Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/11/2022

20:30 | 03/11/2022

8,668 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Hải Phòng và Esbjerg (Đan Mạch) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi; Xuất khẩu khí hóa lỏng Nga tăng bất chấp phương Tây phong tỏa năng lượng; Chính phủ Đức sẽ áp giá trần năng lượng từ năm 2023… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 3/11/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/11/2022
Đan Mạch mong muốn xúc tiến nhanh hợp tác phát triển điện gió ngoài khơi tại Hải Phòng. Ảnh minh họa: P.O

Bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục chủ động bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu để bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống; Chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối, phân phối chủ động phối hợp bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước.

Cùng với đó là thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.

Hải Phòng và Esbjerg (Đan Mạch) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi

Nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đan Mạch, ngày 2/11, Thái tử Kế vị Đan Mạch Frederik đã có chuyến thăm, làm việc tại thành phố Hải Phòng và tham dự sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi…

Chương trình Xúc tiến thương mại và đầu tư có sự tham gia của 22 doanh nghiệp lớn với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi của Đan Mạch, cùng với các doanh nghiệp của Việt Nam. Tại Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi giữa lãnh đạo UBND TP Hải Phòng và chính quyền TP Esbjerg (Đan Mạch).

Về nội dung này, ông Jesper Frost Ramussen, Thị trưởng thành phố Esbjerg chia sẻ, Đan Mạch rất quan tâm tới tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi của Hải Phòng và rất mong muốn được hợp tác với thành phố. Ông hy vọng hai bên sẽ xúc tiến nhanh các công việc cần thiết để biến các nội dung biên bản ghi nhớ đã ký kết thành hiện thực.

PECC2 và Hyme Energy hợp tác phát triển lưu trữ năng lượng tại Việt Nam

Ngày 2/11, CTCP Tư vấn xây dựng Điện 2 (PECC2) và Công ty Hyme Energy (Đan Mạch) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về lưu trữ năng lượng tại Việt Nam. Lễ ký nằm trong khuôn khổ Diễn đàn thượng đỉnh năng lượng bền vững Việt Nam - Đan Mạch với sự chứng kiến của Thái tử Đan Mạch Frederik André Henrik Christian, Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Đan Mạch, lãnh đạo Bộ Công Thương Việt Nam.

Theo đó, PECC2 và Hyme Energy sẽ cùng hợp tác nhằm phát triển và xây dựng các dự án lưu trữ năng lượng nhiên liệu tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu triển khai ít nhất 2GWh dung lượng lưu trữ trước năm 2030 và các mục tiêu xa hơn nữa trong tương lai.

Thái tử Frederik khẳng định, Việt Nam và Đan Mạch đang có cùng chí hướng phát triển năng lượng tái tạo. Thông qua sự hợp tác với các đối tác Việt Nam nói chung và PECC2 nói riêng, Việt Nam và Đan Mạch có thể tìm ra được những giải pháp chung nhằm đem lại lợi ích và thịnh vượng cho cả hai quốc gia.

Xuất khẩu khí hóa lỏng Nga tăng bất chấp phương Tây phong tỏa năng lượng

Xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) của Nga trong tháng 10 lên mức cao nhất trong vòng 7 tháng qua, giữa thời điểm thế giới, nhất là châu Âu, rốt ráo giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga.

Châu Âu chưa cấm vận LNG hay khí đốt tự nhiên vận chuyển bằng đường ống của Nga. Nhưng nhiều nhà nhập khẩu đã tìm cách hạn chế tối đa lượng khí đốt mua từ Nga. Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét kế hoạch áp mức giá trần với khí đốt do Nga cung cấp, nhưng nội bộ khối chưa đạt được thống nhất do nhiều thành viên có ý kiến khác biệt.

Xuất khẩu LNG của Nga vẫn giữ được đà tăng trưởng, với những nước nhập khẩu lớn nhất là Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản. Trung Quốc tăng mua LNG từ Nga, vì muốn tận dụng cơ hội mua với mức giá rẻ hơn so với giá LNG trên thị trường giao ngay. Riêng trong tháng 9/2022, nhập khẩu LNG của Trung Quốc từ Nga tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

EU cảnh báo Bulgaria không lách lệnh trừng phạt dầu mỏ nhằm vào Nga

Theo trang tin EURACTIV.bg (Bulgaria) ngày 2/11, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Daniel Ferry cho biết Bulgaria được cấp quyền đặc biệt sử dụng dầu của Nga cho đến năm 2024, nhưng điều đó không có nghĩa là nước này có thể xuất khẩu và thu lợi nhuận từ trường hợp ngoại lệ của EU.

Phát biểu với các nhà báo ở Brussels, ông Ferry cảnh báo công ty Nga Lukoil, chủ sở hữu nhà máy lọc dầu duy nhất của Bulgaria, không nên lách lệnh cấm vận của EU và bán lại các sản phẩm được sản xuất từ ​​dầu của Nga ra nước ngoài.

Ông Daniel Ferry giải thích rằng mục đích của EU cấp quyền ngoại lệ cho Bulgaria là để nước này có thể sử dụng trong nước nhưng không được bán ra nước ngoài hoặc cho các nước thứ ba. “Mục đích của trường hợp ngoại lệ là để Bulgaria có thể có được nguồn cung và không bán dầu nhập khẩu của Nga cho các nước khác - trong EU hoặc các nước thứ 3”, người phát ngôn trên nêu rõ.

Mỹ sắp hết thời gian để áp giá trần đối với dầu của Nga

Theo kế hoạch ban đầu, Mỹ và EU sẽ đưa ra mức giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga từ ngày 5/12, nhưng chỉ một tháng trước ngày này, cơ chế cụ thể vẫn chưa được xác định. Các nhà phân tích nói với nhật báo kinh tế Kommersant (Nga) rằng khái niệm về trần giá ban đầu của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn rất mơ hồ và nếu không làm rõ các cơ chế mà các bên cần tuân thủ, chính sách này sẽ trở nên vô nghĩa.

Quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc đặt ra mức giới hạn giá dầu Nga bắt đầu thay đổi đáng kể sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11. Theo cách đó, tờ Kommersant cho hay Saudi Arabia đã thể hiện rõ ràng rằng họ sẽ không bù đắp cho nguồn thâm hụt từ phía Nga.

Trong khi đó, Phó trưởng phòng kinh tế tại Viện Năng lượng và Tài chính Nga Sergey Kondratyev nhận định Moskva sẽ có nhiều cách để tái xuất dầu sang các quốc gia láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ cũng như những cách khác để lách luật.

Chính phủ Đức sẽ áp giá trần năng lượng từ năm 2023

Ngày 2/11, Đức cho biết nước này có kế hoạch áp giới hạn giá năng lượng từ tháng 1/2023, một động thái quan trọng nằm trong kế hoạch ngân sách khổng lồ trị giá 200 tỉ euro (198 tỉ USD) nhằm giúp giảm bớt áp lực lạm phát cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Theo báo cáo của chính phủ, động thái can thiệp vào thị trường năng lượng trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đối với ngành công nghiệp, còn đối với các hộ gia đình chậm nhất là ngày 1/3/2023.

Các nhà hoạch định chính sách sẽ "tìm cách" áp dụng mức giảm giá cho các hộ gia đình từ tháng 2/2023. Trong khi đó, theo kế hoạch, mức trần giá điện sẽ được áp dụng từ tháng 1/2023. Chính phủ cũng sẽ thanh toán một lần để trang trải chi phí sưởi ấm cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào tháng 12/2022. Giới hạn giá sẽ được áp dụng đến hết tháng 4/2024.

Thủ tướng Olaf Scholz sẽ gặp thống đốc các bang vào cuối ngày 2/11 (theo giờ địa phương) để hoàn thiện các chi tiết của thỏa thuận. Mức giá trần được đưa ra nhằm tiếp tục khuyến khích người dân tiết kiệm năng lượng dù cho việc giảm giá này là để hỗ trợ người tiêu dùng. Trước đó ngày 31/10, Hiệp hội công nghiệp Đức BBI cho hay các kế hoạch này nên "tạo ra sự đảm bảo và giảm bớt lo lắng" cho doanh nghiệp và người dân.

Pháp tuyên bố nguồn cung năng lượng đã ổn định trở lại

Ngày 3/11, Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher tuyên bố nguồn cung nhiên liệu cho các trạm xăng trên toàn quốc đã được khôi phục, trong khi tình trạng đình công chỉ còn tiếp diễn tại một nhà máy lọc dầu ở Feyzin, miền Đông Nam nước này.

Làn sóng đình công đã bắt đầu tại các nhà máy lọc dầu kể từ cuối tháng 9, khi hàng nghìn người lao động yêu cầu tăng lương trong bối cảnh lạm phát leo thang. Cuộc đình công kéo dài đã gây gián đoạn nghiêm trọng hoạt động phân phối nhiên liệu trên toàn quốc, đặc biệt tại miền Bắc, miền Trung nước Pháp và khu vực Paris, khiến người dân gặp khó khăn trong việc sử dụng các phương tiện cá nhân.

Sau khoảng 1 tháng, các tập đoàn năng lượng như TotalEnergies, Exxon Mobil… cùng nghiệp đoàn tổ chức đình công CGT đã đạt được thỏa thuận tăng lương, trong khi Chính phủ Pháp đã áp dụng một số biện pháp cứng rắn nhằm trấn áp làn sóng đình công và ổn định lại nguồn cung năng lượng.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/11/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/11/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/11/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/11/2022

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status