Những ngày gắn bó với Vietsovpetro
Sau một thời gian làm việc, tôi cùng các anh em trong đơn vị, có cả các chuyên gia của Liên Xô, được điều động ra giàn khoan số 1 MCN1, với nhiệm vụ lắp đặt, hiệu chỉnh các thiết bị như tự động hóa, điện, cơ khí, an toàn, xuồng cứu sinh.
Người lao động Vietsovpetro |
Sau thời gian ngắn tôi lại được điều động tăng cường tới Đội lắp đặt chân đế giàn khoan. Công việc chính là đi tăng cường cho đội đánh đắm chân đế giàn khoan ngoài biển, tổng chỉ huy là ông Nguyễn Trọng Nhưng, Chánh kỹ sư, Xí nghiệp Xây lắp Liên doanh Dầu khí Việt Xô.
Khi chân đế giàn khoan được đưa lên xà lan và được kéo ra biển, chúng tôi cũng được chỉ định đi theo tàu cẩu Hoàng Sa ra theo, gần tới địa điểm hạ thủy chân đế tôi được điều xuống tàu nhỏ là tàu Côn Đảo 1. Chân đế được kéo tới vị trí theo lệnh điều động của ông Nhưng thông qua vệ tinh hướng dẫn. Bằng biện pháp gia công rãnh trượt giữa chân đế giàn khoan và xà lan, khi đánh đắm xà lan, chân đế giàn khoan trượt qua xà lan xuống biển theo phương thẳng đứng, vào đúng vị trí như thiết kế, rất nhanh và an toàn tuyệt đối. Phương pháp này an toàn và rút ngắn được thời gian hiệu chỉnh vị trí chân đế. Đây là sáng kiến của ông Nguyễn Trọng Nhưng, sau này là giám đốc Xí nghiệp Xây lắp và là đồng đội của những kỹ sư, công nhân trong xí nghiệp.
Suốt thời gian sau đó, tôi tiếp tục được tham gia lắp đặt khối Bờ-lốc mô-đun trên giàn cố định và hiệu chỉnh thiết bị, rồi chuyển đến làm việc trên những giàn khoan khác. Còn nhớ, khi ấy mức lương như công nhân chúng tôi còn thấp nhưng tôi đã cùng các anh em đã rất hăng say làm việc, quên luôn thời gian.
Năm 1997, tôi được điều động làm công việc sửa chữa thiết bị khai thác thuộc Xí nghiệp Khai thác Dầu khí. Công việc của tôi và anh em trong đơn vị là chuyên sửa chữa các thiết bị trên giàn khoan ngoài biển như: Các loại cần cẩu, các thiết bị nâng, sửa chữa lắp đặt các loại máy nén khí như máy KP2T của Nga hay máy nén trục vớt của Mỹ. Lắp đặt và hiệu chỉnh các thiết bị cứu sinh như bè cứu sinh, xuồng cứu sinh, lắp đặt và sửa chữa các loại thiết bị cứu hỏa như bơm chìm, hệ thống tạo bọt, lắp đặt và hiệu chỉnh các thiết bị đầu giếng khai thác gọi là “cây thông”. Bảo dưỡng các đường ống dẫn dầu, dẫn khí tới pha-ken (đuốc khí), bảo dưỡng các bồn chứa dầu 100m3, 50m3, các bồn chứa khí hay bảo dưỡng và lắp đặt các loại máy bơm dầu như НПС của Nga. Bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị đo dầu, đo tốc độ gió, phục vụ cho máy bay và các sàn đỗ máy bay, van phun chống cháy trên máy bay…
Đơn vị chúng tôi đã luôn đáp ứng nhanh và hoàn thành nhiệm vụ, sớm đưa các thiết bị vào khai thác. Không kể ngày đêm, không kể mưa bão. Có nhiều kỷ niệm rất sâu sắc mà chúng tôi không thể nào quên. Ví dụ, vào một đêm tại giàn RP1, nhóm chúng tôi được thông báo: Có sự cố bơm dầu НПС tại bờ số 4. Lúc ấy chúng tôi phân nhau trực tại phòng giao ca ở bờ số 5. Ai nấy đều khẩn trương chuyển bơm dự phòng, sau 10 phút tất cả chúng tôi đã có mặt tại điểm xảy ra sự cố và chỉ sau 5 phút, các anh em trong tổ khai thác, tổ cơ điện đã đưa bơm dầu hoạt động bình thường trở lại. Đặc thù công việc của ngành khai thác dầu khí là tất cả các thiết bị trên giàn khoan phải được đảm bảo làm việc không dừng, điều đó đã tạo cho tôi một tác phong lao động không kể ngày đêm, say mê và gắn bó.
Cho mãi cho tới năm 2013, tôi được nghỉ hưu. Tôi rất vui viết những dòng chữ này để nhớ về những ngày gian khổ, lao động quên mình ấy và cũng rất tự hào vì có phần đóng góp nhỏ bé vào những tấn dầu đã khai thác được của ngành Dầu khí Việt Nam.
Lê Đức Yên
Năng lượng Mới 550
-
Sẵn sàng bứt phá với Marathon Cà Mau 2024 - Cúp Petrovietnam
-
Đoàn Thanh niên Vietsovpetro tổ chức sinh hoạt chuyên đề về an toàn và sức khỏe
-
Doanh nghiệp dầu khí là biểu tượng của quan hệ hợp tác Việt Nam – Liên bang Nga
-
Vietsovpetro: Chính sách nhân viên và chế độ phúc lợi cho NLĐ là nền tảng để phát triển bền vững