Nhà máy Đạm Phú Mỹ đón tấn urê thứ 6 triệu:

Nỗ lực và sáng tạo để cho mùa bội thu

07:46 | 13/10/2012

772 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Nhà máy Đạm Phú Mỹ tiếp tục khẳng định năng lực vận hành an toàn và hiệu quả vượt trội, ngày 6/10/2012 vừa qua đã đạt mốc sản lượng 6 triệu tấn urê sau hơn 8 năm hoạt động.

Thành tích này không những góp phần quan trọng vào việc đảm bảo ổn định nguồn cung ứng phân đạm trong nước mà còn minh chứng cho sự phát triển vững mạnh của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo)...

Kể từ khi chính thức hoạt động vào cuối năm 2004 cho tới nay, sản lượng phân đạm do Nhà máy Đạm Phú Mỹ sản xuất đã đáp ứng gần 40% nhu cầu trong nước (tổng nhu cầu sử dụng phân đạm urê cả nước bình quân khoảng 1,6-1,8 triệu tấn/năm), đưa PVFCCo trở thành nhà sản xuất và kinh doanh phân bón hàng đầu của Việt Nam.

Dây chuyền đóng bao sản phẩm Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Nhân dịp đạt mốc sản lượng 6 triệu tấn urê, không thể không nhắc đến phong trào sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất của PVFCCo mà Nhà máy Đạm Phú Mỹ là đơn vị đóng vai trò nòng cốt. Trong số 415 sáng kiến, làm lợi gần 200 tỉ đồng của PVFCCo thì riêng Nhà máy Đạm Phú Mỹ có đến 362 sáng kiến. Trong đó, sáng kiến - hợp lý hóa thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật chiếm 92,8%. Sáng kiến thuộc lĩnh vực cơ khí chiếm tỉ lệ cao nhất (41,9%), tiếp theo là các sáng kiến thuộc các lĩnh vực công nghệ (24,8%), tự động hóa (18,3%).

Trong phong trào sáng kiến của Nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng cần nhắc đến vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên. Theo anh Ngô Xuân Trường, Phó bí thư Đoàn Thanh niên PVFCCo kiêm Bí thư Đoàn Thanh niên Nhà máy Đạm Phú Mỹ, lực lượng đoàn viên, thanh niên chiếm khoảng 33% trong tổng số cán bộ, công nhân viên của PVFCCo, giữ nhiều vị trí quan trọng trong đội ngũ vận hành, bảo dưỡng Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Thống kê cho thấy, trong số 415 sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất của PVFCCo trong giai đoạn 2005-2011 thì có đến 172 sáng kiến là do đoàn viên, thanh niên thực hiện (chiếm 46,7%) và hơn 80 sáng kiến là đồng tác giả hoặc có sự tham gia của các đoàn viên, thanh niên. Tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ, những sáng kiến của các đoàn viên, thanh niên đã giúp giảm số sự cố xảy ra, làm giảm thời gian dừng máy, khởi động lại máy, giảm thời gian bảo dưỡng, sửa chữa. Những sáng kiến này cũng giúp dự báo trước được các rủi ro, sự cố có thể xảy ra, từ đó thực hiện các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Một số sáng kiến tuy không tính được thành tiền nhưng góp phần tối ưu chế độ vận hành của thiết bị, giúp tăng tuổi thọ máy móc, thiết bị, chống ăn mòn, cải thiện điều kiện môi trường làm việc. Đồng thời, các sáng kiến đã được áp dụng rộng rãi trong toàn Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Có thể kể một số sáng kiến tiêu biểu tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ trong thời gian qua như: “Bẻ cong Anchor lớp thứ 2 trước khi lắp vào 10-R-2003” với giá trị làm lợi khoảng 8,8 tỉ đồng/năm; “Giải pháp duy trì nhà máy vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả khi mất nước sông bổ sung thời gian dài” làm lợi 6,1 tỉ đồng/năm; “Hợp lý hóa vận hành nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và an toàn thiết bị cho cương vị tổng hợp NH3, H2 xưởng Ammonia” với giá trị làm lợi 5 tỉ đồng/năm…

Không chỉ là đơn vị dẫn đầu trong việc phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, Nhà máy Đạm Phú Mỹ còn là “cái nôi” đào tạo nhân lực cho ngành. Đến nay, nhà máy đã có một đội ngũ kỹ sư, công nhân hơn 800 người chuyên nghiệp, giỏi nghề. Tại đây cũng đã đào tạo bài bản, chuyên sâu cho hơn 3.000 lượt người, trong đó đào tạo thực hành cho 700 sinh viên, công nhân Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, hơn 500 kỹ sư, công nhân cho Nhà máy Đạm Cà Mau và đào tạo thực hành cho các trường đại học khác. Với 3 phương pháp đào tạo: Đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo tại nước ngoài, nhiều công nhân đã được học lên, giỏi lên và được chuyển lên kỹ sư, nhiều kỹ sư giỏi có phương pháp quản lý, điều hành tốt được bố trí vào các vị trí chủ chốt. 220 thanh niên trong độ tuổi 30 đã được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, điều mà ít thấy ở các doanh nghiệp trẻ khác. Điều đó cho thấy, Nhà máy Đạm Phú Mỹ và PVFCCo chính là mảnh đất ươm các “cây sáng kiến”, là vườn ươm về tài năng, về lý tưởng và khát vọng cho thanh niên…

Nhà máy Đạm Phú Mỹ, với tổng vốn đầu tư 380 triệu USD từ nguồn vốn trong nước, sử dụng công nghệ sản xuất ammoniac của Hãng Haldor Topsoe (Đan Mạch) và công nghệ sản xuất urê của Hãng Snamprogetti (Italia). Tháng 9-2010 hệ thống thu hồi CO2 từ khí thải đi vào hoạt động đã nâng công suất nhà máy từ 740 ngàn lên 800 ngàn tấn/năm.


Thế Vinh

 

DMCA.com Protection Status