Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/11/2022

19:54 | 06/11/2022

4,733 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tiếp tục tăng công suất; Italy dành 30 tỉ euro đối phó khủng hoảng năng lượng; Các công ty dầu khí Mỹ thu lợi 200 tỉ USD kể từ chiến sự Ukraine… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 6/11/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/11/2022
Nhà máy lọc dầu Dung Quất tiếp tục tăng công suất lên mức 112% nhằm góp phần ổn định thị trường xăng dầu trong nước (Ảnh minh họa)

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tiếp tục tăng công suất

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tối 5/11 thông tin tiếp tục tăng công suất góp phần ổn định thị trường xăng dầu trong nước. Đây là lần thứ 2 trong năm, Nhà máy lọc dầu Dung Quất nâng công suất vận hành. Trước đó, ngày 18/10, đơn vị này tăng công suất vận hành từ 107% lên 109%.

BSR cho biết, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, BSR đã triển khai đàm phán với các chủ mỏ về khả năng gia tăng sản lượng khai thác và bổ sung thêm nguồn dầu thô tháng 11 và 12/2022; nhập khẩu thêm các lô nguyên liệu trung gian; rà soát, đánh giá các giải pháp kỹ thuật, an toàn hướng tới mục tiêu tăng công suất vận hành tối đa.

Theo đánh giá, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể tăng và giữ ổn định ở 112% công suất nếu đảm bảo nguồn nguyên liệu bổ sung và điều kiện thời tiết thuận lợi. Hiện từ đêm 4/11 đến rạng sáng 5/11/2022, nhà máy đã nâng dần công suất lên 112% để góp phần giảm áp lực nguồn cung xăng dầu cho đất nước.

Italy dành 30 tỉ euro đối phó khủng hoảng năng lượng

Chính phủ mới của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni ngày 4/11 đã thông qua kế hoạch ngân sách, sẽ dành ra khoảng 30 tỉ Euro (30 tỉ USD) trong năm 2023 để giúp làm giảm tác động của chi phí năng lượng cao kỷ lục đối với các gia đình và doanh nghiệp.

Sau cuộc họp nội các thảo luận về các biện pháp ngân sách, Thủ tướng Meloni đã giải thích rằng các nguồn lực bổ sung dành cho giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ được tài trợ bằng cách nâng mức thâm hụt ngân sách năm 2023, sẽ giúp Italy có thêm 23 tỉ Euro để tài trợ cho kế hoạch chi tiêu của mình.

Thủ tướng Meloni cho biết ngay trong tuần tới, chính phủ dự kiến công bố các biện pháp trị giá khoảng 9,5 tỉ Euro để nhanh chóng giải quyết tình trạng khẩn cấp về năng lượng. Bất chấp những hứa hẹn bầu cử về lương hưu cao hơn và cắt giảm thuế, kể từ khi bắt đầu cầm quyền, Thủ tướng Meloni đã cam kết dành phần lớn số tiền hiện có để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.

Các công ty dầu khí Mỹ thu lợi 200 tỉ USD kể từ chiến sự Ukraine

Tổng hợp số liệu trên web của các công ty xăng dầu niêm yết công khai tại Mỹ trong quý II và III năm 2022, tờ Financial Times công bố tổng thu nhập của các công ty này đạt 200,24 tỉ USD. Số liệu trên phù hợp với các đánh giá và ước tính thu nhập của nhà cung cấp thông tin về năng lượng S&P Global Commodity Insights trong cùng thời gian.

Theo báo Financial Times, Tổng thống Joe Biden trong tuần này đã gọi những khoản thu nhập vượt mức đó là một "cơn gió chướng của chiến tranh", đồng thời cáo buộc các công ty dầu khí đã "trục lợi" từ cuộc chiến Ukraine. Ông Biden nói ông sẽ yêu cầu Quốc hội đánh mức thuế lớn hơn với các công ty dầu khí.

ExxonMobil là công ty dầu khí có quý thu nhập cao nhất từ ​​trước đến nay. Phản ứng trước viễn cảnh áp thuế lớn, ông Darren Woods, giám đốc điều hành của ExxonMobil, giải thích việc chia cổ tức lớn cũng nên được xem là cách công ty "trả lại một số lợi nhuận trực tiếp cho người dân Mỹ".

Khôi phục nguồn điện cấp cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thuộc Liên hợp quốc ngày 5/11 cho biết, nguồn điện bên ngoài đã được khôi phục cấp cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine, hai ngày sau khi cơ sở năng lượng này bị ngắt khỏi lưới điện do các cuộc không kích của Nga gây hư hại đường cao thế.

Trong một tuyên bố, Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi cho biết cả hai nguồn điện bên ngoài cấp cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã được sửa chữa và bắt đầu kết nối lại từ chiều 4/11 theo giờ địa phương.

Ông Grossi nhắc lại lời kêu gọi thành lập một khu vực an toàn hạt nhân và bảo vệ an ninh xung quanh nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này để ngăn ngừa thảm họa, đồng thời thúc giục các bên “hành động trước khi quá muộn”.

Nhà máy ở Zaporizhzhia là nhà máy lớn nhất không chỉ ở Ukraine, mà còn của toàn châu Âu. Nó có sáu tổ máy điện với tổng công suất 6.000 MW. Trước cuộc xung đột, nhà máy cung cấp gần một nửa lượng điện được sản xuất bởi các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine.

Nhu cầu pin mặt trời ở Bỉ tăng vọt

Số liệu thống kê mới nhất về tiêu thụ năng lượng cho thấy một xu hướng mới bắt đầu từ tháng 10 vừa qua. tỉ trọng năng lượng mặt trời trong hỗn hợp năng lượng (tổng các nguồn sản xuất ở Bỉ) đang tăng lên đáng kể.

Theo số liệu từ Elia, đơn vị quản lý việc truyền tải điện ở Bỉ, thị phần điện gió là 6,6% trong tháng 10, so với 3,9% cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, số người sử dụng các tấm pin mặt trời ngày càng tăng, do hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng và điều này cũng đang bắt đầu thể hiện qua các con số. Trong mấy tuần qua, trong khi đơn đặt hàng lắp đặt chưa bao giờ nhiều như vậy.

Theo ông Olivier Desclée, người phát ngôn của Engie Belgium, nhà cung cấp năng lượng đồng thời là nhà lắp đặt hàng nghìn tấm pin mỗi năm (thông qua nhiều nhà thầu phụ), các số liệu rõ ràng cho thấy sự bùng nổ về nhu cầu lắp đặt các tấm quang điện. Ông cho biết, chỉ trong vòng một năm, nhu cầu đã tăng 120% và họ không thể nhận thêm đơn hàng nữa do không thể đảm bảo việc lắp đặt.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/11/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/11/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/11/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/11/2022

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status