Nhịp đập năng lượng ngày 22/5/2023

19:08 | 22/05/2023

6,667 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ban hành quy trình mới về thử nghiệm và công nhận ngày COD các dự án năng lượng tái tạo; Anh đầu tư 15 triệu USD vào chuyển dịch năng lượng ở Đông Nam Á; Tìm thấy loại dầu có chất lượng tốt nhất trên thế giới ở Thổ Nhĩ Kỳ… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 22/5/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ban hành quy trình mới về thử nghiệm và công nhận ngày COD các dự án năng lượng tái tạo

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa ban hành Quy trình về thử nghiệm và công nhận COD các dự án điện gió và điện mặt trời, có hiệu lực từ ngày 21/5/2023, thay thế Quyết định số 746/QĐ-EVN ngày 14/6/2021.

Quy trình quy định trình tự, thủ tục thử nghiệm sau khi hòa lưới và công nhận ngày vận hành thương mại (COD) nhà máy điện gió nối lưới (nhà máy điện gió), điện mặt trời nối lưới (nhà máy điện mặt trời) đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN.

Theo đó, Công ty Mua bán điện sẽ căn cứ các nội dung của Quy trình này để thỏa thuận với các đơn vị phát điện về chương trình thử nghiệm phục vụ công nhận COD trong đó đề nghị các đơn vị phát điện chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về tính chính xác của công suất đề nghị công nhận COD. Trường hợp sau khi đã công nhận COD phát hiện phần công suất đề nghị công nhận COD lớn hơn công suất lắp đặt thực tế tại thời điểm COD, phần công suất sai khác sẽ được báo cáo Bộ Công Thương để xử lý và áp giá theo quy định của pháp luật.

Anh đầu tư 15 triệu USD vào chuyển dịch năng lượng ở Đông Nam Á

Tổ chức Đầu tư Quốc tế Anh (BII) - tổ chức tài chính phát triển và nhà đầu tư tác động của chính phủ Anh - đã công bố cam kết đầu tư 15 triệu USD vào Quỹ chuyển dịch năng lượng châu Á SUSI (SAETF), theo thông cáo báo chí từ Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam.

SAETF đặt mục tiêu đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong toàn bộ quá trình chuyển dịch năng lượng, bao gồm các dự án năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và lưu trữ năng lượng, đồng thời tập trung vào các nền kinh tế mới nổi ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Quỹ sẽ đóng góp vào các mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và Thỏa thuận Paris bằng cách tài trợ cho các giải pháp năng lượng sạch, tăng cường cung cấp nguồn điện đáng tin cậy với giá cả phải chăng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, cũng như tạo cơ hội tiếp cận các giải pháp năng lượng sạch ở những khu vực chưa có điều kiện tiếp cận.

Tìm thấy loại dầu có chất lượng tốt nhất trên thế giới ở Thổ Nhĩ Kỳ

Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez ngày 21/5, cho biết, mỏ dầu được phát hiện ở Đông Nam nước này có chất lượng tốt nhất trên thế giới. Ông Donmez tiết lộ, các chuyên gia đã bắt đầu làm việc trên các mỏ ở vùng núi Gabar cách đây 4 năm.

Trước đó, ngày 3/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, một mỏ dầu với công suất ước tính 100.000 thùng mỗi ngày đã được phát hiện ở gần một mỏ dầu hiện có ở khu vực núi Gabar thuộc tỉnh Sirnak, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm, mỏ dầu mới phát hiện có khả năng cung cấp nhiều dầu hơn bất kì mỏ nào khác của nước này và sẽ củng cố độc lập năng lượng của đất nước.

Tổng thống Pháp Macron thăm Mông Cổ thúc đẩy hợp tác năng lượng

Tổng thống Pháp ông Emmanuel Macron ngày 21/5 đã có chuyến thăm nhanh vài giờ đồng hồ tới Mông Cổ để thúc đẩy quan hệ hợp tác về năng lượng, nhất là năng lượng hạt nhân để đảm bảo đa dạng hóa nguồn cung.

Trong cuộc họp chung với người đồng cấp Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh ưu tiên tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương với Mông Cổ, nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Ông mong muốn chính phủ Mông Cổ ủng hộ cấp giấy phép hoạt động cho tập đoàn năng lượng hạt nhân của Pháp Orano (tiền thân là tập đoàn Areva) thực hiện dự án khai thác uranium quy mô lớn tại sa mạc Gobi của Mông Cổ theo chiến lược đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và đảm bảo chủ quyền năng lượng của Pháp.

Ông Macron cũng cam kết sẽ tạo điều kiện về tài chính hỗ trợ Mông Cổ thực hiện nhu cầu chuyển đổi sang năng lượng sạch khi 90% sản lượng điện của nước này là từ than đá.

IEA nhận định châu Âu vẫn còn 3 rào cản lớn về năng lượng

Giám đốc IEA đánh giá châu Âu đã giảm phụ thuộc vào dầu khí Nga và ngăn khủng hoảng năng lượng, nhưng chưa hoàn toàn thoát khó khăn. "Châu Âu đã cải tổ được thị trường năng lượng, giảm tỷ lệ khí đốt Nga trong nền kinh tế về dưới 4% mà vẫn chưa suy thoái. Dự trữ khí đốt cũng ở mức phù hợp", Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol đánh giá trong cuộc phỏng vấn với CNBC.

Nga đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng thế giới. Tuy nhiên, từ sau xung đột tại Ukraine, các nước phương Tây đã giảm dần phụ thuộc vào dầu khí nước này. Châu Âu đã làm rất tốt. Dù vậy, ông Birol cho rằng thị trường năng lượng châu Âu vẫn còn 3 rào cản lớn cần phải vượt qua năm nay.

Thứ nhất là nhu cầu từ Trung Quốc tăng, thứ hai là Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới vỡ nợ có thể khiến nhu cầu và giá dầu tăng vọt. Thách thức thứ ba là châu Âu chưa toàn toàn chấm dứt phụ thuộc vào khí đốt Nga. Triển vọng nguồn cung vẫn còn thiếu chắc chắn. Nhiều nước trong khu vực này từng bị đẩy đến bờ vực khủng hoảng năng lượng năm ngoái, khi nguồn cung khí đốt Nga giảm mạnh.

Nhịp đập năng lượng ngày 20/5/2023Nhịp đập năng lượng ngày 20/5/2023
Nhịp đập năng lượng ngày 21/5/2023Nhịp đập năng lượng ngày 21/5/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status