Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/1/2023

19:55 | 06/01/2023

3,444 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Năm 2023, Việt Nam sẽ sản xuất và nhập khẩu 284 tỷ kWh điện; Giá dầu có thể quay lại 100 USD/thùng vào năm 2023; Doanh thu xuất khẩu LNG năm 2022 của Australia vượt mức kỷ lục 59 tỷ USD… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 6/1/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/1/2023
Doanh thu xuất khẩu LNG năm 2022 của Australia đã tăng vọt 86%, lên mức kỷ lục 59,4 tỷ USD. Ảnh: Petroleum Australia

Năm 2023, Việt Nam sẽ sản xuất và nhập khẩu 284 tỷ kWh điện

Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2023 tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của nước ta khoảng 284,5 tỷ kWh. Trong đó, sản xuất, nhập khẩu điện vào mùa khô là 137,1 tỷ kWh, còn mùa mưa là 147,4 tỷ kWh. Kế hoạch này cao hơn 16 tỷ kWh so với 2022 và trên 29 tỷ kWh so với 2021.

Kế hoạch sản xuất, nhập khẩu điện năm 2023 được lập trên cơ sở kịch bản tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% và điện thương phẩm (sản lượng bán ra cho các hộ tiêu dùng điện) gần 251,3 tỷ kWh (tăng gần 9 tỷ kWh so với 2022).

Bộ Công Thương giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có phương án cung cấp, ưu tiên huy động khí cho sản xuất điện; Tập đoàn Công nghiệp Than, khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc lập kế hoạch sản xuất, ưu tiên cung ứng đủ, liên tục than cho sản xuất điện; Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập phương thức vận hành và huy động hợp lý các nguồn điện.

Giá dầu có thể quay lại 100 USD/thùng vào năm 2023

Theo công ty tư vấn và nghiên cứu chính trị Eurasia Group, giá dầu sẽ tăng trở lại trên 100 USD/thùng vào năm 2023 do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu ngày càng tăng. Với mức 100 USD/thùng, giá dầu Brent sẽ thể hiện mức tăng 28%, trong khi giá dầu WTI sẽ thể hiện mức tăng 37%.

Thị trường dầu mỏ đang sẵn sàng trải qua những cú sốc trong năm nay do sự phục hồi kinh tế nhanh hơn dự kiến ở Trung Quốc sau khi nước này dỡ bỏ chính sách Zero Covid, cùng với suy thoái nông ở Mỹ sẽ không làm giảm nhu cầu.

Ian Bremmer, Chủ tịch và người sáng lập của Eurasia Group cho biết, hai yếu tố này sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu đối với dầu thô và làm lộ ra tình trạng thiếu nguồn cung mới trầm trọng.

Doanh thu xuất khẩu LNG năm 2022 của Australia vượt mức kỷ lục 59 tỷ USD

Năm 2022, doanh thu xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Australia đã tăng vọt 86%, lên mức kỷ lục 92,8 tỷ AUD (59,4 tỷ USD), nhờ nhu cầu quốc tế mạnh mẽ, trong bối cảnh thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng, khiến giá khí đốt bị đẩy lên cao vượt dự đoán.

Dữ liệu, do công ty tư vấn năng lượng toàn cầu EnergyQuest công bố ngày 5/1, cho thấy lượng xuất khẩu LNG đạt kỷ lục 81,4 triệu tấn, đưa Australia gần như ngang bằng với Mỹ và Qatar về quy mô xuất khẩu LNG toàn cầu. Trong số các “điểm đến”, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là ba thị trường lớn nhất của LNG Australia, với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 39%, 28% và 15%.

Trong số các nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới, hai công ty của Australia là Woodside Energy và Santos được xác nhận là “những người chiến thắng” trong năm vừa qua, nhờ quy mô xuất khẩu và khoản lợi nhuận thu được.

Xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela sụt giảm trong năm 2022

Xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela trong năm 2022 sụt giảm do việc ngừng triển khai các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng, lệnh trừng phạt của Mỹ và cạnh tranh gia tăng tại thị trường châu Á trọng điểm.

Tuy nhiên, xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia Nam Mỹ này trong năm nay dự kiến sẽ tăng sau khi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt dầu mỏ bằng cách cho phép một số đối tác của công ty năng lượng quốc doanh Petroleos de Venezuela (PDVSA) tiếp tục mua dầu thô của Venezuela.

Theo dữ liệu sơ bộ cho tháng 12/2022, sản lượng dầu thô của Venezuela đạt trung bình khoảng 721.000 thùng/ngày. Sản lượng này tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn mức giữa đại dịch. Tuy nhiên, con số trên vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình ghi nhận trong lịch sử và chưa tới mục tiêu 2 triệu thùng/ngày của PDVSA năm 2022.

Công ty năng lượng của Đức và Na Uy hợp tác sản xuất hydro xanh

Ngày 5/1, công ty năng lượng RWE của Đức và công ty Equinor của Na Uy đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về việc hợp tác phát triển chuỗi giá trị năng lượng quy mô lớn, dựa trên mối quan hệ đối tác năng lượng giữa Đức và Na Uy cũng như mối quan hệ lâu dài giữa hai doanh nghiệp này.

Mục tiêu mà hai doanh nghiệp hướng tới là xây dựng các nhà máy lớn ở Na Uy để sản xuất hydro xanh từ khí tự nhiên, sau đó hydro sẽ được vận chuyển tới Đức qua hệ thống đường ống dẫn khí. Hơn 95% lượng khí CO2 tạo ra trong quá trình sản xuất hydro sẽ được tách ra và lưu trữ an toàn, lâu dài dưới đáy biển ngoài khơi Na Uy.

Tại Đức, hai doanh nghiệp này có kế hoạch xây dựng các nhà máy điện mới. Các nhà máy này ban đầu sẽ sử dụng khí đốt tự nhiên làm nhiên liệu, sau đó khí đốt tự nhiên sẽ dần được thay thế bằng hydro xanh. Ngoài ra, hai doanh nghiệp sẽ cùng nhau xây dựng các trang trại điện gió ngoài khơi để sản xuất hydro xanh, sử dụng để phát điện và cung cấp cho các khách hàng công nghiệp khác ở Đức.

Đức khẳng định đã tránh được kịch bản xấu nhất về vấn đề năng lượng

Ngày 5/1, phát biểu họp báo trong khuôn khổ chuyến thăm thủ đô Oslo của Na Uy, Bộ trưởng Khí hậu và Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết dù giá khí đốt có thể tăng trở lại, nhưng ông vẫn "lạc quan nhất định" trước mùa đông năm tới, do lượng dự trữ khí đốt đã tăng lên hơn 90% và việc cung cấp LNG đang được đẩy mạnh.

Trong khi đó, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store nhấn mạnh: "Đức hiện đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết đối với Na Uy và Na Uy cũng có một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết đối với Đức".

Cùng ngày, hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực xanh như hydrogen, pin điện, lưu trữ carbon và năng lượng tái tạo.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/1/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/1/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/1/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/1/2023

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status