Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/2/2023

19:45 | 07/02/2023

4,865 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - VCCI đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá bán lẻ xăng dầu; Nhật Bản áp giá trần với sản phẩm dầu mỏ của Nga; Đức thông báo tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng gió… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 7/2/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/2/2023
VCCI ủng hộ phương án để doanh nghiệp tự xác định và công bố giá bán lẻ xăng dầu. Ảnh minh họa: LN

VCCI đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá bán lẻ xăng dầu

Trong Văn bản số 0125 gửi Văn phòng Chính phủ góp ý sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu nhiều ý kiến, trong đó có việc doanh nghiệp được tự quyết giá bán.

Cụ thể, trong hai phương án điều hành giá xăng dầu do Bộ Công Thương đưa ra, VCCI ủng hộ phương án thứ hai là để doanh nghiệp tự xác định và công bố giá bán lẻ, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát. Khi giá bán do cung cầu quyết định sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường. Việc này sẽ tuân theo quy định của Luật Giá và hạn chế sự can thiệp của Nhà nước nếu không cần thiết.

Trước đó, Bộ Công Thương đề xuất phương án thứ nhất là Nhà nước tiếp tục định giá xăng dầu và sửa đổi công thức tính giá để bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở. Công thức tính cụ thể sẽ do Bộ Tài chính đề xuất. Phương án thứ hai là Nhà nước không định giá xăng dầu mà sẽ do cung cầu của thị trường quyết định.

Nhật Bản áp giá trần với sản phẩm dầu mỏ của Nga

Theo hãng tin Sputniknews, ngày 6/2, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo nước này đã tham gia biện pháp áp giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Cụ thể đối với các sản phẩm dầu cao cấp là 100 USD/thùng, đối với các sản phẩm dầu giá rẻ là 40 USD/thùng. Các biện pháp của Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/2, ngoại trừ những giao dịch mua bán được ký trước đó mà hoạt động bốc xếp hàng đã hoàn tất trước thời điểm này.

Trước đó, ngày 5/2, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia đã áp mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm cao cấp như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giá rẻ hơn như dầu nhiên liệu nhập khẩu từ Nga.

Ấn Độ tinh chế dầu của Nga rồi bán sang phương Tây

Theo công ty nghiên cứu Kpler, trong tháng 1, Ấn Độ đã giao 89.000 thùng xăng và dầu diesel mỗi ngày sang New York, mức cao nhất trong gần 4 năm. Lượng dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh thấp được bán sang châu Âu ở mức 172.000 thùng/ngày, nhiều nhất kể từ tháng 10/2021.

Vị thế của Ấn Độ trên bản đồ năng lượng quốc tế sẽ tăng lên sau khi lệnh trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) đối với hoạt động xuất khẩu xăng dầu của Nga có hiệu lực vào tuần này. Lệnh cấm sẽ loại bỏ một lượng lớn dầu diesel khỏi thị trường. Và châu Âu buộc phải chuyển sang nguồn cung từ châu Á để lấp đầy khoảng trống nguồn cung.

Dầu giá rẻ của Nga do đó sẽ trở nên hấp dẫn hơn với Ấn Độ. Nước này nhập khẩu tới 85% lượng dầu thô. Kể từ năm ngoái, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đã đẩy mạnh xuất khẩu để kiếm lời từ giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao.

Đức thông báo tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng gió

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 5/2 cho biết chính phủ đang lên kế hoạch đẩy nhanh việc xây dựng các turbine gió ở nước này, khẳng định đến năm 2030, khoảng 2% diện tích đất của Đức sẽ được dùng để đặt turbine gió.

Ông Scholz thông báo đến năm 2030, mỗi ngày trung bình sẽ có 4-5 turbine gió trên đất liền được xây dựng, dù không cho biết chính xác tổng số turbine sẽ xây dựng. Ông nói: “Chúng tôi đang vạch ra một lộ trình về những hệ thống và thời điểm xây dựng, để có thể đạt được các mục tiêu vào năm 2030”.

Việc thúc đẩy thêm năng lượng gió được nêu trong “Đạo luật mới về năng lượng gió trên đất liền” của Đức đã được thông qua mùa hè năm 2022, có hiệu lực từ đầu tháng 2/2023. Để đạt được các mục tiêu, các nhà lãnh đạo của 16 bang của Đức phải dành đất và trình bày kế hoạch với chính phủ liên bang.

Hungary cảnh báo những rủi ro sau lệnh trừng phạt mới của EU

Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Năng lượng Hungary cảnh báo các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) không giải quyết được xung đột hiện tại và đang gây thiệt hại lớn cho châu Âu.

Đại diện bộ này cũng giải thích Hungary đã được miễn trừ tạm thời đối với việc vận chuyển dầu bằng đường ống, do đó vẫn có thể xử lý và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ Nga ở trong nước. Tuy nhiên, hoạt động thương mại với các nước khác sẽ chỉ có thể thực hiện được với các sản phẩm không có nguồn gốc từ Nga.

Hạn chế mới cũng có thể gây ra những hậu quả lâu dài hơn cho nền kinh tế Hungary bởi lẽ Hungary cần nhập khẩu khí đốt để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu bền vững nên việc tăng giá nhiên liệu ở châu Âu do các lệnh trừng phạt cũng gây ra nguy cơ tác động dây chuyền đối với Hungary.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/2/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/2/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/2/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/2/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status