Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 18/8/2022

20:51 | 18/08/2022

3,704 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Dư nợ tín dụng cho các dự án xanh còn khiêm tốn; Nga dự báo giá khí đốt xuất khẩu sẽ tăng hơn gấp đôi; Saudi Aramco sẽ tăng mạnh công suất từ năm 2025… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 18/8/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 18/8/2022
Aramco đang thực hiện chương trình chi tiêu vốn lớn nhất trong lịch sử của tập đoàn cho mục tiêu nâng công xuất sản xuất lên mức 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027. Ảnh: AFP

Dư nợ tín dụng cho các dự án xanh còn khiêm tốn

Tại Hội nghị thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững được Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, Ngân hàng Nhà nước thông tin đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng cho các dự án xanh đạt khoảng 474.000 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng trên 7% so với cùng kỳ, nhưng còn khá khiêm tốn, mới chiếm khoảng 4,1% dư nợ toàn nền kinh tế.

"Về tín dụng xanh, năng lượng tái tạo đã chiếm 47% trong tổng số. Ngoài nhu cầu về tín dụng xanh cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là rất lớn, ngành ngân hàng cần huy động nguồn lực lớn từ bên ngoài, từ các tổ chức quốc tế, các cơ quan phát triển đa phương và song phương", ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết.

các diễn giả đã nhấn mạnh tới việc cần phải huy động thêm nguồn lực tài trợ cho các dự án xanh, đặc biệt với các dự án về năng lượng và nông nghiệp xanh để đạt mục tiêu giảm mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

OPEC khẳng định không là tác nhân khiến giá dầu và lạm phát gia tăng

Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, tân Tổng Thư ký của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Haitham Al Ghais ngày 17/8 cho rằng tổ chức này không phải là tác nhân gây ra tình trạng lạm phát tăng vọt, thay vào đó ông nhấn mạnh về tình trạng thiếu đầu tư kinh niên vào ngành dầu khí.

Ông Ghais cho biết, OPEC đang làm phần việc của mình và tăng sản lượng theo một cơ chế minh bạch. Ông Al Ghais nhấn mạnh OPEC đang làm mọi cách để đưa thị trường trở lại trạng thái cân bằng, nhưng có những yếu tố kinh tế thực sự nằm ngoài tầm kiểm soát của OPEC.

Trong khi đó, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), giá nhiên liệu hóa thạch cao hiện nay tạo cơ hội cho các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu và khí đốt trải qua một sự chuyển đổi rất cần thiết. IEA từng nhận định rằng các nhà đầu tư không nên tài trợ cho các dự án cung cấp dầu, khí đốt và than mới nếu muốn đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng xuống 0 vào giữa thế kỷ này.

Nga dự báo giá khí đốt xuất khẩu sẽ tăng hơn gấp đôi

Hãng tin Reuters cho hay Bộ Kinh tế Nga dự báo giá xăng xuất khẩu trung bình vẫn tăng gấp hơn 2 lần trong năm nay, lên mức 730 USD/1.000m3 trước khi giảm dần cho tới cuối năm 2025. Nguồn thu của Nga từ năng lượng sẽ giảm nhẹ xuống mức 255,8 tỷ USD vào năm 2023 nhưng vẫn cao hơn con số 244,2 tỷ USD của năm 2021.

Tài liệu từ Bộ Kinh tế Nga cũng cho thấy, lượng xuất khẩu dầu cao hơn cộng với giá xăng tăng sẽ đẩy nguồn thu của Nga từ xuất khẩu năng lượng lên mức 337,5 tỷ USD trong năm 2022, tăng 38% so với năm ngoái.

Sự gia tăng doanh thu này sẽ giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin chi tiêu quân sự hoặc trả lương người lao động, lương hưu trí trong bối cảnh kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sự gia tăng nguồn thu từ bán năng lượng có thể chỉ bù đắp phần nào cho các tổn hại tổng thể do các lệnh trừng phạt gây ra cho nền kinh tế Nga.

Hãng khí đốt hàng đầu của Đức lỗ hơn 12,6 tỷ USD

Uniper - nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất của Đức - báo cáo khoản lỗ ròng hơn 12,6 tỷ USD nửa đầu năm. Uniper lỗ lớn do phải mua khí đốt trên thị trường giao ngay với giá đắt đỏ sau khi Moskva bắt đầu cắt giảm nguồn cung từ tháng 6. Ngoài ra, khoản lỗ cũng bao gồm thiệt hại 2,7 tỷ euro liên quan đến đường ống Nord Stream 2 bị hủy bỏ, được Uniper hỗ trợ tài chính.

Công ty cho biết không thể dự báo doanh thu năm nay do môi trường biến động. Tuy nhiên, họ dự kiến lỗ từ trung bình đến cao vào khoảng hàng tỷ euro vào năm 2022 và năm tới, trước khi thoát lỗ vào năm 2024. Uniper từng nhập khẩu hơn một nửa lượng khí đốt mà họ kinh doanh từ Nga, khiến công ty phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung này so với các công ty cùng ngành.

Nga đã giới hạn việc giao hàng khí đốt tới Đức qua đường ống Nord Stream 1 ở mức 20% công suất tối đa. Moskva cho biết nguyên nhân là các vấn đề về kỹ thuật. Tuy nhiên, giới chức Đức và châu Âu bác bỏ giải thích này, cho đây là một cuộc tấn công kinh tế. Nếu Nga cắt giảm nguồn cung hơn nữa, châu Âu có thể phải vật lộn để lấp đầy kho dự trữ khí đốt hoặc sẽ cạn khí đốt nhanh hơn so với những mùa đông trước.

Myanmar tăng mạnh nhập khẩu dầu từ Nga

Myanmar lên kế hoạch nhập khẩu xăng và dầu nhiên liệu của Nga để giảm bớt lo ngại về nguồn cung và giá cả tăng cao. “Chúng tôi đã được chấp thuận nhập khẩu xăng dầu từ Nga, đồng thời cho biết thêm rằng xăng được ưa chuộng vì chất lượng và chi phí thấp", người phát ngôn quân đội Myanmar Zaw Min Tun cho biết hôm 17/8.

Theo truyền thông Myanmar, chính quyền quân sự Myanmar đã thành lập Ủy ban Mua dầu của Nga để giám sát việc mua, nhập khẩu và vận chuyển nhiên liệu với giá cả hợp lý dựa trên nhu cầu của nước này. Các chuyến hàng dầu nhiên liệu từ Nga sẽ bắt đầu đến Myanmar từ tháng 9.

Myanmar và Nga đều đang chịu một loạt các lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây sau cuộc chính biến tại Myanmar vào tháng 2 năm ngoái và chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào tháng 2 năm nay. Nga đang tìm kiếm khách hàng mới cho nguồn cung năng lượng của mình và Myanmar đang khan hiếm nguồn cung năng lượng.

Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco sẽ tăng mạnh công suất từ năm 2025

Báo Arab News của Saudi Arabia ngày 16/8 dẫn lời ông Amin Nasser - Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng khổng lồ Saudi Aramco cho biết Aramco sẽ đạt sản lượng 12,5 triệu thùng/ngày vào năm 2025 và 12,7 triệu thùng/ngày vào năm 2026, trước khi ghi nhận mức 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027.

Theo ông Nasser, kế hoạch nâng sản lượng của Aramco diễn ra thuận lợi và Aramco đang thực hiện chương trình chi tiêu vốn lớn nhất trong lịch sử của tập đoàn cho kế hoạch nâng công xuất sản xuất.

Trước đó, ngày 14/8, Aramco thông báo lợi nhuận ròng trong quý 2/2022 đã tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái lên 48,4 tỷ USD, mức lợi nhuận ròng theo quý cao nhất kể từ khi Aramco phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2019, chủ yếu nhờ giá dầu thô tăng lên mức cao kỷ lục hồi đầu năm nay, khối lượng bán ra cao hơn và tỷ suất lợi nhuận của mảng lọc và tinh chế đâu ngày càng cải thiện.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 17/8/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 17/8/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 16/8/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 16/8/2022

T.H

DMCA.com Protection Status