Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/9/2022

20:00 | 22/09/2022

5,384 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Châu Âu chi gần 500 tỷ euro ứng phó khủng hoảng năng lượng trong năm 2021; Anh áp mức trần hóa đơn năng lượng với doanh nghiệp; Hàng nghìn người dân Bỉ biểu tình phản đối giá năng lượng tăng cao… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 22/9/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/9/2022
Các liên đoàn lao động và cảnh sát thành phố Brussels (Bỉ) cho biết có khoảng 10.000 người đã tham gia biểu tình phản đối việc giá điện, khí đốt tự nhiên và giá thực phẩm tăng cao. Ảnh: AP

Châu Âu chi gần 500 tỷ euro ứng phó khủng hoảng năng lượng trong năm 2021

Trong năm 2021, các nước châu Âu đã chi gần 500 tỷ euro để giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân và doanh nghiệp do giá khí đốt và năng lượng tăng cao. Đây là kết quả nghiên cứu do Tổ chức Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) công bố ngày 21/9.

Trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt trong nhiều tháng, chính phủ các nước châu Âu đã đưa ra các biện pháp nhằm kiềm chế giá điện bán lẻ, giảm thuế năng lượng và hỗ trợ người tiêu dùng. Nhiều biện pháp được biết là chỉ áp dụng tạm thời nhưng Bruegel cho rằng sự can thiệp của nhà nước đã dần trở thành một hình thức hỗ trợ.

Theo số liệu của Bruegel, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã chi 314 tỷ euro để triển khai các biện pháp trên, trong khi Anh chi 178 tỷ euro. Tuy nhiên, nếu tính cả việc các chính phủ có dư địa tài chính lớn hơn đã tiến hành quốc hữu hóa, cứu trợ, cung cấp các khoản vay thì các nước EU có thể đã chi đến gần 450 tỷ euro.

Séc thông qua đạo luật năng lượng sửa đổi để đối phó với khủng hoảng

Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, ngày 22/9, Tổng thống Séc Miloš Zeman đã ký văn bản sửa đổi Đạo luật Năng lượng cho phép chính phủ quy định mức giá tối đa cho điện và khí đốt đối với người tiêu dùng. Chính phủ Séc cũng dự báo giá điện có thể tăng gấp đôi vào năm tới.

Tuần trước, Thủ tướng Séc Petr Fiala cho biết, việc giới hạn giá điện sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm khoảng 390 đô la mỗi tháng nếu họ sử dụng điện để sưởi ấm và đun nước một cách hợp lý.

Theo dự kiến của chính phủ Séc, khách hàng sẽ trả hơn 1.500 kuron mỗi tháng bao gồm cả thuế (tương đương 65 USD) vào năm tới khi các quy định mới được áp dụng. Đây là tin vui đối với người dân nước này khi đang phải chứng kiến chi phí sinh hoạt tăng cao cũng như lạm phát đang nằm trong nhóm đầu của Liên minh châu Âu.

Anh áp mức trần hóa đơn năng lượng với doanh nghiệp

Chính phủ Anh thông báo sẽ áp mức trần hóa đơn tiền điện và khí đốt đối với doanh nghiệp từ ngày 1/10 tới, tương tự như kế hoạch đã được áp dụng trước đó để hỗ trợ người tiêu dùng. Cụ thể, giá bán buôn điện được giới hạn ở mức 211 bảng Anh (239,17 USD) mỗi megawatt giờ (MWh), giá bán buôn khí đốt giới hạn ở mức 75 bảng Anh/MWh.

Biện pháp này sẽ được đánh giá lại sau 6 tháng nhằm đảm bảo các doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất như các quán rượu hay cửa hàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ sau đó.

Trước đó, Thủ tướng Truss cũng đã thông báo áp đặt mức trần hóa đơn năng lượng cho người tiêu dùng và thúc đẩy các nguồn năng lượng mới bằng gói hỗ trợ bổ sung trị giá 100 tỷ bảng Anh (115 tỷ USD). Theo đó, mức trần hóa đơn năng lượng đối với các hộ gia đình được giới hạn ở mức 2.500 bảng/năm trong vòng 2 năm.

Hàng nghìn người dân Bỉ biểu tình phản đối giá năng lượng tăng cao

Ngày 21/9, hàng nghìn người dân đã tụ tập tại thủ đô Brussels (Bỉ) để phản đối việc giá điện, khí đốt tự nhiên và giá thực phẩm tăng vọt kéo theo sinh hoạt phí tăng cao, theo hãng tin AP. Những cuộc biểu tình làm gián đoạn hoạt động giao thông trong thành phố.

Người dân từ khắp đất nước tụ tập, tuần hành trên các con đường với các biểu ngữ có nội dung như: “Cuộc sống quá đắt đỏ, cần phải có giải pháp ngay bây giờ”, “Mọi thứ đang tăng lên ngoại trừ tiền lương của chúng tôi”, “Hãy đóng băng giá cả, đừng đóng băng con người”...

Theo một cuộc thăm dò trên phương tiện truyền thông Bỉ tuần này, 64% người được hỏi lo ngại rằng họ có thể không đủ khả năng chi trả hóa đơn điện và khí đốt, vốn đã tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái, trong khi 80% cho biết họ đang cố gắng tiết kiệm năng lượng và nước.

Nam Phi họp khẩn cấp về khủng hoảng điện

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 21/9 đã tổ chức họp Nội các khẩn cấp để thảo luận về cuộc khủng hoảng điện đang dẫn đến tình trạng gián đoạn cung cấp điện chưa từng thấy trên toàn quốc.

Thời gian qua, công ty điện lực quốc doanh Eskom - cung cấp khoảng 95% nhu cầu điện năng tại Nam Phi - đã buộc phải thực hiện các đợt cắt điện luân phiên để tiết kiệm điện. Đầu tuần, Eskom bắt đầu cắt điện hơn 10 giờ/ngày. Hiện công ty đã giảm xuống cắt điện tới 8 giờ/ngày.

Eskom cũng đang phải vật lộn để duy trì hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than cũ kỹ và thiếu bảo trì. Công ty đang nỗ lực để mua thêm điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời của những nhà sản xuất điện độc lập, trong đó có một chương trình mua khẩn cấp ít nhất 1.000 MW điện từ khu vực tư nhân để giảm bớt hậu quả cắt điện.

Đường dây điện của lò phản ứng trong nhà máy Zaporizhzhia bị hư hỏng

Ngày 21/9, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo đường dây cáp cung cấp nguồn điện thiết yếu cho 1 trong 6 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP) ở Ukraine đã hư hại do bị bắn phá.

IAEA khẳng định 5 lò phản ứng còn lại của nhà máy không bị ảnh hưởng. Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại New York (Mỹ), Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi nhận định tình hình đang có dấu hiệu xấu đi, đồng thời cho biết đã đề xuất một số ý kiến nhằm tăng cường bảo vệ nhà máy.

Trong thông báo trên Telegram, công ty Energoatom chịu trách nhiệm điều hành Zaporizhzhia xác nhận đường dây điện bị hư hỏng đã khiến một số máy biến thế ngừng hoạt động và kích hoạt máy phát điện khẩn cấp. Energoatom khẳng định mức phóng xạ vẫn ở mức bình thường.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/9/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/9/2022

T.H

DMCA.com Protection Status