NMLD Dung Quất tác động thế nào đến giao thông miền Trung?

05:48 | 17/09/2023

19,211 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất được Đảng và Nhà nước trao nhiệm vụ tối quan trọng: Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế miền Trung. Thời gian đã chứng minh NMLD Dung Quất thực hiện tốt những nhiệm vụ đó. Ở góc nhìn nhỏ hơn, nhà máy đã có những tác động tích cực vào sự phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, logistics... tại miền Trung.
NMLD Dung Quất tác động thế nào đến giao thông miền Trung?
Việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng tại các công trình dầu khí sẽ tạo cơ sở cho hạ tầng giao thông phát triển

Khi một dự án dầu khí lớn được triển khai, việc đầu tiên mà địa phương được thụ hưởng chính là hạ tầng giao thông. Bởi để vận chuyển những thiết bị siêu trường, siêu trọng phục vụ cho việc xây dựng công trình dầu khí thì phải có các con đường lớn, chịu được trọng tải lớn. Sau khi công trình hoàn tất xây dựng, sự phát triển kinh tế địa phương đó tốt dần lên, hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư. Đó là hiệu ứng domino về phát triển hạ tầng mà một công trình dầu khí lớn sẽ tạo nên.

Huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là nơi đặt chân của NMLD Dung Quất. Những hiệu ứng về phát triển hạ tầng đường bộ tại địa phương rất mạnh mẽ. Ngoài ra, nhờ có NMLD Dung Quất, hệ thống cảng biển tại vịnh Dung Quất cũng phát triển rất nhanh tại miền Trung. Cảng biển Dung Quất nằm trong Khu kinh tế Dung Quất là cảng biển có diện tích kho bãi 45,3 ha, lớn nhất so với các cảng biển khác tại miền Trung.

Nhờ có đê chắn sóng ngoài khơi của NMLD Dung Quất, một khu vực rộng lớn bên trong vịnh Dung Quất không bị tác động bởi sóng biển, rất phù hợp cho việc phát triển cảng, dịch vụ logistics. Con đê biển này cao hơn mực nước biển 10m, dài 1,6km, đáy rộng 110m, kết cấu bằng những khối bê tông phá sóng đặc biệt, mỗi khối nặng 29 tấn.

Cảng Dung Quất được định hướng đầu tư phát triển thành cảng tổng hợp, sẽ thu hút nguồn hàng từ khu vực Tây Nguyên khi tuyến Quốc lộ 24 được đầu tư mở rộng hoàn thiện. Tương lai không xa, đây sẽ trở thành cảng hàng hóa vận chuyển than, thép, xăng dầu lớn nhất cả nước. Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cảng Dung Quất là khu bến cảng tổng hợp, container, với các bến cho tàu trọng tải 10-50 nghìn tấn, tàu container có sức chở đến 4.000 TEU.

Hiện tại, các nhà đầu tư đã xây dựng bến cảng chuyên dùng chung cho Khu kinh tế Dung Quất (5 bến) của Công ty TNHH MTV Hào Hưng (hoàn thành năm 2018) và cảng chuyên dùng (11 bến) của Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (hoàn thành năm 2019) và sẽ xây dựng bến cảng tổng hợp số 2, nâng công suất khai thác hệ thống cảng Dung Quất 1 lên hơn 22 triệu tấn/năm.

NMLD Dung Quất tác động thế nào đến giao thông miền Trung?
Khu vực cảng xuất sản phẩm của NMLD Dung Quất đồng bộ với hệ thống cảng tại vịnh Dung Quất

Ngành công nghiệp hỗ trợ của Quảng Ngãi những năm trước khi chưa có NMLD Dung Quất phát triển manh mún, chưa có nhiều đóng góp trong giá trị công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2011 (năm NMLD Dung Quất đi vào vận hành) đến nay, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã có sự phát triển đáng kể, có vai trò ngày càng quan trọng. NMLD Dung Quất đã tạo bàn đạp cho sự phát triển các dự án công nghiệp hỗ trợ như cơ khí - chế tạo, công nghiệp nặng, nhà máy thép, nhà máy đóng tàu, hóa dầu vệ sinh, nhiên liệu sinh học và cả những ngành công nghiệp khác như dệt may, da giày; điện tử, chế biến gỗ, giấy... Các ngành công nghiệp hỗ trợ đã cung cấp nhiều loại nguyên vật liệu, linh kiện góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của một số sản phẩm như máy móc thiết bị điện, cơ khí, điện tử, may mặc, giày dép...

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, khối lượng hàng hóa vận chuyển tại khu vực miền Trung trong năm 2000 là 43.683,89 nghìn tấn. 21 năm sau, khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng lên hơn 8,73 lần, đạt 381.145,9 nghìn tấn. Lấy các mốc thời gian trước, trong và sau khi xây dựng NMLD Dung Quất để so sánh sẽ thấy sự tác động của nhà máy vào khối lượng hàng hóa vận chuyển trên toàn khu vực. Trước năm 2005, lượng hàng hóa vận chuyển tại Quảng Ngãi chỉ chiếm trên 1% tổng khối lượng hàng hóa luân chuyển toàn miền Trung. Từ năm 2006 tới 2010, khối lượng hàng hóa vận chuyển đã tăng lên và chiếm trên 2% khối lượng hàng hóa vận chuyển toàn miền Trung. Đặc biệt, sau giai đoạn NMLD Dung Quất đi vào vận hành, lượng hàng hóa vận chuyển đã chiếm trên 3% tổng lượng hàng hóa vận chuyển của toàn miền Trung.

Khi bắt đầu có Dự án xây dựng NMLD Dung Quất, Quảng Ngãi có mức tăng trưởng đột biến về khối lượng hàng hóa vận chuyển vào năm 2006 (năm cao điểm xây dựng dự án NMLD Dung Quất) tăng 78,01% và năm 2011 tăng 72,86% khi nhà máy đi vào vận hành.

Việc vận chuyển hành khách cũng không ngừng tăng mạnh qua các năm. Từ 93,8 triệu lượt người năm 2000 tăng lên 120,1 triệu lượt người vào năm 2005, tới năm 2011 đã đạt mức 201,9 triệu lượt người và đỉnh điểm là năm 2019 tới 379,7 triệu lượt người. Trong đó, Quảng Ngãi tăng từ 0,9 triệu lượt người năm 2004 lên 1,1 triệu lượt người năm 2005. Tiếp đó, ngay sau thời điểm NMLD Dung Quất đi vào vận hành, số lượng hàng khách vận chuyển năm 2011 đã đạt mức 2,3 triệu lượt người.

Giai đoạn 2000-2004, tốc độ tăng lượng hành khách vận chuyển chung toàn miền Trung là 4,65%/năm, riêng Quảng Ngãi tăng 2,3%/năm, khá thấp. Giai đoạn 2005-2010, lượng hành khách vận chuyển toàn miền Trung tăng lên gấp 2 lần các năm trước đó. Trong đó, Quảng Ngãi có mức tăng cao tới 5,77%/năm, cho thấy tác động nhất định từ việc đầu tư xây dựng NMLD Dung Quất tới lĩnh vực vận tải hành khách tại Quảng Ngãi và miền Trung.

Việc xây dựng NMLD Dung Quất đã có những tác động toàn diện tới kinh tế - xã hội các tỉnh miền Trung. Điều đó thể hiện tầm nhìn đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc quyết định đặt nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước tại khu vực miền Trung.

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cảng Dung Quất là khu bến cảng tổng hợp, container, với các bến cho tàu trọng tải 10.000-50.000 tấn, tàu container có sức chở đến 4.000 TEU.
BSR đặt mục tiêu phát triển xanh để phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượngBSR đặt mục tiêu phát triển xanh để phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng
BSR tổ chức nói chuyện an toàn với chủ đề “An toàn trên cao và an toàn sử dụng khí nén”BSR tổ chức nói chuyện an toàn với chủ đề “An toàn trên cao và an toàn sử dụng khí nén”
BSR đạt nhiều giải thưởng trong Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 13BSR đạt nhiều giải thưởng trong Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 13

Thanh Hiếu

DMCA.com Protection Status