Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/11/2022

20:20 | 02/11/2022

8,144 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nguồn cung khí đốt của Nga dần dịch chuyển khỏi phương Tây; Iran, Armenia gia hạn thỏa thuận trao đổi năng lượng tới 2030; Nhật Bản lần đầu tiên thông báo chủ trương tiếp tục tham gia dự án Sakhalin-1… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 2/11/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/11/2022
Xuất khẩu khí đốt từ Nga sang Trung Quốc thông qua đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia tiếp tục tăng. Ảnh minh họa: NSenergy

Nguồn cung khí đốt của Nga dần dịch chuyển khỏi phương Tây

Gazprom hôm 1/11 thông báo, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của tập đoàn năng lượng này cho các quốc gia không thuộc CIS, cộng đồng bao gồm hầu hết các nước EU, là 91,2 tỉ m3, đã giảm 42,6% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10 so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi đó, xuất khẩu khí đốt từ Nga sang Trung Quốc thông qua đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia tiếp tục tăng theo hợp đồng song phương dài hạn của công ty Nga. Theo Gazprom, việc giao hàng qua đường ống dẫn khí đốt lớn thường xuyên vượt quá nghĩa vụ hợp đồng hàng ngày.

Gazprom bắt đầu bơm khí đốt đến Trung Quốc qua đường ống Sức mạnh Siberia dài 3.000 km vào năm 2019. Công suất của Sức mạnh Siberia là 61 tỉ m3 khí đốt mỗi năm, bao gồm 38 tỉ m3 để xuất khẩu. Nga và Trung Quốc đang lên kế hoạch cho một tuyến khí đốt lớn khác qua Mông Cổ mang tên Soyuz Vostok. Gazprom đang hoàn thiện các chi tiết xây dựng cuối cùng cho dự án này.

Iran, Armenia gia hạn thỏa thuận trao đổi năng lượng tới 2030

Theo hãng thông tấn nhà nước IRNA của Iran, nước này và Armenia ngày 1/11 đã nhất trí kéo dài thêm 6 năm thỏa thuận trao đổi khí đốt lấy điện thời hạn 20 năm, tới năm 2030.

Thứ trưởng Bộ Dầu mỏ Iran Majid Chegini cho biết theo thỏa thuận mới, nước này sẽ tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu sang Armenia - hiện ở mức 1 triệu m3, để đổi lại Armenia sẽ tăng cường xuất khẩu điện sang Iran.

Theo thỏa thuận đổi khí đốt lấy điện mà hai nước ký năm 2004, Iran xuất khẩu khí đốt trong vòng 20 năm sang Armenia để nước này vận hành các nhà máy điện, để đổi lấy việc Armenia xuất khẩu điện sang nước này.

Nhật Bản lần đầu tiên thông báo chủ trương tiếp tục tham gia dự án Sakhalin-1

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimuara ngày 1/11 cho biết trong bối cảnh Nhật Bản đang phải phụ thuộc vào 95% nguồn cung ứng dầu mỏ nhập khẩu từ Trung Đông, dự án Sakhalin-1 có vai trò rất quan trọng về mặt an ninh năng lượng của Nhật Bản.

Tại cuộc họp ngày 31/10, Chính phủ Nhật Bản đã đề nghị các công ty có phần vốn đóng góp tại Sakhalin-1 thảo luận theo hướng tích cực về việc đồng ý tiếp tục tham gia dự án này. Trong thời gian tới, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục điều phối với các công ty trong nước và phía Nga để đảm bảo lợi ích tại công ty mới do Nga thành lập.

Dự án Sakhalin-1 của Nga có phần vốn đóng góp của Tập đoàn ExxonMobil Mỹ (chiếm 30%), công ty khai thác dầu mỏ và khí thiên nhiên Sakhalin của Nhật Bản (chiếm 30%, trong đó có phần vốn đóng góp của METI, tập đoàn Itochu, Marubeni), Rosneft của Nga (chiếm 20%), tập đoàn dầu khí tự nhiên của Ấn Độ (20%).

Tổng thống Mỹ "dọa" tăng thuế với các công ty dầu khí

Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 31/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích các công ty dầu mỏ lớn đang thu lợi nhuận khổng lồ từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, trong khi người dân Mỹ đang mệt mỏi vì lạm phát tăng cao. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ tăng thuế đối với các công ty dầu mỏ lớn.

“Những khoản lợi nhuận đó chính là lợi nhuận thu được từ chiến tranh”, ông Biden nói. “Nếu họ chuyển những khoản lợi nhuận đó cho người tiêu dùng thì giá xăng dầu sẽ giảm được khoảng 50 xu. Nếu không, họ sẽ phải trả thuế cao hơn cho những khoản lợi nhuận khủng ấy và phải đối mặt với những hạn chế khác".

Tổng thống Joe Biden cho biết Nhà Trắng sẽ làm việc với Quốc hội để xem xét vấn đề trên. Theo ông Biden, các công ty dầu khí nên đầu tư lợi nhuận của họ vào việc giảm chi phí cho người dân Mỹ và tăng sản lượng.

Gazprom đã tiếp cận vị trí vụ nổ trên các tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 31/10 cho biết Tập đoàn năng lượng Gazprom của nước này đã được phép khảo sát vị trí các vụ nổ xảy ra trên các tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc để đánh giá thiệt hại.

Ông cho biết thêm Gazprom đã phát hiện ra 2 hố sâu 3m và 5m. Một đoạn đường ống dài 40m đã bị vỡ nát, khiến đoạn đường ống liền kề bị bẻ cong 90 độ và văng xa 40m về phía tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 vốn cũng bị hư hại. Người đứng đầu nước Nga cho rằng cuộc khảo sát cho thấy các vụ nổ là hành động tấn công khủng bố.

Bốn vụ rò rỉ trên 2 tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 được phát hiện vào cuối tháng 9 vừa qua.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/11/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/11/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 31/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 31/10/2022

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status