"Nhơn Trạch địa linh rèn công đức"

06:15 | 23/06/2017

982 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Mặc dù không được chứng kiến quá trình đầy gian khó của ông Hoàng Xuân Quốc cùng các cộng sự trong xây dựng và phát triển Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) có tầm cỡ và thương hiệu như ngày hôm nay, nhưng nhìn cách ông Quốc chăm chút và tự hào khi nói về “đứa con thai nghén” của mình, chúng tôi phần nào hiểu được tâm huyết và tình yêu lớn của ông dành cho NT2.

Một công trình - Một đời người

nhon trach dia linh ren cong duc
Ông Hoàng Xuân Quốc

Tiến sĩ Hoàng Xuân Quốc sinh năm 1957, là con trai Giáo sư Hoàng Xuân Nhị, một trí thức lớn, nhà báo, nhà văn, dịch giả nổi tiếng, có cống hiến to lớn cho đất nước. Ngay từ những năm tháng đi học, ông luôn đạt những thành tích cao. Năm 1982 sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ông được giữ lại trường làm công tác giảng dạy. Sau đó, ông tham gia nghiên cứu sinh và làm việc ở Pháp đến năm 1995 trở về nước và làm việc trong ngành Dầu khí. Cũng từ đây ông chuyển sang làm công tác khoa học kỹ thuật, rồi quản lý đầu tư, quản lý doanh nghiệp ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Trong hơn 22 năm gắn bó với ngành Dầu khí, ông Hoàng Xuân Quốc có đến 10 năm gắn bó với NT2 trong cương vị là Giám đốc kể từ khi thành lập công ty và bắt đầu triển khai xây dựng Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 từ tháng 6-2007 cho đến nay. Trải qua chặng đường dài với biết bao vui buồn, biến cố, thăng trầm, thì “đứa con” NT2 đã thật sự gắn bó như một phần máu thịt trong ông.

Nói về quá trình xây dựng và phát triển của NT2, ông Quốc ví như là việc nuôi dạy một con người: “Một công trình dự án cũng giống như số phận một con người phải có thời gian thai nghén, chuẩn bị rồi mới sinh ra. Không thể rút ngắn, vội vã được vì như vậy sẽ thành ra “đẻ non”. Khi sinh ra còn phải nuôi dưỡng để nó lớn lên thành người khỏe mạnh. Quá trình đó đòi hỏi phải tốn rất nhiều công sức, tâm huyết, chăm sóc nó lúc ốm đau, chỉ dẫn những lúc sai lầm, lạc lối và phải hiểu bản chất để khắc phục những khuyết điểm, phát huy những ưu điểm của nó. Như vậy thì mới thành công được”.

Các thế hệ tiếp theo của ngành sẽ tự hào tiếp tục giương cao ngọn đuốc Dầu khí cháy sáng mãnh liệt trong cuộc chạy tiếp sức kế thừa và phát triển không ngừng nghỉ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Ông kể: “Hôm đó tôi vừa kết thúc chuyến đi học ở Hà Nội về, máy bay vừa hạ cánh, tôi bật máy điện thoại lên thấy dày đặc tin nhắn của cán bộ, kỹ sư ngoài công trường. Lúc đó chúng tôi đang thi công nhà bơm ngoài bờ sông. Đây là một hạng mục đặc thù rất khó thi công. Nói nôm na là đào một hố sâu tới 18m, cách sông chỉ một bờ mỏng, nước bên ngoài sông bất cứ lúc nào cũng có thể tràn vào, mà tràn vào là vỡ - như vỡ đê vậy, rất nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, gây phát sinh chi phí lớn và có thể xảy ra tai nạn lao động. Không chỉ áp lực nước từ bên ngoài sông mà áp lực nước ngầm từ bên dưới lên cũng rất kinh khủng. Do đó, chúng tôi phải theo dõi rất chặt để không có sự cố”.

“Ngày hôm đó, khi chúng tôi đã đào xuống đến cao độ thiết kế rồi, anh em báo là theo quan trắc nước ngầm rất lớn nhưng giếng đã đào xuống rất sâu mà nước ngầm không vào, hoàn toàn không giống như ở những nơi khác. Theo quan sát, lý do nước không vào là chúng tôi đào trúng vị trí có một khối đất sét rất lớn, không làm thấm nước vào trong giếng. Tuy nhiên, điều này sẽ rất nguy hiểm vì chúng tôi đào càng sâu, lớp đất sét càng mỏng, có thể bục nước ngầm lên bất cứ lúc nào. Điều này sẽ nguy hiểm hơn là đào xuống gặp nước và tát nước đi, cân bằng áp lực bên trong giếng và nước ngầm phía dưới. Nhận thấy bất thường ở đáy, ngay trong đêm tôi chỉ đạo phải huy động bê tông đổ đáy ngay mặc dù lúc đó không hề có tư vấn. Xe bê tông chạy suốt đêm vào nhà máy để đổ và hoàn thành đổ đáy dày 1,5m ngay trong đêm, giữ không cho nước bục lên. Nếu nước bục lên thì dự án có thể phải chậm tiến độ cả năm là ít và sau đó phát sinh thêm khoảng 1 triệu USD”, ông Quốc tiếp tục dòng hồi tưởng về quyết định “kinh khủng” nhất với ông về dự án này.

Một quyết định khác cũng rất quan trọng mà ông Quốc đưa ra là dịch toàn bộ nhà máy về phía tây so với thiết kế 20m để tạo thêm khoảng cách với Nhà máy Nhơn Trạch 1. Bởi theo thiết kế ban đầu thì Nhà máy Nhơn Trạch 2 khá gần sát với Nhà máy Nhơn Trạch 1 như vậy việc thi công có thể gây rung lắc, ảnh hưởng đến hoạt động của Nhà máy Nhơn Trạch 1. Mà trên nguyên tắc là thi công Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 không được làm ảnh hưởng đến sản xuất của Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1.

Khi ông Quốc đưa ra quyết định dịch nhà máy, ngay lập tức nhà thầu không đồng ý vì cho rằng như vậy sẽ làm thay đổi so với thiết kế, gây phát sinh nhiều vấn đề, gây chậm tiến độ… Tuy nhiên bằng lý lẽ, bằng chứng thuyết phục của mình ông Quốc đã giải thích cho họ hiểu đây là việc dịch toàn bộ theo thiết kế và không làm ảnh hưởng gì đến tiến độ thi công, thậm chí việc này còn giúp cho việc thi công thuận lợi hơn vì sẽ tạo nên hành lang thi công, không ảnh hưởng đến hoạt động của Nhơn Trạch 1. Bởi nếu thi công mà ảnh hưởng đến Nhơn Trạch 1 thì có thể bị dừng, gây chậm tiến độ.

Ông Hoàng Xuân Quốc chia sẻ: “Dự án không thể dừng để chờ cho những quyết định rườm rà. Quyết định không kịp thời có thể dẫn đến những rủi ro, thậm chí thảm họa khó lường. Do đó, người quản lý dự án phải là người có tinh thần trách nhiệm cao, có sự hiểu biết và khả năng đánh giá công việc để có thể có những quyết định kịp thời và chính xác, đồng thời phải kiểm soát, đánh giá được rủi ro trong quyết định của mình”.

Không chỉ là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 mà ông còn là người gắn bó với công ty trong suốt quá trình hình thành và phát triển cho đến nay. Trên cương vị là Giám đốc NT2, ông Hoàng Xuân Quốc đã thể hiện rõ vai trò là một nhà lãnh đạo tài năng, đầy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có cách quản lý độc đáo, góp phần đem đến những thành công lớn cho NT2 hôm nay.

nhon trach dia linh ren cong duc
Người lao động làm việc tại Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2

NT2 được biết đến là một doanh nghiệp chưa từng bị lỗ, ngay cả trong giai đoạn đầu tư dự án. Chặng đường 10 năm hình thành và phát triển có thể khẳng định là một thập niên thành công của một doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và minh bạch, một mã chứng khoán đầy tiềm năng. Với những thành tích đạt được, NT2 đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều danh hiệu giải thưởng cao quý khác như: Giải thưởng chất lượng Quốc gia, Thương hiệu mạnh Việt Nam, Doanh nghiệp Vì người lao động, Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam do Forbes bình chọn và Top 10 doanh nghiệp niêm yết tin cậy… Trong những thành tích đạt được đó, có sự đóng góp không nhỏ của Giám đốc Hoàng Xuân Quốc.

Với những kết quả đạt được, ông Quốc cho rằng: Trong thành công của một doanh nghiệp phải hội tụ đủ các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa cũng giống như cuộc đời của một con người, thành công có rất nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố may mắn. Và chính tại NT2, các yếu tố này được tập hợp đầy đủ. NT2 được xây dựng ở một vị trí thuận lợi, trong khu vực có phụ tải cao nhất cả nước là TP HCM - Đồng Nai; Công ty đã tạo dựng được một bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả, một tập thể lao động đoàn kết, được sự hậu thuẫn xuyên suốt và vững chắc của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và bên cạnh đó, NT2 còn có được “thiên thời”.

“Thiên thời” này theo ông Quốc là những điềm báo của đất trời cho thấy sự phát triển thịnh vượng. Đó là những chuyện nghe có vẻ “thần thánh” nhưng lại xảy ra khá nhiều ở Nhơn Trạch 2. Như ngày lễ khởi công nhà máy trời đang nắng chang chang thì bỗng mây kéo về, trời râm mát và sau đó đổ mưa. Các sự kiện lớn của NT2 cũng vậy, phát điện lần đầu vừa xong là trời mưa, lần đầu niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE trời cũng mưa… Mà theo ông bà ta ngày xưa quan niệm “thủy quản tài”, trời đổ mưa như vậy là điềm báo mang đến nhiều may mắn, tốt lành, làm ăn phát tài, thuận lợi.

Cùng nhìn về một hướng

Ông Quốc cho rằng, trong một doanh nghiệp, để đảm bảo sự thống nhất và thành công thì điều kiện tiên quyết là những người lãnh đạo cao nhất phải cùng nhìn về một hướng, đặt lợi ích tập thể, công ty lên trên cá nhân mình, như vậy sẽ giải quyết được tất cả mọi vấn đề.

Trong công tác điều hành, với xuất phát là một nhà khoa học, Hoàng Xuân Quốc là một người cực kỳ nghiêm túc trong công việc. Và cũng chính như vậy, ông đòi hỏi CBCNV phải chuyên nghiệp “làm ra làm, chơi ra chơi” và có tác phong công nghiệp cao. Ông sẵn sàng cho chuyển công việc khác hoặc cho thôi việc đối với những nhân sự không đạt yêu cầu chứ không cả nể.

nhon trach dia linh ren cong duc
Các công nhân, kỹ sư thực hiện công tác trung tu Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2

Ông chia sẻ quan điểm của mình, một người lao động có thể chưa hài lòng hoàn toàn với lãnh đạo, cách điều hành hay vấn đề gì đó của công ty nhưng nếu xác định vẫn ở lại công ty làm việc thì phải làm hết trách nhiệm của mình với công việc được giao, điều đó thể hiện tính chuyên nghiệp. Còn nếu thấy không thể gắn bó được thì có thể chuyển chỗ làm, chứ không chấp nhận kiểu cố ở lại để “phá đám”, không muốn làm mà vẫn muốn ăn lương.

Ông kể, một lần xuống phân xưởng vận hành, thấy trưởng ca đang ngồi tại bàn làm việc nhưng mặt bàn và máy tính của anh ta bám đầy bụi. Không nói gì cả, ông rút khăn mùi xoa ra lau toàn bộ bàn và cả chiếc máy tính đó. Sau đó, ông chẳng nói gì cả rồi ra về. Nhưng từ đó về sau anh trưởng ca ấy và các CBCNV không bao giờ để nơi làm việc và máy tính bẩn nữa.

Phương cách quản lý của Hoàng Xuân Quốc là đưa mọi việc vào quy trình để mọi người hiểu được phải làm gì và tự làm được. Nhưng bên cạnh đó, ông luôn tạo điều kiện để mọi người phát huy hết khả năng của mình. Với ông một công ty là một vườn hoa nhiều màu, có bông xanh, bông hồng, bông vàng, cao thấp, to, nhỏ khác nhau và cách quản lý của ông là không biến 100 bông hoa ấy thành một khuôn mẫu, tăm tắp như nhau mà luôn quan tâm để biết được ưu điểm nhằm phát huy mặt mạnh của từng người, giúp nhân viên tiếp nhận công việc và hoàn thành chúng bằng tinh thần thoải mái nhất có thể.

Qua những câu chuyện trên, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến ông Quốc là một người tài năng và cũng rất nghiêm khắc. Nhưng trên thực tế trong cảm nhận của tôi, người đã có nhiều lần tiếp xúc với ông Quốc và trao đổi với người lao động đang làm việc tại NT2 thì ông còn là một người cởi mở và thân thiện. Ở NT2, mọi người nhắc đến ông bằng cả sự yêu mến và nể trọng. Nể trọng ở nhân cách, lối sống, ở tài năng, bản lĩnh trong công việc, trong cách quản lý điều hành và yêu mến, trân trọng ông như là một người anh, một người cha luôn quan tâm hết mực đến đời sống của người lao động.

Với kinh nghiệm làm các dự án điện, TS Hoàng Xuân Quốc thấy rằng, tất cả những công trình điện đa phần là ở những vùng xa xôi, hạ tầng khó khăn, nên đảm bảo đời sống cho CBCNV là vấn đề rất lớn, mà ông, cũng như những lãnh đạo của NT2, lãnh đạo ngành Dầu khí luôn trăn trở. Do đó, quá trình đầu tư làm Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 cũng kèm theo đó là dự án khu nhà công vụ.

Khu nhà công vụ này ban đầu được thiết kế chỉ là nhà tập thể chứ không phải căn hộ như hiện tại. Và chính ông Quốc là người đã đề xuất và tranh luận rất lâu cho mô hình này. Ông muốn xây nhà công vụ giống như căn hộ để tạo không gian sống như trong một gia đình, nơi đó những người lao động còn độc thân có thể ở 3-6 người/căn hộ, khi lập gia đình thì có căn hộ riêng, chứ không chỉ là như những căn phòng trọ. Ngoài ra, việc đầu tư khu nhà công vụ dạng chung cư, còn để tiết kiệm diện tích, dành quỹ đất còn lại xây khu thể thao.

Và đến nay, có thể thấy, khu nhà công vụ của NT2 trở thành một mô hình rất thành công, là mơ ước của tất cả những người lao động trẻ, với môi trường sống an toàn, thân thiện, giúp người lao động yên tâm công tác, cống hiến cho công ty. Đó là một trong những điều rất ý nghĩa mà ông Quốc đã làm mà không phải một lãnh đạo nào cũng có thể nghĩ được điều đó cho người lao động của mình.

Trong hơn 22 năm gắn bó với ngành Dầu khí và tròn 10 năm gắn bó với NT2, TS Hoàng Xuân Quốc đã có những cống hiến lớn lao và dành trọn tình yêu của mình với NT2 và ngành Dầu khí. Ông mong ước và tin tưởng rằng các thế hệ tiếp theo của ngành sẽ tự hào tiếp tục giương cao ngọn đuốc Dầu khí cháy sáng mãnh liệt trong cuộc chạy tiếp sức kế thừa và phát triển không ngừng nghỉ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở vùng đất thiêng giàu truyền thống cách mạng nơi đây, như đôi câu đối mà ông đã viết tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ nằm trong khuôn viên nhà máy:

“Nhơn Trạch địa linh rèn công đức

Phước Khánh hào kiệt dựng cơ đồ…”.

Một quyết định khác cũng rất quan trọng mà ông Quốc đưa ra là dịch toàn bộ nhà máy về phía tây so với thiết kế 20m để tạo thêm khoảng cách với Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1. Bởi theo thiết kế ban đầu thì Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 khá gần với Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1, như vậy việc thi công có thể gây rung lắc, ảnh hưởng đến hoạt động của Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1.

Mai Phương

DMCA.com Protection Status