Nhiệt điện Nhơn Trạch 2: Mẫu hình liên danh nội lực

10:05 | 19/11/2011

793 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Kỹ sư Nguyễn Hồng Sĩ, Giám đốc Ban Dự án điện Nhơn Trạch 2 cho rằng: Đóng góp lớn vào thành công của dự án là mô hình Liên danh nhà thầu trong nước Lilama – PVC.

Ngày 16/10/2011, phần đuôi hơi và cũng là tổ máy cuối cùng của Nhà máy Điện tua-bin khí Chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2, công suất 750 MW do liên danh tổng thầu EPC là Tổng Công ty Lắp máy VN (Lilama) và Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí VN (PVC) – hai đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực xây lắp của Việt Nam thi công đã đưa vào vận hành thương mại, sớm hơn 45 ngày so với kế hoạch, đánh dấu sự thành công toàn diện của công trình. Đây là thành quả của hàng ngàn người lao động và được coi là mẫu hình đẹp của liên danh nhà thầu trong nước.

Từ mô hình công ty cổ phần

Theo ông Hoàng Xuân Quốc, Tổng giám đốc Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (chủ đầu tư) thì Nhơn Trạch 2 được coi là công trình 5 nhất: tiết kiệm nhất, an toàn nhất, tiến độ nhanh nhất, hiệu quả nhất, phát huy nội lực nhất. Nhà máy đã tiết kiệm được gần 100 triệu USD (khoảng 20%) so với giá chào thầu của nước ngoài.

Theo ông Quốc cho biết: cách làm của Nhơn Trạch 2 có nhiều khác biệt so với cách làm của các dự án nhà máy điện khác. Thay vì thành lập Ban Quản lý dự án như trước đây (luôn phải chờ đợi xin ý kiến chủ đầu tư, bộ chủ quản, thậm chí cả Thủ tướng Chính phủ) thì Nhơn Trạch 2 đã thành lập công ty cổ phần, trong đó Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam chiếm cổ phần chi phối (62,8%) nên mọi quyết định đều thuộc thẩm quyền của công ty và Đại hội cổ đông.

Bộ máy thẩm quyền của chủ đầu tư rất tinh gọn và ở ngay công trường, bên cạnh các nhà thầu tạo thành một tổ hợp ấm cúng, đoàn kết, hỗ trợ nhau. Mọi văn bản giấy tờ, giải quyết sự cố phát sinh, ra quyết định đều rất nhanh, thậm chí không quá 5 phút. Toàn bộ quy trình xử lý hồ sơ tài liệu được tối ưu hóa, sử dụng có hiệu quả tư vấn, giảm thiểu thời gian đi lại, hội họp, tập trung cho công tác phê duyệt thiết kế và thi công. Các mốc tiến độ được chủ đầu tư và nhà thầu bàn bạc cụ thể và thống nhất. Hàng ngày chủ đầu tư, tư vấn giám sát, các nhà thầu họp giao ban rút kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nên tiến độ công việc khá suôn sẻ. Đây là mô hình Công ty cổ phần đầu tiên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc thi công các dự án điện, là hướng đi cần thiết để nhân rộng triển khai khi xây dựng các nhà máy điện tiếp theo.

Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2

Nằm sát Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1, lại cùng một sân phân phối điện 220KV, song chủ đầu tư và tổng thầu Lilama đã phối hợp đưa ra những giải pháp và quy trình sáng tạo nên trong suốt quá trình thi công, Nhà máy Nhơn Trạch 1 không phải dừng hoạt động, trong khi phương án của nhà thầu nước ngoài đưa ra là phải dừng sân phân phối điện ít nhất là 15 ngày, đồng nghĩa với việc Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 phải dừng phát điện trong thời gian đó.

Đến mô hình liên danh tổng thầu trong nước

Kỹ sư Nguyễn Hồng Sĩ, Giám đốc Ban Dự án điện Nhơn Trạch 2 cho rằng: Đóng góp lớn vào thành công của dự án là mô hình Liên danh nhà thầu trong nước Lilama – PVC. Trải qua 5,3 triệu giờ công lao động, những người thợ áo xanh Lilama và những người bạn áo vàng PVC ngày đêm chung vai sát cánh trên công trường đầy nắng gió, không để xảy ra tai nạn lao động đáng kể nào.

Việc xử lý nền 5 khu vực mặt bằng nhà máy với tổng diện tích hơn 10 ha bằng công nghệ hút chân không tiến tiến, đóng trên 89.000m cọc bê tông dự ứng lực cường độ cao đường kính từ 250 đến 500mm xuống độ sâu hơn 40m, đổ hơn 40.000m3 bê tông, lắp đặt trên 25.000 tấn thiết bị và kết cấu thép, thực hiện nhiều công việc kiểm tra, cân chỉnh, đo đạc, thử nghiệm phức tạp đều được tiến hành thận trọng, nghiêm ngặt. Trong suốt quá trình thực hiện, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã 6 lần kiểm tra trực tiếp chất lượng dự án và đều đánh giá cao về chất lượng công trình cũng như việc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy phạm và quy định hiện hành đối với công trình của tổng thầu.

Tổng thầu EPC trong nước không chỉ tận dụng tối đa các nguồn lực trong nước như vật tư, nhân công, máy móc, chi phí quản lý dự án so với tổng thầu nước ngoài, giảm chi phí đáng kể so với mặt bằng chung, đào tạo được đội ngũ kỹ sư quản lý, vận hành dự án, công nhân chuyên nghiệp, lành nghề, giúp doanh nghiệp trong nước có tích lũy mà còn thúc đẩy các ngành cơ khí, tự động hóa…cùng phát triển.

Sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của chủ đầu tư, các nhà thầu, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; khí thế thi đua sôi nổi của Công trình Thanh niên Cộng sản đã khích thích, lôi cuốn các chuyên gia giám sát, nhà cung cấp thiết bị Siemens cùng tham gia. Họ làm việc cả ngày nghỉ, ngày lễ như công nhân Việt Nam và cùng vui mừng, xúc động khi lần lượt các tổ máy của Nhơn Trạch 2 vận hành trước tiến độ. Những khẩu hiệu màu đỏ chữ vàng: “Vinh quang thuộc về những người xây dựng”; “Hạnh phúc thuộc về những người đúng hẹn”; “Việc hôm nay chớ để ngày mai”; những chiếc đồng hồ đếm ngược luôn thôi thúc hàng ngàn người lao động và tạo thành sức mạnh tổng hợp đưa dự án đến thành công.

Cần tiếp tục chỉ định thầu trong nước

Phát biểu tại lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 ngày 12/11/2011, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đặc biệt biểu dương Liên danh Tổng thầu Lilama – PVC và cho rằng, những công trình có chất lượng cao và về đích sớm như Nhơn Trạch 2 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhơn Trạch 2 xứng đáng là một dự án tiêu biểu, là một hình mẫu thành công của chủ trương phát huy nội lực, nâng cao trình độ kiến thức khoa học kỹ thuật và tiềm năng của người lao động Việt Nam.

Là người từng chỉ đạo thi công trên đại công trình Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Cà Mau 1, Cà Mau 2, Anh hùng Lao động, Tổng giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn cho biết: Cho đến nay, Lilama đã hoàn thành 7 dự án tổng thầu EPC, trong đó có 5 dự án điện do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Nhơn Trạch 2 là một minh chứng nữa về mối quan hệ bạn hàng truyền thống giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Lilama cũng như các nhà thầu phụ tham gia vào dự án. Nó cũng minh chứng rằng các nhà thầu Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện thành công các dự án nhà máy điện tua-bin khí chu trình hỗn hợp nói riêng và các dự án năng lượng nói chung sau một thời gian học hỏi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm.

Trong thời gian tới, Lilama sẽ cố gắng điều chỉnh để nâng cao hơn nữa tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm cơ khí theo chủ trương của Chính phủ. Lilama mong muốn tiếp tục được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các chủ đầu tư khác giao làm tổng thầu tại các dự án điện Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1, Vĩnh Tân 4, Ô Môn 4. Họ cam kết rằng: Giao cho Lilama làm tổng thầu, các chủ đầu tư sẽ được “gối cao, ngủ ngon”.

Trần Thị Sánh

DMCA.com Protection Status