NMNĐ Thái Bình 2 khẩn trương triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 3 năm 2024
Theo đó, để chủ động đối phó với thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nguy hiểm và hạn chế thiệt hại do bão Yagi có thể gây ra, PVPGB yêu cầu Giám đốc NMNĐ Thái Bình 2 khẩn trương thực hiện các công việc: Thông báo tới các nhà thầu đang thực hiện công tác bảo dưỡng sửa chữa định kỳ cũng như đang thực hiện cung cấp than, dầu, đá vôi,... duy trì trực ban, trực 24/24h, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão để kịp thời ứng phó.
Công nhân NMNĐ Thái Bình 2 thực hiện chằng, chống cây xanh trong khuôn viên Nhà máy. |
Thông báo ngay cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng của các tàu thuyền đang hoạt động trên vị trí, đường đi và diễn biến của cơn bão để phòng, tránh, thoát ra không đi vào vùng nguy hiểm của bão; Đồng thời, kích hoạt ngay kế hoạch, quy trình ứng phó với bão gần, chuẩn bị các phương án ứng phó bảo đảm an toàn cho người và bảo vệ tài sản của đơn vị, sẵn sàng tham gia ứng phó, hỗ trợ các đơn vị khác khi được yêu cầu; Thực hiện chế độ báo cáo trong tình hình khẩn cấp theo quy định của Chi nhánh, Tập đoàn.
Thực hiện kế hoạch quy trình ứng phó với bão gần, lãnh đạo, cán bộ NMNĐ Thái Bình 2 đã khẩn trương tổ chức các phương án ứng phó như: Thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống bão của NMNĐ Thái Bình 2; Tổ chức cắt tỉa, chằng chống cây xanh trong khuôn viên Nhà máy; Tổ chức niêm phong cửa chính, cửa sổ, chỉ để lại cửa sử dụng quy trình phòng, chống bão; Làm việc với bếp ăn để lên phương án tích trữ thực phẩm trong thời gian bão diễn ra (dự kiến từ ngày 6/9 đến ngày 9/9/2024); Lập phương án và tổ chức mua sắm/cấp phát lương khô, mỳ tôm, xúc xích,... cấp phát đến từng vị trí trực ca (do mưa bão không thể cấp được cơm ca).
Tổ chức gia cố cửa nẻo trong khu vực nhà điều hành NMNĐ Thái Bình 2. |
Chuẩn bị vật tư y tế, sơ, cấp cứu trong trường hợp sự cố xảy ra, liên hệ với đơn vị y tế gần nhất để có phương án cung cấp xe cấp cứu (nếu cần); Chuẩn bị phương án chỗ ở tại nhà Admin trong trường hợp bão đổ bộ cần di chuyển CBCNV từ khu ở ra nhà Admin tránh trú, phối hợp với Phòng Kỹ thuật An toàn môi trường lên phương án di chuyển CBCNV (nếu cần); Rà soát, kiểm tra hệ thống mạng, kết nối với PVPGB trong trường hợp cần thiết (luôn trong tình trạng sẵn sàng, thông suốt) và tổ chức ứng trực 24/24h tại Nhà máy.
Được biết, NMNĐ Thái Bình 2 vẫn đang tổ chức sản xuất, đồng thời thực hiện tiểu tu Tổ máy số 1. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị phòng, chống lụt bão càng cần phải khẩn trương và toàn diện hơn.
Bùi Công