Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 9/11/2022

20:40 | 09/11/2022

5,825 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - EC cảnh báo EU về giá trần khí đốt; 9 quốc gia mới tham gia Liên minh điện gió ngoài khơi toàn cầu; Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thanh toán phí mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 9/11/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 9/11/2022
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thanh toán khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga bằng đồng ruble. Ảnh minh họa: Reuters

EC cảnh báo EU về giá trần khí đốt

Ngày 8/11, hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) đã tuyên bố không thể thiết lập giới hạn giá khí đốt. Đại diện của 27 nước thành viên EU sẽ thảo luận về vấn đề này vào ngày 11/11 tới tại Brussels.

Trước đó, tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng trước, các nhà lãnh đạo EU nhất trí lập ra "khuôn khổ tạm thời để giới hạn giá khí đốt trong sản xuất điện" để hạ giá thành.

Reuters cũng lưu ý, việc một số nước thành viên EU khẳng định rằng, các hạn chế không được ảnh hưởng đến các hợp đồng dài hạn, dẫn đến tăng tiêu thụ khí đốt hoặc kích động các nhà sản xuất chuyển hướng cung cấp sang những nơi khác.

9 quốc gia mới tham gia Liên minh điện gió ngoài khơi toàn cầu

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập, 9 quốc gia Bỉ, Colombia, Đức, Ireland, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Anh và Mỹ đã tham gia Liên minh điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA), cam kết tăng cường phát triển điện gió ngoài khơi nhanh chóng.

Các quốc gia tham gia GOWA đã đồng ý hợp tác để thúc đẩy các tham vọng toàn cầu và xóa bỏ các rào cản đối với việc triển khai điện gió ngoài khơi tại các thị trường mới và hiện tại. Mục tiêu của GOWA là góp phần giúp thế giới đạt được tổng công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu tối thiểu 380GW (Gigawatt) vào năm 2030, trung bình 35GW mỗi năm trong những năm 2020 và tối thiểu 70GW mỗi năm từ năm 2030, đạt đỉnh 2.000GW vào năm 2050.

Hiện nay, điện gió ngoài khơi có thể được triển khai ở quy mô lớn với chi phí cạnh tranh và trong một khung thời gian ngắn. Đây là một lộ trình nhanh chóng và khả thi để thu hẹp khoảng cách ngày càng tăng giữa các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo và tốc độ thực hiện hiện tại.

EU ký quan hệ đối tác chiến lược với Kazakhstan về năng lượng

Tại hội nghị COP27 ở Ai Cập hôm 7/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với Thủ tướng Kazakhstan Alikhan Smailov về việc thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược” giữa hai bên.

Quan hệ đối tác chiến lược trên sẽ thiết lập “hội nhập kinh tế và công nghiệp chặt chẽ hơn” trong lĩnh vực nguyên liệu thô, pin và hydro tái tạo thông qua triển khai các dự án chung, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và xã hội cũng như hiện đại hóa các quy trình khai thác và tinh chế.

Trong kế hoạch REPowerEU (gồm 3 trụ cột chính: tiết kiệm năng lượng, triển khai các giải pháp carbon thấp và đa dạng hóa nguồn cung khí đốt) được công bố vào tháng 5 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã đặt ra mục tiêu sản xuất 10 triệu tấn hydro tái tạo ở châu lục này và nhập khẩu số lượng tương tự vào năm 2030.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thanh toán phí mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble

Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez ngày 8/11 cho biết nước này bắt đầu thanh toán khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga bằng đồng ruble. Bộ trưởng cho biết thêm trong vài tháng tới, khoản thanh toán bằng đồng nội tệ của Nga trong các hợp đồng mua bán năng lượng giữa hai nước sẽ tăng lên.

Đề cập đến đề xuất của Tổng thống Nga Putin về thiết lập một trung tâm khí đốt tự nhiên ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Donmez cho biết Ankara sẽ bố trí một lộ trình vào cuối năm nay và có thể tổ chức một hội nghị cho các bên liên quan là người mua và nhà cung cấp.

Tháng trước, Putin đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ làm cơ sở cung cấp khí đốt như một tuyến đường thay thế sau các đường ống dẫn khí Phương Bắc theo biển Baltic bị hư hại do các vụ nổ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết ông đồng ý với ý kiến này.

Mỹ cắt giảm dự báo sản lượng dầu đá phiến trong năm 2023

Theo báo cáo hàng tháng của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) công bố hôm thứ Ba (8/11), sản lượng dầu của Mỹ ước tính đạt 12,31 triệu thùng/ngày vào năm 2023, đây là lần điều chỉnh giảm thứ 5 liên tiếp của cơ quan chính phủ.

Dự báo cho thấy tốc độ tăng trưởng dầu đá phiến của Mỹ đang chậm lại mặc dù giá dầu dao động quanh mức 90 USD/thùng, cao gấp đôi chi phí hòa vốn của hầu hết các nhà sản xuất trong nước. Xu hướng này nếu tiếp tục sẽ làm ảnh hưởng tới thị trường dầu toàn cầu vì không thể có thêm đủ sản lượng để bù đắp cho việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ và gián đoạn nguồn cung từ Nga.

Sự bùng nổ trước đây trong sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đã thúc đẩy kỷ nguyên chi phí năng lượng tương đối rẻ và giúp bổ sung nhiều dầu thô hơn vào các thị trường toàn cầu, đưa Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất.

Nhưng sự phục hồi trong sản xuất của Mỹ sau cuộc tấn công ban đầu của Covid-19 là không mấy sáng sủa.

Năng lượng tái tạo giúp ổn định kinh tế và giải quyết lạm phát

Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christian Lagarde, việc chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn sẽ giúp giảm nguy cơ giá năng lượng tăng vọt. Bà Lagarde chỉ ra rằng: “Giá năng lượng tăng cao cho thấy chúng ta phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như thế nào và dễ bị ảnh hưởng ra sao”.

Chủ tịch ECB nêu rõ việc chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo, như điện gió hoặc điện mặt trời, cũng sẽ giúp đưa đến tỷ lệ lạm phát thấp và ổn định hơn cũng như cải thiện nền kinh tế.

Giá nhiên liệu hóa thạch đã tăng vọt kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra từ cuối tháng 2 năm nay. Điều này đặc biệt tác động xấu đến châu Âu, khu vực vốn nhập khẩu lượng lớn khí đốt qua các đường ống từ Nga trong nhiều năm qua. Mới đây, Chủ tịch ECB Lagarde cho rằng tác động của xung đột Nga-Ukraine và giá năng lượng tăng cao sẽ khiến kinh tế Eurozone suy thoái nhẹ vào khoảng cuối năm nay và đầu năm sau.

Khu vực ly khai Transnistria của Moldova đề nghị Nga giải quyết một số vấn đề khí đốt

Quan chức phụ trách đối ngoại của khu vực ly khai Transnistria ở Moldova Vitaly Ignatiev ngày 8/11 cho biết chính quyền Transnistria đã đề nghị Nga giải quyết một số vấn đề khí đốt. Các bên tham gia thỏa thuận là Gazprom và công ty Moldovagaz.

Theo ông Ignatiev, Transnistria đã đề xuất một số mô hình giải quyết vấn đề. Khu vực này coi việc cắt giảm nguồn cung khí đốt Nga từ Moldova đến Transnistria là “hành động vi phạm hoàn toàn thỏa thuận giữa Gazprom và Moldovagaz”.

Trước đó, công ty Moldovagaz thông báo cắt giảm nguồn cung khí đốt Nga từ ngày 1/11. Trong tổng số 5,7 triệu m3 khí đốt Gazprom cung cấp, Moldova sẽ nhận được 3,4 triệu m3, Transnistria nhận 2,3 triệu m3 mỗi ngày. Điều này đồng nghĩa Transnistria sẽ nhận được lượng khí đốt tự nhiên ít hơn 40% so với tháng 10. Để tiết kiệm khí đốt, các công ty lớn ở Moldova đã phải ngừng hoạt động.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/11/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/11/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/11/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/11/2022

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status