Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/9/2022

19:45 | 02/09/2022

5,115 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - G7 cân nhắc đề xuất áp giá trần đối với dầu mỏ Nga; Nga tuyên bố sẽ ngừng bán dầu cho những nước áp giá trần; OPEC+ dự kiến duy trì hạn ngạch sản lượng ổn định cho tháng 10… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 2/9/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/9/2022
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Nga sẽ không bán dầu cho những nước áp giá trần. Ảnh: BGEN

G7 cân nhắc đề xuất áp giá trần đối với dầu mỏ Nga

Phát biểu trước thềm cuộc họp trực tuyến Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7), người phát ngôn Nhà trắng Karine Jean-Pierre tuyên bố, việc áp giá trần đối với dầu của Nga là cách hiệu quả nhất để làm giảm nguồn thu của nước này.

Một số thương nhân và nhà phân tích thị trường dầu đã bày tỏ nghi ngờ về việc áp giá trần đối với dầu của Nga sẽ hoạt động vì Nga đã vận chuyển dầu của mình đến châu Á mà không sử dụng bảo hiểm tàu ​​biển của phương Tây. Hơn nữa, Moscow cũng có thể cắt giảm sâu hơn sản lượng khai thác dầu để trả đũa, khiến giá dầu thô tăng vọt.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, biện pháp sẽ là bất khả thi nếu không có sự tham gia rộng rãi nhất có thể của các quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi.

Nga tuyên bố sẽ ngừng bán dầu cho những nước áp giá trần

Phát biểu với báo giới ngày 2/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo việc G7 áp giá trần đối với dầu của Nga sẽ gây bất ổn cho thị trường năng lượng. Ông Peskov nói rằng nếu bị áp trần giá dầu, Nga sẽ không cung cấp cho châu Âu mà sẽ chỉ cung cấp cho những quốc gia tôn trọng các điều kiện thị trường thông qua các tuyến đường thay thế.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh cuộc họp trực tuyến diễn ra ngày 2/9, Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) sẽ thảo luận về đề xuất của Mỹ áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga.

Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng tuyên bố Moscow sẽ không cung cấp dầu và các sản phẩm từ dầu cho các quốc gia ủng hộ ý tưởng áp trần giá dầu của Nga.

OPEC+ dự kiến duy trì hạn ngạch sản lượng ổn định cho tháng 10

Ngày 1/9, các nhà phân tích năng lượng được Bloomberg thăm dò ý kiến cho biết, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) dự kiến sẽ giữ ổn định mục tiêu sản xuất dầu thô tháng 10 so với hạn ngạch tháng 9 khi nhóm họp vào ngày 5/9 tới để xem xét các điều kiện thị trường dầu.

Vào tháng 8, Ả Rập Xê út đã đưa ra ý tưởng về việc cắt giảm sản lượng mới. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có quan điểm tương tự với Ả Rập Xê út về thị trường dầu thô. Một số nhà sản xuất OPEC+ khác, bao gồm Iraq, Venezuela và Kazakhstan, cũng đã phát tín hiệu ủng hộ các hạn chế sản xuất mới.

Tại cuộc họp đầu tháng 8, OPEC+ đã quyết định tăng nhẹ mục tiêu chung cho tháng 9 lên chỉ 100.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, lần gần đây nhất, nhóm này ước tính thấp hơn mục tiêu sản xuất dầu chung của họ là 2,9 triệu thùng/ngày vào tháng 7.

Phần Lan công bố chiến dịch tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc

Chính phủ Phần Lan vừa công bố chi tiết về chiến dịch tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc mang tên 'Giảm một độ'. Chiến dịch kêu gọi tất cả người dân sống thực hiện tiết kiệm năng lượng. Mục tiêu, ít nhất 75% người Phần Lan giảm mức tiêu thụ năng lượng của họ.

Đây không phải là lần đầu tiên Phần Lan kêu gọi tiết kiệm năng lượng. Chiến dịch tương tự đã được thực hiện trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào năm 1973. Lúc đó, chính phủ đã kêu gọi hạ thấp nhiệt độ trong nhà, giảm bớt ánh sáng quảng cáo và tốc độ giao thông đường bộ giảm xuống 80 km/h. Chiến dịch đã dẫn đến việc tiêu thụ dầu giảm hơn 10%.

Theo Bộ Kinh tế và Việc làm, chiến dịch sẽ chính thức thực hiện vào ngày 10/10, sau khi thời tiết hạ nhiệt và mùa lạnh bắt đầu. Các hành động cụ thể của chiến dịch bao gồm cam kết lái xe với tốc độ thấp hơn trên đường, đặt nhiệt độ phòng thấp hơn và tiết kiệm nước nóng.

Nga hối thúc châu Âu khôi phục đường ống Dòng chảy phương Bắc 2

Theo hãng tin Reuters, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin ngày 1/9 tuyên bố châu Âu có thể giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay bằng cách dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva và khôi phục đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.

Ông Volodin, khẳng định châu Âu sẽ không thể có an ninh năng lượng nếu thiếu Nga. Đăng trên tài khoản Telegram, ông Volodin nêu rõ: "Thời điểm của sự thật đã đến đối với các nhà lãnh đạo châu Âu. Họ có hai cách để tháo gỡ tình huống mà chính họ tạo ra.

Cách đầu tiên: Dỡ bỏ các lệnh trừng phạt bất hợp pháp nhằm vào đất nước của chúng tôi và khôi phục Dòng chảy phương Bắc 2. Cách thứ hai: Vẫn giữ nguyên mọi thứ như hiện nay, khi đó nền kinh tế sẽ gặp khó khăn và cuộc sống người dân ngày càng bấp bênh".

Đức đã ngừng dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 vào ngày 22/2 vừa qua, chỉ hai ngày trước khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra.

Biện pháp bảo hộ thuế quan năng lượng giúp Pháp giảm mạnh lạm phát

Chính sách bảo hộ thuế quan năng lượng do Chính phủ Pháp đưa ra đã giúp kiềm chế lạm phát, Viện Thống kê quốc gia Pháp (INSEE) ngày 1/9 cho biết. Cụ thể hai phần ba lạm phát trong thời kỳ đó là do chi phí tiêu thụ năng lượng của các hộ gia đình tăng bởi giao thông và sưởi ấm.

INSEE cho biết từ quý II/2021 đến quý II/2022, giá năng lượng của các hộ gia đình Pháp tăng 28%. Tuy nhiên, nếu không có các biện pháp bảo hộ thuế quan giá sẽ tăng 54%. Trong đó, các hộ gia đình có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi giá năng lượng tăng mạnh. Các công ty phụ thuộc vào điện nhiều hơn so với các hộ gia đình, với mức tăng giá là 20%, trong khi nếu không có các biện pháp bảo hộ thuế quan giá sẽ tăng 50%.

Quốc hội Pháp đã thông qua một loạt các biện pháp vào ngày 4/8 để tăng sức mua và bảo vệ đất nước trước sự tăng vọt của giá năng lượng cũng như lạm phát leo thang. Một trong những biện pháp đó là giới hạn mức tăng giá bán điện theo quy định và chỉ có thể tăng 4% mỗi năm. Mức giảm giá 18 xu euro/lít cho nhiên liệu do nhà nước tài trợ cũng hạn chế sự tăng giá nhiên liệu từ quý II/2021 đến quý II/2022.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/9/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 31/8/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 31/8/2022

T.H

DMCA.com Protection Status