Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/10/2022

19:45 | 29/10/2022

12,056 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Giá khí đốt châu Âu lao dốc mạnh, có lúc về dưới 0 euro; Nga ra điều kiện đặc biệt để cấp lại điện cho Ukraine; Các ông lớn dầu mỏ Mỹ báo lãi khủng… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 29/10/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/10/2022
Ảnh minh họa: Reuters

Giá khí đốt châu Âu lao dốc mạnh, có lúc về dưới 0 euro

Giá khí đốt tại châu Âu từng ghi nhận mức cao đỉnh điểm 340 euro/MWh vào tháng 8. Tuy nhiên, con số này liên tục giảm trong những tháng sau đó, thậm chí về mức âm trong tuần này do châu Âu đang có nhiều khí đốt hơn khả năng họ có thể dự trữ. Kết tuần, giá khí đốt giao tháng 11 trên trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) của Hà Lan đã giảm xuống quanh ngưỡng 108,5 euro/MWh, ghi nhận mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6.

Theo các chuyên gia, giá khí đốt giảm do những kho dự trữ gần đầy, nguồn cung dư thừa, thời tiết ấm áp, sản lượng cao từ năng lượng gió và các biện pháp hợp tác nhằm giảm giá cũng như lượng tiêu thụ. Số liệu do Gas Infrastructure Europe (GIE) cung cấp cho thấy các kho trữ khí đốt ở châu Âu hiện đã được lấp đầy đến 94%. Con số này cao hơn mức mục tiêu 80% mà các nước châu Âu đã đặt ra vào đầu tháng 11.

Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn lưu ý rằng cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu vẫn chưa kết thúc. Giá khí đốt ở châu Âu liên tục giảm những ngày qua nhưng đà giảm này có thể không bền vững, và châu lục này sẽ vẫn phải đối mặt với bài toán an ninh năng lượng trong thời gian tới.

EU hỗ trợ Serbia 165 triệu euro đối phó với khủng hoảng năng lượng

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen kêu gọi Serbia tham gia thỏa thuận về mua chung khí đốt tự nhiên của EU và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn cung khí đốt.

Ngày 28/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) cam kết phân bổ 165 triệu euro (165 triệu USD) để hỗ trợ Serbia trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra.

Trước đó, bà Von der Leyen và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã tham quan công trình xây dựng tại trạm khí đốt nối giữa Serbia - Bulgaria, dự kiến được hoàn thành vào tháng 9/2023. Bà Von der Leyen kêu gọi Serbia tham gia thỏa thuận về mua chung khí đốt tự nhiên của EU và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn cung khí đốt.

Về phần mình, Tổng thống Vucic đánh giá cao việc EU đã phân bổ khoản hỗ trợ trị giá 500 triệu euro cho các nước khu vực Tây Balkan, liên quan đến đầu tư vào kết nối truyền tải điện giữa các quốc gia trong khu vực này và việc EU đồng tài trợ cho dự án xây dựng kết nối đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Serbia với Bulgaria.

Ukraine sẵn sàng kế hoạch cắt điện khẩn cấp chưa từng có

Giới chức Ukraine kêu gọi người dân giảm mức tiêu thụ điện càng nhiều càng tốt và đã đưa ra kế hoạch cắt điện kéo dài nhiều giờ ở một số khu vực, bao gồm cả thủ đô Kiev.

Ngày 28/10, công ty năng lượng DTEK cho biết họ sẽ áp dụng biện pháp cắt điện "chưa từng có" ở khu vực xung quanh thủ đô Kiev của Ukraine trong bối cảnh mùa đông sắp đến. DTEK nêu rõ: “Để ngăn chặn tình trạng mất điện hoàn toàn ở thủ đô và các khu vực miền Trung của Ukraine, công ty năng lượng nhà nước Ukrenergo đang áp dụng các biện pháp hạn chế khẩn cấp chưa từng có”.

Theo DTEK, mức thiếu hụt năng lượng hiện tương đương 30% mức tiêu thụ ở Kiev. DTEK cũng dẫn lời Thống đốc vùng Kiev Oleksyi Kuleba cho biết kế hoạch cắt điện có thể diễn ra "trong thời gian không xác định".

Nga ra điều kiện đặc biệt để cấp lại điện cho Ukraine

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 28/10 tuyên bố nguồn cung cấp điện tại Ukraine có thể được khôi phục nếu Kiev công nhận các khu vực mới sáp nhập Nga.

Đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thông qua luật sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporozhye, tương đương 18% diện tích Ukraine, vào Nga. Quyết định được đưa ra sau cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi của 4 vùng ly khai Ukraine hồi cuối tháng 9.

Nga gần đây tăng cường các cuộc tập kích diện rộng bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào hạ tầng trọng yếu như lưới điện của Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, các cuộc tập kích liên tục của Nga đã phá hủy 30% cơ sở hạ tầng điện trên khắp nước này.

Ba Lan lựa chọn nhà thầu Mỹ xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Thủ tướng Ba Lan - ông Mateusz Morawiecki ngày 28/10 xác nhận Ba Lan đã chấp nhận lời đề nghị của Mỹ về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước này. Theo đó, Tập đoàn Điện hạt nhân Westinghouse Electric của Mỹ và chính phủ Ba Lan sẽ ký hợp đồng xây dựng các lò phản ứng hạt nhân.

Ba Lan dự kiến xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân cỡ lớn nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiệt điện. Trong đó, 3 lò phản ứng đầu tiên do công ty Mỹ Westinghouse Electric xây dựng, sẽ được khởi công vào năm 2026 và đi vào hoạt động vào năm 2033. Theo thiết kế, tất cả 6 lò phản ứng sẽ hoạt động vào năm 2043, với tổng công suất lắp đặt từ 6-9 GW.

Reuters dẫn nguồn tin chính phủ Mỹ cho biết: “Đây là một thỏa thuận lớn. Việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân không chỉ bó hẹp trong một dự án năng lượng thương mại mà còn cho thấy sự lựa chọn về hợp tác an ninh quốc phòng trong nhiều thập kỷ tới”.

Các ông lớn dầu mỏ Mỹ báo lãi khủng

Ngày 28/10, tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ báo cáo lợi nhuận ròng quý III đạt 19,66 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Doanh thu quý của Exxon Mobil đạt hơn 112 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Exxon Mobil hiện sản xuất 3,7 triệu thùng dầu/ngày và đã đạt sản lượng kỷ lục ở Permian Basin, mỏ dầu lớn nhất ở Mỹ.

Trong khi đó, tập đoàn Chevron cũng ghi nhận lợi nhuận kỷ lục hơn 11 tỷ USD và tập đoàn San Ramon đạt doanh thu 66,64 tỷ USD. Các tập đoàn dầu mỏ ở Mỹ đã thu về lợi nhuận cao kỷ lục trong quý III/2022, giữa lúc khủng hoảng năng lượng toàn cầu do giá xăng và giá năng lượng tăng vọt.

Trong khi đó, chi phí năng lượng cao đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng theo nhiều cách. Người dân Mỹ đã phải vật lộn với giá xăng tăng vọt trong những tháng gần đây. Giá năng lượng cao cũng ảnh hưởng đến các nhà sản xuất và bán lẻ, khiến họ phải tăng giá thành sản phẩm, tác động trực tiếp đến túi tiền của người tiêu dùng.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/10/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/10/2022

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status