Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/12/2022

19:55 | 15/12/2022

5,561 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Việt Nam ký thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng; EU huy động thêm 20 tỷ euro để giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga; Goldman Sachs hạ dự báo giá dầu trong năm 2023… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 15/12/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/12/2022
EU sẽ huy động thêm khoảng 21 tỷ USD từ thị trường carbon để giúp tài trợ cho kế hoạch sớm chấm dứt sự phụ thuộc của khối vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Ảnh: AFP

Việt Nam ký thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng

Chính phủ Anh ngày 14/12 đưa tin Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế đã đạt thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Lãnh đạo nhiều nước đã chúc mừng và hoan nghênh động thái này của Việt Nam.

Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) mà Việt Nam vừa thống nhất với các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trung hòa carbon đầy tham vọng vào năm 2050, đẩy nhanh việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Theo đó, các đối tác quốc tế sẽ huy động khoản tài chính từ các khối công và tư ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD trong vòng 3-5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam diễn ra nhanh chóng hơn.

Lãnh đạo một số nước đã chúc mừng và hoan nghênh động thái của Việt Nam. Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Việt Nam là nước tiên phong với một khuôn khổ mới nhằm đạt được chuyển đổi năng lượng bền vững và công bằng hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo.

EU huy động thêm 20 tỷ euro cho kế hoạch giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga

Theo một thỏa thuận chính trị đạt được ngày 14/12, Liên minh châu Âu (EU) sẽ huy động thêm 20 tỷ euro (khoảng 21 tỷ USD) từ thị trường carbon để giúp tài trợ cho kế hoạch sớm chấm dứt sự phụ thuộc của khối này vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Các nhà đàm phán của các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu đã nhất trí 60% kinh phí trên được huy động từ Quỹ Đổi mới EU - một nguồn thu của thị trường carbon hiện được chi cho các công nghệ “xanh” mang tính đột phá. Trong khi đó, 40% còn lại sẽ được huy động từ việc bán giấy phép phát thải CO2 được cấp trước khi kế hoạch được triển khai.

Thị trường carbon của EU buộc các nhà máy điện và nhà máy công nghiệp phải mua giấy phép phát thải CO2. Khoản tiền này sẽ được đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất năng lượng tái tạo, đổi mới tiết kiệm năng lượng và triển khai các dự án giúp ngành công nghiệp loại bỏ carbon.

Goldman Sachs hạ dự báo giá dầu trong năm 2023​

Ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu Brent trong quý I và quý II/2023 xuống còn lần lượt là 90 USD/thùng và 95 USD/thùng so với mức tương ứng 115 USD/thùng và 105 USD/thùng. Còn trong 2 quý cuối năm 2023, Goldman dự báo giá dầu Brent sẽ tăng lên 100-105 USD/thùng, vẫn thấp hơn so với dự báo 110 USD/thùng trước đó.

Cho cả năm 2023, Goldman Sachs dự kiến giá dầu Brent ở mức trung bình 98 USD/thùng và dầu WTI ở mức 92 USD/thùng, giảm so với dự báo trước đó là 110 USD/thùng cho dầu Brent và 105 USD/thùng cho dầu WTI. Goldman cũng đưa dự báo giá dầu cho năm 2024, với dầu Brent trung bình ở mức 105 USD/thùng và dầu WTI ở mức 99 USD/thùng.

Ngân hàng này cho biết có ít rủi ro giá dầu tăng vọt trong mùa đông do Trung Quốc tiêu thụ ít hơn dự kiến, xuất khẩu của Nga gần bằng mức trước thềm căng thẳng với Ukraine, và hoạt động sản xuất giảm tại Kazakhstan và Nigeria.

EU sẽ thúc đẩy nhiều hợp đồng mua khí đốt để thay thế nguồn cung của Nga

Bản dự thảo kết luận Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), dự kiến diễn ra ngày 15/12, cho thấy liên minh này sẽ hành động nhanh chóng để bắt đầu mua khí đốt chung, một ý tưởng được EU đề xuất vào năm ngoái nhằm sử dụng sức mạnh của khối với tư cách là thị trường khí đốt lớn nhất thế giới để thương lượng giảm giá bán.

Nga là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của châu Âu nhưng đã cắt giảm phần lớn nguồn cung cho châu lục này kể từ khi Moskva tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, khiến giá năng lượng tăng vọt và buộc các nước EU phải tìm cách đảm bảo nguồn cung từ các nước khác là Algeria , Na Uy và Mỹ.

Dự thảo cho hay, các quốc gia EU cũng nên đẩy nhanh đàm phán với các nhà cung cấp đáng tin cậy "để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt cho mùa đông năm 2023/2024 với hy vọng sẽ ký kết các hợp đồng dài hạn". Brussels cũng cho biết phần lớn nguồn cung khí đốt của Nga nên được thay thế bằng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng được sản xuất trong nước.

EU đẩy mạnh nhập dầu diesel Nga

Đài Sputnik (Nga) dẫn phân tích dữ liệu theo dõi hàng hóa năng lượng trên biển của phương tiện truyền thông Mỹ cho biết Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã nhập khẩu lượng dầu diesel khoảng 16 triệu thùng từ ngày 1 đến 10/12 để tích trữ trước khi lệnh cấm mới có hiệu lực vào tháng 2/2023. Lượng nhập khẩu này gần đạt kỷ lục được thiết lập vào đầu năm 2016.

Dầu diesel Nga chiếm gần một nửa trong số đó. Cụ thể, Moskva đã xuất khẩu trung bình 749.300 thùng/ngày trong tổng số 1,6 triệu thùng/ngày cho Anh và các quốc gia EU. Saudi Arabia, Ấn Độ, Mỹ và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nằm trong top 5, lần lượt nhập khẩu 298.300, 156.400, 60.800 và 28.000 thùng/ngày từ Nga.

Dữ liệu xuất khẩu dầu diesel tháng 12 cho thấy xuất khẩu dầu diesel của Nga sang châu Âu vẫn tăng đều kể từ tháng 9. Dữ liệu xuất khẩu cũng cho thấy EU và Anh tiếp tục chiếm hơn một nửa tổng xuất khẩu dầu diesel trên tàu của Nga, chiếm 694.300 thùng/ngày trong mức xuất khẩu trung bình 1,2 triệu thùng/ngày trong tháng 11.

Pháp, Đức khẳng định không thiếu năng lượng và khí đốt trong mùa đông

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 14/12 cho biết đến 1/2023, Pháp sẽ đưa 45 lò phản ứng hạt nhân vào hoạt động, tăng từ mức 41 lò hiện nay, tin rằng điều này sẽ giúp Pháp tránh phải cắt điện trong mùa đông.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Mạng lưới điện Pháp (RTE) Thomas Veyrenc cho biết, dù tình hình nói chung vẫn cần cảnh giác, nhưng với các bước đã thực hiện nhằm khuyến khích người dân giảm tiêu thụ điện thì Pháp có thể tránh kịch bản cắt điện.

Cũng trong ngày 14/12, cơ quan quản lý năng lượng Đức (Bundesnetzagentur) cho biết, dự trữ khí đốt của Đức hiện ở mức 92,45%, nước này hiện không có nguy cơ xảy ra tình trạng khẩn cấp về năng lượng, nhưng kêu gọi các hộ gia đình và các doanh nghiệp tiếp tục các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Giá trị xuất khẩu điện của Lào năm 2022 tăng 7,5% so với cùng kỳ

Báo chí Lào số ra ngày 15/12 đưa tin giá trị xuất khẩu điện của nước này trong năm 2022 đã tăng 7,5% so với năm 2021, thu trị giá trên 1,76 tỷ USD, trong khi giá trị nhập khẩu chỉ 18 triệu USD, giảm tới 72,7%. Năm 2023, Chính phủ Lào đặt mục tiêu sẽ sản xuất 51.134 triệu kWh, tương đương khoảng 41.321 tỷ kip (khoảng trên 2,4 tỷ USD), tăng 71,77% so với năm 2022.

Lào hiện đang hợp tác với Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Singapore và Trung Quốc trong việc mua bán điện và chính phủ nước này sẽ tiếp tục đàm phán, thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng, đặc biệt là trao đổi điện bằng hệ thống “đấu nối mạng lưới điện” với Trung Quốc, nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện trong mùa khô và trữ lượng điện thừa trong mùa mưa.

Lào hiện có 90 nhà máy phát điện trên khắp cả nước, với tổng công suất lắp đặt gần 11.000 MW, bao gồm 77 nhà máy thủy điện, 8 nhà máy điện mặt trời, 4 dự án điện sinh khối và 1 nhà máy nhiệt điện than.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/12/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/12/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/12/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/12/2022

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status