Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 31/10/2022

19:51 | 31/10/2022

8,097 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nhu cầu nhiên liệu hóa thạch có thể đạt đỉnh vài năm tới; Đầu tư cho năng lượng tái tạo tăng mạnh; Italy chủ trương đẩy mạnh khai thác khí đốt trong nước… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 31/10/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 31/10/2022
IEA không cho rằng sẽ có sự suy giảm nhanh chóng về cơn khát dầu, khí đốt và than của thế giới. Ảnh minh họa: The Pawprint

Nhu cầu nhiên liệu hóa thạch có thể đạt đỉnh vài năm tới

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết chiến sự và sự gián đoạn với các thị trường năng lượng mà nó gây ra đã giúp phân bổ lại cung và cầu toàn cầu. Nếu các chính phủ thực hiện tốt các mục tiêu mà họ đề ra gần đây để ứng phó với cuộc khủng hoảng, họ sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Dựa trên một kịch bản như vậy, IEA dự báo nhu cầu than tăng do cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ chỉ là tạm thời. Trong khi đó, nhu cầu khí đốt sẽ ổn định vào cuối thập niên này. Do xe điện ngày càng phổ biến, nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt đỉnh vào khoảng giữa thập niên tới, duy trì cho đến khoảng năm 2050 và sau đó sẽ giảm.

IEA không cho rằng sẽ có sự suy giảm nhanh chóng về cơn khát dầu, khí đốt và than của thế giới. Là một phần của nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu, nhiên liệu hóa thạch đã giữ ổn định tỷ trọng ở mức 80% trong nhiều thập niên. Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay sẽ khiến tỷ trọng này dần giảm xuống dưới 75% vào năm 2030 và xuống 60% vào năm 2050.

Đầu tư cho năng lượng tái tạo tăng mạnh

Báo The National (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) cho biết, đầu tư cho năng lượng tái tạo năm 2022 đã lên tới gần 500 tỷ USD, lần đầu tiên vượt qua lượng vốn dành cho các dự án dầu và khí đốt, ở mức chưa tới 450 tỷ USD, với động lực chính là để có thể đảm bảo được nguồn năng lượng giá rẻ.

Đáng chú ý, nguồn đầu tư vào năng lượng tái tạo đạt được bước tiến đáng kể như thời gian qua có một phần đóng góp không nhỏ từ chính các quốc gia xuất khẩu dầu và khí đốt hàng đầu thế giới.

Theo đó, vùng Vịnh - nơi chưa 1/3 trữ lượng dầu của thế giới đang mở đường cho một cuộc cách mạng xanh. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã dành tới hơn 160 tỷ USD trong ngân sách để phát triển năng lượng xanh. Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu số 1 thế giới - đã dành tới gần 200 tỷ USD cho Chương trình sáng kiến Saudi Arabia xanh. Còn nếu ở cả Trung Đông, đầu tư cho năng lượng xanh giờ đây đã gấp tới 7 lần so với cách đây 1 thập niên.

Italy chủ trương đẩy mạnh khai thác khí đốt trong nước

Trong bài phát biểu tại Hạ viện, tân Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nói rằng: “Cơ hội có thể xuất hiện từ cuộc khủng hoảng năng lượng: Chúng ta có nhiệm vụ khai thác triệt để các mỏ khí đốt trong vùng biển quốc gia". Đối với Chính phủ Italy, vấn đề ưu tiên là "ngăn chặn đà tăng giá năng lượng" và "đẩy nhanh việc đa dạng hóa nguồn cung và sản xuất trong nước".

Hiệp hội công nghiệp (Confindustria) vùng Emilia Romagna đã nhận thấy chính sách cởi mở của Thủ tướng Meloni về đẩy mạnh khai thác khí đốt là một tín hiệu tốt lành. Tuy nhiên, theo hiệp hội này, chủ trương của chính phủ cần được sớm cụ thể hóa vì “thời gian dành cho những phát biểu đã hết” và “cần chuyển sang hành động một cách hết sức khẩn cấp".

Ông Giannantonio Mingozzi, người đứng đầu cảng Ravenna hoan nghênh tuyên bố của Thủ tướng Meloni, đồng thời nhấn mạnh cần hành động khẩn cấp nhằm tránh nguy cơ nguồn lực quốc gia trên biển Adriatic rơi vào tay các nước lân cận.

Đức ra điều kiện với các công ty hưởng lợi từ kế hoạch trợ giá khí đốt

Sau cuộc họp kéo dài gần hai ngày đến ngày 29/10, ủy ban gồm nhiều chuyên gia của Đức chịu trách nhiệm hoạch định các phương án nhằm giảm thiểu tác động của giá khí đốt đã đề xuất một số điều kiện cụ thể gắn với kế hoạch "phanh" giá năng lượng được đưa ra tháng trước.

Theo đó, Chính phủ Đức có thể áp đặt một số điều kiện đối với các công ty được hưởng lợi từ kế hoạch hỗ trợ giá khí đốt của nước này, trong đó có cam kết tiếp tục hoạt động trong nước hoặc duy trì 90% việc làm mà công ty tạo ra trong một năm, trong bối cảnh nhiều công ty ngành công nghiệp Đức đang cân nhắc thu hẹp quy mô sản xuất trong nước hoặc chuyển địa điểm sản xuất sang những khu vực có chi phí năng lượng và thuế thấp hơn.

Theo đề xuất, bất kỳ công ty nào vi phạm các điều kiện sẽ phải hoàn trả chính phủ khoản tiền trợ cấp trong khuôn khổ kế hoạch trên. Một số nguồn thạo tin cho biết chính phủ Đức sẽ chấp thuận các đề xuất của ủy ban trên.

IEA nhận định Nga tổn thất lớn trong cuộc chiến năng lượng với phương Tây

Trang tin Euronews dẫn lời Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol mới đây nêu rõ: “Ngay trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, khoảng 65% tổng lượng khí đốt xuất khẩu của Nga đến châu Âu và 55% lượng dầu xuất khẩu của Nga đến châu Âu. Cho đến nay, châu Âu là thị trường lớn nhất, khách hàng lớn nhất của Nga và Nga đã mất khách hàng này mãi mãi".

Khi được hỏi liệu Nga có thể thay thế các khách hàng châu Âu bằng các khu vực khác hay không, ông Birol cho rằng điều đó sẽ không dễ dàng vì "một lượng lớn" khí đốt của Nga bắt nguồn từ Tây Siberia và sau đó chảy đến châu Âu qua đường ống.

Ông Birol dự đoán việc xây dựng các đường ống dẫn hoàn toàn mới tới Trung Quốc hoặc Ấn Độ có thể mất tới 10 năm và cần một lượng đầu tư và công nghệ đáng kể. "Việc thay thế xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu của Nga, trong ngắn hạn, là một giấc mơ viển vông", ông Birol lưu ý.

Văn phòng Tổng thống Ukraine thông báo cắt điện khẩn cấp toàn quốc

Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Kirill Timoshenko ngày 31/10 thông báo việc cắt điện khẩn cấp sẽ được thực hiện trên khắp Ukraine, sau khi các cơ sở hạ tầng quan trọng bị hư hại nặng vì không kích. "Chúng tôi phải cắt điện khẩn cấp vì các vụ tấn công quy mô lớn nhằm vào phần hạ tầng quan trọng. Đội phản ứng đang khắc phục hậu quả", ông Timoshenko nói.

Trước đó, hãng truyền thông Ukraine Zerkalo Nedeli đưa tin cùng ngày, các nhà máy thủy điện Dnieper, Dniester và Kremenchuk ở Ukraine đã bị tấn công, làm gián đoạn một phần nguồn cung cấp điện.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng thành phố Zaporizhzhia do Kiev kiểm soát, cho biết thành phố này đã bị cắt điện từ sáng 31/10. Tại thành phố Dnipro, người đứng đầu chính quyền quân sự tại địa phương, ông cho hay các thiết bị bay cảm tử đã tấn công vào một cơ sở sản xuất năng lượng ở quận Kamenskoye, khiến nguồn cung năng lượng tại đây bị gián đoạn.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/10/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/10/2022

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status