… Ngay như Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Ban Hợp tác Quốc tế cũng được giao chủ trì trong việc đàm phán với các nhà thầu, từ khi làm “luận chứng khả thi” đến thành lập liên doanh, với sự tham gia của các ban chuyên môn. Bí quyết đàm phán thành công một dự án là ban chủ trì phải hiểu vững về quy trình chuyên môn kỹ thuật, kinh tế và pháp lý để thiết kế được tính logic của nội dung các điều khoản hợp đồng. Người chủ trì đàm phán phải nắm bắt được đối phương cần gì, phia ta cần gì để tìm các giải pháp thỏa đáng cho cả hai bên. Một hợp đồng phản ánh được sự “win-win” (hai bên cùng có lợi) là điều kiện bảo đảm cho hợp tác lâu dài. Bên cạnh đó, một kíp đàm phán phải đều tay, hiểu được nội dung tiến triển đàm phán để cập nhật đúng với lãnh đạo của ban chức năng nhằm sớm đạt được sự đồng thuận trình lãnh đạo cấp cao quyết định.   

PV: Vai trò của luật quốc tế trong giai đoạn hiện nay đã được nhìn nhận. Như ông đã trao đổi, luật cũng là một mảng công việc cơ bản của hoạt động kinh tế đối ngoại, đúng không thưa ông?

Ông Đỗ Văn Hà: Đối thoại, hợp tác là việc các bên tự nguyện đứng ra thỏa thuận, thương lượng với nhau về một vấn đề. Việc đối thoại, hợp tác này phải trên cơ sở của sự bình đẳng, thiện chí, tôn trọng ý kiến của nhau. Cùng nghĩ tới lợi ích của mình và của bên còn lại. Đồng thời, mỗi bên nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết  mà đã thỏa thuận được với nhau. Xu thế toàn cầu hóa hiện nay đã và đang đẩy mạnh các chủ thể của luật quốc tế mà chủ yếu là quốc gia phải nghĩ tới vấn đề đối thoại và hợp tác. Bởi nó liên quan tới sự phát triển, tồn vong của từng quốc gia khi đặt chân vào sân chơi của thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn cán bộ cao cấp Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo PVN tới thăm, hội đàm với đối tác Nga Zarubeznheft tháng 5/2013

Luật quốc tế chi phối tới các quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, việc thực thi luật quốc tế phải do chính các chủ thể của luật quốc tế thực hiện. Thực thi luật quốc tế thể hiện đặc trưng có tính bản chất của luật quốc tế là thông qua cơ chế thỏa thuận hoặc sự tự điều chỉnh của từng quốc gia. Vì vậy, không có cơ chế mang tính quyền lực quốc tế áp đặt cho quá trình thực hiện luật quốc tế trừ những cơ chế kiểm soát quốc tế trong số lĩnh vực nhất định, có sự thỏa thuận của các quốc gia. Trong thực tiễn thực thi luật quốc tế, các quốc gia phải tự điều chỉnh trên cơ sở các quy định của luật quốc tế đối với các hoạt động thực hiện nghĩa vụ chung của chủ thể luật quốc tế và những nghĩa vụ cá thể phát sinh từ tư cách thành viên.

PV: Vậy lời khuyên của ông với những đồng nghiệp trẻ làm công tác kinh tế đối ngoại là gì?

Ông Đỗ Văn Hà: Điều quan trọng nhất với một cán bộ hợp tác quốc tế, đó là sự trung thực. Không ai muốn làm việc với một người gian dối cả. Nguyên tắc của đối ngoại là không được nói dối. Anh có thể nói thiếu sự thật, nói 1/2, 1/3 sự thật nhưng tất cả đều phải là “thực tế”. Ta với bạn khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa và tính cách. Vậy thì điều duy nhất có thể giữ hai bên ngồi lại, làm ăn với nhau chính là chữ tín, không quá vụ lợi và đặc biệt trung thực. Đối với đối tác, mình phải cho họ hiểu rõ thẩm quyền giải quyết công việc, vị trí, vai trò của ê-kíp đàm phán. Sự phát ngôn chín chắn, nhất quán, kỷ luật phát ngôn trong đàm phán, sự thông hiểu những yêu cầu của hai phía hợp tác, sự cầu thị muốn cùng nhau tìm giải pháp thoát khỏi bế tắc là chìa khóa để có thể giữ chân đối tác đàm thoại với chúng ta, để từ đó tiến nhanh đến các hợp đồng thỏa mãn “win-win”.

Tôi may mắn có cơ hội bang giao, đàm phán, làm việc với những đối tác cùng cấp, điều dễ nhận thấy tất cả đều là tập đoàn kinh tế - kỹ thuật, tức là không quá vòng vo và không “diễn”. Thêm nữa, phần lớn cũng không chịu sức ép nhiều từ Chính phủ nên phía ta cũng phải có cách ứng xử tương xứng, tránh đến mức tối đa các yếu tố chủ quan thì hai bên mới kỳ vọng có sự hợp tác “sòng phẳng và khách quan”.

PV: Ông đánh giá như thế nào về hoạt động đối ngoại của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện tại?

Ông Đỗ Văn Hà: Hoạt động TKTD khai thác dầu khí mang tính quốc tế rộng rãi và rủi ro cao. Với nền kinh tế Việt Nam còn đang tìm đà để phát triển thì không chịu nổi rủi ro đó. Vì vậy, việc kêu gọi đầu tư nước ngoài vào hoạt động dầu khí ở Việt Nam là tối cần thiết để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên quý báu “vàng đen” này. Trên thế giới, các nước may mắn có tài nguyên dầu khí nhưng chưa có nhân lực, tiền vốn, thiết bị, công nghệ thì việc hợp tác với các công ty dầu khí quốc tế là điều không tránh khỏi. Luật Đầu tư nước ngoài ban hành tháng 12/1987 là một biểu hiện mạnh mẽ việc Việt Nam muốn mở cửa hội nhập quốc tế. Ngành Dầu khí lúc đó đã hội đủ các điều kiện thuận lợi để “tiên phong” phát triển hoạt động hợp tác quốc tế kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Có thể nói rằng, hoạt động kinh tế đối ngoại của ngành Dầu khí đã đi đúng hướng với chỉ đạo của Đảng, Chính phủ. Thành tựu mà Petrovietnam đạt được như ngày nay, phần lớn có sự đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp của đầu tư nước ngoài.

PVN đã cơ bản phát triển ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh từ khâu đầu đến khâu cuối. Riêng khâu đầu về TKTD khai thác dầu khí, PVN bước đầu có năng lực đầu tư ra nước ngoài nhằm bảo đảm nguồn cung năng lượng cho đất nước. Chính sách về hợp tác quốc tế của PVN cần sự “nhất quán và ổn định” để có nhiều cơ hội đầu tư TKTD khai thác ra nước ngoài (tất nhiên cả trong nước) và vẫn không xem nhẹ thu hút đầu tư nước ngoài để đa dạng hóa hình thức hợp tác và để chia sẻ rủi ro. Chính sách “nhất quán và ổn định” trong công tác hợp tác quốc tế còn là thước đo để củng cố niềm tin của đối tác và là yếu tố nâng vị thế của PVN trên trường quốc tế. Trước bối cảnh như vậy thì hoạt đông kinh tế đối ngoại rất đa dạng và vẫn đóng vai trò không hề nhỏ.             

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hữu Tùng (thực hiện)

DMCA.com Protection Status