Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/8/2022

19:40 | 13/08/2022

8,289 lượt xem
|
(PetroTimes) - Dự trữ xăng dầu quốc gia còn thấp; Đề xuất của Đức về đường ống khí đốt châu Âu được nhiều nước ủng hộ; Bulgaria tiếp tục tăng giá khí đốt… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 13/8/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/8/2022
Đường ống dẫn khí đốt tại Nhà máy Khí tự nhiên hóa lỏng Enagás ở cảng Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP

Dự trữ xăng dầu quốc gia còn thấp

Theo báo cáo về quản lý Nhà nước mặt hàng xăng dầu của Bộ Công Thương, từ năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp đầu mối cơ bản thực hiện đúng dự trữ lưu thông, đảm bảo đủ hàng cho hệ thống phân phối, thị trường nội địa, ngay cả khi nguồn cung trong nước gặp sự cố, nhà máy ngừng sản xuất như hồi đầu năm nay.

Tuy vậy, dự trữ xăng dầu quốc gia trong nước vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế, mức bình quân 5 năm qua khoảng hơn 370.000 m3 mỗi năm. Số lượng này chỉ tương đương 9 ngày nhập khẩu ròng và 6,5 ngày tiêu thụ. Điều này khiến nhiều giai đoạn thị trường biến động…, điều hành xăng dầu gặp khó khăn.

Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ đầu tư từ ngân sách trong dự trữ để đảm bảo an ninh năng lượng và bình ổn thị trường, tăng năng lực cung ứng; rà soát lại các loại thuế đang áp dụng, bổ sung biên chế, kinh phí, trang thiết bị chuyên dùng cho lực lượng chức năng quản lý thị trường xăng dầu, sửa đổi quy định liên quan về xử lý vi phạm…

Đề xuất của Đức về đường ống khí đốt châu Âu được nhiều nước ủng hộ

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngày 12/8 ủng hộ đề xuất của Thủ tướng Đức Olaf Scholz về việc xây dựng một đường ống chạy qua Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp đến Trung Âu với nhận định nó có thể "đóng góp to lớn" trong việc làm giảm cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt.

Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước, Bộ trưởng Sinh thái Tây Ban Nha Teresa Ribera hoan nghênh đề xuất trên của Đức và bày tỏ Tây Ban Nha "sẵn sàng góp phần làm giảm cuộc khủng hoảng năng lượng... bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng tái khí hóa của Tây Ban Nha".

Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cũng cho biết một đường ống dẫn đến Trung Âu là "ưu tiên" của nước này và hoan nghênh lập trường của Đức là gia tăng "sức ép đối với các thể chế châu Âu" để đạt được tiến bộ trong vấn đề này.

Bulgaria tiếp tục tăng giá khí đốt

Công ty Bulgargaz của Bulgaria ngày 12/8 tiếp tục đề xuất tăng giá khí đốt trong tháng 9 thêm 6%, lên mức gần 158 euro (162,16 USD)/MWh không bao gồm các khoản thanh toán bổ sung.

Trước đó, Ủy ban điều tiết nước và năng lượng của Bulgaria đã thông qua đề xuất của Bulgargaz tăng giá khí đốt từ ngày 1/8 thêm 60%, lên mức gần 149 euro/MWh. Đây là mức giá khí đốt cao kỷ lục tại Bulgaria.

Từ ngày 27/4, tập đoàn Gazprom (Nga) ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgargaz do không thanh toán bằng đồng ruble đúng hạn. Sau đó, Bulgaria thông báo tìm được các nguồn cung thay thế, gồm khí hóa lỏng từ Mỹ và khí đốt từ Azerbaijan. Sau khi giảm xuống mức gần 71 euro/MWh hồi tháng 6, giá khí đốt tại Bulgaria đã liên tục tăng mạnh.

Thổ Nhĩ Kỳ thanh toán khí đốt bằng đồng Ruble

Ông Ozturk Yilmaz, lãnh đạo phe đối lập của Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định nước này đã tăng cường an ninh năng lượng trước mùa đông nhờ việc đạt được thỏa thuận với Nga liên quan hoạt động nhập khẩu khí đốt.

Trước đó, ngày 11/8, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez tuyên bố nước này sẽ thanh toán hợp đồng khí đốt tự nhiên bằng đồng Ruble. Ông Yilmaz đánh giá đây là diễn biến tích cực, an ninh và nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ tiếp tục, sẽ không có tình trạng gián đoạn.

Theo ông Yilmaz, Moscow và Ankara có mối quan hệ đặc biệt và đã được chứng minh trong thời kỳ biến động, và hai bên cần tăng cường hợp tác toàn diện để đối phó với sức ép từ phương Tây. Nga nên cho phép Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ các lợi ích an ninh của nước này ở Syria.

Australia xem xét hạn chế xuất khẩu khí đốt

Lãnh đạo các cơ quan năng lượng của các bang tại Australia đã tổ chức vòng thảo luận thứ hai ngày 12/8 với Bộ trưởng Năng lượng Chris Bowen để bàn về nguồn cung khí đốt và các biện pháp cải cách thị trường năng lượng sau cuộc khủng hoảng năng lượng và khí đốt xảy ra hồi tháng 6.

Các quan chức đã nhất trí tăng cường quyền hạn cho Cơ quan vận hành thị trường năng lượng Australia để bổ sung dự trữ khí đốt tại các kho chứa chưa được lấp đầy trước mùa đông năm 2023 và yêu cầu cơ quan này xây dựng một kế hoạch chuẩn bị năng lượng vào mỗi mùa đông để xác định sớm các nguy cơ.

Lãnh đạo cơ quan năng lượng các bang đông dân nhất là New South Wales và Victoria cho rằng cần nhanh chóng tìm cách ngăn chặn tình trạng thiếu khí đốt được dự báo cho các năm 2023 và 2024 và kêu gọi các nhà sản xuất khí đốt ưu tiên thị trường nội địa để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu.

Đức ban hành các quy định mới để đối phó tình trạng thiếu khí đốt

Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Hành động Khí hậu cho biết nước này sắp tới sẽ đưa ra quy định mới để đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng sau khi nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt giảm mạnh. Các quy định mới nhiều khả năng sẽ có hiệu lực vào tuần tới.

Nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Đức cho biết, biện pháp giảm 1 độ C của hệ thống sưởi trong nhà giúp tiết kiệm tới 6% khí đốt. Theo Luật An ninh Năng lượng mới, hơn 180.000 tòa nhà công cộng ở Đức sẽ chỉ được phép sưởi không quá 19 độ C. Đồng thời, chính quyền sẽ tắt đèn chiếu sáng của các tòa nhà, tượng đài, biển quảng cáo... vào ban đêm để tiết kiệm điện.

Đức là nước công nghiệp phát triển duy nhất trên thế giới loại bỏ dần sử dụng than đá và năng lượng hạt nhân. Song, do nguồn cung khí đốt từ Nga qua đường ống Nord Stream 1 đã giảm xuống còn 20%, chính phủ Đức đang cân nhắc việc ngừng loại bỏ năng lượng hạt nhân và chuẩn bị thêm luật để đưa các nhà máy điện than hoạt động trở lại.

Ấn Độ khẳng định không chịu áp lực hạn chế mua năng lượng từ Nga

Ấn Độ ngày 12/8 khẳng định không chịu bất cứ áp lực nào từ các nước phương Tây hoặc bất kỳ nơi nào khác đối với việc mua năng lượng từ Nga. “Các quyết định của chúng tôi về việc mua dầu hoặc những vấn đề khác liên quan sẽ theo các yêu cầu về an ninh năng lượng của chúng tôi…”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi nêu rõ.

Tuyên bố này được đưa ra khi các công ty Ấn Độ tăng cường nhập khẩu dầu mỏ và than từ Nga. Nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ 3 thế giới đã vượt Trung Quốc trở thành khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga trong tháng 7 căn cứ vào khối lượng vận chuyển đường biển.

Trước khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022, Ấn Độ mua rất ít dầu mỏ của Nga. Theo phía Ấn Độ, giao dịch thương mại giữa nước này với Nga dự kiến sẽ tăng mạnh trong 2 tháng tới sau khi Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cho phép các nhà xuất nhập khẩu thanh toán bằng đồng rupee.

Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì cổ phần trong cả 2 dự án Sakhalin

Ngày 12/8, trả lời phỏng vấn tờ Nikkei, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản mới được bổ nhiệm hôm 10/8, ông Yasutoshi Nishimura, cho hay nước này muốn duy trì việc tham gia các dự án dầu khí Sakhalin-1 và Sakhalin-2 tại Nga. Cả 2 dự án này cung cấp gần 9% tổng lượng khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) nhập khẩu vào Nhật Bản.

Ông Nishimura khẳng định các dự án này là cực kỳ quan trọng, góp phần đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định cho Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh "không có thay đổi nào trong chính sách của Nhật Bản nhằm duy trì lợi ích (trong các dự án)”.

Dự án Sakhalin-2 đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với Tokyo, chiếm gần như toàn bộ lượng LNG nhập khẩu từ Nga. Chỉ tính riêng nhiên liệu từ Sakhalin-2, trong đó công ty Mitsui và Mitsubishi của Nhật Bản lần lượt chiếm 12,5% và 10% cổ phần, đã tạo ra khoảng 3% tổng sản lượng điện của cả nước. Còn trong dự án Sakhalin 1, Tập đoàn Phát triển dầu khí Sakhalin của Nhật Bản chiếm 30% cổ phần.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/8/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/8/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 11/8/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 11/8/2022

T.H

DMCA.com Protection Status