Nhịp đập năng lượng ngày 18/7/2023

20:24 | 18/07/2023

3,377 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Nga tăng thuế xuất khẩu dầu thô thêm 8,3%; Châu Âu thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD do từ bỏ khí đốt Nga… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 18/7/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia bao gồm dự trữ chiến lược (dự trữ quốc gia); dự trữ sản xuất, dự trữ thương mại, vận tải, lưu thông phân phối, đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, môi trường, đảm bảo dự trữ, cung ứng đầy đủ, an toàn, liên tục cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng. Đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75-80 ngày nhập ròng, phấn đấu đạt 90 ngày nhập ròng; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và khí nguyên liệu cho các ngành năng lượng và công nghiệp.

Quyết định nêu rõ mục tiêu cụ thể về hạ tầng dự trữ và hạ tầng cung ứng xăng dầu, khí đốt. Trong đó, về dự trữ xăng dầu, hạ tầng dự trữ thương mại đảm bảo ổn định nhu cầu thị trường trong nước với sức chứa tăng thêm từ 2,5-3,5 triệu m3 trong giai đoạn 2021-2030, đạt sức chứa tới 10,5 triệu m3 giai đoạn sau năm 2030, đáp ứng 30-35 ngày nhập ròng. Hạ tầng dự trữ quốc gia sức chứa từ 0,5-1 triệu m3 sản phẩm xăng dầu và 1-2 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 15-20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021-2030; đảm bảo sức chứa từ 500.000-800.000 m3 sản phẩm xăng dầu và 2-3 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 25-30 ngày nhập ròng trong giai đoạn sau năm 2030.

Đối với hạ tầng dự trữ khí đốt, phấn đấu đảm bảo sức chứa tới 800.000 tấn giai đoạn 2021-2030 và tới 900.000 tấn giai đoạn sau năm 2030. Đảm bảo hạ tầng dự trữ LNG đủ năng lực nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường; góp phần đảm bảo cung cấp nhu cầu khí nguyên liệu cho năng lượng và các ngành công nghiệp với công suất kho tới 20 triệu tấn/năm giai đoạn 2021-2030 và tới 40 triệu tấn/năm giai đoạn sau năm 2030.

Nga tăng thuế xuất khẩu dầu thô thêm 8,3%

Bộ Tài chính Nga vừa tuyên bố hôm 17/7 rằng thuế xuất khẩu dầu thô của Nga sẽ tăng 8,3% so với tháng 7 lên 16,9 USD/tấn trong tháng 8, sau khi giá Urals - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia này - tăng lên. Điều đó tương đương khoảng 2,306 USD/thùng dựa trên tỷ lệ chuyển đổi 7,33 thùng/tấn.

Thuế từ dầu mỏ là nguồn thu chính của ngân sách Nga, vốn đang ngày càng căng thẳng do chi phí cho cuộc xung đột ở Ukraine. Mặc dù thuế xuất khẩu chỉ là một trong những loại thuế mà ngành công nghiệp dầu mỏ của đất nước phải trả và chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu xăng dầu, nhưng việc tăng thuế vào tháng 8 sẽ bù đắp phần nào cho sự sụt giảm doanh số bán dầu thô ở nước ngoài.

Đầu năm nay, Nga đã thay đổi cách đánh giá giá dầu thô để tính thuế nhằm tăng thu ngân sách sau khi Nhóm G7 áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu của quốc gia này trong khi Liên minh châu Âu (EU) cấm hầu hết các sản phẩm và dầu thô nhập khẩu bằng đường biển. Chính phủ đưa ra chiết khấu đối với dầu Brent nhằm thiết lập giá sàn cho dầu thô của quốc gia cho các mục đích liên quan đến ngân sách. Nếu dầu thô của Nga giao dịch trên ngưỡng được thiết lập, Bộ Tài chính sẽ sử dụng giá thị trường hiện hành để tính thuế.

Châu Âu thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD do từ bỏ khí đốt Nga

Khi giá khí tự nhiên và hóa lỏng cao, châu Âu đã phải chi ra số tiền 1,12 nghìn tỷ USD cho nhiên liệu xanh. Đến giữa thập niên, khoản kinh phí này ước tính sẽ tăng thêm 600 tỷ USD.

Theo số liệu từ trang Energy Flux, chi tiêu cho khí đốt của châu Âu do từ bỏ nhiên liệu rẻ tiền của Nga để quay sang sử dụng khí hóa lỏng từ Mỹ và Vịnh Ba Tư đã khiến họ chịu thiệt hại nặng nề.

Số tiền phải bỏ ra theo ước tính đã vượt quá GDP của Ả Rập Saudi và gấp 4 lần tổng tài sản của các công ty năng lượng ExxonMobil, Chevron và Shell, với số tiền chênh lệch lên tới 260 tỷ đô la. Nhưng ở chiều ngược lại, có ý kiến cho rằng đây là sự đánh đổi cần thiết trong quá trình "chuyển đổi xanh" đối với nền kinh tế EU và lợi ích sẽ sớm được thấy ngay trước mắt.

Các nước Baltic tách khỏi lưới điện của Nga vào đầu năm 2025

Các quốc gia Baltic gồm Estonia và Litva đặt mục tiêu tách khỏi lưới điện của Nga vào đầu năm 2025, chấm dứt 3 thập niên phụ thuộc vào quốc gia này. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tuần trước, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói: "Như một sự thỏa hiệp, chúng tôi đồng ý kéo thời hạn này lại sớm hơn một năm".

Trở lại năm 2018, các quốc gia Baltic cũng như Ba Lan và Ủy ban châu Âu đã ký một thỏa thuận hỗ trợ 1,6 tỷ euro từ nhà tài trợ châu Âu để nâng cấp cơ sở hạ tầng của khu vực này và ngắt kết nối với lưới điện của Nga vào năm 2025.

Nhiều quốc gia phương Tây tiếp tục xa rời Nga với những mức độ khác nhau. Châu Âu, khách hàng lớn nhất của Nga đối với hầu hết các mặt hàng năng lượng, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, đã cắt giảm đáng kể việc nhập khẩu nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Xuất khẩu khí đốt từ Gazprom sang Thụy Sĩ và EU đã giảm 55% vào năm 2022. Về phần mình, Mỹ đã ngừng toàn bộ nhập khẩu dầu từ Nga nhưng vẫn mua phần lớn uranium đã làm giàu từ nước này.

Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ giảm còn 9,4 triệu thùng/ngày trong tháng 8

Sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 6 và tháng 7, sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ lần đầu tiên giảm vào tháng 8 năm nay, xuống còn 9,4 triệu thùng/ngày, do sự sụt giảm ở lưu vực Permian giàu dầu mỏ.

Hoạt động khai thác trên đất liền của Mỹ đã chậm lại do các công ty dầu mỏ hạn chế chi tiêu vốn để tăng lợi nhuận cho các cổ đông. Đồng thời, hầu hết các lưu vực dồi dào nhất đã được các công ty dầu mỏ cho thuê. Những công ty này vốn sẵn sàng giảm tốc độ và chờ đợi thời cơ thích hợp nhất để tăng tốc. Sự chậm lại trong khai thác dầu đá phiến cũng thể hiện rõ qua việc giảm số lượng giếng, những giếng đã được khoan nhưng chưa hoàn thành.

Tuy nhiên, bốn nhà dự báo lớn kỳ vọng Permian - lưu vực dầu lớn nhất của Mỹ trải dài qua các vùng Tây Texas và New Mexico - sẽ tăng sản lượng thêm 40% từ mức hiện tại lên mức cao nhất vào năm 2030, theo một cuộc khảo sát của Bloomberg.

Nhịp đập năng lượng ngày 16/7/2023Nhịp đập năng lượng ngày 16/7/2023
Nhịp đập năng lượng ngày 17/7/2023Nhịp đập năng lượng ngày 17/7/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status