Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/12/2022

19:55 | 19/12/2022

4,803 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - EU xem xét hạ giá trần khí đốt; Thổ Nhĩ Kỳ, Turkmenistan, Azerbaijan thảo luận về lộ trình cấp khí đốt; EU tổn thất tới 1.000 tỷ USD cho việc từ bỏ khí đốt của Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 19/12/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/12/2022
Từ bỏ khí đốt của Nga do tình hình Ukraine đã khiến châu Âu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD. Ảnh minh họa: CSIS

EU xem xét hạ giá trần khí đốt

Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét đề xuất hạ trần giá khí đốt xuống mức thấp hơn so với các kiến nghị từng được đưa ra trước đây. Cộng hòa Séc, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, đã soạn thảo một văn bản thỏa thuận mới nhằm cố gắng phá vỡ thế bế tắc trong cuộc họp ngày 19/12.

Theo dự thảo văn bản, EU đề xuất kích hoạt mức trần nếu giá trong hợp đồng tháng trước của trung tâm khí đốt Hà Lan của Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu (TTF), đóng vai trò là giá chuẩn cho giao dịch khí đốt châu Âu, vượt quá mức 188 euro mỗi megawatt giờ (MWh) trong 3 ngày. Con số này thấp hơn nhiều so với mức giá trần 275 euro/MWh mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất hồi tháng 11 vừa qua.

Một số quốc gia EU ủng hộ việc áp giá trần, trong đó có Bỉ, Ba Lan và Tây Ban Nha, đã bác bỏ đề xuất này của EC, với lý do mức giá này là quá cao. Trong khi đó, Đức, Hà Lan và Áo phản đối mức giá trần này, cho rằng đây là mối đe dọa đến nguồn cung, có thể làm gián đoạn hoạt động của thị trường năng lượng châu Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ, Turkmenistan, Azerbaijan thảo luận về lộ trình cấp khí đốt

Ngày 18/12, phát biểu tại sự kiện ở Mardin (Thổ Nhĩ Kỳ), Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết đã thảo luận về khả năng cung cấp khí đốt của Turkmenistan tới Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm Awaza vừa qua.

Ông Tayyip Erdogan cũng cho hay: “Các hướng dẫn liên quan hiện đã được trao cho Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ này sẽ tiến hành công việc chuẩn bị với các đối tác Azerbaijan và Turkmenistan. Sau công việc sơ bộ này, chúng tôi, các nhà lãnh đạo của ba nước, sẽ gặp lại nhau và xác định lộ trình và thực hiện một quyết định. Nguồn cung cấp khí đốt từ Turkmenistan qua Azerbaijan tới đất nước chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của chúng tôi”.

Ngày 14/12, gặp Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và người đồng cấp Turkmenistan Serdar Berdimuhamedov tại Awaza ở miền Tây Turkmenistan, ông Erdogan nói rằng cần phải bắt đầu công việc sắp xếp việc vận chuyển khí đốt từ Turkmenistan đến các thị trường phương Tây.

Nga nói sáng kiến áp trần giá khí đốt là công cụ phi thị trường

Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga Yury Sentyurin mới đây cho rằng, sáng kiến của Liên minh châu Âu (EU) về giá trần khí đốt là đi ngược lại các quy luật thị trường và sẽ làm thị trường xuống cấp.

Ông Sentyurin nhấn mạnh: "Có thể có nhiều ý tưởng điên rồ khác nhau về vấn đề này, chắc chắn không thể coi những ý tưởng đó là các biện pháp thị trường. Đây là những công cụ phi thị trường. Theo tôi, tất cả những điều đó sẽ dẫn đến hậu quả tệ hại là làm thị trường xuống cấp. Đó là sự từ bỏ, coi thường luật pháp quốc tế".

Trước đó, Cộng hòa Czech đã đề xuất với các nước EU khác giảm mức trần giá khí đốt đề xuất từ 275 euro/MWh xuống còn 188 euro/MWh. Nếu mức trần giá khí đốt được thông qua, bất kỳ giao dịch nào ở trên mức này đều không được chấp nhận. Ủy ban châu Âu có thể lập tức ngừng áp giá trần nếu nó gây ra hậu quả tiêu cực, như đe dọa nguồn cung khí đốt của lục địa.

EU tổn thất tới 1.000 tỷ USD cho việc từ bỏ khí đốt của Nga

Hãng tin Bloomberg ngày 18/12 cho hay việc từ bỏ khí đốt của Nga do tình hình Ukraine đã khiến châu Âu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD. Theo Bloomberg, số tiền này là do giá điện tăng đối với các công ty và người tiêu dùng châu Âu.

Đồng thời, như hãng tin này dự đoán, đây mới chỉ là khởi đầu của cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong những thập kỷ gần đây. Sau mùa đông, các kho chứa khí đốt sẽ trống rỗng và trong điều kiện nguồn cung cấp khí đốt của Nga chỉ ở mức tối thiểu thì sẽ khó để lấp đầy các kho chứa này.

Theo các nhà phân tích của Bloomberg, nếu giá khí đốt tự nhiên ở Liên minh châu Âu tăng lên mức 210 euro/MWh thì liên minh này sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Trong khi đó, Bloomberg cho biết tình hình căng thẳng với việc cung cấp khí đốt tự nhiên hoá lỏng cho châu Âu sẽ kéo dài ít nhất cho tới năm 2026, khi Qatar và Mỹ có thể tăng đủ sản lượng hydro carbon.

Kiev tiếp tục khôi phục nguồn điện

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 18/12 cho biết: “Nguồn cung điện đã được khôi phục cho thêm 3 triệu người dân Ukraine. Kết quả này cùng với việc khôi phục điện đáp ứng nhu cầu sử dụng của hơn 6 triệu người dân Ukraine vào ngày 18/12, đồng nghĩa với việc sau các cuộc tấn công hôm 16/12, chúng tôi đã khôi phục nguồn cung điện cho hơn 9 triệu người dân”.

Trước đó, ngày 16/12, phía Ukraine cho biết Nga đã bắn loạt tên lửa vào lưới điện của nước này, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và gây hư hại 9 cơ sở năng lượng.

Về nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, ông Zelensky khẳng định có 500 binh sĩ Nga được triển khai tại đây. Công ty năng lượng quốc gia Ukrenergo của Ukraine cũng thông báo hiện tất cả các nhà máy hạt nhân ở nước này đang hoạt động hết công suất, ngoại trừ nhà máy Zaporizhzhia “hiện vẫn đang ngừng hoạt động”.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 17/12/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 17/12/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 18/12/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 18/12/2022

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status