Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/11/2022

20:23 | 05/11/2022

10,245 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Bộ Công Thương ra chỉ thị “khẩn” về xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; Châu Âu sẽ triển khai cơ chế mua chung khí đốt ngay trong tháng 11; Đức cảnh báo kho dự trữ khí đốt có thể cạn kiệt… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 5/11/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/11/2022
Bộ Công Thương yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu. Ảnh minh họa

Bộ Công Thương ra chỉ thị “khẩn” về xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu

Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 4/11 đã ký ban hành Chỉ thị số 09 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu trong bối cảnh một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán với số lượng hạn chế, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; tăng cường giám sát đồng thời, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu hành vi bán xăng dầu nhỏ, lẻ không theo quy định của pháp luật.

Riêng đối với trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, tiến hành chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kiên quyết xử lý nghiêm khắc theo quy định; kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù là bất kể thương nhân ở loại hình nào.

Châu Âu sẽ triển khai cơ chế mua chung khí đốt ngay trong tháng 11

Phát biểu trên truyền hình ngày 4/11, Ủy viên phụ trách thị trường nội địa châu Âu Thierry Breton cho biết, các nước châu Âu đang đi đến những chi tiết cuối cùng về một cơ chế tự nguyện mua chung khí đốt. Nhiều khả năng cơ chế này sẽ áp dụng ngay trong tháng 11/2022 để giúp các nước thành viên có thể ứng phó với nguy cơ thiếu hụt năng lượng ngay trong mùa đông năm 2022.

Ủy viên phụ trách thị trường nội địa châu Âu Thierry Breton cũng cho biết châu Âu đang xem xét áp dụng một cơ chế tạm thời để áp trần giá khí đốt được dùng để sản xuất điện. Đây là biện pháp đã được hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha áp dụng từ tháng 5/2022 và hiện đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Pháp giúp giá điện chỉ tăng ở mức 10%.

Ngoài ra, châu Âu cũng đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung, đẩy nhanh các cuộc đàm phán với các nhà cung cấp lớn như Na Uy, Mỹ, Qatar… sau khi mất đi nguồn khí đốt từ Nga, vốn chiếm 40% lượng khí đốt tiêu thụ tại châu Âu. Ưu tiên tiếp theo của châu Âu là đàm phán với Mỹ để hạ giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang được bán cho châu Âu với mức giá cao gấp bốn lần tại Mỹ.

Đức cảnh báo kho dự trữ khí đốt có thể cạn kiệt

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Der Spiegel được công bố hôm 4/11, ông Lãnh đạo Cơ quan Mạng lưới Đức Klaus Mueller nói rằng, “một vài ngày lạnh cóng là đủ để lượng khí đốt tiêu thụ tăng mạnh. Từ dữ liệu lịch sử, chúng tôi biết rằng khi trời thực sự lạnh giá, các bể chứa sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt”.

Theo Klaus Mueller, Đức có thể vượt qua mùa đông nhưng chỉ khi cả người dân và ngành công nghiệp cùng nỗ lực và giảm mức tiêu thụ khí đốt ít nhất 20%. Tính đến ngày 2/11, các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức đã đầy 99,3%. Theo ông Mueller, con số này đủ để duy trì cho nước này trong 10 tuần.

Tháng trước, các ngành công nghiệp của đất nước có thể giảm tiêu thụ 27,4%, các hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân tiết kiệm tốt hơn với 42%. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, điều này liên quan đến thời tiết ấm áp và có thể thay đổi trong trường hợp trời trở lạnh hơn.

Tổng thống Zelensky cáo buộc Nga thực hiện chiến lược “khủng bố năng lượng”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 4/11 cáo buộc Nga đang thực hiện chiến lược “khủng bố năng lượng” tại Ukraine, khiến hàng triệu hộ dân mất điện, theo hãng tin AP. Ông Zelensky nói rằng trước các đợt tấn công của quân đội Moscow nhắm vào hệ thống mạng lưới điện quốc gia thì hiện tại khoảng 4,5 triệu người dân Ukraine đang không có điện để dùng.

Thị trưởng thủ đô Kiev Vitali Klitschko nói rằng chỉ tính riêng tại khu vực thủ đô đã có ít nhất 450.000 hộ dân bị mất điện trong ngày 4/11. Ông còn kêu gọi người dân thủ đô nên thực hiện tiết kiệm điện, vì theo ông tình hình phía trước vẫn còn khó khăn.

Theo nhà điều hành mạng lưới điện nhà nước Ukraine - Ukrenergo, tình trạng mất điện có thể sẽ tiếp tục kéo dài tại khu vực thủ đô Kiev. Trước tình hình mất điện trên diện rộng tại Ukraine, ngày 4/1, trong 1 cuộc họp của nhóm G7, các nước này đã đồng ý hỗ trợ chính quyền Kiev tái thiết cơ sở hạ tầng năng lượng, theo AP.

Cộng hòa Séc áp thuế với các công ty năng lượng chính

Các nhà lập pháp Séc ngày 4/11 đã thông qua đề xuất của Chính phủ Séc về việc áp dụng 60% phụ phí thuế đối với các công ty năng lượng chính và ngân hàng. Mức thuế sẽ được áp dụng trong 3 năm tới và nhắm vào lợi nhuận bất thường do giá năng lượng tăng và lãi suất cao.

Bộ trưởng Tài chính Séc tuyên bố lấy làm tiếc khi phải áp dụng thuế này. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, dự luật là một phần quan trọng nhằm giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng khiến cho chi phí sinh hoạt đang ở mức cao nhất trong 3 thập kỷ qua, cũng như là phương án tạm thời để giúp Cộng hòa Séc vượt qua giai đoạn khó khăn khi thâm hụt ngân sách đạt mốc kỷ lục.

Sau nhiều tháng cân nhắc, liên minh cầm quyền cũng đã đồng ý trợ cấp hóa đơn tiền điện và khí đốt tự nhiên. Theo tính toán của Bộ Tài chính, thuế gió được áp dụng vào thời gian tới sẽ mang lại nguồn thu khoảng 3,5 tỷ USD cho ngân sách trong năm tới. Ngoài ra, Bộ tài chính cho biết, giới hạn giá năng lượng của Liên minh châu Âu sẽ tạo điều kiện bổ sung cho ngân sách khoảng 625 triệu USD vào năm 2023.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/11/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/11/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/11/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/11/2022

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status