Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 18/2/2023

19:45 | 18/02/2023

8,449 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Đẩy mạnh hợp tác Việt - Nga trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng; OPEC+ duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ; Thế giới có thể tiêu thụ số dầu kỷ lục năm nay… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 18/2/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 18/2/2023
Giàn khai thác trung tâm mỏ Bạch Hổ

Đẩy mạnh hợp tác Việt - Nga trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng

Chiều 17/2, tại buổi tiếp ông Andrey Vladimirovich Yatskin, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn Nga đã ủng hộ Việt Nam. Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga vui mừng nhận thấy quan hệ Liên bang Nga - Việt Nam tiếp tục có độ tin cậy cao và đánh giá cao việc hai nước tiếp tục duy trì tiếp xúc và ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác đa phương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga nhất trí hai bên sẽ cùng bàn bạc, trao đổi, hoàn thiện dự thảo để ký lại Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Liên bang Nga. Hai bên cũng khẳng định cần hợp tác về giải quyết những khó khăn, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước theo hướng thiết thực và hiệu quả.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai nước đẩy mạnh hợp tác song phương trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng. Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp dầu khí hai nước tăng cường hợp tác, hoan nghênh các doanh nghiệp Nga tham gia vào các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi tại Việt Nam; đề nghị Quốc hội và Chính phủ Nga tiếp tục ủng hộ hoạt động của các doanh nghiệp dầu khí Nga tại Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế.

OPEC+ duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho hay, thỏa thuận hiện nay của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) về việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ sẽ được duy trì cho tới cuối năm 2023.

Kênh truyền hình Ashrq dẫn phát biểu của ông Abdulaziz cho biết, OPEC+ không thể tăng sản lượng chỉ dựa trên những tín hiệu ban đầu về nhu cầu dầu mỏ.

Saudi Arabia, nhà sản xuất lớn nhất và là nhà lãnh đạo trên thực tế của OPEC+, đã giảm khai thác 156.000 thùng/ngày trong tháng 1/2023 so với tháng 12/2022, thấp hơn 100.000 thùng/ngày so với hạn ngạch 10,478 triệu thùng/ngày như một phần của thỏa thuận OPEC+ đặt ra tại cuộc họp tháng 10 và có hiệu lực từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2023, hoặc cho đến khi OPEC+ có quyết định khác.

Thế giới có thể tiêu thụ số dầu kỷ lục năm nay

Trong báo cáo công bố hôm 15/2, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 2 triệu thùng một ngày so với năm ngoái, đạt 101,9 triệu thùng năm nay. Con số này thậm chí tăng 1,4 triệu thùng so với năm 2019 - trước khi đại dịch xuất hiện.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng góp phần lớn mức tăng. Chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm nửa sức tăng này, nhờ gỡ bỏ chính sách Zero Covid tháng 12 năm ngoái.

Trong khi đó, nhu cầu các sản phẩm khác từ dầu lại được dự báo giảm do hoạt động sản xuất yếu đi. Nhu cầu xăng cũng sẽ đi xuống khi xe điện dần phổ biến. IEA dự báo sản lượng dầu toàn cầu tăng 1,2 triệu thùng năm 2023. Sức tăng chủ yếu ở Mỹ, Brazil và Na Uy.

Nga nhận định tiêu thụ khí đốt tăng tối thiểu 20% trong 20 năm tới

Ngày 17/2, phát biểu qua video tại sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập công ty năng lượng nhà nước Gazprom, Tổng thống Nga Putin lưu ý mức tiêu thụ khí đốt toàn cầu đã tăng gần gấp đôi trong 30 năm qua và dự kiến sẽ tăng ít nhất 20% trong 20 năm tới.

“Trong cái gọi là giai đoạn chuyển tiếp, nhu cầu sẽ rất lớn và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm hơn một nửa mức tăng trưởng này, đặc biệt là ở Trung Quốc, với tốc độ phát triển kinh tế của nước này” - ông Putin nói.

Về Gazprom, ông Putin mô tả trữ lượng năng lượng đã thăm dò của công ty nhà nước này là rất lớn. “Đây là các mỏ khí đốt Bovanenkovskoye và Kharasaveyskoye. Mỏ đầu tiên chứa 4,9 nghìn tỷ mét khối trữ lượng đã được chứng minh. Mỏ thứ hai có khoảng 2.000 tỷ mét khối. Đây là những nguồn dự trữ rất lớn đối với bất kỳ quốc gia nào” - người đứng đầu nước Nga nhận xét.

Cuba cắt điện luân phiên để sửa chữa các nhà máy điện cũ

Ông Vicente de la O Levy, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Cuba hôm 17/2 thông báo tình trạng mất điện luân phiên sẽ tiếp tục và kéo dài đến tháng 5 tới, trong thời gian nước này đại tu các nhà máy nhiệt điện dầu hàng chục năm tuổi, trước nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao trong mùa hè. Sau tháng 5, các nguồn nguồn điện tiếp tục được dự trữ để đến tháng 6, 7 và 8 có điều kiện tốt hơn so với năm trước.

Lưới điện của Cuba bị sập sau khi cơn bão Ian đi qua vào cuối tháng 9/2022, nhấn chìm cả nước vào bóng tối và kéo theo một số cuộc biểu tình rải rác ở La Habana. Tình trạng mất điện luân phiên cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và cuộc sống của nhiều người dân.

Bộ trưởng Năng lượng Cuba cũng cảnh báo các vấn đề bất ngờ về phát điện có thể bùng phát trở lại trong những tháng tới, gây ra tình trạng mất điện nhiều hơn, nhưng tình trạng sẽ không căng thẳng như năm 2022 khi trung bình mất điện 10 giờ một ngày. Chính quyền Cuba cũng cho rằng, vấn đề thiếu hụt điện năng dần trở nên trầm trọng hơn bởi lệnh cấm vận của Mỹ, làm hạn chế việc tài trợ và mua các linh kiện, nhiên liệu và đầu tư vốn.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 16/2/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 16/2/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 17/2/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 17/2/2023

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status