Những kỷ niệm làm đường ống dẫn khí PM3 Cà Mau

09:00 | 15/06/2018

8,476 lượt xem
|
Ông Đào Văn Chuyên (nguyên Phó trưởng ban QLDA Khí - Điện - Đạm Cà Mau, phụ trách Dự án Khí) đã tham gia xây dựng hầu hết các đường ống khí trọng điểm, từ đường ống Phú Mỹ - TP HCM, các đường ống dẫn khí mỏ Bạch Hổ đến PM3 Cà Mau… Trong đó có những kỷ niệm không thể nào quên khi làm đường ống dẫn khí PM3 Cà Mau.  
nhung ky niem lam duong ong dan khi pm3 ca mau
Ông Đào Văn Chuyên - nguyên Phó trưởng ban QLDA Khí - Điện - Đạm Cà Mau, phụ trách Dự án Khí

Thời gian đầu về Ban QLDA để làm tuyến ống dẫn khí PM3 có rất nhiều khó khăn, đa số anh em kỹ sư đi làm dự án còn trẻ, một số người đã có gia đình, nhà cửa ở TP HCM, Vũng Tàu. Cứ mỗi chiều thứ Sáu, anh em Ban QLDA đi xe về TP HCM, Vũng Tàu, chiều Chủ nhật lại xuống Cà Mau làm việc, đi đi về về rất vất vả. Cà Mau thì muỗi nhiều vô cùng, “muỗi kêu như sáo thổi”. Ngày đó, người dân Cà Mau ăn cơm tối rất sớm, khoảng 16-17 giờ để tránh muỗi. Nếu ăn cơm tối muộn thì phải ngồi trong màn... Khó khăn là vậy nhưng đa số anh em vẫn bám dự án đến khi hoàn thành.

Trước đó, anh Trần Văn Thục - Phó trưởng ban Chuẩn bị đầu tư Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau về giai đoạn đầu tiên và đã thực hiện xong công tác thiết kế FEED (thiết kế cơ sở), ông về trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu EPC. Năm 2004, Việt Nam chưa có nhà thầu xây dựng được tuyến ống khí dài như thế. Sau một thời gian lựa chọn, cuối cùng cấp trên đồng ý chỉ định thầu cho Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro vì các lý do: Để phát huy và nâng cao sức mạnh nội lực; Vietsovpetro rất mạnh về tài chính; Vietsovpetro có kinh nghiệm và năng lực kỹ thuật xây dựng các đường ống ngoài biển.

Trong khi chọn nhà thầu EPC phải tìm phương án xây dựng đường ống trên bờ đi qua rừng U Minh, địa hình tuyến ống phải qua nhiều đoạn kênh rạch, đầm lầy rất khó khăn trong khi ống khí to, nặng.

Tuy đã nghiên cứu kỹ phương pháp xây dựng đường ống, nhưng có một hôm trong lúc bơm không khí vào thấy bọt không khí sủi lên gần trạm tiếp bờ, anh em trong Ban QLDA và nhà thầu rất lo lắng cho giả thuyết có thể đường ống bị xì. Sau kiểm tra kỹ thì không phải, chỉ đơn giản là ngày trước khu vực đó đóng cây dừa làm kè chắn đất lở và chôn xuống dưới đầm lầy, lâu ngày nên phân hủy, phun khí lên. Kiểm tra cho kết quả không phải sự cố từ đường ống dẫn khí, cả Ban QLDA thở phào nhẹ nhõm.

Một kỷ niệm không thể nào quên là sau khi thi công tuyến ống trên biển, trên bờ phải tiến hành công tác phóng Pig (viết tắt của Pipeline Intervention Gadget - một thiết bị đưa vào tuyến ống. Thiết bị này sẽ di chuyển dọc chiều dài tuyến ống bởi lực đẩy của một nguồn áp suất cao) để kiểm tra ống có bị móp méo gì không. Nhưng khi Pig đến gần điểm tiếp bờ thì không đi được nữa. Thời điểm đó vào khoảng cuối năm 2006, Pig không về làm cả Ban QLDA rất lo lắng, cứ nghĩ là đường ống bị móp méo hay bị sự cố gì. Và nếu tuyến ống bị sự cố thì tốn rất nhiều kinh phí để sửa, phải rà tìm chỗ hỏng để cắt đi và thay vào đoạn ống mới… Cả Ban QLDA rất lo lắng, họp bàn rất nhiều lần, đưa ra nhiều phương án và cuối cùng quyết định chọn phương án đưa thêm máy nén khí lên giàn Talisman để thổi vào đường ống. Sau khi thực hiện phương án này thì Pig về làm mọi người vỡ òa trong sung sướng. Ban QLDA và các nhà thầu rút kinh nghiệm sâu sắc là do tuyến ống quá dài, từ giàn khai thác khí Talisman về trạm tiếp bờ LFS tới 298km nên Pig mòn và không đi được. Trong quá trình xử lý sự cố, Pig hết pin rồi tắt vì thời gian hoạt động quá lâu.

Thiết kế ban đầu đường kính của đường ống là 18 inch - hơi nhỏ so với nhu cầu. Tuyến ống hiện cung cấp khoảng 2 tỉ m3 khí/năm cho Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Giờ đây nhìn lại thấy rằng, nếu ngày đó thiết kế đường ống 22 inch thì đáp ứng đủ công suất cho 1 nhà máy đạm - 2 nhà máy điện và 1 nhà máy khí.

nhung ky niem lam duong ong dan khi pm3 ca mau
Công nhân Trung tâm Xử lý khí Cà Mau

Ngày đó, trong Ban QLDA Khí - Điện - Đạm Cà Mau có hơn 30 anh em kỹ sư trẻ từ Vũng Tàu, TP HCM và một số anh em đi học ở nước ngoài về. Anh em đoàn kết, thay phiên nhau làm công tác giám sát và làm việc với các nhà thầu. Nhớ có lần ông Chuyên và ông Phạm Văn Định đi ra trạm tiếp bờ thì mưa xối xả. Ngồi trên xuồng ba lá mà cảm giác như suýt lật vì mưa quá lớn. Ông Chuyên biết bơi, ông Định trượt chân suýt ngã. Đó là một kỷ niệm nhớ mãi của hai anh em trong những ngày tháng gắn bó với Dự án PM3 Cà Mau.

Ông Đào Văn Chuyên công tác 17 năm ở Vietsovpetro, rồi tham gia làm Dự án đường ống Phú Mỹ - TP HCM trong 2 năm, làm đường ống dẫn khí PM3 Cà Mau, làm Dự án đường ống dẫn khí Rồng - Đồi Mồi, Dự án Nam Côn Sơn 2 cho đến khi về hưu. Ông thấy cuộc đời may mắn trong lúc đất nước chiến tranh, bao người ra chiến trường thì ông được cử đi Liên Xô học, về xây dựng đường ống và bể chứa. Vì vậy khi trở về, Đảng và Nhà nước phân công về đâu thì ông về đó và cố gắng làm hết sức mình, không nề hà gian khó.

Đời làm dự án khá vất vả, bởi khi thi công các dự án tuyến ống dẫn khí, đa số làm ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, khó khăn về cơ sở vật chất và điều kiện đi lại. Quá trình làm việc với nhiều nhà thầu, trong đó có những nhà thầu nước ngoài, đại diện Ban QLDA luôn đôn đốc để bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, khi gặp khó khăn hay sự cố thì cùng hợp tác giải quyết và phải luôn yêu cầu nhà thầu nước ngoài thực hiện đúng các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng. Chất lượng và hiệu quả của công trình khi đi vào hoạt động là vô cùng quan trọng, nên phải rất nghiêm túc trong giám sát các nhà thầu thực hiện từng hạng mục.

Ông Chuyên nói, ông thấy hầu hết những anh em trong ngành chịu khó đi làm dự án ở vùng sâu, vùng xa sau một thời gian đều tích lũy nhiều kinh nghiệm và trưởng thành. Giờ đây đã về hưu, nhìn lại thấy nhiều anh em ngày xưa đồng cam cộng khổ đi làm dự án với mình nay đã trưởng thành và đang giữ những vị trí quan trọng tại các nhà máy, tổng công ty trong ngành Dầu khí làm ông rất vui.

PM3 Cà Mau là một trong những đường ống dẫn khí lớn nhất nước và lần đầu tiên Việt Nam làm được đường ống dẫn khí chất lượng tốt có chiều dài 298km nối từ mỏ khí PM3 thuộc vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia tới điểm tiếp bờ và 26km đường ống dẫn khí trên bờ. Dòng khí đầu tiên từ mỏ PM3 đã được đưa vào tới trạm GDS thuộc xã Khánh An, huyện U Minh vào lúc 12 giờ 54 phút ngày 2-5-2007. Đây là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng cực Nam của đất nước. Sau 10 năm hoạt động, đường ống PM3 Cà Mau đảm bảo cung cấp khí an toàn cho toàn Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau.

PM3 Cà Mau là một trong những đường ống dẫn khí lớn nhất nước và lần đầu tiên Việt Nam làm được đường ống dẫn khí chất lượng tốt, có chiều dài 298km, nối từ mỏ khí PM3 thuộc vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia tới điểm tiếp bờ và 26km đường ống dẫn khí trên bờ.

Thiên Thanh

DMCA.com Protection Status