Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/11/2022

20:14 | 07/11/2022

6,722 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Giá khí đốt ở châu Âu có thể sắp giảm 30%; Eurozone xem xét kế hoạch hỗ trợ năng lượng; Khu vực Nam Mỹ ráo riết phát triển năng lượng sạch… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 7/11/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/11/2022
Goldman Sachs mới đây dự báo giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu có thể giảm 30% trong vài tháng tới. Ảnh minh họa: TASS. Ảnh minh họa: Bloomberg

Giá khí đốt ở châu Âu có thể sắp giảm 30%

Ngân hàng Goldman Sachs mới đây dự báo giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu có thể giảm 30% trong vài tháng tới đây, khi các quốc gia trong khu vực tạm thời kiểm soát được vấn đề nguồn cung.

“Chúng tôi dự báo giá khí đốt sẽ tiếp tục giảm về mức 85 Euro/megawatt giờ trong quý 1 tới, trước khi tăng mạnh trở lại vào mùa hè, khi châu Âu phải xây dựng dự trữ khí đốt cho mùa đông tiếp theo”, báo cáo của Goldman Sachs viết. Theo báo cáo, đến cuối tháng 7/2023, giá khí đốt ở châu Âu sẽ lại tăng lên gần ngưỡng 250 Euro/megawatt giờ.

Trong khi đó, theo hãng tin CNBC, có một số nguyên nhân có thể dẫn tới việc giá khí đốt tăng mạnh trở lại sau quý I/2023. Một trong những nguyên nhân do ông Fatih Birol - Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra là nguồn cung LNG toàn cầu trong năm tới sẽ chỉ tăng thêm rất ít. “Nhập khẩu LNG của Trung Quốc trong năm tới có thể tăng lên”, trong lúc châu Âu cũng phải tăng nhập khẩu LNG nếu không được Nga nối lại những dòng chảy khí đốt đang bị gián đoạn.

Eurozone xem xét kế hoạch hỗ trợ năng lượng

Trong bối cảnh giá năng lượng leo thang, trong ngày 7/11, các Bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thảo luận về cách phối hợp hỗ trợ tốt hơn cho các nền kinh tế nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới ngân sách năm 2023, cũng như chuẩn bị tốt hơn cho nguy cơ suy thoái.

Trước đó, vào tháng 9 và 10 vừa qua, các bộ trưởng Eurozone đã nhất trí rằng sự giúp đỡ của chính phủ nên tập trung vào một nhóm đối tượng và chỉ mang tính tạm thời. Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao trong Eurozone, trên thực tế, các biện pháp đều mang tính rộng rãi và những biện pháp như vậy sẽ không duy trì được lâu dài.

Một trong những phương án đang được thảo luận là để các chính phủ cung cấp hạn mức năng lượng cố định cho người tiêu dùng với mức giá trợ cấp. Nếu tiêu thụ vượt qua giới hạn, họ sẽ phải thanh toán theo mức giá cao của thị trường. Giới chức Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận đây không phải giải pháp tối ưu, nhưng bền vững về mặt chính trị và kinh tế. Nếu đạt được đồng thuận, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ lên kế hoạch chi tiết và thiết lập các nguyên tắc mà Chính phủ EU có thể áp dụng trong chính sách quốc gia.

Khu vực Nam Mỹ ráo riết phát triển năng lượng sạch

Cuộc đua phát triển các nguồn năng lượng sạch đang được chính phủ một số nước ở khu vực Nam Mỹ thúc đẩy ráo riết, điển hình là Argentina và Brazil.

Chính phủ Argentina sẽ trình Quốc hội dự luật thúc đẩy sản xuất hydro, trong đó tập trung đầu tư cho năng lượng sạch trong 30 năm tới. Hiện nước này đang có một dự án hợp tác với Australia phát triển hydro xanh, mang tên Pampas, tổng vốn đầu tư khoảng 8,4 tỷ USD.

Tại Brazil, tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras cũng vừa công bố một loạt dự án khử carbon với mục tiêu cắt giảm phát thải tương đương gần 1 triệu tấn khí CO2 mỗi năm. Tập đoàn sẽ đầu tư 2,8 tỷ USD vào các dự án giảm thiểu khí thải trong 5 năm tới, trong đó có 248 triệu USD tài trợ cho quỹ phát triển giải pháp đổi mới và giải pháp carbon thấp trong ngành công nghiệp dầu mỏ.

Xuất khẩu khí gas tự nhiên hóa lỏng của Australia tăng mạnh

Số liệu từ Cơ quan thống kê Australia cho thấy, trong 3 quý của năm 2022, xuất khẩu khí gas tự nhiên hóa lỏng tăng gần 20% với tổng trị giá đạt khoảng 11 tỷ AUD, góp phần đưa xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này tăng 7% đạt giá trị 60,6 tỷ AUD và thặng dư thương mại 12,4 tỷ AUD.

Theo chuyên gia kinh tế Belinda Allen thuộc Ngân hàng Commoneath của Australia, xuất khẩu khí gas tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến cho nhu cầu đối với hàng hóa của Australia tăng mạnh.

Trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, các chuyên gia dự báo trong năm tài chính 2022-2023 giá trị xuất khẩu khí gas tự nhiên hóa lỏng sẽ lên tới 90 tỷ AUD trong khi than nhiệt và than luyện kim có thể sẽ đạt được 120 tỷ AUD.

Kiev chuẩn bị sơ tán dân trong trường hợp mất điện

Giới chức Kiev đang lên kế hoạch dự phòng về việc sơ tán khoảng 3 triệu cư dân còn lại nếu nguồn cung cấp điện bị cắt hoàn toàn. Chính quyền cũng sẽ thông báo ít nhất 12 giờ trước khi lưới điện bị sập hoàn toàn.

Roman Tkachuk - người đứng đầu cơ quan an ninh Kiev cho biết thành phố “có thể sẽ mất điện hoàn toàn” nếu Nga tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Ông Tkachuk cảnh báo nếu thủ đô Ukraine mất điện diện rộng, nguồn cung nước và hệ thống nước thải cũng sẽ ngừng hoạt động. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, tình hình vẫn đang được kiểm soát và chưa có cuộc di tản nào trong tương lai gần.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 6/11 cho biết ông đã có "một số cuộc họp đặc biệt" với các quan chức chính phủ, quản trị viên khu vực và đại diện công ty năng lượng "về các kịch bản có thể xảy ra trong lĩnh vực năng lượng". “Chúng tôi sẽ xem xét chi tiết từng kịch bản và chuẩn bị các hành động phù hợp”, ông Zelensky nói.

Turkmenistan đề ra tham vọng xuất khẩu năng lượng cho châu Âu

Phát biểu tại Hội nghị Dầu khí quốc tế Abu Dhabi, Phó Thủ tướng Turkmenistan Shahym Abdrahmanov phụ trách dầu và khí đốt cho biết, nước này muốn xuất khẩu khí đốt trực tiếp sang các thị trường châu Âu thông qua tuyến đường ống xuyên Caspi.

Ông Abdrahmanov nêu rõ: “Turkmenistan cung cấp năng lượng thông qua các đường ống dẫn khí đốt xuất khẩu chính ở phía Bắc, đó là Nga, phía Đông là Trung Quốc, cũng như Iran. Và bây giờ chúng tôi đang xây dựng đường ống dẫn khí TAPI (Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ). Việc triển khai TAPI sẽ giảm bớt áp lực từ các thị trường châu Á và số lượng xuất khẩu có thể được chuyển hướng sang thị trường châu Âu".

Một ưu tiên khác, theo Phó Thủ tướng Abdrahmanov, là phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng trong nước, như đường ống dẫn khí Đông-Tây dài 800 km nối tất cả các mỏ khí đốt của Turkmenistan hiện đang được xây dựng.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/11/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/11/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/11/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/11/2022

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status