Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 24/3/2023

19:01 | 24/03/2023

9,354 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Giá bán lẻ điện bình quân sẽ có sự điều chỉnh trong thời gian tới; Liên minh châu Âu nhất trí đẩy nhanh cải cách thị trường điện; Hoạt động xuất khẩu dầu thương mại của Venezuela gần như đình trệ… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 24/3/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 24/3/2023
Bộ Công Thương cho biết, giá điện sẽ được điều chỉnh theo đúng các quy định. Ảnh: TCCT

Giá bán lẻ điện bình quân sẽ có sự điều chỉnh trong thời gian tới

Ngày 24/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá quý I/2023 và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới, dự báo giá năng lượng và các vận tư chiến lược sẽ vẫn có những biến động phức tạp. Bộ Công Thương dự báo giá thành phẩm các mặt hàng này sẽ ở mức 90-100 USD/thùng (giảm 26,15%-39,39% so với cùng kỳ năm ngoái).

Đối với giá điện bán lẻ điện bình quân, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, ngày 16/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về phương án giá bán lẻ điện bình quân của năm 2023. Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn kiểm tra giá điện của năm 2022 và từ đó mới để ra được giá bán lẻ điện bình quân của năm 2023.

“Chúng tôi cũng có văn bản gửi Bộ Tài chính để phối hợp, gửi hồ sơ phương án giá bán lẻ bình quân, đây cũng là điều chắc chắn là phải có điều chỉnh nhưng Bộ Công Thương sẽ làm rất cẩn thận theo đúng các quy định”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Liên minh châu Âu nhất trí đẩy nhanh cải cách thị trường điện

Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 23-24/3, lãnh đạo các nước EU nhất trí đẩy nhanh cải cách thị trường điện của khối nhằm ngăn chặn giá năng lượng tăng đột biến như năm ngoái sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt sang châu Âu.

Tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất thay đổi thị trường điện của châu Âu theo hướng tập trung vào việc tăng cường sử dụng các hợp đồng dài hạn và có giá cố định để giá điện không phụ thuộc vào giá nhiên liệu hóa thạch dễ biến động. Tại hội nghị lần này, lãnh đạo các nước EU nhất trí nên thông qua các cải cách thị trường điện của khối vào cuối năm nay.

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau hội nghị, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng năng lượng hạt nhân có thể góp phần vào nỗ lực giảm khí thải CO2. Theo bà Leyen, những công nghệ không phát thải CO2 được xem là chiến lược trong tương lai như tấm pin mặt trời, cũng như các loại pin, sẽ được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầy đủ của EU.

Hoạt động xuất khẩu dầu thương mại của Venezuela gần như đình trệ

Một số nguồn thạo tin ngày 23/3 cho biết, việc xem xét mở rộng các hợp đồng xuất khẩu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) trong cuộc điều tra chống tham nhũng đã gần như khiến dòng chảy thương mại dầu thô và nhiên liệu của nước này bị đình trệ.

Theo tài liệu nội bộ của PDVSA, hoạt động xuất khẩu dầu trên thực tế đã bị đình chỉ từ tháng 1 và ngày càng thắt chặt. Tài liệu do PDVSA cung cấp cho các công tố viên cho thấy công ty này đã có khoản phải thu thương mại trị giá 21,2 tỷ USD trong 3 năm qua, trong đó 3,6 tỷ USD có khả năng không thu hồi được.

Hoạt động điều tra chống tham nhũng đang tập trung vào việc xác định xem các khách hàng của PDVSA có hợp đồng yêu cầu thanh toán trước có thực sự giao tiền hay không.

Tại cảng xuất khẩu của Venezuela tuần này chỉ còn 4 khách hàng của PDVSA còn hoạt động: Công ty Thương mại Liên doanh Naftiran của Iran (NICO), Chevron của Mỹ, Cubametales của Nhà nước Cuba và Năng lượng Hàng Châu của Trung Quốc. Các cuộc kiểm toán kéo dài làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn đối với các tàu chở dầu đang chờ PDVSA phân bổ hàng hóa xuất khẩu.

Nhà máy lọc dầu tại Pháp đình trệ do biểu tình

Đài CNN cho biết mạng lưới giao thông, trường học và nhà máy lọc dầu tại Pháp rơi vào tình trạng đình trệ diện rộng vì đợt biểu tình phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu đang diễn ra.

Biểu tình lẻ tẻ đã diễn ra sau khi chính phủ Pháp thông qua dự luật tăng tuổi nghỉ hưu vào tuần trước, đến ngày 23/3 leo thang thành hoạt động phối hợp quy mô toàn quốc. Công nhân phong tỏa hai nhà máy lọc dầu tại Normandy và Fos-sur-Mer.

Diễn biến trên khiến kho dự trữ nhiên liệu máy bay tại sân bay Charles De Gaulle chịu áp lực lớn, kho dự trữ tại sân bay Orly cũng cần theo dõi chặt chẽ. Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacherin tuyên bố: “Chúng tôi đang can thiệp để giải phóng các bể chứa đang bị chặn bởi người biểu tình. Biểu tình là quyền hiến định, nhưng phong tỏa thì không. Cảnh sát được huy động và tôi ủng hộ họ”.

Đan Mạch mời phía Nord Stream cùng vớt “dị vật” gần đường ống dẫn khí đốt dưới biển

Theo hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) ngày 24/3, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) đã mời nhà điều hành Nord Stream tham gia vào hoạt động trục vớt một vật thể được tìm thấy gần đường ống dẫn khí đốt từ Nga tới châu Âu.

Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong quá trình điều tra về đường ống dẫn khí, các chuyên gia của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã phát hiện thấy một "cột lạ" cách địa điểm xảy ra vụ nổ đường ống Nord Stream khoảng 30 km. "Để làm rõ thêm về vật thể, chính quyền Đan Mạch đã quyết định trục vớt với sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng Đan Mạch.

DEA cho biết thêm họ đang chờ chờ phản hồi từ Nord Stream 2 AG trước khi tiến hành hoạt động, đồng thời công bố một bức ảnh về "vật thể lạ", lưu ý rằng nó có dạng hình trụ, cao khoảng 40 cm và đường kính 10 cm.

Ấn Độ có thể tốn 900 tỷ USD để loại bỏ than trong quá trình chuyển đổi xanh

Theo hãng AP, nếu Ấn Độ ngừng đốt than ngay lập tức thì hơn 500 triệu người lao động nước này sẽ mất việc làm. Tuy nhiên, nhóm các chuyên gia nghiên cứu có trụ sở tại New Delhi ngày 23/3 vừa dự báo mức chi phí khoảng 900 tỷ USD trong 30 năm tới để Ấn Độ có thể đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch nhằm hạn chế biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát 4 quận có mỏ than ở Ấn Độ và xác định 8 yếu tố chi phí, chẳng hạn như thiết lập cơ sở hạ tầng và chuẩn bị cho người lao động sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi. Khoản đầu tư quan trọng nhất để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi công bằng là chi phí thiết lập cơ sở hạ tầng năng lượng sạch, mà báo cáo ước tính có thể phải chi tới 472 tỷ USD vào năm 2050.

Nhóm các chuyên gia nghiên cứu cũng cho biết dự kiến 600 tỷ USD sẽ được đầu tư vào ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng mới trong khi 300 tỷ USD bổ sung dưới dạng tài trợ và trợ cấp để hỗ trợ người lao động ngành than và các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/3/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/3/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 23/3/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 23/3/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status