Nhiệt điện Vũng Áng 1: Hoàn tất việc thu xếp vốn

19:21 | 12/08/2011

505 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 12/8/2011, tại Trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã diễn ra Lễ ký kết Hợp đồng tín dụng xuất khẩu Nhật Bản để đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.

Ký kết Hợp đồng tín dụng cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1

Hợp đồng được ký giữa PVN và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Cooperation (SMBC) có giá trị tín dụng 95 triệu USD, theo đó JBIC cho vay 60% và SMBC cho vay 40%, khoản vay được JBIC và NEXI bảo hiểm, Bộ Tài chính Việt Nam cấp bảo lãnh. Đây là hợp đồng tín dụng đầu tiên PVN ký với JBIC.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 do PVN làm chủ đầu tư là dự án nhiệt điện chạy than đầu tiên của PVN được xây dựng tại xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư xấp xỉ 1,6 tỉ USD. Đây là dự án sản xuất điện có quy mô đầu tư lớn, đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao và kỹ thuật hiện đại đáp ứng nhu cầu cấp bách về điện năng của Quốc gia, được thiết kế với 2 tổ máy, tổng công suất 1.200MW, lượng điện thương phẩm 6,64 tỉ kWh/năm.

Vào giữa tháng 8 này, hầu hết các hạng mục lớn của nhà máy như: lò hơi, turbine máy phát, hệ thống nghiền than, nhà điều khiển trung tâm, kho cảng than, ống khói, hệ thống điện nước đều đã gần như hoàn thành sau 24 tháng nỗ lực thi công xây dựng, bảo đảm tiến độ kế hoạch đưa tổ máy 1 phát điện thương mại vào tháng 7/2012, phát điện thương mại tổ máy 2 vào tháng 1/2013.

Như vậy, bên cạnh việc thu xếp phần vốn chủ sở hữu của PVN tại dự án, cùng với các khoản vay được ký vào trung tuần tháng 4 vừa qua giữa PVN và tổ hợp 5 ngân hàng quốc tế do HSBC làm đầu mối thu xếp trị giá 904 triệu USD, theo hình thức tín dụng xuất khẩu người mua (ECA) do Tổ chức Tín dụng Xuất khẩu Trung Quốc (Sinosure) cấp bảo hiểm tín dụng với số tiền khoảng 86 triệu USD, Tổ chức Tín dụng Xuất khẩu CHLB Đức (Hermes) cấp bảo hiểm tín dụng với tổng số tiền 60 triệu USD và vay thương mại hợp vốn là 758 triệu USD, đến nay, toàn bộ nhu cầu về vốn đầu tư cho dự án đã được thu xếp thành công.

Tổng Công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVFC) với vai trò đầu mối tư vấn thu xếp vốn cho dự án đã phối hợp với PVN, các ngân hàng tài trợ triển khai các công việc liên quan trong quá trình thu xếp vốn. Sự thành công của việc ký kết các hợp đồng tín dụng đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 một lần nữa khẳng định tư vấn thu xếp vốn hiện đã trở thành một hoạt động tạo doanh thu của PVFC, tạo lập được uy tín trên thị trường tài chính trong và ngoài nước, nâng cao thương hiệu PVFC.

Việc ký kết hợp đồng vay vốn với JBIC và SMBC sẽ là cơ hội để PVN tìm kiếm khả năng thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng của Nhật Bản cho các dự án nhiệt điện nói riêng cũng như các dự án khác của PVN nói chung.

Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc PVN đã phát biểu, cam kết rằng PVN sẽ đưa Nhiệt điện Vũng Áng 1 vào hoạt động đúng tiến độ, hoạt động hiệu quả. Đồng chí cảm ơn những nỗ lực của các bên và đánh giá cao ý nghĩa của việc ký kết hợp đồng giữa PVN và các đối tác ngân hàng phía Nhật Bản và tin tưởng rằng sự hợp tác gắn bó sẽ tiếp tục được tăng cường sâu rộng hơn trong tương lai.

Ông Hideo Naito, Giám đốc Ban Tài chính lĩnh vực điện và nước bộ phận cơ sở hạ tầng của JBIC đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Nhật Bản đối với những nghĩa cử cao đẹp mà Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho Nhật Bản trong những ngày tháng 3 vừa qua khi thảm họa động đất sóng thần ập xuống đất nước này. Ông khẳng định rằng, tất cả những cam kết hợp tác của JBIC đều sẽ vẫn được tiếp tục thực hiện và Nhật Bản sẽ làm hết sức mình để đền đáp tấm lòng của những "người bạn thực sự là người bạn trong hoạn nạn”.

Theo Sơ đồ Quy hoạch điện VII, đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 58 nhà máy được xây dựng tại các Trung tâm nhiệt điện. Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng vốn đầu tư cần thiết cho phát triển hệ thống điện trong 20 năm tới rất lớn, mỗi năm bình quân gần 7 tỉ USD. Trong đó, giai đoạn 2011-2020 trung bình gần 5,5 tỉ USD mỗi năm với cơ cấu 67,4% cho các nhà máy điện và 33,6% cho xây dựng lưới điện.

Được biết, hiện nay các đơn vị chủ đầu tư đều đang phải chịu áp lực vốn nặng nề vì ngân hàng không mặn mà cho vay, các dự án do vậy đều chậm tiến độ. Nhiều kiến nghị đã được đưa ra đề nghị Chính phủ xem xét tổng thể và có chính sách ưu đãi cho những dự án trọng điểm. Những vấn đề khá nan giải như đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam tăng hạn mức cho vay đối với các dự án đã ký hợp đồng vay nhưng chưa đủ hạn mức thanh toán; đàm phán giá điện với EVN; tăng cường nội địa hóa thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện… vẫn đang còn để ngỏ.

Ngân Hà

DMCA.com Protection Status