Niềm tin và đoàn kết là chìa khóa để PVEP đứng vững trước thách thức

17:00 | 26/05/2022

5,344 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nhân dịp kỷ niệm 15 năm Thành lập Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), chúng tôi đã có buổi phỏng vấn TS Ngô Hữu Hải - người có nhiều năm gắn bó với những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển của PVEP.

PV: Là CEO PVEP giai đoạn khó khăn nhất lịch sử của ngành Dầu khí và PVEP, ông có chia sẻ gì về PVEP giai đoạn này?

Ông Ngô Hữu Hải: Những năm 2016 - 2017, có thể nói là thời điểm ngặt nghèo nhất trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của PVEP kể từ khi thành lập.

Tôi còn nhớ thời điểm đầu năm 2016, khi tôi đang chủ trì một cuộc họp tại Thăng Long JOC thì nhận được tin giá dầu xuống chỉ còn hơn 26 USD/thùng. Tôi đã xin dừng họp, ra ngoài lấy một tách cà phê và bần thần mất một lúc. Quả thật, lúc bấy giờ PVEP đang rất khó khăn về mọi mặt, về rủi ro tài chính, về áp lực xã hội... và giá dầu đang từ 115 USD nhanh chóng sụt xuống chỉ còn hơn 26 USD như dội một gáo nước lạnh. Trong khi đó, giá thành sản xuất một thùng dầu của PVEP lúc đó vào khoảng 55-60 USD/thùng, có nghĩa bán đi chắc chắn sẽ lỗ mất một nửa. Với sản lượng khai thác khoảng 4 triệu thùng dầu/ngày trong toàn PVEP lúc bấy giờ, thực sự đây là một bài toán vô cùng nan giải. Nếu không nhanh chóng tìm ra giải pháp sẽ sớm dẫn đến tình trạng mất cân đối tài chính vô cùng nghiêm trọng.

TS. Ngô Hữu Hải
TS. Ngô Hữu Hải

Đáng mừng rằng sau đó khoảng 5 tháng, giá dầu chạm lên được mốc 53 USD/thùng. Nhưng, khi vừa vui mừng, thở phào nhẹ nhõm thì chúng tôi lại tiếp tục trong tâm trạng hồi hộp khi giá dầu lên xuống quanh mốc 45-50 USD/thùng trong vài năm tiếp theo. Có thể nói, việc giá dầu lên xuống cũng có một chu kỳ nhất định, dao động theo cung cầu trên thị trường thế giới, như chúng ta chứng kiến thời điểm tháng 4/2020, giá dầu còn xuống tới mức -37 USD/thùng, cho đến hiện tại lại tăng lên trên dưới 110 USD... Kể ra như vậy để thấy được rằng, áp lực về giá dầu là điều mà người làm dầu khí thường xuyên phải đối mặt, vấn đề là chúng ta phải có thái độ tích cực và cách ứng xử chuyên nghiệp thế nào với việc giá dầu thay đổi để chủ động thích ứng với tất cả các kịch bản giá dầu.

Quay trở lại bối cảnh giai đoạn trước, trong điều kiện giá dầu giảm sâu như vậy, hoạt động tìm kiếm, phát triển dự án mới của PVEP gặp rất nhiều khó khăn. Việc buộc phải cắt giảm đầu tư cho công tác khoan thăm dò, khoan bổ sung các giếng khai thác, dẫn đến việc suy giảm sản lượng tự nhiên. Trong khi đó, PVEP không có quỹ đầu tư cho công tác tìm kiếm thăm dò, cộng với những tồn tại, bất cập về cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực thăm dò khai thác vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời, nếu tình trạng này kéo dài, bắt buộc PVEP phải giảm sản lượng khai thác, ít nhất là 10-20%, thậm chí 30-40% trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, những yếu tố khó khăn khác như an ninh thế giới bất ổn, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy thoái, cơ chế tài chính chưa phù hợp, đặc biệt là những hệ lụy từ các dự án mà PVEP đầu tư không thành công trước đó vẫn chưa có giải pháp xử lý phù hợp... đã đặt PVEP trước những thách thức vô cùng lớn, như một con tàu đang phải vật lộn vượt qua muôn ngàn cơn sóng dữ.

PV: Thưa ông, những yếu tố nào đã đưa PVEP vượt qua giai đoạn khủng hoảng giá dầu thô?

Ông Ngô Hữu Hải: Trong giai đoạn khủng hoảng như vậy, PVEP xác định hơn lúc nào hết, ngoài sự hỗ trợ, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và đặc biệt là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), bản thân PVEP phải nỗ lực rất lớn để tự cứu mình. Chính vì vậy, Ban Lãnh đạo Tổng Công ty đã kêu gọi từng thành viên trong PVEP nỗ lực hết mình, phát huy trí tuệ tập thể, triển khai hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, phải biến những kế hoạch thành hành động, thành mệnh lệnh, thành những giải pháp khả thi và phải thực hiện ngay lập tức.

Chúng tôi định hướng lại chiến lược của PVEP cả ngắn hạn và dài hạn; lấy nguyên tắc lành mạnh hóa tình hình tài chính làm trụ cột, xây dựng các kế hoạch triển khai sản xuất kinh doanh các năm với kịch bản giá dầu phù hợp, nhằm đảm bảo sự tồn tại và ổn định của Tổng Công ty trong điều kiện phương án tài chính khả thi nhất có thể. Bên cạnh đó là rà soát, sàng lọc, sắp xếp lại 52 dự án đang triển khai, có kế hoạch đầu tư phù hợp khả thi nhất, hiệu quả nhất. Cắt giảm ngay những mục đầu tư không hiệu quả, còn lại đẩy mạnh công tác cải tiến quản trị về doanh nghiệp.

pvep-khai-thac-thung-dau-thu-10-trieu-tu-sa-mac-lua-sahara-1
TS.Ngô Hữu Hải (thứ 2 từ trái sang) trao đổi với các cán bộ, kỹ sư tại dự án Bir Seba

Trước sức ép lớn về cân đối dòng tiền do tác động xấu từ giá dầu duy trì thấp, PVEP đã đưa ra rất nhiều giải pháp tối ưu như cắt giảm đầu tư, giảm chi phí vận hành khai thác và các chi phí quản lý hành chính, đàm phán giảm chi phí lãi vay... với mục tiêu tối ưu sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, đảm bảo tính thanh khoản tài chính và dòng tiền các dự án.

Ban Lãnh đạo PVEP cũng đã rất quyết liệt trong công tác tái cấu trúc, tiến hành đánh giá lại nhân sự cả về năng lực, trình độ, mức độ cống hiến một cách công tâm, chính xác, làm căn cứ cho việc luân chuyển cán bộ, bổ nhiệm cán bộ và thí điểm thành công việc lựa chọn cán bộ cấp trung một cách dân chủ, khơi thông được nguồn lực chất lượng cao, xây dựng cho PVEP một môi trường làm việc minh bạch, chuyên nghiệp, công bằng và dân chủ hơn. Chúng tôi đã phát động và khuyến khích các hoạt động sáng kiến, sáng chế, cải tiến hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhất, mới nhất, để tiết kiệm chi phí.

PVEP cũng tiếp tục đẩy mạnh văn hóa doanh nghiệp, tạo nên bản sắc riêng PVEP, đồng thời vẫn có phong cách chuyên nghiệp của một công ty dầu khí quốc tế. Với phương châm “Tam đồng: Đồng lòng vượt khó - Đồng thuận tầm nhìn - Đồng hành đích đến”, chúng tôi đã chủ động triển khai các biện pháp để ổn định tư tưởng cho người lao động, xây dựng không gian đối thoại, dân chủ, cởi mở, minh bạch, thể hiện rõ quyết tâm “Giá dầu có thể giảm nhưng niềm tin của người lao động vào sự phát triển của PVEP và tương lai của ngành Dầu khí không hề suy giảm”. Có thể nói, niềm tin, sự đoàn kết trong tập thể Lãnh đạo và người lao động là chìa khóa để PVEP đứng vững trước những khó khăn, thách thức lúc bấy giờ. Từ Lãnh đạo cao nhất đến từng người lao động trên các công trình, giàn khoan... đều thật sự chung một suy nghĩ, một hành động và tạo ra được một sức mạnh tổng hợp để PVEP vượt khó, đạt được thành công, tiếp tục nuôi dưỡng niềm tin để luôn tiến về phía trước.

PV: Là người gắn bó nhiều năm và có nhiều đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển PVEP, những điều gì tại PVEP đã để lại ấn tượng mạnh trong ông?

Ông Ngô Hữu Hải: Tôi có duyên với PVEP từ năm 2003, khi PVEP chính thức được giao quyền trực tiếp điều hành hoạt động khai thác mỏ Đại Hùng. Trong khoảng thời gian gần 15 năm, điều để lại trong tôi cảm xúc mạnh mẽ nhất chính là sức mạnh, là tinh thần đoàn kết của một tập thể người lao động đầy bản lĩnh, trí tuệ, có một niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Có những con người hầu như dành hết cuộc đời mình để làm việc, để trăn trở, cống hiến cho ngành dầu khí. Có thể nói, trong nghề này, con người là yếu tố quyết định thành bại. Và chính những người lao động đầy tâm huyết, có năng lực, có trình độ tay nghề cao, mang trong mình bao hoài bão, khát vọng đã từng bước xây dựng nên một PVEP là một đơn vị E&P thực thụ, một cánh tay phải đắc lực của Petrovietnam, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tiên phong trong hội nhập kinh tế quốc tế.

PV: Trải qua giai đoạn khó khăn vừa qua, xin ông chia sẻ về bài học kinh nghiệm mà PVEP rút ra để làm cơ sở cho những định hướng trên con đường phát triển của Tổng Công ty?

Ông Ngô Hữu Hải: Một trong những bài học quan trọng, theo tôi đó là phải vững niềm tin. Dù có khó khăn đến thế nào, dù phải trả giá bao nhiêu cho những sai sót, thất bại trong quá khứ, thì người lao động dầu khí nói chung, người lao động PVEP nói riêng luôn phải giữ vững niềm tin rằng, công việc chúng ta đang làm ngày hôm nay trong hành trình tìm kiếm, khai thác những mỏ dầu là để mang lại lợi ích tốt nhất cho đất nước, cho nhân dân; vững

niềm tin vào tương lai của dầu khí sẽ càng ngày càng phát triển tốt đẹp. Và để giữ vững được niềm tin đó, tôi cho rằng chúng ta cần giữ được tinh thần “tam tự”: ‘‘Tự hào về truyền thống, tự trọng về nghề nghiệp và tự tin vững bước đi lên’’.

Chúng ta có quyền tự hào về truyền thống hơn 60 năm của ngành Dầu khí, tự hào về ý chí nội lực, tinh thần yêu nước và khát vọng của những người làm công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và lấy đó làm cơ sở để xây dựng lòng tự trọng về nghề nghiệp. Thăm dò khai thác dầu khí là một lĩnh vực rất đặc thù, trong đó, dù chỉ một sai số nhỏ trong kỹ thuật, hoặc một quyết định đúng hoặc sai, nhanh hoặc chậm, đều có thể thay đổi số phận thành bại của một dự án. Người làm dầu khí, không chỉ mất 5 hay 10, 15 năm, mà có khi phải dành cả cuộc đời, cả sự nghiệp để theo đuổi một dự án như vậy. Trong hành trình đó, lòng tự trọng về nghề nghiệp luôn cần được nuôi dưỡng và bồi đắp, để làm động lực phát triển cho chính bản thân mình, để không ngừng học tập, trau dồi, rèn luyện, tất cả vì sự phát triển, vững bước đi lên của đơn vị.

Và cuối cùng, tự tin để vững bước. Tôi luôn có một niềm tin mạnh mẽ vào sự phát triển của ngành Dầu khí. Hiện nay, xu hướng chuyển dịch năng lượng từ nguồn năng lượng nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh khác khiến chúng ta không khỏi lo lắng cho tương lai của ngành Dầu khí. Đây đúng là một trong những thách thức không nhỏ mà những người làm dầu khí chắc chắn sẽ phải đối mặt. Tuy nhiên, chúng ta đều biết, dầu, khí không chỉ là nguồn nhiên liệu tạo ra năng lượng mà còn là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như công nghiệp hóa chất, phân bón và nhiều ngành nghề khác, là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, quan trọng và cần thiết đối với đời sống xã hội. Chính vì vậy, dầu khí vẫn đang là ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận siêu ngạch cho các quốc gia sở hữu, chi phối và tham gia trực tiếp kinh doanh nguồn tài nguyên này. Và việc tự tin, nhìn nhận đúng vấn đề để hoạch định cho tương lai phát triển của lĩnh vực thăm dò khai thác là một điều cần thiết, để chúng ta có thể tiến tới mục đích lớn nhất là khai thác được tối đa nguồn tài nguyên dầu khí quý giá, phụng sự cho sự phát triển của đất nước.

PVEP xứng đáng là doanh nghiệp dầu khí quốc tế tiên phongPVEP xứng đáng là doanh nghiệp dầu khí quốc tế tiên phong
Quản trị biến động trên những nền tảng cơ bản là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của PVEPQuản trị biến động trên những nền tảng cơ bản là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của PVEP
"Giá trị đời người là cống hiến"
Cuộc chiến với siêu bão MolaveCuộc chiến với siêu bão Molave
PVEP đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để phát triển trong tương laiPVEP đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để phát triển trong tương lai
Dự án Bir Seba: Đi qua mùa dịchDự án Bir Seba: Đi qua mùa dịch

Trúc Lâm

DMCA.com Protection Status