Nội lực Petrovietnam từ mỏ Thăng Long - Đông Đô

09:00 | 25/07/2014

1,403 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Lam Sơn JOC (LSJOC) là liên doanh đầu tiên và duy nhất phía Việt Nam đảm trách cả hai chức danh là Tổng giám đốc và Giám đốc Thăm dò ngay từ những ngày đầu tiên quản lý mỏ. Với hơn 11 triệu giờ làm việc an toàn trong hơn 2 năm phát triển mỏ, với tỷ lệ nội địa hóa các dịch vụ trong nước gần 100%, việc đưa hai mỏ Thăng Long - Đông Đô của LSJOC vào khai thác đúng tiến độ đã minh chứng cho sức mạnh nội lực của Petrovietnam (PVN).    

Chặng đường gian nan

Khi giàn Thăng Long First Oil đi vào khai thác ngày 6-6-2014 thì LSJOC đã đi trọn 11 năm kể từ ngày liên doanh dầu khí này được thành lập để tiến hành công tác thăm dò - khai thác tại Lô 01/97 và 02/97. Đây là phần diện tích nhà thầu nước ngoài hoàn trả do đánh giá tiềm năng dầu khí hạn chế. Hai lô này thuộc bể trầm tích Cửu Long, cách bờ biển Vũng Tàu hơn 120km về phía đông. Trong niềm vui mừng khôn tả của tập thể người lao động LSJOC trong đêm lễ First Oil và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba diễn ra đêm 18-7 tại TP HCM, tôi có dịp gặp và trò chuyện với vị Tổng giám đốc đầu tiên của LSJOC từ đầu năm 2003 đến 2009 (khi ông về hưu). Ngồi bên cạnh ông là người bạn thân, chuyên gia về địa chất, nguyên Phó tổng giám đốc Vietsovpetro Trần Hồi. Có dịp ngồi cùng cựu lãnh đạo, tôi nghe và biết nhiều hơn về thời kỳ đầu gian khó của LSJOC, rất tự hào với những chuyên gia, kỹ sư Việt Nam một thời và những người đương nhiệm bây giờ đã làm nên thành tựu của LSJOC hôm nay.

noi luc petrovietnam tu mo thang long dong do
Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Lam Sơn JOC và Huân chương Hữu Nghị cho đối tác PCVL

 Cuối năm 2002, ông Nguyễn Quyết Thắng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Liên doanh Điều hành Chung Lam Sơn (LSJOC) triển khai Hợp đồng ký kết với Petronas tại Lô 01/97 và 02/97, ngoài khơi Việt Nam. Về LSJOC, có rất nhiều việc phải lo ngay từ phút ban đầu trong giai đoạn 1. Phải “chiêu hiền” các “yếu nhân” phụ trách các khâu kỹ thuật, tài chính, hành chính nhân sự và các chuyên gia, các cán bộ tâm huyết trong lĩnh vực thăm dò dầu khí về ngôi nhà chung Lam Sơn, trong số đó có TS Hoàng Ngọc Đang làm Giám đốc Thăm dò (hiện nay là Chủ tịch HĐTV PVEP).

Giai đoạn đầu, rất nhiều người ái ngại cho LSJOC vì đây là một hợp đồng khó mà trước đó nhiều chủ đầu tư đã bỏ dở. Trong khi phía nước ngoài chỉ cam kết vẻn vẹn 1 giếng khoan cho giai đoạn 1 do đánh giá rất hạn chế về tiềm năng dầu khí trong khi các nhà thầu khác thường có cam kết công việc tích cực hơn nhiều.

noi luc petrovietnam tu mo thang long dong do
Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu phát biểu tại lễ First Oil TL-ĐĐ

LSJOC đã phải kiên trì thuyết phục phía Petronas ủng hộ “rót” ngân sách thu nổ thêm địa chấn phần phía bắc. Để củng cố niềm tin cho phía đối tác, đích thân Tổng giám đốc LSJOC đã bao phen ra PVN thuyết khách. Cũng may những người tham gia quyết định như bà Phan Thị Hòa, ông Đỗ Đình Khải, ông Nguyễn Ngọc Sự, ông Đỗ Văn Hà… đều là những người đã biết rõ và tin tưởng vị tư lệnh của LSJOC nên họ hoàn toàn ủng hộ. Lần đầu tiên và cũng là duy nhất, PVN đồng ý đóng góp 2,5 triệu USD chung với nhà thầu để thu nổ thêm 700km2 tại khu vực phía bắc Lô 01/97 trong giai đoạn 1.

Trong thời gian ở Hà Nội, Tổng giám đốc Thắng liên tục giữ liên lạc với LSJOC và cả Cửu Long JOC (CLJOC) nhằm có được một chiến dịch thu nổ tối ưu nhất. Chuyên gia Graem Bone phụ trách về Địa Vật lý và ông Nguyễn Văn Quế, khi ấy là cố vấn kỹ thuật của CLJOC rất phấn khởi khi nghe Tổng giám đốc LSJOC báo tin “chiến thắng”. Sau đó, LSJOC và CLJOC thu nổ chung trên một diện rộng gần 1.500km2 tại phía bắc Lô 15-1 và 01/97 với những điều khoản hợp đồng thuận lợi, tiết kiệm cho mỗi bên ít nhất trên 1 triệu USD thời ấy. Kết quả của đợt khảo sát địa chấn ấy đã cho hàng loạt cấu tạo đẹp như Sư Tử Nâu, Hổ Xám South, Hổ Xám, Hổ Đen... và chứng minh giả thuyết ban đầu là đúng. Lam Sơn JOC đã bắt gặp tầng sinh (tầng Sét D) dày hàng nghìn mét. Một hệ thống dầu khí lý tưởng đã được khẳng định. Đây là tiền đề vô cùng quan trọng cho những bước đi tiếp theo của cả LSJOC lẫn CLJOC.

noi luc petrovietnam tu mo thang long dong do
Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương, PVN, PVEP, Petronas, Lam Sơn JOC và PCVL mở van First Oil TL-ĐĐ

Giếng khoan đầu tiên được đặt tên là Thăng Long-1X đã kết thúc thắng lợi. “Phải nói rằng, đó là những giây phút tuyệt vời của tất cả chúng tôi. Rồi Đông Đô, Hổ Xám, Hổ Xám Nam, Hồ Tây cũng cho những cảm giác nghẹt thở và mừng vui tới tột cùng! Chúng tôi đã trực tiếp lấy dầu lên từ thẳm sâu lòng đất dưới đáy đại dương. Tôi lấy tên Thăng Long, Đông Đô đặt cho các phát hiện thương mại rất sớm này với hy vọng có thể kỷ niệm First Oil đúng vào ngày 10-10-2010 như một hồi kèn chào mừng Thăng Long nghìn năm tuổi”, nguyên Tổng giám đốc Thắng bồi hồi nhớ lại.

LSJOC lập được những kỷ lục như độ sâu tầng móng và tầng cát kết Miocene chứa dầu nông nhất (lần đầu tiên phát hiện ra tầng chứa dầu Miocene Trung tại bể Cửu Long); tỷ lệ giếng thành công cao nhất (8/9 giếng). “Để có được những thành công ấy đòi hỏi người đứng đầu phải có kiến thức, có trách nhiệm và bản lĩnh. Là người trực tiếp theo dõi và điều hành, căn cứ vào tình hình thực tế thi công, trong những trường hợp cấp bách anh phải ra quyết định, thậm chí có khi khác hẳn phương án đã được phê duyệt để có thành công. Đã có lần tôi làm như thế cho giếng khoan HXN-1X và suýt phải trả giá bằng cả sinh mạng chính trị của mình cho dù quyết định thay đổi ấy đã mang lại thành công vang dội. Để đảm bảo chắc thắng, lần ấy tôi đã phải điện cho anh Trần Hồi, Phó tổng giám đốc Vietsovpetro, bạn tôi, cho “mượn” đích danh anh Nguyễn Trọng Trí, chuyên gia thử vỉa số 1 của liên doanh ra giàn trực tiếp chỉ huy thử vỉa. Và đấy cũng là kỷ niệm nhớ đời của anh Trí vì từ rất lâu rồi anh chưa được nhìn lại ngọn lửa nào mạnh đến vậy. Giếng khoan đạt lưu lượng 8.100 thùng/ngày, dù chỉ thử ở tubing với đường kính 3 ½ inch, lập kỷ lục đối với Petronas Carigali Vietnam (PCVL) hồi đó”. Ông cả cười.

Những trợ thủ chuyên gia nước ngoài ngày ấy như Syed Nasrudin, Adam, Amiruzan, Shaharudin (Phó tổng giám đốc); Zulkifli, Farimin (Giám đốc Khoan); Wahab (Giám đốc Tài chính - Kế toán) được ông nhắc đến rất trân trọng: “Mỗi người một cá tính, có cả những ý kiến trái chiều và không thống nhất lúc ban đầu nhưng sau một thời gian sống họ đã hòa đồng và làm việc hết mình vì một gia đình LSJOC đoàn kết và thắng lợi”.

Ông trìu mến khi nhắc tới các Giám đốc Thăm dò sau này như Trần Mạnh Cường (hiện là Phó ban TKTD PVN), Lê Văn Hùng, những cán bộ kỹ thuật Hoàng Ngọc Đông (hiện là Trưởng đại diện của PVEP tại Algeria, Trần Thanh Long (hiện là Drilling Superintedent, chức danh đầu tiên mà người VN đạt được), Trần Hữu Trường Sơn, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Nhị Thủy, Tuy Lê Giang, Mike Wilson, Mike Karson, Mike Allison… nhiệt huyết, cần cù. Nhiều tên tuổi khác đã trở nên quen thuộc trong làng dầu khí tới bao bạn hữu khác của một thời không thể nào quên đều được ông nhắc nhớ.

Tháng 3-2009, Tổng giám đốc Nguyễn Quyết Thắng về hưu, ông Phùng Đắc Hải đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc LSJOC và kế tục sự nghiệp phát triển mỏ Thăng Long - Đông Đô. Cùng với đó là các chuyên gia, kỹ sư được nhắc đến trong đêm First Oil Thăng Long - Đông Đô như Vũ Việt Hưng, Nguyễn Văn Cảnh, Nguyễn Văn Nam, Trần Duy Khang, Đinh Tuấn Kiệt, Nguyễn Ngọc Nga… và nhiều gương mặt ưu tú khác.

Viết tiếp trang sử

Để có những thành công như hôm nay, trước đó đã có biết bao nghiên cứu khả thi được tiến hành để khẳng định rằng, cả 2 mỏ Thăng Long và Đông Đô có thể phát triển được với một phương án phát triển tối ưu bằng 2 giàn đầu giếng (mỗi giàn 12 giếng) không người và tàu xử lý - chứa dầu (FPSO). Trong 2 năm rưỡi qua, CBCNV Lam Sơn cùng với các nhà thầu đã làm việc hết sức mình để hoàn thành các công trình biển, từ thiết kế, chế tạo lắp ráp giàn đầu giếng, lắp đặt hệ thống đường ống nội mỏ, tàu xử lý và chứa dầu, đã khoan 7/22 giếng khoan khai thác. Tất cả các công trình kể trên đã được hoàn thành với chất lượng cao, an toàn và chi phí nằm trong hạn mức phê duyệt. Nhiều triệu đô la đã được tiết kiệm trong quá trình xây dựng mỏ cũng như khoan giếng.

Thăng Long - Đông Đô có lợi thế là tầng sản phẩm chỉ nằm ở độ sâu chừng 2.300m (xếp hạng nông nhất hiện nay) nhưng trữ lượng thuộc hàng mỏ nhỏ, cận biên lại còn có chứa H2S, không cho phép có sai lầm trong lựa chọn công nghệ và quản lý điều hành dự án. Nhưng bằng quyết tâm rất cao, LSJOC và đại diện 2 nhà đầu tư đã chứng minh dự án phát triển mỏ Thăng Long - Đông Đô được nghiên cứu rất kỹ trên cơ sở các luận chứng kinh tế kỹ thuật; trong quá trình triển khai thì được quản lý, điều hành tốt cùng với sự giám sát kiểm tra chặt chẽ của các nhà đầu tư cũng như các phòng, ban chức năng Petrovietnam.

Giàn Thăng Long và giàn Đông Đô do Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng Hải (PTSC M&C), một đơn vị thành viên của PTSC làm tổng thầu từ thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) đến vận chuyển và lắp đặt giàn ngoài khơi (T&I). Đồng thời, PTSC cũng chính là đơn vị cung cấp FPSO cho dự án phát triển mỏ Thăng Long - Đông Đô. Hai giàn Đông Đô và Thăng Long được thiết kế không có người, điện được cấp từ tàu FPSO, công tác điều hành và kiểm soát tự động sẽ được thực hiện thông qua hệ thống điều khiển, nối trực tiếp với FPSO PTSC Lam Sơn.

Với những nỗ lực vượt bậc của các đơn vị liên quan, sau 24 tháng kể từ ngày hợp đồng được ký kết (7/6/2012 - 6/6/2014) FPSO PTSC Lam Sơn đã được đưa vào khai thác và đón dòng dầu đầu tiên an toàn. FPSO PTSC Lam Sơn được đưa vào khai thác chỉ sau 9 ngày từ khi hoàn thành công tác lắp đặt đấu nối (OIC). Dự án thiết kế hoán cải và chế tạo FPSO PTSC Lam Sơn có quy mô rất lớn với (tổng giá trị đầu tư hơn 400 triệu USD), lần đầu tiên do một nhà thầu trong nước, PTSC tự đứng ra thực hiện tất cả các khâu, từ thu xếp vốn dự án, thiết kế, mua sắm, chế tạo, chạy thử, vận chuyển, lắp đặt ngoài khơi, đến vận hành, bảo dưỡng trong suốt thời gian hợp đồng cho thuê tàu với khách hàng Lam Sơn JOC. PTSC đã tận dụng và phát huy tối đa nội lực của các thành viên trong toàn tổng công ty vì sự thành công chung của dự án.

Tổng giám đốc Lam Sơn JOC Phùng Đắc Hải chia sẻ: “Có thể khẳng định rằng, những thành tích của tập thể lao động quốc tế Lam Son JOC kể trên không thể có được nếu không có sự chỉ đạo sát sao, sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo các bên: PVEP và PCVL, Petrovietnam cùng các chuyên gia. Tương tự tất cả các công trình biển của chúng tôi đều gắn liền với tên tác giả khác nhau là những nhà thầu, những người đã vất vả ngày đêm luôn sát cánh cùng chúng tôi như: PTSC, PV Drilling, Vietsovpetro, DMC, POTS, PV OIL, PVE, PVI, VPI, PVD-Baker Huges, Halliburton, Schlumbeger và nhiều nhiều nhà thầu khác nữa…”.

Và đó cũng là khẳng định và niềm tự hào của Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu khi nhắc đến sự tham gia hầu hết tất cả các đơn vị làm công tác dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn, dịch vụ thương mại của Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí. Các đơn vị dịch vụ này đã hoàn thành rất tốt những hợp đồng kinh tế được ký kết với LSJOC và là một phần không nhỏ làm nên thắng lợi của LSJOC ngày hôm nay. Tổng giám đốc PVN đã biểu dương những đóng góp của mảng dịch vụ dầu khí đối với dự án TL-ĐĐ nói riêng và cho hoạt động đầu nguồn của Tập đoàn nói chung. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng phía trước sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức và mong rằng LSJOC cùng với các bên cần đầu tư nghiên cứu, phát huy những sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm khai thác mỏ với hệ số thu hồi dầu cao nhất có thể, nâng cao hiệu quả đầu tư và tối đa hóa doanh thu.

Là một bên đối tác của dự án với tỉ lệ tham gia 50% trong hợp đồng dầu khí Lô 01/97 và 02/97, PVEP đã thực thi nghiêm túc những nghĩa vụ của mình, chỉ đạo sát sao dự án, giải quyết nhanh những vướng mắc nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả về chi phí. Cán bộ biệt phái của PVEP tham gia dự án phát triển mỏ Thăng Long - Đông Đô tại nhiều vị trí từ lãnh đạo cao nhất đến những vị trí chủ chốt, là những chuyên gia giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm cao và đã cùng tập thể LSJOC góp phần quan trọng vào thành công của dự án.

Ông Zulkarnain Ismail, thay mặt Tập đoàn Petronas (Malaysia) đã cảm ơn Chính phủ và Petrovietnam hỗ trợ và chỉ đạo tận tình trong thời gian qua. Vui mừng vì sự hợp tác chặt chẽ giữa PVEP và PCVL trên phương diện là các nhà thầu cùng sự phát triển của hai tập đoàn dầu khí Petronas và Petrovietnam, mà còn thấy sự phát triển về đội ngũ chuyên gia dầu khí Việt Nam tại Lam Sơn JOC, chỉ có 7 chuyên gia nước ngoài tham gia vào hoạt động điều hành trong tổng số 102 nhân viên của công ty.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá rất cao những cố gắng của Lam Sơn JOC, của các nhà đầu tư PCVL, PVEP và Petrovietnam đã đưa 2 mỏ Thăng Long và Đông Đô vào khai thác trong vòng một tháng qua với sản lượng khoảng 5.500 thùng/ngày, góp phần vào gia tăng sản lượng khai thác dầu thô năm 2014 của ngành Dầu khí Việt Nam.

Với việc đưa hai mỏ Thăng Long - Đông Đô vào khai thác thương mại thành công, tập thể lao động Lam Sơn JOC vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, ông Abdull Latif Abrahim và ông Zubaidi Abang Zamhari vinh dự nhận Huân chương Hữu nghị. Đồng thời, nhiều tập thể, cá nhân Lam Sơn JOC vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Công Thương và Bằng khen của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng.

Được biết, LSJOC sẽ bán mẻ dầu thô đầu tiên trị giá khoảng 20 triệu USD. “Kể từ đây LSJOC không còn cảnh chỉ biết tiêu tiền của nhà đầu tư mà đã có tiền nộp lại họ và cho PVN cũng như Nhà nước Việt Nam. Chúng tôi rất tự hào về điều này”, Tổng giám đốc Phùng Đắc Hải xúc động nói.

Chính sự thành công của việc phát huy nội lực trong quá trình phát triển mỏ Thăng Long - Đông Đô sẽ giúp ngành dầu khí Việt Nam bản lĩnh, tự tin làm chủ trong các dự án phát triển mỏ có độ phức tạp tương tự hoặc khó khăn hơn trong tương lai. Bên cạnh giá trị về mặt kinh tế, thương mại thì trong giai đoạn có nhiều căng thẳng trên Biển Đông hiện nay việc đưa mỏ Thăng Long - Đông Đô vào khai thác rất có ý nghĩa về mặt chính trị, góp phần khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên Biển Đông.

 

Nguyễn Thanh

Năng lượng Mới 341

DMCA.com Protection Status