Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/2/2023

19:50 | 15/02/2023

5,239 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Bộ Công Thương đề nghị EVN tính toán kỹ lưỡng các phương án về giá điện; Ai Cập ký 5 thỏa thuận thăm dò dầu khí; Séc đề xuất EU cải cách an ninh nguồn cung để đối phó khủng hoảng giá năng lượng… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 15/2/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/2/2023
Ai Cập vừa ký 5 thỏa thuận với các công ty trong nước và quốc tế nhằm thăm dò và khai thác dầu khí. Ảnh: Pixabay

Bộ Công Thương đề nghị EVN tính toán kỹ lưỡng các phương án về giá điện

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN cần bám sát, tuân thủ quy trình thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24 ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Bộ trưởng yêu cầu, việc điều chỉnh giá điện cần phải được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và đúng quy định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng chỉ đạo EVN chủ động tham gia đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cơ chế giá điện, thị trường điện tại Luật Điện lực, cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA để đảm bảo giá điện phản ánh đầy đủ yếu tố thị trường, tạo môi trường bình đẳng giữa các bên trong hoạt động điện lực.

Ai Cập ký 5 thỏa thuận thăm dò dầu khí

Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập, Tarek El-Molla, ngày 14/2 đã ký 5 thỏa thuận với các công ty trong nước và quốc tế nhằm thăm dò và khai thác dầu khí ở 4 khu vực tại Sa mạc phía Tây và ngoài khơi Bắc Sinai ở Địa Trung Hải. Các hợp đồng này có mức đầu tư hơn 40 triệu USD bao gồm 11 giếng khoan mới.

Cụ thể, Tổng công ty Dầu khí Ai Cập (EGPC) và Công ty Thăm dò và Phát triển Dầu khí Quốc gia Ai Cập (ENPEDCO) đã nhất trí ký thỏa thuận nhằm tìm kiếm dầu khí ở phía Nam Ras Qattara thuộc Sa mạc phía Tây; EGPC và Công ty Năng lượng Kuwait thực hiện khoan hai giếng nhằm khai thác trữ lượng dầu mỏ tại khu vực phát triển Burj Al Arab ở Sa mạc phía Tây;

EGPC ký kết với Energean và INA Industrija Nafte khoan 3 giếng thăm dò ở khu vực phía đông Bir al- Nuss cũng ở Sa mạc phía Tây; EGPC ký với công ty năng lượng Eni của Italy khoan thăm dò 2 giếng ở phía tây nam khu vực Meleiha, thuộc Sa mạc phía Tây; EGPC cũng đã nhất trí đầu tư với Công ty Perenco trong dự án khoan thăm dò khí đốt tự nhiên ở khu vực ngoài khơi Bắc Sinai trên Địa Trung Hải.

Séc đề xuất EU cải cách an ninh nguồn cung để đối phó khủng hoảng giá năng lượng

Cải cách thị trường điện của Liên minh châu Âu (EU) là một trong những đề xuất chính của Ủy ban châu Âu nhằm giải quyết vấn đề giá năng lượng. Các quốc gia thành viên đã phải gửi đề xuất về vấn đề này trước ngày 13/2. Tuy nhiên, Cộng hòa Séc cho rằng, cải cách cần tạo ra một khuôn khổ pháp lý ổn định để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng nhiều hơn, đồng thời, bảo vệ các hộ gia đình và ngành công nghiệp khỏi một thị trường đầy biến động.

Nước này cũng kêu gọi tăng cường đảm bảo an ninh nguồn cung cấp và chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp khẩn cấp của hệ thống năng lượng. Séc tiết lộ an ninh nguồn cung và đơn giản hóa thủ tục các khoản đầu tư để chuyển đổi ngành năng lượng sẽ là trọng tâm chính của cải cách thị trường điện của EU trong thời gian tới.

Cộng hòa Séc cũng đang thúc đẩy việc tôn trọng nguyên tắc trung lập về công nghệ, đặc biệt là đối với việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới. Hiện tại, Séc sản xuất phần lớn điện năng từ các nhà máy chạy bằng năng lượng hóa thạch và nhà máy điện hạt nhân, trong khi phần năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng 3,7% trong năm 2022.

Khủng hoảng năng lượng thúc đẩy chuyển đổi xanh sớm hơn 10 năm

Một cuộc khảo sát cho thấy, khủng hoảng năng lượng từ cuộc xung đột ở Ukraine gây ra có thể đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trong khoảng thời gian đáng kinh ngạc từ 5 đến 10 năm.

Năm ngoái, chi tiêu vốn toàn cầu cho các tài sản năng lượng mặt trời và gió đã tăng từ 357 tỷ USD lên 490 tỷ USD, lần đầu tiên vượt qua khoản đầu tư vào các giếng dầu, khí đốt và sẽ tiếp tục tăng trong hai năm tới. Cùng với đó, các chính phủ, hộ gia đình và doanh nghiệp đã cùng nhau chi 560 tỷ USD cho việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Số tiền này chủ yếu dành cho hai công nghệ: xe điện và máy bơm nhiệt. Các nguồn năng lượng thay thế cũng đang được tìm kiếm nhiều hơn, đặc biệt là ở châu Âu.

IEA dự báo, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn cung cấp điện lớn nhất toàn cầu vào đầu năm 2025; trong giai đoạn 2022-2027, năng lượng tái tạo sẽ tăng gần 2.400 gigawatt, tương đương với toàn bộ công suất điện lắp đặt của Trung Quốc hiện nay. Con số này cao hơn gần 30% so với dự báo của cơ quan này vào năm 2021. Năng lượng tái tạo được thiết lập để chiếm 90% mức tăng công suất phát điện toàn cầu trong giai đoạn này.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/2/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/2/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/2/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/2/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status