Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/11/2022

20:05 | 04/11/2022

12,814 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - G7 và Australia nhất trí áp trần giá dầu Nga; Anh trừng phạt hoạt động vận chuyển dầu Nga; Indonesia triển khai chính sách nhiên liệu đồng giá… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 4/11/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/11/2022
Một trạm nén khí PJSC của Gazprom ở vùng Amur, Nga. Ảnh: Bloomberg

G7 và Australia nhất trí áp trần giá dầu Nga

Reuters dẫn nguồn tin cho biết nhóm 7 nền kinh tế công nghiệp phát triển với kỹ nghệ tiên tiến G7 và Australia đã thống nhất thông qua kế hoạch áp trần giá dầu mỏ Nga vào cuối tháng này. “Liên minh đã thống nhất về một mức giá cố định đối với đầu mỏ Nga, con số này có thể sẽ được điều chỉnh tùy thuộc hoàn cảnh", Reuters dẫn nguồn tin cho hay.

Nguồn tin trên cho biết thêm, việc đặt dưới hạn giá dầu trong khung giá sẽ gây khả năng biến động giá. Tuy nhiên, giá ban đầu vẫn chưa được đặt ra, nhưng sẽ có trong vài tuần tới. Nguồn tin cũng cho biết, các đối tác của G7 đã đồng ý thường xuyên điều chỉnh mức giá cố định song không tiết lộ thêm chi tiết.

G7 lo ngại Nga sẽ hưởng lợi từ giá thả nổi được neo dưới mức tiêu chuẩn quốc tế đối với dầu Brent. Bởi vì, giá dầu của Nga cũng sẽ tăng nếu dầu Brent tăng đột biến do việc cắt giảm nguồn cung dầu từ Moskva. Việc áp đặt mức giá cố định đối với dầu Nga sẽ đòi hỏi G7 tổ chức nhiều cuộc họp để đánh giá, điều chỉnh mức giá.

IEA cảnh báo nguy cơ thiếu khí đốt tại châu Âu

Báo cáo của IEA nêu rõ châu Âu có thể phải đối mặt với việc thiếu 30 tỉ m3 khí đốt cần có để thúc đẩy nền kinh tế và lấp đầy kho dự trữ trong mùa hè năm 2023, ảnh hưởng đến nguồn dự trữ cho mùa đông năm 2023-2024. Từ đầu năm đến nay, Nga đã giao 60 tỉ m3 khí đốt cho châu Âu. Tuy nhiên, IEA cho rằng "rất khó có khả năng" Nga sẽ cung cấp lượng khí đốt tương tự vào năm 2023, thậm chí có thể ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt.

Các quốc gia châu Âu đang nỗ lực tìm lời giải cho bài toán năng lượng trong tương lai. Khu vực này chuẩn bị bước vào mùa đông lạnh giá với nguy cơ thiếu khí đốt, cũng như giá nhiên liệu tăng vọt do gián đoạn nguồn cung từ Nga.

Giới chuyên gia cảnh báo "Lục địa già" sẽ chịu thiệt hại trong dài hạn do cuộc khủng hoảng năng lượng có nguy cơ gây bất ổn về chính trị.

Các chuyên gia lý giải quá trình "hợp lý hóa công nghiệp" là cần thiết, trong đó khuyến nghị việc điều chỉnh sử dụng nhiên liệu trong công nghiệp, song cũng cảnh báo rủi ro tiềm ẩn khi việc cắt giảm đột ngột năng lượng sử dụng trong công nghiệp vào thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay. Điều này sẽ gây ra khá nhiều sức ép đối với các nền kinh tế, cũng như hệ thống chính trị tại châu Âu.

Anh trừng phạt hoạt động vận chuyển dầu Nga

Ngày 3/11, chính phủ Anh thông báo cấm các nước sử dụng các dịch vụ của Anh để vận chuyển dầu thô Nga, trừ phi dầu này được mua bằng hoặc dưới mức trần do G7 và Australia thiết lập. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12 - cùng thời điểm lệnh cấm nhập dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực.

Lệnh cấm lần này được áp dụng lên các dịch vụ như bảo hiểm, môi giới, vận chuyển. Bảo hiểm là một trong các dịch vụ chủ chốt giúp hỗ trợ hoạt động mua bán dầu qua đường biển.

Động thái trên được đưa ra sau quyết định hồi tháng 9 của các bộ trưởng tài chính nhóm G7, rằng sẽ áp trần giá để vừa chặn nguồn tài chính mà Nga cấp cho chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhưng vẫn đảm bảo các nước thứ 3 mua được dầu. Mức giá trần với dầu thô Nga dự kiến có hiệu lực vào ngày 5/12. Còn các sản phẩm từ dầu sẽ bị áp giá trần từ ngày 5/2 năm sau.

Indonesia triển khai chính sách nhiên liệu đồng giá

Ngày 3/11, Cơ quan điều tiết dầu khí hạ lưu (BPH Migas) và Tổng công ty dầu khí quốc gia PT Pertamina (Persero) đã ra mắt chương trình nhiên liệu đồng giá “One Price Fuel” tại nhà ga Sorong BBM của Pertamina, tỉnh Tây Papua.

Chính sách này đã được thực hiện từ năm 2017 tại nhiều điểm cung ứng nhiên liệu trên cả nước. Tính đến ngày 23/10, đã có 400 cửa hàng đại lý xăng dầu đăng ký tham gia chương trình. Mục tiêu đến năm 2024, chương trình này sẽ có 584 nhà phân phối nhiên liệu trong cả nước.

Giám đốc BPH Migas Erika Retnowati cho rằng, chương trình nhằm mục đích cung cấp công bằng năng lượng cho người dân. Cũng theo ông Erika, việc tiết kiệm chi tiêu nhiên liệu có thể sẽ kéo theo việc giảm giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nâng cao chất lượng giáo dục và y tế và có tác động tích cực đến nền kinh tế cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống và phúc lợi của cộng đồng.

Người dân Mỹ sẽ phải trả thêm 28% để có thể sưởi ấm ngôi nhà trong mùa đông này

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo người dân Mỹ ​​sẽ phải trả thêm 28% chi phí đối với khí đốt và 10% đối với điện so với năm ngoái để có thể sưởi ấm ngôi nhà trong mùa đông này, bởi giá nhiên liệu tăng cao và thời tiết ngày càng lạnh hơn.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ dành ra 13,5 tỉ USD để giúp các hộ gia đình có thu nhập thấp ở Mỹ giảm chi phí năng lượng trong mùa đông này. Nhà Trắng cho biết, khoản tài trợ mới sẽ giúp người Mỹ có chi phí sưởi ấm, giải quyết các hóa đơn điện nước chưa thanh toán và sửa chữa các thiết bị năng lượng gia đình nhằm giảm chi phí năng lượng.

Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ cũng đóng góp 4,5 tỉ USD cho chương trình Hỗ trợ năng lượng gia đình cho Người có Thu nhập thấp (LIHEAP). Ngoài ra, Bộ Năng lượng Mỹ sẽ phân bổ 9 tỉ USD tài trợ từ Đạo luật giảm lạm phát để hỗ trợ lên đến 1,6 triệu hộ gia đình nâng cấp nhà để giảm hóa đơn năng lượng.

Pháp tái khởi động lò phản ứng hạt nhân

Bộ trưởng Năng lượng Agnès Pannier-Runacher Trả lời phỏng vấn đài phát thanh France Inter hôm 2/11, Bộ trưởng Năng lượng Agnès Pannier-Runacher tiết lộ 6 trong số 12 lò phản ứng hạt nhân ở Pháp sẽ sớm khởi động lại sau thời gian phải ngừng hoạt động để sửa chữa.

“Không có lý do gì để tin rằng Nhà điều hành năng lượng EDF không thể đáp ứng lịch trình tái khởi động tất cả các lò phản ứng đã ngừng hoạt động trước mùa đông”, bà Pannier-Runacher cho hay. Trước đó, các phương tiện truyền thông cho biết EDF đã thuê khoảng 100 thợ hàn của Công ty chế tạo nhà máy điện hạt nhân Westinghouse (Mỹ) để sửa chữa các cơ sở cung cấp năng lượng đúng thời hạn.

Pháp sản xuất khoảng 70% điện năng từ hệ thống hạt nhân gồm 56 lò phản ứng, tất cả đều do EDF vận hành. Tuy nhiên, nhiều lò phản ứng đã phải đóng cửa để bảo trì do vấn đề ăn mòn. Hiện tại, chỉ có 31 đơn vị đang hoạt động. EDF cam kết sẽ khởi động lại tất cả các lò phản ứng ngừng hoạt động trước mùa đông để tránh tình trạng thiếu điện trong nước.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/11/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/11/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/11/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/11/2022

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status