Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/10/2022

20:08 | 19/10/2022

4,863 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Châu Âu sẽ áp đặt giới hạn giá linh hoạt; Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí thành lập trung tâm khí đốt; EC đề xuất yêu cầu chia sẻ khí đốt trong trường hợp khẩn cấp… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 19/10/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/10/2022
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nhất trí với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về việc thành lập 1 trung tâm khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ để cung ấp khí cho châu Âu. Ảnh minh họa: 1lurer.am

Châu Âu sẽ áp đặt giới hạn giá linh hoạt

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 18/10 đã đề xuất một loạt các biện pháp khẩn cấp khác để giải quyết tình trạng giá năng lượng cao, nhưng tránh việc áp đặt giới hạn giá khí đốt ngay lập tức khi các nước EU vẫn chia rẽ về ý tưởng này. Trong thông báo, EC đã yêu cầu các nước EU chấp thuận dự thảo đề xuất đặt ra "giá linh hoạt tối đa" tạm thời cho các giao dịch tại sàn khí đốt Hà Lan, vốn đóng vai trò là giá chuẩn cho hoạt động giao dịch khí đốt châu Âu.

Khối cũng đề xuất các biện pháp điều chỉnh các quy tắc thị trường năng lượng. Các địa điểm giao dịch từ ngày 31/1/2023 sẽ được yêu cầu áp đặt giới hạn giá trên và dưới mỗi ngày đối với các công cụ phái sinh trên thị trường giao kỳ hạn để hạn chế các biến động. EU cũng yêu cầu các cơ quan quản lý năng lượng đưa ra mức giá chuẩn mới cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trước ngày 31/3/2023.

Một đề xuất riêng biệt sẽ khởi động kế hoạch mua khí đốt chung giữa các nước EU nhằm cố gắng bổ sung kịp thời cho các kho chứa cho mùa đông năm sau, cũng như giúp thương lượng giá thấp hơn. Các quốc gia sẽ được yêu cầu cùng mua 15% khối lượng cần thiết để đạt được mục tiêu của EU là lấp đầy 90% các kho chứa khí đốt vào ngày 1/11/2023.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí thành lập trung tâm khí đốt

Ngày 19/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết đã nhất trí với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về việc thành lập 1 trung tâm khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu với các nghị sĩ, Tổng thống Erdogan tuyên bố, nhà lãnh đạo Nga nói rằng châu Âu có thể nhận khí đốt từ trung tâm nói trên.

Trước đó, ngày 13/10, Tổng thống Putin đã đưa ra lời đề nghị trên với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc gặp trực tiếp ở Kazakhstan. Ông Putin nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ hiện là tuyến vận chuyển khí đốt đáng tin cậy tới châu Âu, đồng thời đề nghị xây dựng 1 trung tâm khí đốt tại nước này để cung cấp cho các nước khác ở châu Âu.

Tổng thống Putin nêu rõ trung tâm này sẽ do 2 bên cùng thiết lập, với chức năng không chỉ bảo đảm cung ứng mà còn có thể giúp ổn định giá cả, một vấn đề rất quan trọng trong mua, bán khí đốt.

EC đề xuất yêu cầu chia sẻ khí đốt trong trường hợp khẩn cấp

Cơ quan báo chí của Ủy ban châu Âu (EC) ngày 18/10 đưa tin EC đã đề xuất yêu cầu các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải chia sẻ khí đốt trong trường hợp khẩn cấp, như một phần của gói biện pháp mới nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Theo thông báo, không phải tất cả các quốc gia thành viên đều ký thỏa thuận song phương cần thiết về tình đoàn kết, EC đang đề xuất thiết lập các quy tắc mặc định. Điều này sẽ đảm bảo rằng bất kỳ quốc gia thành viên nào gặp tình huống khẩn cấp đều nhận được khí đốt từ các nước khác.

Ngoài ra, để tối ưu hóa việc sử dụng LNG và cơ sở hạ tầng đường ống, EC đề xuất các công cụ mới để cung cấp thông tin về công suất khả dụng, cũng như các cơ chế mới để đảm bảo rằng công suất đó không bị dự trữ hoặc các nhà khai thác thị trường sử dụng.

EU và Maroc ký thỏa thuận đối tác xanh

Ngày 18/10, Liên minh châu Âu (EU) và Maroc đã ký một thỏa thuận "đối tác xanh" mà hai bên hy vọng sẽ thúc đẩy hợp tác về năng lượng tái tạo. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans khẳng định thỏa thuận nhằm mục đích tạo ra tăng trưởng bền vững nhằm phản ứng trước những thách thức hiện nay.

Bản ghi nhớ (MoU) được ký kết giữa EU và Maroc dự kiến thúc đẩy hợp tác về năng lượng và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, với sự tham gia của khu vực tư nhân. Thỏa thuận nhằm mục đích thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang ngành công nghiệp khử cacbon thông qua đầu tư vào công nghệ xanh, sản xuất năng lượng tái tạo, chuyển đổi bền vững và sản xuất sạch trong công nghiệp.

Năm 2009, Maroc đã thông qua chiến lược năng lượng nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện lên hơn 52% tổng năng lượng của đất nước, từ mức 1/5 hiện nay. Maroc hiện đang tìm cách cung cấp giải pháp thay thế cho các nước châu Âu trong nỗ lực từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, vốn đã tăng giá do xung đột ở Ukraine.

EU bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng sau sự cố Nord Stream

Ủy ban châu Âu hôm 18/10 đề xuất tăng cường các biện pháp để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó năng lượng là một trong những lĩnh vực trọng tâm chính sau sự cố xảy ra vào tháng trước đối với hộ thống đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream).

Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen, sẽ trình bày các đề xuất cụ thể trước các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày ở Brussels, Bỉ, bắt đầu vào thứ Năm tuần này (20/10).

EC khuyến khích 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đẩy nhanh các bài kiểm tra sức chịu đựng căng thẳng đối với các thực thể vận hành những cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt liên quan đến năng lượng, đồng thời đẩy nhanh công tác củng cố, cải thiện khả năng sẵn sàng ứng phó với các cuộc tấn công cũng như tăng cường hợp tác quốc tế.

Ukraine mất điện diện rộng do 30% trạm phát điện bị phá hủy

Theo kênh CNN, Tổng thống Zelensky ngày 18/10 cho biết Nga đã nhắm vào năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraine. Sau đó, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận rằng quân đội nước này đã tiến hành các cuộc tấn công chính xác cao vào các hệ thống năng lượng ở Ukraine.

Trong những ngày gần đây, Nga đã nhằm vào các cơ sở sản xuất điện chính của Ukraine, khiến các khu vực ở ít nhất 3 thành phố mất điện, gồm thủ đô Kiev, thành phố Zhytomyr và Dnipropetrovsk. Giới chức địa phương đã kêu gọi người dân ở thủ đô Kiev hạn chế sử dụng điện và nước sau khi 2 tổ hợp cơ sở hạ tầng quan trọng bị ảnh hưởng ngày 18/10.

Trước đó, ngày 10/10, Bộ Năng lượng Ukraine thông báo sau các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga, nước này sẽ ngừng xuất khẩu điện sang các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) kể từ ngày 11/10. Theo Bộ Năng lượng Ukraine, nước này cần thời gian để ổn định hệ thống năng lượng trong nước.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 18/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 18/10/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 17/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 17/10/2022

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status