Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 16/1/2023

19:52 | 16/01/2023

5,979 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Iran đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô bất chấp các lệnh cấm vận; Italy tăng cường nguồn cung cấp khí đốt; Hy Lạp gợi ý cung cấp khí đốt cho Ukraine thay Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 16/1/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 16/1/2023
Xuất khẩu dầu thô của Iran đạt mức cao kỷ lục trong hai tháng cuối của năm 2022 bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ. Ảnh minh họa: Tehrantimes

Iran đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô bất chấp các lệnh cấm vận

Xuất khẩu dầu thô của Iran đạt mức cao kỷ lục trong hai tháng cuối của năm 2022 bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ, nhờ các đơn hàng xuất sang Trung Quốc và Venezuela.

Hãng tin Reuters ngày 15/1 dẫn thống kê của công ty tư vấn năng lượng SVB International cho biết, xuất khẩu dầu thô của Iran đạt trung bình 1,137 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 12/2022, tăng 42.000 thùng/ngày so với tháng trước đó và là mức cao nhất trong năm.

Công ty tư vấn Petro-Logistics chuyên theo dõi thị trường dầu mỏ cũng cho biết, xuất khẩu dầu thô của Iran đã tăng lên trung bình 1,27 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2022, mức cao nhất kể từ năm 2019. Iran xuất khẩu dầu thô nhiều nhất là sang thị trường Trung Quốc. Tehran cũng tăng cường xuất khẩu dầu sang Venezuela trong năm qua.

Italy tăng cường nguồn cung cấp khí đốt

Ngày 15/1, Eni - tập đoàn năng lượng quốc doanh khổng lồ của Italy, cho biết nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Italy sẽ được đảm bảo hơn vào mùa đông tới, khi nước này tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và mua khí đốt từ Algeria.

Giám đốc điều hành Eni, ông Claudio Descalzi cho biết công ty này đang có kế hoạch đưa thêm 7 tỷ m3 LNG đến Italy trong các năm 2023-2024 để giúp củng cố an ninh năng lượng của nước này và loại bỏ nguồn cung cấp từ Nga.

Italy là một trong số các quốc gia châu Âu đang xem xét việc xây thêm các cảng nhập khẩu LNG, và một số dự án được triển khai nhanh chóng sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine. Một cảng LNG nổi tại Piombino trên bờ biển Tuscany, miền Trung Italy, sẽ bắt đầu hoạt động vào mùa xuân tới.

Hy Lạp gợi ý cung cấp khí đốt cho Ukraine thay Nga

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis trong một phát biểu mới đây cho rằng, Hy Lạp có thể cung cấp khí đốt cho Ukraine thay Nga. Ông Kyriakos Mitsotakis cho rằng, thành phố cảng Alexandroupolis có thể trở thành một trung tâm năng lượng lớn.

“Hy Lạp đang trở thành cửa ngõ cung cấp khí đốt tự nhiên, không chỉ đáp ứng nhu cầu của chúng tôi mà còn đáp ứng nhu cầu của vùng Balkan và Đông Âu. Vậy tại sao lại không phải cho cả Ukraine luôn?”, ông Mitsotakis nói.

Trước đó, ông Mitsotakis từng tuyên bố rằng Hy Lạp có thể giúp châu Âu trở nên độc lập khỏi nguồn khí đốt của Nga. Vì thế, ông Mitsotakis lưu ý rằng Hy Lạp hiện đang tiến hành việc thăm dò mỏ mới ở phía tây nam đảo Crete, phía tây nam bán đảo Peloponnese với tốc độ rất cao.

Moldova tuyên bố không trừng phạt Nga vì lo ngại rủi ro về khí đốt

Ngày 15/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Moldova Daniel Voda tuyên bố, nước này không tham gia cùng Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Nga vì lo ngại rủi ro không nhận được khí đốt từ Nga.

Moldova không tham gia các biện pháp trừng phạt chống Nga và CH Belarus vì nguy cơ bị cắt nguồn cung cấp khí đốt Nga. Việc hạn chế nguồn cung cấp các nguồn năng lượng từ Nga sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Moldova", ông Voda nói.

Hồi tháng 11/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Moldova, Nicu Popescu cho biết nước này cần khoản hỗ trợ tài chính trị giá 1,1 tỷ Euro liên quan đến cuộc khủng hoảng năng lượng.

UAE và Mỹ phân bổ 20 tỷ USD cho các dự án năng lượng sạch

Ngày 15/1, tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nhà hoạt động khí hậu trong sự kiện Tuần lễ Phát triển bền vững Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Mỹ ngày 15/1 tuyên bố sẽ phân bổ 20 tỷ USD để tài trợ cho cho các dự án năng lượng sạch và tái tạo ở Mỹ với công suất 15 GW tới năm 2035.

Đây là đợt giải ngân đầu tiên trong khuôn khổ quan hệ đối tác năng lượng sạch trị giá 100 tỷ USD đã được hai nước ký kết. Các khoản đầu tư nói trên sẽ được triển khai bởi hãng năng lượng tái tạo Masdar của UAE và một liên minh gồm các nhà đầu tư tư nhân Mỹ.

Theo tuyên bố, làn sóng đầu tư đầu tiên của thỏa thuận “Đối tác Mỹ-UAE về Tăng tốc Năng lượng Sạch (PACE)” sẽ được khởi động với 7 tỷ USD vốn cổ phần bằng tiền mặt từ khu vực tư nhân và sẽ huy động thêm 13 tỷ USD thông qua tài trợ nợ của Mỹ và các công cụ khác.

Tập đoàn Eni phát hiện mỏ khí quan trọng ở vùng biển Ai Cập

Công ty năng lượng toàn cầu Eni (Italy) ngày 15/1 thông báo đã phát hiện một mỏ khí đốt quan trọng tại giếng thăm dò Nargis-1 thuộc khu vực nhượng quyền ngoài khơi Nargis ở phía Đông Địa Trung Hải, gần thành phố Al-Arish, tỉnh Bắc Sinai của Ai Cập.

Thông báo cho biết khoảng 61m đá sa thạch có chứa các trầm tích Miocene và Oligocene đã được tìm thấy ở độ sâu 309 m dưới mặt nước biển. Phát hiện mới này có ý nghĩa rất quan trọng cho phép Eni phát triển hơn nữa hoạt động thăm dò khí đốt tại giếng Nargis-1.

Eni là công ty năng lượng đa quốc gia của Italy hoạt động tại Ai Cập từ năm 1954, đã được trao quyền thăm dò ở các khu vực Bắc Rafah, Bắc El-Fayrouz, Đông Bắc El-Arish, Tiba và Bellatrix-Seti East. Công ty này hiện là nhà sản xuất dầu khí hàng đầu tại Ai Cập với sản lượng tương đương khoảng 350.000 thùng dầu mỗi ngày.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/1/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/1/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/1/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/1/2023

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status